1Tổng quan về nhà thờ Domaine De Marie
Nhà thờ Domaine De Marie là một trong ba nhà thờ nổi tiếng nhất ở xứ sở ngàn hoa. Ngoài cái tên quen thuộc với du khách thì nơi đây còn được biết đến với một cái tên khác là nhà thờ Mai Anh (ngày xưa ở đây có nhiều cây mai anh đào), nhà thờ Vinh Sơn (nguyện đường của các sơ dòng Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn).
Địa chỉ: Số 1 đường Ngô Quyền, Phường 6, Đà Lạt.
Giờ mở cửa: Cả ngày.
Giá vé tham quan: Miễn phí.
Nhà thờ Domaine De Marie có thiết kế theo phong cách kiến trúc Pháp cổ đặc trưng, được khởi công xây dựng vào năm 1940. Tọa lạc ngay vị trí trung tâm của thành phố Đà Lạt, khu vực nhà thờ cũng được mệnh danh là lãnh địa Đức Bà nên rất thu hút du khách lẫn các giáo dân ghé thăm.
Bạn có thể lựa chọn đến nhà thờ vào bất cứ ngày nào và bất cứ thời điểm nào trong tuần. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của nhiều du khách đi trước bạn nên chọn ghé thăm vào khoảng từ 7-11h sáng hoặc từ 14-17h chiều để tránh ảnh hưởng đến các hoạt động của nhà thờ.
Giờ cử hành lễ tại nhà thờ Domaine De Marie vào ngày thường là 17h, còn cuối tuần sẽ có lễ vào 5h45 và 16h30, những ngày đặc biệt sẽ có giờ lễ khác. Du khách cần lưu ý rằng cần hạn chế đi tham quan vào những lúc nhà thờ đang hành lễ, tránh gây mất trật tự, hơn nữa lúc này chúng ta cũng không thể thoải mái tham quan được.
2Hướng dẫn di chuyển đến nhà thờ Domaine De Marie
Nhà thờ Domaine De Marie nằm ngay trung tâm thành phố và chỉ cách chợ Đà Lạt khoảng 10 phút đi xe nên rất dễ di chuyển. Tuy nhiên, nếu bạn là người mới lần đầu đặt chân đến Đà Lạt hoặc không thông thuộc phố xá bản địa thì nên tham khảo trước bản đồ. Cụ thể chúng ta có thể đi qua đường Trần Quốc Toản, Trần Phú hoặc đường Trần Quốc Toản + đường Mai Hắc Đế.
Từ quảng trường Lâm Viên đến nhà thờ Domaine De Marie có khoảng cách từ 3- 3.7km tùy theo cung đường. Sau đây là một số hướng mà bạn có thể cân nhắc:
Đường Trần Quốc Toản => Nguyễn Văn Cừ => Hải Thượng rồi di chuyển tiếp đến nhà thờ (Đây là cung đường ngắn nhất).
Đường Trần Quốc Toản => Lê Đại Hành => Khu Hòa Bình => đường Hai Bà Trưng => Hải Thượng.
Trần Quốc Toản => đến vòng xuyến đi thẳng vào Hồ Tùng Mậu => Trần Phú => Hải Thượng rồi đến nhà thờ (Cung đường dài nhất).
3Khám phá nhà thờ Domaine De Marie Đà Lạt
Nhà thờ được xây dựng từ năm 1940-1944 do phu nhân toàn quyền xứ Đông Dương thời bấy giờ là Jean Decoux đứng ra vận động các giáo dân quyên góp. Trước đây nhà thờ Domaine De Marie là tu viện chính của Dòng tu nữ tử Bác Ái Thánh Vinh Sơn từ năm 1940-1943. Sau năm 1975 thì bên cạnh nhà nguyện và hai dãy tu viện, nơi đây còn cho xây dựng thêm các cơ sở khác để phục vụ cho mục đích công ích.
Nhà thờ đã nuôi rất nhiều trẻ em mồ côi và cũng dạy nghề dệt, thêu, vẽ tranh cho các em. Phía sau nhà thờ là mộ phần của phu nhân Jean Decoux, để ghi nhớ người đã có công xây dựng nhà thờ và cũng hoàn thành tâm nguyện của bà. Phu nhân đã ra đi trong một vụ tai nạn trên đèo Prenn vào năm 1944 trong chuyến đi từ Sài Gòn đến Đà Lạt.
Ấn tượng đầu tiên mà nhà thờ Domaine De Marie mang đến chính là nét đặc trưng của phong cách kiến trúc châu Âu, được xây trên diện tích rộng lên đến 12ha. Điểm đặc biệt mà hẳn ai cũng bất ngờ khi biết đến chính là nhà thờ không dùng xi măng mà sử dụng các loại chất kết dính tự nhiên khác như vôi, mật mía, tường xây bằng đá chẻ tới ngang bệ cửa sổ.
So với nhà thờ cổ điển phương Tây thì Domaine De Marie có nhiều điểm cách tân hơn. Chẳng hạn như vẫn là mặt bằng chữ thập nhưng tỷ lệ tương đối tự do hơn, rộng 11m và dài 33m, có hai đường bậc thang lên cửa chính và nhập lại ở sảnh chính.
Khi bước chân vào khuôn viên nhà thờ chúng ta có thể chiêm ngưỡng rất nhiều loại hoa đang khoe sắc, nhất là hoa hải tiên. Tiền đình có hình tam giác cân, trên đỉnh nhọn nóc mái có gắn một cây thánh giá và phía trước là những cửa vòm nhỏ hình lưỡi mác tô điểm. Chính giữa mặt đứng, gần đỉnh mái là một cửa sổ hoa hồng hình tròn – chi tiết thường xuất hiện trong các nhà thờ của Pháp vào cuối thế kỷ XVII.
Mái nhà của nhà thờ Domaine De Marie có hình dạng tương tự như mái nhà rông của người Tây Nguyên, độ dốc khá lớn và được lợp ngói đỏ sản xuất tại Việt Nam. Các cửa sổ mái nhô ra từ phần mái lớn vừa là nơi để gắn những tấm kính màu từ Pháp, vừa chiếu sáng không gian tốt hơn giúp thánh đường thêm lung linh.
Phần tường được xây theo kiểu kiến trúc vùng Normandie bằng đá chẻ tới ngang bệ cửa sổ. Nhà thờ cũng có màu hồng đậm đặc trưng được giữ nguyên từ lúc hoàn thành cho đến nay. Thời gian đầu nhà thờ Domaine De Marie không có tháp chuông nhưng đến hiện tại đã có tháp chuông được xây ngay phía sau chánh điện.
Khác với Nhà Thờ Con Gà, mặt tiền nhà thờ Domaine De Marie được thiết kế theo hình tam giác cân, trên đỉnh có gắn cây thánh giá biểu tượng. Trước mặt tiền nhà thờ gắn cửa sổ hình tròn mô phỏng theo hình hoa hồng, hai bên hông đỉnh nhà thờ là các cửa sổ tam giác giúp không gian bên trong thánh đường có thêm nhiều ánh sáng.
Bên trong nhà thờ có tượng Đức Mẹ đứng trên quả địa cầu được kiến trúc sư Jonchère người Pháp thiết kế theo hình mẫu phụ nữ Việt Nam vào năm 1943. Tượng do phu nhân toàn quyền Đông Dương Decoux dâng tặng, cao 3 tấn và nặng 1 tấn.
Ban đầu nhà thờ Domaine De Marie là tu viện chính của hơn 50 nữ tu sĩ. Tại đây họ đã làm nhiều hoạt động xã hội như mở nhà trẻ, cô nhi viện… Đến hiện tại tuy dòng tu chính đã chuyển về TP.HCM nhưng nhà thờ vẫn luôn thực hiện tôn chỉ giúp đỡ người nghèo khó. Chẳng hạn như mở cơ sở chăm sóc cô nhi, người chậm phát triển, chữa bệnh cho người nghèo, mở trung tâm miễn phí dạy nghề…
Bên cạnh nhà nguyện và hai dãy tu viện thì hiện nay các cơ sở khác cũng được sử dụng cho các hoạt động công ích. Du khách ghé thăm bên cạnh lựa chọn các món đặc sản Đà Lạt về làm quà thì cũng có thể mua quà lưu niệm do các trẻ mồ côi làm ra hoặc giúp đỡ trẻ em nghèo tại quầy lưu niệm phía sau nhà thờ.
4Địa điểm check-in được nhiều du khách săn đón
Nếu đã từng đặt chân đến nhà thờ Domaine De Marie thì chắc hẳn bạn sẽ có cảm giác vô cùng thỏa mãn với nhiều trải nghiệm ở nơi đây. Thứ nhất chính là chúng ta sẽ có thêm thật nhiều bức hình check-in Đà Lạt để đời. Đồng thời bạn cũng sẽ kịp lưu lại những ấn tượng về kiến trúc, không khí và cả không gian xanh xung quanh.
Vốn là nơi sinh trưởng của nhiều loài hoa đẹp nên có rất nhiều du khách tìm đến đây để chụp hình cùng các giống hoa. Tuy nhiên nếu ghé địa điểm tham quan tại Đà Lạt này bạn phải tuân thủ đúng theo quy định chạy nhảy, nô đùa, ngắt hoa, dẫm đạp lên những chỗ cấm và không vứt rác bừa bãi, có thể chúng ta mới giữ được khuôn viên xanh – sạch – đẹp của nhà thờ.