Không chỉ là đặc sản của riêng thị trấn Sapa, măng vầu còn là ‘người con’ của cả vùng Tây Bắc rộng lớn và thường chỉ nhú mầm sau những cơn mưa xuân đầu mùa. Vào lúc này, những người dân tộc thiểu số sinh sống tại Sapa sẽ thường rủ nhau đi thành tốp nhỏ lên núi để đào măng về ăn, cất trữ trong kho hoặc mang ra bán tại các phiên chợ.

Măng vầu Sapa – Mang đặc sản bình dị nơi vùng núi Tây Bắc lên bàn ăn của người miền xuôi 2

Măng vầu - thức quà quý của vùng núi cao Tây Bắc

Không giống như măng chua với vị chua chua đặc trưng, măng vầu có vị ngọt thanh, cả chút vị đắng nữa và thường thì những đọt măng càng già thì vị sẽ càng đắng hơn so với những đọt măng non.Thường thì măng vầu vốn là những gốc tre, nứa non mới nhú được khoảng chừng 20 đến 30cm. Điểm đặc biệt của măng vầu chính là vị ngọt chỉ tồn tại khi măng vẫn còn ở trong lòng đất, ngoài ra nếu đã tách ra khỏi đất thì măng sẽ càng đắng hơn. 

Dường như chẳng có mối liên quan nào giữa những đọt măng non và các giai thoại tình yêu của người dân tộc cả, ấy vậy nhưng măng vầu thì có đó bạn ơi. Những đọt măng vầu Sapa gắn liền với câu chuyện tình yêu của Khôm, nghĩa là ‘đắng’ theo tiếng của người dân tộc Thái – một chàng trai dân tộc thiểu số sống trong gia đình nghèo khổ nơi vùng núi hoang vu.

Tuy gia cảnh có phần khó khăn nhưng chàng Khôm lại rất chịu khó làm những công việc đồng áng nương rẫy và cả săn bắt thú rừng. Chàng có biệt tài thổi khèn rất hay, và chính tiếng khèn du dương réo rắt cả một vùng núi rừng Tây Bắc đã khiến biết bao trái tim của các cô gái bản thổn thức. Có một ngày, tiếng khèn của chàng đã khiến nàng Ban – người con gái xinh đẹp nhất vùng – yêu thích, và nàng đã trao cho chàng chiếc khăn Piêu – món đồ định tình của những người con gái dân tộc vùng cao – hẹn vào mùa xuân sẽ cùng nhau chung bếp lửa. 

Măng vầu Sapa – Mang đặc sản bình dị nơi vùng núi Tây Bắc lên bàn ăn của người miền xuôi 3

Ít ai biết rằng, măng vầu lại gắn liền với giai thoại tình yêu của chàng Khôm và nàng Ban

Thế nhưng, việc tên chúa đất kiên quyết bắt nàng Ban về làm người hầu đã khiến chàng Khôm buộc phải dắt nàng bỏ trốn vào rừng sâu và liên tục bị săn đuổi. Vừa đói lại mệt đến độ kiệt sức, hai người gục xuống bên nhau và chính mảnh đất của quê hương đã ôm trọn cả hai vào lòng. Đặc biệt hơn là ngay trên nấm mộ của nàng Ban có một cái cây mọc lên với những chiếc lá có hình trái tim chung đôi.

Và rồi vào mỗi độ xuân về, những chiếc lá đã rụng xuống, nhường chỗ cho những bông hoa năm cánh trắng ngần với hương thơm ngào ngạt khoe sắc rực rỡ. Trong khi đó, nơi nấm mộ của chàng Khôm lại mọc lên một mầm cây. Vào những ngày xuân về, cây lại đội đất nhú lên những đọt măng có vị đắng tựa mối tình tuyệt vọng của đôi trai thanh nữ tú nơi bản làng. 

Sau này, mỗi lần khi đi thu hoạch măng, những người lớn trong làng vẫn thường kể cho con cháu nghe về một mối tình sâu đậm nhưng có cái kết không trọn vẹn, tựa như lời nhắc nhớ những chàng trai cô gái trong bản phải biết trân trọng và yêu thương nhau hơn nữa. 

Sở dĩ nói măng vầu Sapa là một loại sản vật quý hiếm bởi vì những đọt măng ngon nhất, tươi nhất chỉ mọc ở những bụi rậm hoặc phía sâu nơi rừng rậm và những vùng núi cao, người dân nếu muốn đào măng phải quan sát thật kỹ xem có khe đất nứt nào không. Thường thì trong mỗi chuyến đào măng vầu, người dân phải mang theo bên mình nào thuổng, nào gùi cùng lương khô và nước uống để bắt đầu hành trình đi vào những mảnh rừng sâu.

Công việc thu hoạch măng vầu của người dân tộc vùng núi non Tây Bắc thường bắt đầu vào những ngày đầu tháng Ba và được chia ra làm ba giai đoạn. Trong đó, giai đoạn đầu tiên là họ phải đi tìm măng vầu ở những khe đất nứt vừa bị đùn lên một chút và thường những đụn đất này xuất hiện quanh các gốc cây vầu. Đây chính là giai đoạn khó khăn và vất vả nhất khi họ bắt buộc phải quan sát thật kỹ, đòi hỏi người đào măng phải là những người có nhiều kinh nghiệm nhất hun đúc được sau những chuyến đi vào rừng. Đặc biệt hơn, măng vầu được đào từ dưới lòng dất lên có hương vị ngon nhất và bán rất được giá nên nhiều người dân vẫn cố gắng với hy vọng trang trải được thêm cho cuộc sống.

Sang đến giai đoạn thứ hai, nếu như lúc này không tìm thấy những đọt măng non nằm ủ trong lòng đất, người dân sẽ bắt đầu tìm đến những đọt măng đã vươn ra khỏi mặt đất. Thường thì họ chỉ chọn những đọt măng có độ dài áng chừng từ 20 đến 30cm bởi trong lúc này, măng vẫn giữ được độ ngon và cả độ tươi nữa.

Vào giai đoạn cuối cùng của công việc đào măng vầu, người dân sẽ tiến hành thu hoạch những đọt măng đã mọc cao hơn đầu gối. Tuy nhiên, những đọt măng này thường có chất lượng không quá cao vì chúng đã già và nhiễm gió sương nhiều, ăn vào sẽ có vị đắng và không ngon như hai loại măng non kia.  Tuy nhiên, những người dân tộc thiểu số vùng cao vẫn sẽ hái những đọt măng này về để chế biến thành các món ăn trong gia đình.

Là loại cây lành tính và có thể mọc tại bất kì nơi đâu, thế nên măng vầu cũng mang lại những công dụng tuyệt vời như giúp giảm cân an toàn, giảm thiểu tối đa lượng cholesterol xấu nạp vào trong cơ thể, ngăn ngừa và phòng bệnh ung thư, hỗ trợ tuyệt vời và cải thiện các vấn đề liên quan đến tim mạch, đồng thời tăng cường hệ miễn dịch, chữa các vấn đề liên quan đến dạ dày, phòng ngừa và chống viêm nhiễm cũng như kháng khuẩn và chữa trị các vấn đề liên quan đến hô hấp nữa đó.

Có nhiều cách chế biến măng vầu như đem nướng trực tiếp trên bếp than hồng sau đó đem chấm với muối ớt, hoặc xào măng vầu với lòng gà, thịt lợn, thịt bò hay thậm chí là cả tôm nữa. Tất cả những món ăn này đều có hương vị dân dã bình dị nhưng rất đưa cơm.

Măng vầu Sapa – Mang đặc sản bình dị nơi vùng núi Tây Bắc lên bàn ăn của người miền xuôi 4

Măng vầu xào

Măng vầu Sapa – Mang đặc sản bình dị nơi vùng núi Tây Bắc lên bàn ăn của người miền xuôi 5

Măng vầu nấu cùng thịt gà

Ngoài ra, đối với những đọt măng vầu được thu hoạch trong giai đoạn hai như đã nói phía trên, người dân thường bóc vỏ, rửa sạch, sau đó thái thành từng lát nhỏ và đem ủ chua trong các chum, vại từ 20 đến 30 ngày. Đây cũng là cách làm ra món măng chua – đặc sản của vùng núi Tây Bắc đó.

Còn đối với những đọt măng mọc cao hơn đầu gối, người dân thường mang đi luộc sau đó chấm cùng mẻ chua chưng. Hoặc cầu kỳ hơn, bạn có thể nấu măng vầu cùng cá suối sẽ được một tô canh chua cá nấu măng rất đỗi thơm ngon và đậm đà hương vị bản làng nữa đó.

Mia.vn bật mí với bạn là còn một món đặc sản nổi tiếng tại Sapa được chế biến từ măng vầu và rất được lòng mọi người nữa đó, chính là món măng nem được quấn từ chính những ngọn lá măng xanh um. Măng nem với vị the đắng vương vấn nơi đầu lưỡi, kết hợp cùng vị ngọt và đậm đà của thịt và các loại gia vị quả thật là một hương vị rất đặc biệt và kích thích vị giác

Măng vầu Sapa – Mang đặc sản bình dị nơi vùng núi Tây Bắc lên bàn ăn của người miền xuôi 6

Canh măng vầu nấu cá

Măng vầu Sapa – Mang đặc sản bình dị nơi vùng núi Tây Bắc lên bàn ăn của người miền xuôi 7

Món măng nem đặc biệt

Quả thật không sai khi nói rằng măng vầu là thức quà quý nhưng rất đỗi bình dị của vùng cao Tây Bắc dành tặng cho những người bạn miền xuôi. Nếu có dịp đến với Sapa vào mùa măng vầu, đừng bỏ lỡ cơ hội nếm thử đặc sản này bạn nhé.