Du lịch An Giang không thiếu những cảnh đẹp trời cho cũng như những món ăn đặc sản làm nên tên tuổi của vùng đất này. Tuy nhiên, nơi đây còn được biết đến bởi thế giới tâm linh huyền bí ẩn chứa sau vẻ đẹp tưởng như dịu dàng và thanh bình ấy. Sự huyền bí ấy được chứng minh rằng, ở An Giang có rất nhiều điểm đến tâm linh được cộng đồng du lịch chú ý và nô nức tề tựu về hàng năm, trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam Châu Đốc. Ngoài ra, vùng đất này còn trứ danh bởi những lễ hội mang màu sắc độc đáo và đôi khi có tính chất hơi rùng rợn. Hãy cùng MIA.vn ngược dòng sông Hậu, trở về với xứ lụa Tân Châu mà khám phá những bí ẩn của Lễ hội hành xác ở Quan Đế Miếu.
1Giới thiệu sơ nét về Lễ hội hành xác ở Quan Đế Miếu
Quan Đế Miếu là một ngôi miếu khá nổi tiếng nằm ở đường Lê Văn Duyệt, trung tâm thị trấn Tân Châu. Quan Đế Miếu nằm ven bờ sông Mê Kông với dòng chảy hiền hòa. Đây là điểm đến tâm linh được cả người dân Đồng Tháp và An Giang ghé đến.
Không nổi tiếng với cảnh quan đẹp đẽ như Khu du lịch cáp treo Núi Sam, cũng không quá trù phú về ẩm thực như vùng Châu Đốc, địa danh này mang một vẻ đẹp rất khác, vừa pha màu tâm linh lại ẩn chứa những điều mà cả khoa học cũng khó lý giải.
Trong suốt nhiều thế kỷ trở lại đây, người dân xứ lụa Tân Châu cứ trông đến dịp Rằm tháng Giêng mỗi năm để được tham dự Lễ cúng Ông ở Miếu Quan Đế (hay còn gọi là miếu Quan Thánh Đế Quân).
Đây là một lễ hội diễn ra thường niên và tạo được tiếng vang trong cộng đồng người dân sống gần khu vực miếu Quan Đế nói riêng và thị xã Tân Châu nói chung. Sở dĩ, Lễ cúng ông ở Miếu Quan Đế tạo được nhiều sự chú ý bởi nơi đây sẽ diễn ra một vài phong tục đặc biệt. Một trong số điều đặc biệt ấy chính là Lễ hội hành xác.
Lễ hội hành xác ở Quan Đế Miếu thường được diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 13 đến ngày 16 tháng Giêng Âm lịch hằng năm. Trong khoảng thời gian này, nơi đây sẽ diễn ra những bí ẩn về mặt tâm linh rất khó lý giải. Chính những bí ẩn này đã mang lại một màu sắc riêng cho nơi đây, khiến mỗi dịp lễ đến, người dân các vùng lân cận lại tề tựu về đây để chiêm ngưỡng những nét văn hóa đặc sắc nhưng không kém phần lạ thường.
Xem thêm: Lễ hội kỳ yên Đình Bình Đức, văn hóa truyền thống của người An Giang
2Câu chuyện về sự ra đời của Lễ hội hành xác ở Quan Đế Miếu
Theo những thông tin mà Cẩm nang du lịch MIA.vn thu thập được, người dân ở nơi đây không biết tự bao giờ đã có lễ hội truyền thống độc đáo này. Chỉ biết Lễ hội hành xác ở Quan Đế Miếu thường diễn ra vào dịp cúng Ông. Tương truyền vào mỗi dịp lễ về, những người được Ông chọn làm xác căn sẽ tự rạch lưỡi lấy máu, sau đó thấm vào các lá bùa được chuẩn bị sẵn. Những lá bùa này sau khi được hong khô sẽ được ban phát cho những người tham dự lễ hội với mục đích chúc phúc cho một năm mới dồi dào sức khỏe, an khang thịnh vượng. Theo quan niệm của người xưa, xác căn phải là người được Ông chọn. Nếu xác căn càng bị hành nhiều, thể chất càng đau đớn thì phúc phần sẽ được lan tỏa nhiều hơn.
Những nhà nghiên cứu thường hay đặt dấu chấm hỏi, liệu Lễ hội hành xác ở Quan Đế Miếu có phải là Thaipusam kiểu Việt Nam. Lễ hội Thaipusam với các hình thức hành xác tương tự diễn ra ở rất nhiều nơi, chủ yếu ở Ấn Độ và các nước Đông Nam Á. Nhưng theo lời kể của ông Hứa Trí Hùng - Trưởng Ban Bảo quản Miếu, ông chỉ biết người xưa đã làm như thế nào thì mình làm tương tự thế, cũng không biết lễ hội này xuất phát từ đâu.
3Những nét đặc sắc của Lễ hội hành xác ở Quan Đế Miếu
Thông thường, để chuẩn bị cho lễ hội được chu đáo, ban tế tự đã thực hiện nghi lễ “Thỉnh Ông” từ mùng 4 Tết Âm lịch. Bàn hương án sau khi đã được lập xong, cũng là lúc mà 4 vị chức sắc cao nhất trong ban tế tự đồng loại thắp hương, khấn thỉnh để xin keo. Khi ấy, cả bốn người chủ tế đồng loạt ném keo xuống nền gạch để xin. Trong trường hợp cả hai keo cùng ở mặt sấp hay mặt ngửa, tức là khi ấy Ông chưa về. Nếu xin được một keo sấp, 1 keo ngửa, tức là Ông đã về. Khi nhận được tin Ông về, đồng loại trống mừng được khua lên dồn dập. Các đội múa lân cũng vào sẵn tư thế chuẩn bị để bắt đầu múa Nghinh Ông.
Vào ngày 13 tháng Giêng Âm lịch, cũng thường được biết đến là ngày lễ đạp đường trong tục cúng Ông, 4 vị chủ tế tiếp tục quỳ hầu xin keo trước bàn hương án. Mục đích của lần xin keo lần này là để xin ý Ông cho việc khai lễ. Nếu nhận được ý kiến keo tốt, một vị chủ tế sẽ đại diện ban tế tự đánh ba hồi trống khai hội.
Điều đặc biệt là sau khi tiếng trống khai hội vừa được kết thúc, một số người dân đang tham dự lễ hội sẽ bắt đầu rời vào trạng thái vô thức và sẽ có hiện tượng nhập xác lên đồng. Những người này còn được gọi là “xác căn”. “Xác căn” sau khi được chọn sẽ xưng danh để vào miếu chầu Ông.
“Xác căn” sẽ xưng danh 5 ông, bao gồm Đường Công, Bửu Công, Lãng Công, Chí Công và Hóa Công. Ngoài 5 ông được xưng danh kể trên, đôi lúc sẽ còn có một số Ông, Bà lạ được xưng danh như Bà Cố hỷ, Hỏa Công Thần tướng.
Nghi thức xưng danh được diễn ra khá rùng rợn. Nếu như ai yếu tim sẽ dễ bị sốc và dẫn đến ngất xỉu. Một số hình thức xưng danh có thể được kể đến như vừa xưng vừa đấm vào người hay tự đập đầu vô cột miếu đến mức phụt máu, có Ông sẽ rút cây đại đao trên bệ thờ với cân nặng lên đến gần chục ký rồi múa, hay dùng dao sắc chém vào người nhưng không chút hề hấn gì, thậm chí còn yêu cầu đun dầu sôi để tắm.
Sau khi xưng danh, các “xác căn” sẽ được đưa lên kiệu và được diễu hành khắp các phố phường lân cận. Trên kiệu vốn có đặt sẵn một chiếc ngai được cắm đinh tua rua nếu “xác căn” ngồi lên là đàn ông. Còn nếu “xác căn” là phụ nữ, trên ngai sẽ được cắm những hàng dao bén ngọt. Trong quá trình diễu hành, “xác căn” sẽ vừa ngồi vừa nhún nhảy trên chiếc ngai ấy. Sau đó sẽ thực hiện những động tác hành xác như dùng thanh sắc nhọn đâm xuyên qua môi, gò má hay dùng kiếm tự cắt vào lưỡi mình. Những hoạt động hành xác của “xác căn” khi diễu hành trên phố đều có sự xuất hiện của máu.
Khi diễu hành, các “xác căn” sẽ đi từng nhà để thấm máu của mình vào tờ giấy các gia đình tự chuẩn bị trước bàn hương án đặt tại hiên nhà. Người dân bản địa cho rằng, nghi thức hành hạ mình của “xác căn” là để dùng máu chuộc lỗi với cõi trên.
Sau đó, “xác căn” sẽ được đưa đến một ngôi am thờ. Am ở đây thực chất là một gian thờ trong một ngôi nhà dân. Trong suốt hai ngày 14 và rằm của lễ hội, “xác căn” và người dân địa phương sẽ tề tựu và quây quần tại am. Những gia đình nào có người bệnh, có chuyện buồn đều có thể đến am để nhờ giải trừ.
Cuối cùng, sau 2 ngày tế lễ tại các am, các “xác căn” sẽ được kiệu đưa trở về Quan Đế Miếu vào sáng ngày 16 để thực hiện nghi lễ tống tàu, xua đuổi những điều xấu xa ra khỏi địa bàn. Xác căn sẽ có nhiệm vụ nhảy xuống sông để tự mình đẩy những chiếc tàu ra càng xa bờ càng tốt. Tàu ở đây chính là những chiếc mô hình được kết thủ công khoảng 5 mét, bên trên được chất đầy đầu heo, bánh trái, muối, gạo.
Với những người dân nơi xứ lụa Tân Châu, Lễ hội hành xác ở Quan Đế Miếu là một lễ hội quan trọng để cầu những điều phúc và tống đi những điều xui rủi trong năm. Nếu như bạn có dịp đến với vùng đất Tân Châu huyền bí, bạn có thể tìm hiểu thêm về lễ hội này cũng như kết hợp du lịch với các điểm đến văn hóa đặc sắc thú vị trong vùng như Chùa Giồng Thành (Long Hưng Tự) hay Thánh đường Hồi giáo Mubarak. Đây sẽ là một lịch trình giúp bạn cảm nhận toàn cảnh nét đẹp huyền bí của vùng đất đa sắc màu văn hóa bậc nhất tại Nam Bộ.