1Làng Tây Hồ - Nơi lưu giữ và tái hiện lịch sử qua hình ảnh những chiếc nón bài thơ
Làng Tây Hồ nằm lặng lẽ bên dòng sông Như Ý, thuộc xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Làng cách trung tâm thành phố không quá xa chỉ khoảng 12km. Từ rất lâu, Tây Hồ đã vô cùng nổi tiếng với nghề làm nón, nghề này đã được hình thành và phát triển cách đây hàng trăm năm, làng cũng là một trong những nhân chứng chứng kiến vẻ đẹp văn hóa của những chiếc nón bài thơ xuất hiện trong những năm cuối thập kỷ 50 – đầu thập kỷ 60 của thế kỷ XX, mà đến ngày nay, nón lá cùng với áo dài trở thành những nét đẹp đặc trưng, gây ấn tượng với bạn bè khắp thế giới.
Vừa bước vào cổng làng, bạn sẽ ấn tượng ngay với không gian vô cùng tĩnh lặng, những chiếc nón lá xuất hiện khắp nơi, có thể là tại những cửa hàng hai bên đường hoặc những ngôi nhà đang làm nón lá với màu sắc bắt mắt, rực rỡ, đa dạng họa tiết để bạn thoải thích lựa chọn.
Ngôi làng không chỉ là một địa điểm du lịch yêu thích của người dân ngoài tỉnh mà người bản địa cũng rất yêu thích nơi này. Vì làng Tây Hồ vẫn còn lưu giữ lại khá nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống, gắn liền với câu chuyện ông cha ta thời trước được truyền tải khéo léo qua vẻ đẹp độc đáo, đặc sắc của những chiếc nón bài thơ. Đồng thời, đến với làng Tây Hồ, bạn còn có cơ hội ngắm nhìn và nghiền ngẫm quá trình làm nón với 15 công đoạn vô cùng khéo léo và tinh tế.
2Quy trình để hoàn thành một chiếc nón bài thơ xứ Huế đúng chuẩn
Nguyên liệu chính để làm một chiếc nón bài thư là những lá non của cây bồ quy diệp (hoặc một số nơi sẽ là lá dừa, lá gồi). Lá cây sau khi hái thì được đem phơi khô đến khi chúng dần chuyển sang màu vàng ươm, mỏng dánh nhưng vẫn có cảm giác đàn hồi, chắc chắn là ổn.
Tuy nhiên, để có thể làm nên một chiếc nón hoàn hảo thì không phải dễ dàng, nếu bạn không quen tay thì khi đan hoặc may lá có thể sẽ đan bị lệch, không đều. Với mỗi chiếc nón, phần khung phải được tạo thành từ 16 sợi nan, chuốt mỏng từ những sợi tre một cách công phu. Phần khung nón sẽ được làm tre già, những nhánh tre nữa dẻo dai, bền bỉ, được những người đàn ông cần tút, chẻ cho thật mảnh, thật mỏng thì khi ghép thành khung, nón mới nhẹ được. Sau đó cẩn thận uốn thành một hình vòng thật tròn trịa.
Những tấm lá sau khi phơi khô thì được ủi thẳng. Tiếp đến là công đoạn chằm nón, khúc này thường sẽ do các chị gái thực hiện, vì nó đòi hỏi một sự khéo léo, tỉ mỉ cũng như kiên trì. Những bàn tay nhỏ bé, quen việc nên di chuyển thoăn thoắt luồn lách qua từng nan khuôn nón để cố định phần lá vào khung nón. Cứ lần lượt làm như vậy đến hết phần lá hoặc phần khung là được. Để đường khâu thẳng và đều hơn thì người thợ sẽ khâu theo chiều từ trên xuống dưới, cứ mỗi 1cm thì khâu 3 mũi cước trong suốt. Riêng vành cuối cùng thì khâu cước trắng, với 2 mũi kim cách nhau 2cm để chắc chắn hơn.
Nếu muốn nón trong dầy và chắc chắn hơn thì bạn có thể làm tương tự 2 lần. Và khi đã hoàn tất phần khâu, để chiếc nón trở nên chỉnh chu, không bị lộ quá nhiều điểm chấp nối thì người ta thường sẽ đính thêm cái “xoài” trên đỉnh chóp , vừa giúp che đi phần chóp không được đều, vừa là điểm nhấn tôn lên nét đẹp của chiếc nón. Cuối cùng là công đoạn quét dầu lên mặt ngoài của nón để bề mặt nón được bóng, mượt và bền đẹp hơn với nắng mưa.
Thường trong một gia đình làm nón lá truyền thống Tây Hồ, cả gia đình từ già trẻ, đàn ông hay đàn bà đều sẽ cùng quây quần bên nhau vừa làm việc, vừa trò chuyện nên rất thú vị, có thể nói hoạt động này như gắn liền vào đời sống hằng ngày của họ, trở thành một phần công việc mỗi ngày.
3 Những điều thú vị tại làng Tây Hồ đang chờ bạn khám phá
Mỗi sản phẩm nón lá tại làng Tây Hồ không đơn thuần là một sản phẩm thương mại mà nó còn được những người thợ gửi gắm vào nét đẹp văn hóa, biểu tượng truyền thống của xứ Huế mộng mơ.
Từng Chiếc nón bài thơ thủ công được ra đời từ làng Tây Hồ không chỉ nổi tiếng bởi ý nghĩ cũng như độ tinh xảo, mỏng thanh của nó, mà còn gây ấn tượng bởi sự chỉnh chu đến từng đường kim mũi chỉ. Màu sắc hài hòa, các họa tiết được thiết kế khéo kéo, tái hiện lại hình ảnh hoàn chỉnh của một câu thơ và những điểm tham quan nổi tiếng tại huế. Trong đó, hình ảnh sông Hương núi Ngự là những họa tiết phổ biến thường được chọn đặt cạnh những bài thơ trên chiếc nón.
Sau khi khám phá quy trình làm nón đầy phức tạp, tinh xảo của người dân thì thư thả đầu óc một xíu với khung cảnh xung quanh làng. Làng Tây Hồ đúng chuẩn là một ngôi làng truyền thống, vẫn giữ nguyên vẻ đẹp và sự đơn sơ mộc mạc của làng quê Việt Nam.
Dạo quanh làng bạn sẽ thấy rất nhiều cánh đồng lúa vàng ươm, rộng bát ngát, Hoặc thả hồn vào khung cảnh thiên nhiên xanh tươi, làng quê mộc mạc và đầy bình yên. Tại đây, hình ảnh chiếc nón lá lại được tái hiện một cách gần gũi với cuộc sống hơn, hình ảnh những người dân đội nắng, đội gió, đội sương với chiếc nón lá bên trên chắc chắn sẽ khiến bạn rất ấn tượng.
Những chiếc nón lá bài thơ xứ Huế là một trong những món quà lưu niệm độc đáo không thể thiếu của hầu hết du khách mỗi khi du lịch xứ Huế. Đặc biệt là khi bạn ghé đến làng Tây Hồ thì món quà này lại càng ý nghĩa hơn nữa.
Bạn có thể dễ dàng tìm mua những chiếc nón tại khắp mọi nơi trong làng, có thể là những cửa hàng bán đồ lưu niệm hoặc một số ngôi nhà dân tự làm tự bán. Bạn cũng có thể tìm đến một số địa điểm có hỗ trợ bạn trang trí theo ý thích để tận tay hoàn thành một chiếc nón bài thơ theo phong cách của mình và mang ý nghĩa vô cùng tô lớn nhé!
Làng Tây Hồ với sự phát triển không ngừng về chuyên môn cũng như tay nghề nên ngày càng phát triển và cho ra đời vô số những sản phẩm chất lượng, tinh xảo, tỉ mĩ, vô cùng ấn tượng. MIA.vn tin rằng đây là một điểm tham quan hấp dẫn mà bạn sẽ thích nếu ghé đến, không đơn giản là tham quan một làng nghề, mà đây còn là cơ hội để bạn cảm nhận và hòa vào cuộc sống hằng ngày của người dân nơi đây. Và cuối cùng là đừng quên chọn mua cho mình một vài chiếc nón bài thơ để dành tặng những người thân yêu nhé!