1Nguồn gốc lễ hội Chợ Gò
Cứ mỗi độ Tết đến, hàng ngàn du khách thập phương và bà con quanh vùng chợ Gò thuộc thôn Phong Thạnh lại nô nức chuẩn bị cho phiên chợ vui xuân chỉ có duy nhất vào ngày đầu năm mới. Không ai xác định rõ lễ hội chợ Gò có từ bao giờ, chỉ biết nó đã trở thành phong tục truyền thống gắn liền với nếp sinh hoạt cộng đồng và là nét đẹp văn hóa đặc trưng khi mỗi tín đồ du lịch nhắc đến ngày Tết Bình Định.
Tương truyền rằng, vùng Trường Úc ngày xưa là nơi quân Tây Sơn đóng giữ để bảo vệ cảng Thị Nại và thành Hoàng Đế. Tết đến, Hoàng đế Quang Trung ban chỉ dụ cho phép mở phiên chợ Gò từ mùng 1 đến mùng 3 để người dân bản địa có nơi tụ hội vui xuân sau chiến tranh, đồng thời để ba quan tướng sĩ vơi bớt nỗi nhớ gia đình. Không giống những phiên chợ khác, lễ hội Chợ Gò được tổ chức không đơn thuần để kinh doanh, mua bán mà là nơi trao nhau chút lộc đầu xuân, chúc phúc cho mọi người mọi nhà năm mới sức khỏe, bình an và may mắn. Đồng thời, lễ hội còn tạo niềm hứng khởi và động lực tinh thần cho mọi người trước thềm năm mới sắp đến.
Xem thêm: Lễ hội cầu ngư, nét văn hóa độc đáo của người dân xứ biển Quy Nhơn
2Khám phá nét đặc sắc trong lễ hội Chợ Gò
2.1. Du xuân lễ hội Chợ Gò hái lộc đầu năm
Lễ hội Chợ Gò có tính chất của một ngày hội vui xuân hơn là phiên họp chợ đầu năm. Từ sáng sớm, người dân quanh vùng vận chuyển đến chợ những nông sản tươi ngon vừa thu hoạch trước Tết từ trái cây, gánh rau, buồng cau, xấp trầu cho đến mấy cặp gà, thau cá đồng tươi sống... Ở đây cái gì họ cũng bán nhưng được mua nhiều nhất vẫn là trầu cau, đu đủ và trái sung mang ý nghĩa về một năm mới tài lộc, đủ đầy, hạnh phúc.
Điều khiến du khách thích thú khi đến lễ hội chợ Gò là hầu như người ta không đặt nặng chuyện kinh doanh, buôn bán cũng không có sự thách trả hay cãi vã thường thấy. Mọi người đến đây chủ yếu là vui chơi giải trí, gặp mặt bạn bè để cùng chia nhau chút lộc đầu xuân, chúc phúc cho năm mới đầy may mắn, an khang thịnh vượng.
2.2. Tham gia trò chơi dân gian đậm nét văn hóa đất võ Bình Định
Đặc biệt khi du lịch Quy Nhơn vào đầu năm, lễ hội Chợ Gò còn là dịp để bạn khám phá những trò chơi dân gian truyền thống đặc trưng miền đất võ như đập bong bóng, múa lân, đánh cờ, hát tuồng, lô tô, bài chòi đối đáp... Tất nhiên không thể thiếu những màn giao lưu võ cổ truyền tôn vinh truyền thống miền đất Tây Sơn Bình Định cũng như việc huấn luyện quân sĩ dưới thời vua Quang Trung Nguyễn Huệ.
2.3. Mua sắm sản vật dân dã Bình Định
Bên cạnh mua bán cầu lộc, tham gia lễ hội chợ Gò còn là dịp để bạn thưởng thức các món ẩm thực nổi tiếng xứ Bình Định như chả ram tôm đất, bún rạm, nem chua chợ Huyện, bánh xèo tôm nhảy… Bên cạnh đó, bạn còn có thể mua về làm quà cho gia đình người thân những món đặc sản nức tiếng đất võ như bánh hồng Quy Nhơn, bánh ít lá gai hay mực ngào đường v.v...
3Ý nghĩa lễ hội chợ Gò đối với đời sống tinh thần người dân Bình Định
Không đơn giản là nơi vui chơi, lễ hội chợ Gò còn là nét đẹp văn hóa truyền thống, chứa đựng ý nghĩa thiêng liêng trong đời sống tinh thần người dân Bình Định. Đây là dịp mà các thành viên trong gia đình dành thời gian bên nhau, xóa tan bao muộn phiền lo toan trong năm cũ để cùng vui xuân, trao nhau những lời hỏi han chân thành và câu chúc về một năm mới tốt lành hạnh phúc.
Mặc dù hiện nay lễ hội chợ Gò chỉ diễn ra vỏn vẹn trong hai ngày mùng 1 và mùng 2 Tết, nhưng những khoảnh khắc đẹp đẽ cùng giá trị bản sắc văn hóa truyền thống sẽ luôn gắn chặt vào tiềm thức của mỗi người con đất võ thân thiện, mến khách.
Nếu có dịp đến thăm Bình Định ngày đầu năm, lễ hội chợ Gò độc đáo một năm chỉ có một lần chắc chắn sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm đầy mới mẻ và thú vị tại miền đất võ. Để hành trình thêm phần thuận lợi, bạn đừng quên tham khảo ngay những gợi ý khám phá Quy Nhơn, Bình Định đi đâu chơi gì tại cẩm nang du lịch MIA.vn.