Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ là sự kiện văn hóa biển thường niên được tổ chức tại địa phương này. Đây là thời điểm mà người dân địa phương tìm về những giá trị văn hóa truyền thống cũng như nguyện cầu những điều bình an, may mắn cho gia đình.

Trong tâm thức người dân Cần Giờ, biển cả không chỉ là nguồn sống mà còn là nơi chở che, nuôi dưỡng các thế hệ ngư dân. Hình tượng Cá Ông trong suy nghĩ của người dân địa phương mang ý nghĩa thiêng liêng, may mắn. Vì thế, tín ngưỡng thờ Cá Ông đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa truyền thống của người dân Cần Giờ.

Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ: Bản sắc văn hóa rực rỡ miền biển 2

Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ mang đậm sắc màu văn hóa của người dân địa phương. Ảnh: Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM

Vì mục đích thờ phụng, ngư dân Cần Giờ tại Thành phố Hồ Chí Minh đã lập Miếu Hải Thần để thờ thần Nam Hải (tức Cá Ông, cá Voi). Việc thờ cúng này qua thời gian dài đã dần trở thành lễ hội được người dân tổ chức trịnh trọng. Đó chính là nguồn gốc ra đời của Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ.

Sự ra đời của Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ gắn liền với những truyền thuyết dân gian còn được lưu truyền cho đến ngày nay. Truyền thuyết đầu tiên cho rằng Cá Ông là hiện thân của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát để cứu khổ chúng sinh.

Truyền thuyết thứ hai cho rằng, Nguyễn Ánh trong lần bị quân Tây Sơn truy đuổi đã chạy ra biển và được Cá Ông đưa vào bờ trong lúc nguy khó. Sau khi thắng trận, Nguyễn Ánh đã phong Cá Ông là Nam Hải Đại tướng quân và lập miếu thờ cúng.

Tuy nhiên, ở Cần Giờ còn đang lưu truyền một truyền thuyết riêng khá phổ biến. Tương truyền rằng, Cá Ông đã sao lãng nhiệm vụ để chìm một chiếc ghe trong bão khiến nhiều người mất mạng. Vì lẽ đó, Cá Ong bị Long Vương trừng phạt, cho chém thành ba khúc. Xác Cá Ông trôi dạt vào vùng biển các địa phương Thắng Tam (Vũng Tàu), Phước Tỉnh (Long Đất) và Cần Thạnh (Cần Giờ). Mỗi một làng chài tại đây đã thỉnh bộ phận của Cá Ông vào thờ cúng.

Dù gắn với truyền thuyết nào, thế nhưng tục thờ cúng Cá Ông đều tượng trưng cho tinh thần “uống nước nhớ nguồn” của người dân miền biển. Đây cũng là lễ hội thể hiện lòng biết ơn với những người dân Cần Giờ đi đầu trong việc chế tạo ra ngư cụ hay những người đã bỏ mình lại trong lòng biển sâu.

Ngoài ra, Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ còn là dịp để người dân ven biển nghỉ ngơi, vui chơi sau những ngày đi biển gian khó. Đây cũng là thời điểm mà ngư dân có thể hỏi thăm, chúc tụng nhau cũng như trao đổi kinh nghiệm đi biển. Không những thế, lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ còn được xem là ngày Tết thứ hai của người dân đi biển địa phương này.

Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ: Bản sắc văn hóa rực rỡ miền biển 3

Nguồn gốc Lễ hội Nghinh Ông gắn với nhiều truyền thuyết. Ảnh: Báo Kinh tế đô thị

Trước đây, Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ thường được tổ chức vào khoảng trung tuần của tháng Ba Âm Lịch. Từ năm 19145, do điều kiện đánh bắt nên Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ thường được tổ chức vào Rằm tháng Tám Âm Lịch (từ ngày 15 đến 17 tháng Tám) hàng năm.

Các hoạt động chuẩn bị và nghi lễ phụ có thể được kéo dài trước hay sau đó vài ngày. Đây cũng là thời điểm mà ngư dân đánh bắt được mùa nhất và cũng trùng với dịp lễ Trung Thu của thiếu nhi.

Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ hàng năm được tổ chức tại Lăng Ông Thủy Tướng (hay còn gọi là Dinh Ông Thủy). Ngoài ra, lễ hội này còn được tổ chức tại các điểm như Căn cứ Rừng Sác, Đình Cần Thạnh cùng những con đường ở khu trung tâm Thị trấn Cần Thạnh.

Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ: Bản sắc văn hóa rực rỡ miền biển 4

Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ thường được tổ chức tại Dinh Ông Thủy. Ảnh: Baotangphunu

Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ mang sắc màu văn hóa độc đáo cùng nhiều hoạt động hấp dẫn. Hãy để Cẩm nang du lịch MIA.vn đưa bạn đến khám phá những nghi thức văn hóa độc đáo cùng như các hoạt động thú vị tại lễ hội này nhé!

Phần lễ của Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ được tổ chức trang nghiêm và long trọng với nhiều nghi thức đặc biệt. Mời bạn cùng MIA.vn tìm hiểu trong 3 ngày lễ chính tại đây có nghi thức gì đặc sắc.

Ngày 15 tháng 8 Âm Lịch

Phần lễ ngày 15 tháng 8 Âm Lịch bao gồm các nghi thức như lễ thượng Kỳ (treo cờ), lễ mừng công ngư dân Cần Giờ, lễ cúng bạn cũ lái xưa, lễ cầu an. Mỗi nghi lễ có một sắc màu văn hóa riêng biệt nhưng đều góp phần tạo nên bản sắc văn hóa rực rỡ của Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ.

Ngày 16 tháng 8 Âm Lịch

Ngày 16 là ngày lễ chính của Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ. Trọng tâm của ngày lễ này là nghi thức Nghinh Ông trên biển hay còn được biết đến là lễ cúng Ông. Nghi thức này được thực hiện tại khu vực vùng biển thuộc thị trấn Cần Thạnh vào lúc 10 giờ. Nghi thức cúng Ông được tổ chức trịnh trọng với đoàn Lân Sư Rồng đi đầu. Tiếp đến có xe hoa đước trang trí rực rỡ, cùng đoàn thiếu nhi và bô lão của huyện. Theo sau kiệu Ông còn có những binh tôm tướng cá để hộ tống kiệu, cuối đoàn còn có đội hình cà kheo 30 người do huyện tổ chức. Trong quá trình tổ chức, nhạc lễ luôn được đánh không ngừng kèm theo tiếng trống, chiêng và hương khói nghi ngút tạo nên sự linh thiêng cho buổi lễ.

Sau khi Nghinh Ông, đoàn tiếp tục tổ chức nghi lễ Túc Yết, gồm lễ Xây Chầu võ và lễ Đại Bội. Tại lễ Đại Bội sẽ có phần hát tuồng cho Ông xem tại di tích Lăng Ông Thủy Tướng do Đoàn nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện.

Ngày 17 tháng 8 Âm Lịch

Sau những nghi lễ quan trọng vào ngày 16, ngày 17 sẽ là lúc mà ban chủ sự đứng ra làm Đại lễ cổ truyền, sau đó là lễ tạ ơn Thần Nam Hải (Cá Ông). Đây cũng là lúc bế mạc Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ.

Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ: Bản sắc văn hóa rực rỡ miền biển 5

Phần lễ của Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ được tổ chức long trọng. Ảnh: Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM

Song song với những hoạt động của phần lễ là những trò chơi, buổi diễn văn hóa nghệ thuật được tổ chức tại Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ. Bạn có thể tham gia những trò chơi hấp dẫn như bắt vịt trên biển, trói cua, đá bóng cá kheo, thả chài.

Trong những năm gần đây, các hoạt động thể thao như chạy marathon, bi sắt, cờ tướng, bóng chuyền cũng được đẩy mạnh triển khai ở lễ hội. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tìm thấy những triển lãm văn hóa đặc sắc với chủ đề thành tựu nghề biển cũng như các ngành nghề khác của người dân địa phương.

Bên cạnh các cuộc thi kể trên, những hoạt động sáng tạo nghệ thuật mãn nhãn cũng thường xuyên được tổ chức tại Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ. Tại đây, bạn có thể chiêm ngưỡng các điệu múa lân chuyên nghiệp hay mãn nhãn với hoạt động thả diều đèn nổi tiếng. Ngoài ra, Cần Giờ còn tổ chức thả hoa đăng trên biển song song với hoạt động rước đèn trung thu, tạo nên không gian văn hóa thú vị tại địa phương này.

Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ: Bản sắc văn hóa rực rỡ miền biển 6

Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ có những hoạt động vui chơi hấp dẫn. Ảnh: Báo Pháp Luật

Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ từ lâu đã trở thành một trải nghiệm văn hóa độc đáo của người dân địa phương. Bạn có thể tìm đến nơi đây để hòa mình và tận hưởng không khí lễ hội đặc sắc khi du lịch Cần Giờ. Bên cạnh đó, đừng quên chuẩn bị ngay cho mình một chiếc balo gọn nhẹ để hành trình thêm phần trọn vẹn hơn. Theo dõi thêm MIA.vn để có thể tìm ngay những mẫu balo ưng ý nhất, bạn nhé!