Được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, lễ hội trỉa lúa Quảng Bình (hay còn gọi là lễ hội lấp lỗ) chắc chắn là điểm đến không thể bỏ qua trong cẩm nang du lịch của bạn. Đây là lễ hội quan trọng nhất, là tín ngưỡng linh thiêng của đồng bào người Bru-Vân Kiều. Qua bao nhiêu biến thiên của lịch sử, lễ hội vẫn giữ được những nét truyền thống đặc sắc riêng biệt của mình.

Xem thêm: Lễ hội rằm tháng 3 Minh Hóa, khám phá nét độc đáo miền sơn cước

Tộc người Bru-Vân Kiều chủ yếu sinh sống tại các bản làng trên dãy Trường Sơn ở miền Tây Quảng Bình. Nơi đây khí hậu vô cùng khắc nghiệt, hạn hán, mưa lũ, thiên tai triền miên. Mùa hè thì nắng gió lào khô nóng thổi rát cả da thịt trong khi mùa đông lại lạnh giá và rét mướt. Chính vì thế, đồng bào người Bru-Vân Kiều luôn phải du canh du cư, sống dựa vào tự nhiên, núi rừng, sông suối. Hoạt động sản xuất chủ yếu của người dân là làm nương rẫy và trồng lúa. Hằng ngày họ phát, đốt, cốt, trỉa để có thể sinh tồn. Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng người Bru-Vân Kiều luôn sáng tạo và gìn giữ vốn di sản văn hóa phi vật thể phong phú, chứa đựng nhiều giá trị nhân văn, thẩm mỹ dựa trên các hoạt động thường ngày và tín ngưỡng tâm linh của họ. Lễ hội trỉa lúa Quảng Bình là một trong số đó.

Trỉa lúa (lấp lỗ) là công đoạn cuối cùng của quy trình làm nương rẫy: từ chặt, đốt, cốt rồi đến trỉa. Tuy nhiên, công đoạn này đã được người dân nâng lên thành lễ hội với ý nghĩa là trước khi đem hạt giống được cất giữ kín đáo trong gùi ra, phải trỉa xuống đất để cầu mong các vị thần linh như thần trời, thần nước, thần núi, thần rừng gìn giữ và bảo hộ cho hạt giống được sinh sôi nảy nở, chắc hạt nặng bông khi đến mùa thu hoạch. 

Tương tự như lễ hội đập trống Quảng Bình của dân tộc Ma Coong, lễ hội trỉa lúa Quảng Bình là một trong những lễ hội quan trọng nhất trong đời sống tín ngưỡng và sinh hoạt cộng đồng của người Bru-Vân Kiều với mục đích cầu xin thần linh ban cho cuộc sống no đủ, mùa màng bội thu, chim, chuột, sâu bọ không phá hoại cây ngô, cây lúa của dân làng. Họ tôn thờ thần lúa và xem đây là vị thần linh thiêng nhất mang lại ấm no, hạnh phúc. Có lẽ vì vậy mà người dân nơi đây luôn gìn giữ lễ hội truyền thống này với ý nghĩa là lễ hội lớn nhất trong năm. Nếu phần lễ là lời khấn bày tỏ sự biết ơn trời đất thì phần hội chính là dịp để bà con dân bản cùng quây quần bên nhau, thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó.

Lễ hội trỉa lúa Quảng Bình, tín ngưỡng độc đáo của dân tộc vùng cao 2

Lễ hội trỉa lúa Quảng Bình là tín ngưỡng văn hóa đặc sắc của đồng bào người Bru-Vân Kiều với mục đích cầu mong cuộc sống ấm no, khỏe mạnh. Ảnh: Tiến Quang

Lễ hội trỉa lúa Quảng Bình kéo dài khoảng bốn ngày, từ ngày 11 đến ngày 14 âm lịch ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Trước ngày diễn ra lễ hội, người dân bản xứ đã bắt đầu bận rộn với các công việc chuẩn bị, thôn làng nhờ đó cũng náo nức hẳn lên. Hằng năm cứ đến khoảng thời gian này, những người đi du lịch Quảng Bình lại có dịp vui chung bầu không khí náo nhiệt của lễ hội. 

Như bao lễ hội truyền thống khác, lễ hội trỉa lúa Quảng Bình cũng diễn ra theo hai phần là phần lễ và phần hội.

Người dân bản Khe Cát, xã Trường Sơn kể lại rằng, lễ hội trỉa lúa Quảng Bình luôn luôn được tổ chức ở dưới chân núi Chồng. Ở đây có nhiều cây cổ thụ lâu năm, trên đỉnh là ba ngọn núi cao vút. Khám thờ sẽ được đặt tựa lưng vào núi Chồng, mặt hướng về núi Khe Cát (hay người bản xứ còn gọi là núi Vợ).

Trước tiên là lễ hiến sinh lợn. Khi những tia nắng đầu tiên vừa chiếu xuống vùng đất lễ, hai thanh niên khỏe mạnh của bản sẽ khiêng đến một con lợn trắng và đặt xuống cạnh khe nước chảy. Lúc này, dân bản đứng vòng quanh con lợn và vị già làng sẽ phát lệnh khai lễ. Già làng đứng giữa vòng người, tay trái cầm chai rượu rót đầy chiếc ly thủy tinh ở tay phải và cất lời khấn to cầu xin các vị thần linh ban cho hạt giống được mọc lên thành cây lúa, cây đỗ, cây ngô… khỏe mạnh, tươi tốt, không cho chim chóc, sâu bọ đến phá hoại để mùa màng được bội thu, cuộc sống người dân được ấm no, hạnh phúc.

Sau khi khấn xong, dân bản vai đeo gùi, tay cầm gậy bắt đầu chọc lỗ xung quanh bãi đất để thực hiện nghi thức gieo hạt. Già làng cầm cái nia ở trong đựng ít thóc giống, vừa nhún nhảy như sảy thóc vừa tiếp tục khấn để gọi thần lúa về phù hộ cho dân làng làm ăn thuận lợi.

Lễ hội trỉa lúa Quảng Bình, tín ngưỡng độc đáo của dân tộc vùng cao 3

Già làng cùng dân bản thực hiện nghi lễ khấn vái thần linh

Nối tiếp nghi lễ là phần hội. Sau khi cúng bái xong, dân bản sẽ quây quần, tụ họp bên những mâm cỗ và uống rượu cần. Mọi người vừa ăn vừa trò chuyện vui vẻ. Nếu là du khách tham dự lễ hội, bạn cũng sẽ được người dân mời thưởng thức các món ăn dân dã đặc sản vùng núi rừng Trường Sơn đấy!

Ăn uống xong chính là lúc mọi người cùng nhau chơi các trò chơi dân gian quen thuộc như nhảy lò cò, kéo co, vật tay… Ngoài ra còn có tiết mục ca múa, hát vang những làn điệu dân ca truyền thống để thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó, đùm bọc lẫn nhau của dân làng.

Lễ hội trỉa lúa Quảng Bình, tín ngưỡng độc đáo của dân tộc vùng cao 4

Mọi người cùng uống rượu và bày tỏ lòng biết ơn đến con vật hiến sinh. Ảnh: Phong Nha Explorer

Lễ hội trỉa lúa Quảng Bình, tín ngưỡng độc đáo của dân tộc vùng cao 5

Sau lời khấn, người dân bắt đầu chọc lỗ trên bãi đất để gieo hạt. Ảnh: Phong Nha Explorer

Lễ hội trỉa lúa Quảng Bình, tín ngưỡng độc đáo của dân tộc vùng cao 6

Phần hội với các trò chơi dân gian đặc sắc. Ảnh: Phong Nha Explorer

Lễ hội trỉa lúa Quảng Bình, tín ngưỡng độc đáo của dân tộc vùng cao 7

Người Bru-Vân Kiều tái hiện lại khung cảnh lễ hội trỉa lúa tại ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình

Trên đây MIA.vn đã chia sẻ đến bạn những nét đặc sắc của lễ hội trỉa lúa Quảng Bình. Đây là một sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng truyền thống lâu đời của người Bru-Vân Kiều. Bên cạnh lễ hội độc đáo này, tỉnh Quảng Bình còn có nhiều di sản văn hóa phi vật thể nổi tiếng khác như lễ hội đập trống của người Ma Coong, lễ hội rằm tháng 3 Minh Hóa, lễ hội đua thuyền truyền thống Quảng Bình… chắc chắn sẽ đem đến cho bạn những trải nghiệm ấn tượng. MIA.vn chúc bạn có một chuyến đi vui vẻ và đáng nhớ nhé!