Trong tiếng Mông, ‘Gầu Tào’ có nghĩa là vui chơi ngoài trời. Bởi thế nên lễ hội Gầu Tào được hiểu nôm na là hội xuân được tổ chức ngoài trời. Vào dịp hội xuân lớn nhất năm này, người Mông thường dâng lên những vị thần linh trong đời sống văn hóa tâm linh của họ ước mong cầu con, cầu sức khỏe, cầu gặp mọi điều may mắn, mùa màng bội thu, người dân trong bản có được cuộc sống ấm no, sung túc và thịnh vượng.

Lễ hội Gầu Tào Sapa có điều gì mà đặc biệt đến vậy? 2

Bầu không khí vui nhộn, sống động nơi hội Gầu Tào

Hội Gầu Tào vốn là một lễ hội độc đáo đã xuất hiện từ rất lâu trong đời sống của người Mông tại các buôn làng ở dãy Hoàng Liên Sơn vào dịp xuân về. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, hội xuân lớn nhất này đã được tổ chức tại các buôn làng khác có người Mông sinh sống như Pha Long – Mường Khương, San Sả Hồ, Phong Liên – Bảo Thắng, tạo nên bầu không khí đầu xuân vui tươi, rộn ràng khắp các bản làng người Mông sinh sống.

Theo những truyền thuyết xưa kể lại, trước kia, những cặp vợ chồng người Mông nếu cưới nhau đã lâu nhưng vẫn không sinh được con cái, nếu muốn sinh con được như ý, người chồng sẽ lên một quả đồi nào đó và cầu xin các vị thần đồi, thần núi ‘xanh hấu tào, xanh hấu pề’ với hy vọng các vị thần này phù hộ cho gia đình sinh được một người con trai như ý muốn. Sau đó, gia đình này sẽ bắt đầu tổ chức hội Gầu Tào trong 3 năm hoặc 5 năm và mời anh em, họ hàng và xóm giềng đến chia vui cũng như cùng nhau dâng lời chúc tụng, tạ ơn các vị thần đã phù trợ và giúp đỡ. Nếu như sau thời gian đó mà người vợ may mắn thụ thai và sinh được người con như ý muốn, gia đình đó sẽ tiếp tục tổ chức lễ hội Gầu Tào như lời họ đã hứa đã hứa với các vị thần đồi, thần núi trước đó.

Lễ hội Gầu Tào Sapa có điều gì mà đặc biệt đến vậy? 3

Hội Gầu Tào là lễ hội xuân lớn nhất của tộc người Mông, trở thành dịp để mọi người quây quần bên nhau sau một năm làm lụng vất vả

Cũng chính từ lúc ấy, lễ hội Gầu Tào đã xuất hiện trong đời sống văn hóa của tộc người Mông tại các buôn làng ở dãy Tây Bắc hùng vĩ. Trước kia, hội vốn dĩ đơn thuần mang ý nghĩa gắn liền với việc cầu xin đường con cái thuận lợi và do một gia đình nào đó trong buôn làng đứng lên tổ chức. Và có một điểm đặc biệt rằng trước kia, chỉ có những gia đình nào khá giả, giàu có trong làng mới có thể tổ chức lễ hội đặc biệt này. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, lễ hội Gầu Tào đã được tổ chức thường xuyên và dần dà trở thành một lễ hội rộn ràng, náo nhiệt trong cộng đồng người Mông. Bởi thế nên không chỉ cầu con cái, lễ hội Gầu Tào ngày nay còn là dịp để người dân cầu sức khỏe, may mắn, cầu cho mùa màng bội thu, cuộc sống người dân ấm no, sung túc.

Theo truyền thống trước kia, lễ hội Gầu Tào thường được tổ chức từ ngày mùng 2 đến ngày mùng 4 Tết Âm Lịch. Ngoài ra, nhiều vùng khác có người Mông sinh sống thường chọn ngày thìn (rồng) đầu tiên trong năm để tổ chức hội với mong muốn một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Trước kia, việc tổ chức hội Gầu Tào sẽ do một gia đình trong bản đứng ra tổ chức với sự giúp đỡ của những người anh em, họ hàng thân thích và cả những già làng, trưởng bản. Khi đó, gia đình chủ hội phải nhờ đến một người có uy tín và kinh nghiệm nhất buôn làng đảm nhận vai trò chủ lễ. Người chủ lễ này sẽ cùng ới gia đình chọn ra một người làm chủ cúng cũng như một đội làm nhiệm vụ bảo vệ lễ hội và một đội đảm nhận vai trò nấu ăn phục vụ người dân về tham dự hội.

Thường thì hội Gầu Tào sẽ được tổ chức tại những khu vực đất đai bằng phẳng, có diện tích rộng rãi cũng như sức chứa lý tưởng cho nhiều người tham gia, có thể là trên một quả đồi chẳng hạn. Vào trước ngày diễn ra lễ hội, gia đình chủ hội sẽ cử người dựng cây nêu với mục đích báo hiệu cho dân làng biết địa điểm tổ chức hội Gầu Tào năm nay là ở đâu và để mọi người rủ nhau đến tham dự. Ngoài ra, đối với những người họ hàng, anh em thân thích ở xa, gia đình sẽ cử người đi mời họ trở về tham dự ngày hội xuân lớn nhất trong năm cùng gia đình. Một điểm đặc biệt là mọi người trong làng khi biết tin cũng sẽ tự thông báo với nhau và tụ tập về xem hội, tạo nên bầu không khí náo nhiệt và gia tăng tình đoàn kết, gắn bó giữa mọi người trong buôn làng với nhau.

Biểu tượng chính không thể thiếu trong lễ hội Gầu Tào của người Mông chính là cây nêu, bởi đây là loài cây gắn liền với sự linh thiêng, chính thế nên cây nêu dùng trong hội luôn phải trải qua quá trình chọn lọc kỹ càng, cẩn thận. Cây nêu này phải là cây thẳng, không bị sâu, không bị cụt ngọn và quan trọng nhất là không bị đổ.

Trước khi tiến hành chặt cây, người chủ cúng hoặc chủ nhà phải thắp hương xin các vị thần linh để được chặt cây, sau đó mới tiến hành chặt cây nêu mang về. Một điều cần lưu ý là cây nêu bị chặt không được đổ xuống đất, ngọn cây phải ngả hướng về phía Đông. Và trên đường khiêng cây về mang chôn cũng không được đặt cây xuống đất hoặc để người khác bước qua.

Sau khi mang được cây về, người chủ cúng hoặc chủ nhà cũng chưa được dựng cây lên ngay lập tức mà phải mổ gà, thắp hương khấn các vị thần đồi, thần núi để xin phép ‘họ’ đồng ý cho gia đình tổ chức hội ở tại điểm đó rồi mới tiến hành dựng cây nêu lên. Tùy theo từng vùng mà số lượng cây nêu dựng lên sẽ khác nhau. Người Mông ở các vùng Mường Khương, Sapa sẽ dựng một cây nêu, trong khi người dân tại các buôn làng ở vùng Yên Minh, Đồng Văn và Hà Giang thường dựng ba cây.

Theo quan niệm của người Mông, cây nêu chính là cầu thang giúp đưa những lời cúng đến được vị trí của các vị thần ở trời cao, trong khi người Mông tại vùng Hà Giang tin rằng ba cây nêu của họ chính là ba chiếc cột chống trời. Ngọn nêu luôn phải quay về hướng Đông bởi theo quan niệm của người Mông, đó chính là hướng của sự sinh sôi nảy nở dồi dào. Thường thì trên thân cây nêu, người Mông sẽ treo một dải vải chàm màu đen hoặc đỏ, một cút rượu, một túm ngô, thóc cùng một xâu tiền bạc. Còn dưới gốc nêu, họ sẽ đặt một chum rượu to dùng để thết đãi mọi người đến tham dự.

Sau khi hoàn tất khâu chuẩn bị, ngày lễ và hội chính của hội Gầu Tào sẽ được diễn ra. Và trong hai phần này có những điều gì đặc biệt, cùng tìm hiểu tiếp với Mia.vn nha.

Trong ngày lễ chính, người chủ hội phải mổ gà, lợn, bò tùy theo lời họ đã khấn hứa với các vị thần linh. Thường thì năm đầu tiên họ sẽ mổ lợn, đến năm thứ hai sẽ mổ ba con, và năm cuối cùng là năm co hoặc một con bò. Sau khi mọi lễ vật đã chuẩn bị xong, người chủ cúng sẽ thắp hương, sau đó mang đi cắm dưới gốc cây để khấn các vị tổ tiên với lời khấn rằng “nhưng gia đình đã hứa với các vị thần xanh hấu tào, xanh hấu pề giúp đỡ gia đình sinh được người con trai, nay gia đình tổ chức Gầu Tào mời anh em người Mông khắp các vùng về dự. Mời hai vệ thần về nhận lễ rồi phụ hộ con cháu được khỏe mạnh, làm ăn thuận lợi’”.

Lễ hội Gầu Tào Sapa có điều gì mà đặc biệt đến vậy? 4

Vị chủ cúng bắt đầu dâng bài tế gửi đến các vị thần đồi, thần núi cùng mâm lễ vật do chủ hội chuẩn bị

Khi phần lễ kết thúc thì phần hội với một loạt các hoạt động sinh hoạt văn hóa độc đáo như múa khèn, múa sinh tiền, múa gậy, thi bắn nỏ, đấu võ, hát giao duyên sẽ được diễn ra. Đặc biệt rằng người tham dự phải tuân theo mọi quy định mà gia đình tổ chức hội đưa ra. Thường thì các hoạt động múa khèn, biểu diễn võ thuật và múa sinh tiền có không khí sôi nổi và hào hứng hơn hẳn khi những chàng trai thỏa sức khoe tài. Những người không tham gia sẽ đứng ngoài vỗ tay, hò reo cổ vũ khiến bầu không khí cả một vùng hội trở nên nhộn nhịp và sống động hơn hẳn.

Lễ hội Gầu Tào Sapa có điều gì mà đặc biệt đến vậy? 5

Những điệu múa truyền thống của người Mông tại hội Gầu Tào

Khi đêm về, các chàng trai sẽ thi thố, thổ lộ tâm tình với người bạn gái qua tiếng đàn môi, tiếng sao hoặc những tâm tình kín đáo qua hát ống. Có một điểm đặc biệt là những đôi trai gái đã có vợ, có chồng trong hội này đều được tự do đi tìm bạn tình, rũ bỏ mọi luật lệ đời thường. Khi cuộc thi kết thúc, đội nào hát hay, hát giỏi sẽ được gia chủ mời rượu cảm ơn.

Hội Gầu Tào thường kéo dài từ ba đến năm ngày, sau đó mọi n gười sẽ trở về lại với cuộc sống đời thường. Họ chia tay nhau trong sự tiếc núi và gửi vào những chén rượu lời hứa gặp lại vào mùa lễ hội năm sau, thật đặc biệt đúng không?

Lễ hội Gầu Tào Sapa có điều gì mà đặc biệt đến vậy? 6

Đến với hội Gầu Tào, bạn sẽ có dịp trải nghiệm bầu không khí âm nhạc đậm đà văn hóa của người Mông với các điệu nhảy và điệu hát ấn tượng

Hội Gầu Tào vốn là hội xuân lớn nhất và là lễ hội đặc sắc bậc nhất của tộc người Mông. Nếu có dịp về với mảnh đất Sapa vào những ngày đầu xuân, đừng bỏ lỡ cơ hội được một lần trải nghiệm bầu không khí sôi động, náo nhiệt nơi hội Gầu Tào bạn nhé.