1Giới thiệu đôi nét về Chùa Phật Tổ (Quan Âm Cổ Tự)
Địa chỉ: Đường Lý Bôn, phường 4, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau
Bên cạnh đặc trưng văn hóa sông nước Cà Mau nức tiếng gần xa, vùng đất cực Nam Tổ quốccòn sở hữu nhiều thắng cảnh và di tích xuất hiện từ thời kỳ khai khẩn đất hoang, mở rộng bờ cõi. Nổi bật trong số đó là ngôi Chùa Phật Tổ (Quan Âm Cổ Tự) - một địa điểm tâm linh đến nay vẫn lưu giữ được dáng vẻ nguyên sơ của lối kiến trúc Nam Bộ với họa tiết cổ kính, mái đình uy nghiêm.
Đây là ngôi cổ tự đầu tiên tại tỉnh Cà Mau được vinh danh và công nhận là Di tích kiến trúc Nghệ thuật cấp Quốc gia vào ngày 24/11/2000. Nằm trên mặt tiền đường Lý Bôn, Chùa Phật Tử cùng tên tuổi lâu đời của mình hiện đang là chốn dừng chân thu hút đông đảo bá tánh Phật tử cũng như tín đồ du lịch thập phương. Có thể nói, đây là điểm đến linh thiêng mà bạn vi vu khám phá miền quê sông nước không thể bỏ lỡ trong hành trình của mình.
Xem thêm: Di tích lịch sử quốc gia Nhà Dây Thép, đầu mối liên lạc thời kháng chiến
2Hướng dẫn cách di chuyển đến chùa
Nhìn chung, cung đường di chuyển tới Chùa Phật Tổ (Quan Âm Cổ Tự) khá dễ đi. Từ khu vực sân bay hoặc các bến xe lớn thuộc địa phận Thành phố Cà Mau, bạn chỉ cần chạy dọc theo đường Lý Thường Kiệt đến ngã 3 Nhà thờ Bảo Lộc, sau đó rẽ phải vào Phan Ngọc Hiển là tới được đường Lý Bôn - nơi tọa lạc của ngôi chùa.
Nhìn chung Quan Âm Cổ Tự có vị trí rất đắc địa nằm gần nhiều điểm dừng chân khác như Chợ nổi Cà Mau, Cảng cá... ngoài ra cách nơi đây chưa tới 2km còn có Chùa Monivongsa Bopharam nổi tiếng không kém. Bạn có dịp vãn cảnh Chùa Phật Tổ có thể thuận tiện ghé thăm những địa điểm tham quan tại Cà Mau này mà không cần phải lo lắng quá nhiều về lịch trình cũng như cung đường di chuyển.
3Khám phá ngôi chùa Phật Tổ nhiều năm tuổi nổi danh khắp Nam Bộ
Được xây dựng từ năm 1840, Chùa Phật Tổ (Quan Âm Cổ Tự) mang đậm nét đẹp kiến trúc thế kỷ thứ 19. Đây là một trong số ít nơi truyền giáo Phật pháp sớm nhất khu vực Nam Bộ nói chung và vùng đất Cà Mau nói riêng. Tên gọi "Phật Tổ" của chùa được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác nhằm thể hiện sự tôn kính từ lâu đời của người dân địa phương đối với vị hòa thượng đã dựng xây nên ngôi cổ tự đó là Hòa thượng Thích Trí Tâm.
Về lịch sử hình thành, truyền thuyết kể lại mảnh đất Cà Mau là vùng lau sậy lớn vào những năm 1800. Hòa vào dòng người khai hoang mở cõi khi này có chàng tiều phu tên Tô Quang Xuân. Trong một lần bổ rìu vào thân bồ đề, lộ ra trước mắt anh là quyển kinh Phật nằm dưới gốc cây. Chàng trai trẻ nhìn thấy thì như được dẫn lối, từ đó dựng am thờ Đức Quan Thế Âm bên bờ kênh Quản Lộ vừa tu tập vừa bốc thuốc chữa bệnh cho dân.
Tương truyền sau một khoảng thời gian khổ luyện, Tô Quang Xuân tụng kinh Kim Cương đã cảm hóa loài cầm thú, thiên hạ nghe tiếng kéo đến xin thuốc và học đạo rất đông. Có người kháo rằng trong số những đệ tử của ông còn có cả cọp dữ, hiện vẫn còn tháp thờ vị môn đệ này trong chùa, gọi là Tháp Sư Cậu. Về phần Tô Quang Xuân, sau này nhờ người dân đóng góp, ông dựng được một ngôi chùa bằng lá đơn sơ. Hương hào Đỗ Văn Viễn trong vùng thấy ông nổi danh thì đem lòng ghen ghét, vu cho Tô Quang Xuân là gian đạo sĩ. Ông bị quan bắt về quản thúc tại Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh).
Thế nhưng đạo hạnh của Tô Quang Xuân trời cao đất dày đều thấu suốt, chẳng mấy chốc đã làm các quan trên kính phục. Ông được đưa về Huế và thọ giới xuất gia ở Chùa Kim Chưởng, được 7 ngày thì viên tịch. Vua Thiệu Trị lúc bấy giờ sắc phong cho Tô Quang Xuân làm hòa thượng, lấy hiệu là Hòa thượng Thích Trí Tâm đồng thời ban phát gấm vóc và cử người đưa di hài ông về lại Cà Mau. Vị vua cũng sửa sang am tranh bên cánh rừng già của Tô Quang Xuân và sắc tứ cho ngôi chùa tên hiệu "Sắc Tứ Quan Âm Cổ Tự". Cái tên "Phật Tổ" ngày nay gắn liền với địa điểm tâm linh này là do người dân trong vùng tôn kinh xem Hòa thượng Thích Trí Tâm như Phật Tổ mà gọi nên.
Tuy đã qua nhiều lần tu sửa nhưng Chùa Phật Tổ (Quan Âm Cổ Tự) cơ bản vẫn giữ được cho mình nét đẹp xưa. Các hiện vật thờ phụng như sắc phong vua ban, tượng gỗ, câu đối, độc bình, chuông đồng, khánh gỗ... cũng đều lưu giữ lại rất trọn vẹn. Có thể nói đây là những minh chứng cho thấy sự phát triển rõ nét của Phật giáo trong thời kỳ người Việt bắt đầu bước tiến quan trọng đó là khẩn hoang đất đai và xây dựng một xã hội cộng cư với 3 dân tộc Kinh, Hoa và Khmer tại miền đất phương Nam rộng lớn.
Về lối kiến trúc, mái chùa hình quả ấn, lợp ngói máng nhằm mô phông mái đình ở vùng đồng bằng sông Cửu Long được xem là điểm nhấn của ngôi cổ tự này. Có dịp vãn cảnh Chùa Phật Tổ, bạn bước qua chiếc cổng hình bán nguyệt và khu vực khuôn viên rộng lớn sẽ ngay lập tức nhìn thấy chánh điện với cấu trúc mái gồm 2 phần là nóc chính và mái nghi môn. Mỗi chi tiết thuộc về hệ thống mái chùa đều sở hữu cho mình ý nghĩa riêng biệt vô cùng độc đáo.
Phần nóc chính đề "Sắc Tứ Quan Âm Cổ Tự" có hình lưỡng long tranh châu cách điệu, phù điêu bên dưới thì mô tả cảnh thiên nhiên thể hiện giá trị nghệ thuật đặc sắc. Trong khi đó mái nghi môn ở tầng thấp hơn lợp ngói máng và mang họa tiết sống động đề "Quan Âm Cổ Tự" phản ánh rõ nét lối thiết kế mái đình Nam Bộ đặc trưng. Những đường cong ở đầu đao khắc họa cảnh cá hóa rồng bằng xi măng ốp sứ cũng góp phần làm nên dáng vẻ ấn tượng của hệ thống mái ngói này.
Tọa lạc bên trong chánh điện Quan Âm Cổ Tự rộng 12m2, nền cao 8cm bên cạnh nhiều tượng Phật như Thích Ca Mâu Ni, Đạo sư A Di Đà Phật... còn có án thờ Hòa thượng Thích Trí Tâm. Công trình nghệ thuật đặc sắc này được đặt trên một bệ cao 1,47m, rộng 1,52m sở hữu nét chạm trổ cùng họa tiết điêu khắc cách điệu vừa phóng khoáng lại vô cùng sinh động. Ở giữa án thờ còn có 2 câu đối dù trải qua bao năm tháng vẫn giữ được nét đẹp sắc sảo đó là "Nhất Tự Quyền Hành Năng Chấn Tính/Chúng Tăng Bảo Chướng Vĩnh An Hòa" tức "Một chữ dọc ngang có khả năng làm tỉnh thức thiên hạ/Giữ cho chúng tăng được bình yên mãi mãi trong công cuộc tu hành".
Ngoài kiến trúc chính, từ cổng Chùa Phật Tổ (Quan Âm Cổ Tự) dẫn vào bên phía tay phải còn có văn phòng Ban Trị sự Thành hội Phật giáo, Trường Trung cấp Phật học Cà Mau, văn phòng Phân ban Đặc trách Ni Giới. Bên trái kiến trúc chính là Tuệ Tĩnh đường miễn phí dành cho người nghèo, Hội quán Gia đình Phật tử, nhà Tăng cùng nhiều hạng mục đặc sắc khác. Nơi đây hàng tuần chính là nơi tổ chức tu học, thuyết giảng Phật pháp đồng thời mỗi năm vào dịp đại lễ Phật giáo như Lễ rằm tháng Giêng, Phật đản... là chốn dừng chân tổ chức các sự kiện thu hút đông đảo tăng ni và Phật tử gần xa tề tựu về hòa cùng không khí tâm linh nhộn nhịp.
Chùa Phật Tổ (Quan Âm Cổ Tự) là địa điểm tâm linh mà bạn có dịp khám phá miền đất Nam Bộ nói chung và vi vu tỉnh Cà Mau nói riêng không thể không thêm ngay vào Cẩm nang du lịch của riêng mình. Với lịch sử hình thành lâu đời và lối kiến trúc cổ kính, uy nghiêm đầy ấn tượng, đây hứa hẹn sẽ chốn dừng chân lý tưởng dành cho bạn đang tìm kiếm không gian tâm linh an yên, tự tại xoa dịu tâm hồn.