1 Giới thiệu về chùa Phước Minh Cung
1.1 Chùa Phước Minh Cung ở đâu?
Địa chỉ: 44 Điện Biên Phủ, Phường 3, Thành phố Trà Vinh
Giờ mở cửa tham quan: 05:00 - 18:00
Chùa tọa lạc ngay trung tâm thương mại sầm uất bậc nhất thành phố – số 44 đường Điện Biên Phủ, phường 3, Trà Vinh. Nơi đây tập trung đông người Hoa sinh sống, thuận tiện cho các hoạt động lễ bái, gìn giữ tín ngưỡng và truyền thống qua nhiều thế hệ. Với kiến trúc độc đáo, chùa Phước Minh Cung cũng trở thành địa điểm tham quan được nhiều người ghé đến.

Chùa Phước Minh Cung là ngôi chùa của người Hoa nổi tiếng ở Trà Vinh. Ảnh: travinh.gov
1.2 Chùa Phước Minh Cung thờ ai?
Phước Minh Cung còn có tên gọi khác là chùa Ông Phước Minh Cung hay Quan Thánh Đế. Theo cẩm nang du lịch MIA.vn tìm hiểu, chùa được xây dựng thờ Quan Công, tức Quan Vũ hay Quan Vân Trường. Ông là biểu tượng cho lòng trung nghĩa, trí dũng song toàn trong lịch sử Trung Hoa thời Tam Quốc. Sau khi mất, Quan Công được tôn làm thánh và việc thờ phụng ông trở nên phổ biến, lan rộng trong cộng đồng người Hoa.

Kiến trúc của ngôi chùa này mang đặc trưng của văn hóa và kiến trúc người Hoa. Ảnh: travinh.gov
Khi biến cố lịch sử khiến nhiều người Hoa rời quê hương, họ mang theo niềm tin ấy du nhập vào Việt Nam. Bộ phận người Hoa đến cư trú tại Trà Vinh đã xây dựng đền thờ Quan Thánh Đế không chỉ để cầu bình an mà còn là cách gìn giữ bản sắc mà cha ông truyền lại. Ngoài Quan Công, Phước Minh Cung còn phối thờ các vị thần khác như: Phúc Đức Chính Thần, Chúa Sanh Nương Nương và hai tướng hầu Quan Bình – Châu Xương.

Không gian chùa rất thanh tịnh, mang theo văn hóa và tín ngưỡng của người Hoa khi du nhập vào Việt Nam. Ảnh: travinh.gov
Phúc Đức Chính Thần trong tín ngưỡng người Hoa là sự kết hợp giữa ba vị: Thổ Công, Thần Tài và Ông Bổn. Ông Bổn là Trịnh Tu Hòa – vị quan nhà Minh từng được cử đi thương thuyết với các nước Đông Nam Á để mở đường cho người Hoa ra nước ngoài lập nghiệp. Chúa Sanh Nương Nương hay còn gọi là Mẹ Thai Sanh, là nữ thần coi sóc chuyện sinh nở và nuôi dưỡng trẻ nhỏ. Với người Hoa, bà là biểu tượng của sự sống và che chở.

Chùa đã được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia. Ảnh: travinh.gov
Với giá trị kiến trúc, điêu khắc, hội họa và vai trò kết nối cộng đồng, năm 2005, Phước Minh Cung được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia. Ngôi chùa không chỉ là nơi thờ tự, mà còn là minh chứng sống động cho sự gắn bó bền vững giữa các dân tộc trên đất Trà Vinh.
Xem thêm: 14 địa điểm du lịch Trà Vinh mang đậm nét văn hóa Khmer Nam Bộ
2 Kiến trúc truyền thống và không gian độc đáo của Phước Minh Cung
2.1 Quy mô chùa Phước Minh Cung
Ngôi chùa tọa lạc trên khu đất rộng hơn 800m², mặt tiền hướng đông ra đường Điện Biên Phủ, lưng tựa về hướng tây nối ra đường Lê Lợi. Thiết kế chùa theo lối “nội công ngoại quốc” quen thuộc của người Hoa. Kiến trúc này mang đặc trưng phần bên trong hình chữ “Công”, bên ngoài hình chữ “Quốc”.

Chùa có quy mô khá rộng với nhiều hạng mục khác nhau. Ảnh: travinh.gov
Theo MIA.vn tìm hiểu, tổng thể chùa gồm ba dãy chính: Tiền điện, Trung điện và Chính điện sắp xếp song song. Hai bên là Tả điện và Hữu điện đối xứng nhau, tạo thành kết cấu hình chữ “Khẩu”. Giữa các dãy có sân thiên tĩnh đón sáng và hành lang nối thông. Toàn bộ chùa Phước Minh Cung lợp ngói lưu ly, chia tầng rõ rệt. Mặt trước các tòa nhà được trang trí bằng các họa tiết truyền thống như lưỡng long tranh châu, bát tiên, hoa lá, thú linh. Mỗi chi tiết đều mang ý nghĩa sâu xa về phúc lộc, hòa hợp và sự trường tồn.
2.2 Kiến trúc tiền điện
Vừa bước vào chùa, bạn sẽ bắt gặp Tiền điện với 16 cột gỗ lim sơn son bóng loáng. Tại đây thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế cùng Tiên hiền và Hậu hiền hai bên. Cột được đặt trên bệ đá vuông – tròn đan xen, tượng trưng cho sự hòa hợp âm dương. Cửa chùa là bốn cánh gỗ quý, khắc họa bốn vị tướng lừng danh Trung Hoa: Tần Thúc Bảo, Uất Trì Cung, Từ Mậu Công và Ngụy Trưng.

Tiền điện xây dựng với những cột gỗ lim chắc chắn, sơn bóng loáng. Ảnh: travinh.gov
Phía trên là bảng hiệu “Phước Minh Cung” bằng chữ Hán. Bao quanh là các phù điêu tinh xảo tái hiện tích cổ như Song tiền, Đào viên kết nghĩa, tứ dân… Bao lam được chạm hình song phụng tranh châu – biểu tượng cho sự sinh sôi, hòa hợp, phát triển.
2.3 Kiến trúc Trung điện
Trung điện là một tòa nhà nhỏ hình vuông, có bốn cột vuông đặt trên bệ đá tròn. Đây là nơi người dân bày lễ vật, dâng hương trước khi vào chính điện. Dù được xây dựng khá đơn giản, trung điện vẫn toát lên sự trang nghiêm, gắn kết chặt chẽ với toàn thể kiến trúc chùa.

Trung điện là nơi người dân dâng lễ thờ cúng. Ảnh: travinh.gov
2.4 Kiến trúc Chính điện
Chính điện nằm đối xứng với Tiền điện, cũng có 16 cột tròn đặt trên đế vuông. Bên trong chia làm ba gian:
- Gian giữa thờ Quan Thánh Đế Quân. Tượng Quan Công đặt chính giữa, hai bên là Quan Bình và Châu Xương. Bên cạnh là tượng ngựa Xích Thố bằng mây được đan tinh xảo. Trên cao đặt bức hoành phi “Càn khôn chính khí”.
- Gian trái thờ Chúa Sanh Nương Nương, nữ thần bảo trợ sinh sản. Phía trên treo bức hoành “Tải sinh tải dục” thể hiện mong cầu con đàn cháu đống trong tín ngưỡng người Hoa.

Chánh điện đặt điện thờ các vị thần linh. Ảnh: travinh.gov
- Gian phải Phước Minh Cung là điện thờ Phúc Đức Chính Thần. Vị thần này là biểu tượng cho tài lộc và che chở, công việc thuận lợi. Hoành phi “Uy linh uy đức” thể hiện sự kính ngưỡng của người Hoa dành cho Ngài.
Dọc theo các gian thờ là nhiều vật phẩm linh thiêng như chuông trống, lư hương, bát bửu, lỗ bộ… Nhiều món cổ vật tại đây đã có lịch sử hơn trăm năm tuổi. Án thờ làm từ gỗ quý, chạm khắc thủ công công phu, thể hiện sự trân trọng trong từng chi tiết.

Tượng Quan Thánh Đế Quân uy nghi, bệ vệ. Ảnh: travinh.gov
2.5 Không gian mỹ thuật sống động và giàu bản sắc
Toàn bộ tường, cột chùa tại Phước Minh Cung đều được sơn son rực rỡ. Trên vách là loạt bức bích họa, chạm gỗ và phù điêu mô tả các tích xưa. Những biểu tượng may mắn như long vân, bát tiên, đào viên kết nghĩa, song long tranh châu… kết hợp cùng với hệ thống hoành phi – liễn đối bằng chữ Hán. Tất cả tạo nên một không gian văn hóa giàu tính triết lý, thể hiện sự tôn trọng trời đất, hiếu nghĩa tổ tiên, đề cao chính khí và sự hòa thuận. Từng nét chạm, từng sắc màu, bố cục đều toát lên mong ước của cộng đồng người Hoa về cuộc sống hòa hợp, thiên nhiên thuận hòa, muôn vật sinh sôi bền vững.

Không gian chùa Phước Minh Cung thể hiện rõ nét văn hóa đặc trưng của người Hoa tại Trà Vinh. Ảnh: travinh.gov
Phước Minh Cung không chỉ là nơi thờ phụng mà còn được ví như “bảo tàng nghệ thuật sống” của người Hoa tại Trà Vinh và cả vùng Nam Bộ. Nơi đây lưu giữ nguyên vẹn kiến trúc, điêu khắc, hội họa và giá trị tâm linh của nhiều thế hệ.
2.6 Lễ hội được tổ chức tại chùa Phước Minh Cung
Hằng năm, chùa Ông Phước Minh Cung là trung tâm của Lễ hội Nguyên Tiêu Thắng Hội. Lễ hội tổ chức vào đêm 14 và ngày Rằm tháng Giêng. Ban đầu, lễ này gắn với ngày vía Quan Thánh Đế mùng 4 Tết. Về sau được dời sang Rằm để cộng đồng người Hoa tham gia thuận tiện hơn.
Chiều 14 âm lịch, khắp chùa và tuyến phố Điện Biên Phủ rực rỡ cờ phướn, đèn lồng, tiếng trống, chuông và nhạc lầu cấu vang rền. Người dân Trà Vinh cùng hàng ngàn người Hoa từ khắp các tỉnh Nam Bộ đổ về. Ai nấy đều thành tâm cầu cho mùa màng tốt tươi, việc buôn bán suôn sẻ, nhà nhà ấm no.

Lễ hội tại đây thu hút rất nhiều khách thập phương đến dâng lễ, tế bái. Ảnh: travinh.gov
Lễ hội còn có các tiết mục biểu diễn múa lân, múa rồng, múa sư tử, biểu diễn liên tục suốt đêm và cả ngày Rằm. Dàn nhạc của các bang hội người Hoa, người Kinh và Khmer cùng góp tiếng vang, tạo nên bức tranh văn hóa giao hòa đặc sắc.
Trên đây là những thông tin chùa Phước Minh Cung để bạn tham khảo trước khi ghé đến tham quan không gian tâm linh này. Bạn cũng đừng quên chọn cho mình một chiếc vali chất lượng từ MIA.vn để sẵn sàng cho những hành trình du lịch phía trước nhé.