Vị trí: Dưới chân núi Thổ Sơn, phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang

Quảng trường Nguyễn Tất Thành hay còn gọi là Quảng trường Tuyên Quang, tọa lạc ngay trung tâm thành phố Tuyên Quang, sát cạnh dòng sông Lô thơ mộng. Quảng trường được được khởi công vào đầu năm 2012 trên nền của sân vận động cũ của tỉnh với diện tích 8,5 ha, hoàn thành vào ngày 19/5/2015 đúng vào dịp kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Quảng trường Nguyễn Tất Thành Tuyên Quang là niềm tự hào người dân thành phố từng là Thủ đô kháng chiến, mang đậm đậm dấu ấn lịch sử và văn hóa của các dân tộc vùng Tuyên.

Quảng trường Nguyễn Tất Thành Tuyên Quang, niềm tự hào của Thủ đô kháng chiến 2

Quảng trường Nguyễn Tất Thành tọa lạc ngay trung tâm thành phố Tuyên Quang. Ảnh: Dân sinh - Dân trí

Quảng trường mang tên Bác Hồ là một điểm đến du lịch nổi tiếng của Tuyên Quang. Tại trung tâm Quảng trường nổi bật với tượng đài “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang” tái hiện chuyến thăm lịch sử của Bác vào tháng 3 năm 1961.

Phía trước tượng đài là tác phẩm điêu khắc gồm 7 nhân vật đại diện cho những người đã góp phần dựng xây đất nước. Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở vị trí trung tâm, cao 7,9m, bao quanh là các đại diện cho lực lượng vũ trang, thanh niên, thiếu nhi, phụ nữ, công nhân, trí thức của tỉnh Tuyên Quang và cũng như cả nước.

Phía sau tượng đài là phù điêu tái hiện cây đa Tân Trào - biểu tượng cách mạng Việt Nam và cũng là một di tích lịch sử quan trọng tại Tuyên Quang. Ngoài ra, bức phù điêu còn mô tả các hoạt động phát triển văn hóa và kinh tế của tỉnh.

Quảng trường Nguyễn Tất Thành Tuyên Quang, niềm tự hào của Thủ đô kháng chiến 3

Tượng đài “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang” tái hiện chuyến thăm lịch sử của Bác tại Tuyên Quang vào tháng 3 năm 1961. Ảnh: Vigotrip

Liên kết với tượng đài là đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, được khánh thành vào tháng 8/2014 với diện tích 615m². Đền mang kiến trúc hình chữ Đinh gồm 3 gian chính và 2 gian phụ, được chế tác từ gỗ và hoa văn đậm nét văn hóa dân tộc. Nội thất của đền chủ yếu làm từ gỗ lim và gỗ mít, phù hợp với tín ngưỡng thờ cúng của người Việt.

Quảng trường Nguyễn Tất Thành Tuyên Quang, niềm tự hào của Thủ đô kháng chiến 4

Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh mang kiến trúc hình chữ Đinh. Ảnh: Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Giang

Năm 2022, Sở Ngoại vụ tỉnh Tuyên Quang đã đề xuất công trình Quảng trường tham gia giải thưởng “Phong cảnh thành phố châu Á năm 2022” với tên gọi “Quảng trường Nguyễn Tất Thành – Tinh hoa của núi rừng”. Và kết quả là Quảng trường Nguyễn Tất Thành giành giải thưởng "Phong cảnh thành phố Châu Á 2022", được Ban tổ chức công nhận nỗ lực của chính quyền và người dân trong quá trình xây dựng công trình.

Từ khi khánh thành, Quảng trường đã khẳng định giá trị độc đáo của Tuyên Quang, trở thành biểu tượng phong cảnh đô thị và là nơi tổ chức nhiều sự kiện quan trọng, trong đó có Lễ hội Thành Tuyên thu hút du khách từ khắp nơi.

Quảng trường Nguyễn Tất Thành Tuyên Quang, niềm tự hào của Thủ đô kháng chiến 5

Quảng trường Nguyễn Tất Thành là công trình duy nhất ở Việt Nam giành giải thưởng "Phong cảnh thành phố Châu Á 2022". Ảnh: Báo Lao động

Đối với nhiều người dân Tuyên Quang, Quảng trường mang tên Bác là một công trình mang nhiều dấu ấn.

Quảng trường được coi là công trình chính trị quan trọng, thể hiện tình cảm của nhân dân các dân tộc trong tỉnh dành cho Bác Hồ kính yêu.

Đặc biệt, nguồn kinh phí xây dựng quảng trường chủ yếu từ sự ủng hộ và đóng góp tự nguyện của người dân Tuyên Quang, thể hiện tinh thần đoàn kết của nhân dân cùng sự lãnh đạo sát sao của các cấp chính quyền trong tỉnh, tạo nên công trình tiêu biểu của thế kỷ XXI tại Thủ đô kháng chiến.

Quảng trường Nguyễn Tất Thành Tuyên Quang vẫn luôn là “trái tim” và niềm tự hào của người dân Thủ đô Kháng chiến, đồng thời quảng bá hình ảnh tươi đẹp của Tuyên Quang đến với du khách quốc tế. Nếu có dịp đến với Tuyên Quang bạn đừng quên ghé qua quảng trường nhé!