1Giới thiệu về nhà tù Sơn La
Địa chỉ: Đồi Khau Cả, Phường Tô Hiệu, Thành phố Sơn La
Giờ mở cửa tham quan: 07:30 - 18:30
Số điện thoại: 0212.3850221
Nhà tù Sơn La là công trình được thực dân Pháp xây dựng vào năm 1908 tại khu đồi Khau Cả. Hiện nay, khu đồi này thuộc địa phận tổ 9, phường Tô Hiệu, gần trung tâm thành phố nên khá dễ dàng di chuyển.
Nhà tù Sơn La được bao phủ bởi cây cối rậm rạp
Ban đầu, nhà tù Sơn La có diện tích nhỏ, chỉ khoảng 500m2. Sau đó, do số lượng tù nhân tăng lên nhanh chóng, nhà tù không có đủ sức chứa nên thực dân Pháp đã mở rộng thêm, tổng diện tích là 2.170m2. Tại đây giam cầm những cán bộ, chiến sĩ của Đảng Cộng sản Việt Nam, dùng cực hình để tra tấn và đàn áp tinh thần chiến đấu.
Đến ngày nay, nhà tù Sơn La đã xuống cấp khá nhiều. Tuy nhiên tới đây bạn vẫn được chiêm ngưỡng một công trình gần như toàn vẹn với những hình ảnh hiện hữu rõ nét về tội ác của thực dân Pháp.
Xem thêm: 20 điểm du lịch Sơn La được yêu thích hàng đầu theo khu vực
2Nhà Tù Sơn La giá vé vào cửa bao nhiêu?
Giá vé vào tham quan nhà tù Sơn La áp dụng với từng đối tượng. Bạn có thể tham khảo mức giá dưới đây:
- Người lớn (dưới 60 tuổi): 30.000 VNĐ/khách/lượt
- Thương binh, cựu chiến binh, người già trên 60 tuổi: 15.000 VNĐ/khách/lượt
- Học sinh, sinh viên tham quan học tập: 5.000 VNĐ/người/lượt
3Lịch sử nhà tù Sơn La
Như MIA.vn đã giới thiệu, nhà tù Sơn La do thực dân Pháp xây dựng vào năm 1908. Đến năm 1930, Đảng cộng sản Việt Nam đã ra đời và lãnh đạo nhân dân ta vùng lên đấu tranh để chống lại chế độ tàn bạo của thực dân. Phong trào đấu tranh bùng lên khiến chính quyền Pháp lúc bấy giờ càng thêm hà khắc, bắt bớ các chiến sĩ và nhốt tại nhà tù này.
Đến năm 1952, khi thực dân Pháp rút quân khỏi Sơn La, chúng đã ném bom phá hủy nhà tù nhằm xóa đi những dấu vết tội ác của mình. Đến năm 1965, đế quốc Mỹ đánh phá Thị xã Sơn La đã một lần nữa ném bom phá hủy một phần của nhà tù. Tới năm 1980, Bảo tàng Sơn La được phục chế lần thứ nhất với các hạng mục: San lấp hố bom, xây dựng lại một số đoạn tường rào bao quanh.
Lần phục chế thứ 2 được thực hiện vào năm 1994, phục chế lại 2 tháp canh, nhà bếp, khu trại giam lớn nhất, gia cố hầm ngầm, xây dựng lại các bức tường đã bị đánh sập. Trong đợt phục chế này, bạn quản lý Bảo tàng Sơn La hy vọng có thể phục chế lại toàn bộ khu di tích theo nguyên dạng ban đầu. Tuy nhiên, do không sưu tầm được đầy đủ hồ sơ, tư liệu nên chỉ có thể phục chế cơ bản cấu trúc nhà tù.
Năm 2014, Nhà tù Sơn La được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt. Nơi đây đã trở thành một trong những điểm di tích có ý nghĩa lịch sử nhất tại Sơn La, mang giá trị tuyên truyền, giáo dục cho các thế hệ mai sau về truyền thống cách mạng cũng như sự biết ơn với thế hệ cha ông.
4Tham quan, khám phá nhà tù Sơn La
4.1 Tham quan địa ngục trần gian
Nhà tù Sơn La được xây dựng khá đơn giản với mục đích giam giữ tù nhân chính trị. Thiết kế nhà tù được bố trí thành 3 hạng mục: Nhà tù Sơn La, Nghĩa trang Liệt sỹ Nhà tù Sơn La và Cây đa bản Hẹo. Trong suốt một thời gian dài, nơi đây đã giam cầm và đầy ải các chiến sĩ cộng sản Việt Nam. Trong giai đoạn 1930 – 1945, nhà tù sơn La đã giam giữ đến 14 đoàn tù chính trị với tổng số 1013 tù nhân.
Trong giai đoạn này, thực dân Pháp đã áp dụng rất nhiều hình phạt để đàn áp ý chí đấu tranh của các chiến sĩ Việt Nam. Hiện nay, những vật dụng như còng tay, xích sắt, bàn kẹp sắc nhọn,… vẫn còn được trưng bày tại đây để khách đến tham quan hiểu hơn về những khổ ải mà cha ông ta đã phải trải qua.
Toàn bộ công trình nhà tù Sơn La được xây dựng rất kiên cố, tường bằng gạch đá dày từ 40 đến 60cm. Phần mái nhà lợp bằng tôn, không có trần, giường nằm của tù nhân cũng được xây bằng đá, trên bề mặt láng xi măng. Mép ngoài của giường gắn hệ thống cùm chân để giam giữ tù nhân cả ngày lẫn đêm.
Nhà tù xây bằng gạch đá, lợp tôn nên mùa hè không khí trong các gian tù cực kỳ nóng nực. Đến mùa đông thì lại rét thấu xương, những khổ ải này khiến sức khỏe tù nhân suy kiệt nhanh chóng.
Trong mỗi phòng giam của nhà tù Sơn La đều có một hố xí nổi được xây cao hơn so với sàn nằm, không có nắp đậy cũng không có nước dội. Vì phải sống trong môi trường ô nhiễm nên rất nhiều bệnh lây lan hành hạ tù nhân.
4.2 Lắng nghe những câu chuyện bất khuất của thế hệ cha anh
Tuy khổ ải là thế nhưng những công cụ tra tấn của thực dân Pháp cũng không thể nào đàn áp được tinh thần, ý chí cùng lòng yêu nước của các chiến sĩ cách mạng. Nhà tù Sơn la còn là nơi đào tạo nên những anh hùng góp phần vào thắng lợi của cách mạng tháng Tám như Tô Hiệu, Lê Duẩn, Trường Chinh, Lê Đức Thọ,…
Bên cạnh tham quan nhà tù, bạn cũng đừng quên khám phá Nhà Bảo tàng tổng hợp của tỉnh Sơn La. Đây là nơi trưng bày những hiện vật quý, giới thiệu về truyền thống lịch sử, văn hoá của 12 dân tộc sinh sống tại tỉnh Sơn La.
Trên đây là những thông tin về nhà tù Sơn La để bạn tham khảo trước khi ghé đến tham quan. Cẩm nang du lịch MIA.vn chúc bạn có hành trình đáng nhớ, thêm tự hào về lịch sử dân tộc.