1 Thánh đường Tắc Sậy, chốn an bình bên bóng Cha Diệp
Địa chỉ: Ấp 2, Quốc lộ 1A, xã Tân Phong, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu
Giờ mở cửa: tất cả các ngày trong tuần, từ 04:00 đến 21:00
Giờ lễ:
Ngày thường: 05:00, 09:00 và 17:00
Chúa Nhật: 05:00, 07:00, 09:00 và 17:00
Thánh đường Tắc Sậy là điểm du lịch tâm linh gắn liền với cuộc đời vị Mục tử nhân hiền là Cha Phanxico Xavie Trương Bửu Diệp, người tự nguyện hiến dâng mạng sống mình vì đoàn chiên. Khi Cha qua đời, thì đã có những phép lạ xảy đến. Điều này dần dần biến Thánh đường Tắc Sậy, vốn là ngôi nhà thờ ít ai biết đến đã trở thành điểm hành hương nổi tiếng tại khu vực miền Tây sông nước.
Nhà thờ là một nhánh của họ đạo Bạc Liêu, trải qua nhiều lần trùng tu và đại trùng tu trước khi có được diện mạo ngày nay. Đặc biệt, ngay trong khuôn viên Thánh đường Tắc Sậy hiện nay có hai phần mộ cũ, mới của Cha Phanxico Trương Bửu Diệp quanh năm nghi ngút khói hương để bày tỏ lòng biết ơn.
Đặc biệt, vào ngày giỗ Cha (ngày 12 tháng 3) thì đông đảo Giáo dân lẫn người lương đều quây quần tại Thánh đường Tắc Sậy. Vào ngày này, thường sẽ có Đức Tổng Giám Mục tổ chức lễ ngoài trời. Nếu may mắn, vào dịp giỗ Cha Diệp, bạn sẽ có thể nhìn thấy Cha ban ơn lành, bản thân người viết cũng đã từng chứng kiến rồi đấy.
2 Hướng dẫn di chuyển đến Thánh đường Tắc Sậy
Lộ trình di chuyển từ Sài Gòn đến Bạc Liêu rơi vào khoảng từ 8 đến 9 tiếng. Quãng đường du lịch Bạc Liêu từ Sài Gòn tương đối xa, thế nên xe khách và ô tô là hai phương tiện được mọi người ưu ái lựa chọn hơn cả.
Đối với xe khách, thì hiện nay, các hãng Mai Linh, Giáp Diệp, Tuấn Hưng, Hảo, Ngọc Ánh, Trí Nhân là cái tên được nhiều người ưa chuộng. Giờ xuất phát của mỗi hãng đều linh hoạt và trải dài cả sáng lẫn chiều, phù hợp để mọi người lựa chọn theo nhu cầu. Giá vé dao động từ 170.000 VND/ người tùy hạng ghế cũng như giờ xuất phát.
Khi lựa chọn xe khách, thì bạn có thể xuống bến xe Bạc Liêu. Từ đây, bạn di chuyển ra chợ Bạc Liêu để đón tuyến xe bus số 01 để đến Thánh đường Tắc Sậy.
Ngược lại, với ô tô, thì bạn sẽ có thể đi thẳng từ Sài Gòn đến Thánh đường Tắc Sậy theo một trong 2 lộ trình như sau:
Lộ trình 1: Sài Gòn - Quốc lộ 1 - Cần Thơ - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Thị trấn Hòa Bình - Thị trấn Giá Rai - cầu Hộ Phòng - Thánh đường Tắc Sậy
Lộ trình 2: Sài Gòn - Quốc lộ 1 - Cần Thơ - Cầu Cần Thơ - Ngã 7 - Quản Lộ Phụng HIệp - Cà Mau - Thánh đường Tắc Sậy
3 Lịch sử và câu chuyện về Cha Diệp tại Thánh đường Tắc Sậy
Thánh đường Tắc Sậy thuộc họ đạo Bạc Liêu, do Cha Jules DUCQUET người Pháp thành lập. Năm 1925, ngôi Thánh đường chính thức khởi công xây dựng, thuộc sự quản lý của Cha Phaolô Trần Minh Kính.
Đến tháng 3 năm 1930, Cha Phanxico Xavie Trương Bửu Diệp trở thành cha sở mới của họ đạo Tắc Sậy. Cha là người đã đổi khu vực chính ra ngoài mặt tiền như ngày nay.
Cha Phanxico Xavie Trương Bửu Diệp thụ phong Linh mục vào năm 1924 tại Đại chủng viện Nam Vang. Năm 1930, ông về làm cha sở họ đạo Tắc Sậy. Tuy nhiên, thời cuộc khi ấy rối ren, cha được khuyên tạm lánh mặt, thế nhưng Cha Diệp vẫn kiên quyết khước từ. Cha nói rằng, “Tôi sống giữa đoàn chiên. Và nếu có chết cũng chết giữa đoàn chiên. Tôi không đi đâu hết.”
Trong biến cố năm 1945 - 1946, Cha cùng 70 giáo dân bị bắt nhốt. Lúc này, vị Mục tử nhân hiền đã tự nguyện chết thay, đổi lấy mạng sống cho giáo dân, tức vào thời điểm tháng 3 năm 1946. Khi Cha qua đời, những người trong họ đạo đã được báo mộng về nơi vứt xác. Thi thể Cha bị chặt đầu, vết chém ngay cổ, thân xác bị lột quần áo như Chúa Jesus năm nào, tay Cha chắp trước ngực như đang cầu nguyện.
Vào lúc bấy giờ, thi hài Cha Diệp được giáo dân chôn cất tại Nhà thờ Khúc Tréo. Mãi đến năm 1969, mọi người mới di dời linh hài cha về Thánh đường Tắc Sậy, tức phần mộ cũ. Một thời gian sau đó, thi hài Cha được di dời qua phần mộ mới khang trang hơn, chỉ cách mộ cũ một đoạn ngắn, nằm ngay trong khuôn viên ngôi Thánh đường thân yêu của Cha năm nào.
4 Những ơn lành của Cha Diệp
Ngôi Thánh đường Tắc Sậy gắn liền với những ơn lành mà Cha Diệp ban xuống cho bất kỳ ai tìm về bên bóng Cha. Đặc biệt phải kể đến phép lạ của Cha trong việc trùng tu ngôi Thánh đường Tắc Sậy thân yêu này.
Vào năm 1980, giữa trời đêm tối đen như mực, thì một ông chủ lái ghe chở đầy vật liệu xây dựng như đất, cát, gạch, đá, xi măng cập sát bờ kênh cạnh nhà thờ. Ông nhìn thấy một vị linh mục từ trên bờ bước xuống tiến lại gần, tự xưng là cha xứ Thánh đường Tắc Sậy. Vị linh mục nói muốn mua tất cả vật liệu trên ghe để trùng tu nhà thờ. Ông chủ đồng ý, hẹn hôm sau cho người đem sang.
Hôm sau, khi chủ ghe tìm gặp vị cha xứ hôm qua thì chỉ nhìn thấy một người khác, tức cha Nguyễn Ngọc Tỏ, quản xứ thời bấy giờ. Ông liền kể cho cha Tỏ nghe, và biết được rằng Cha Diệp có ý định xây dựng lại ngôi Thánh đường, nhưng họ đạo còn nghèo nên hẹn khi khác lại mua. Tuy nhiên, chủ ghe đã tự nguyện hiến dâng vật liệu để trùng tu nhà thờ, không nhận một đồng nào cả.
Sau này, Cha Diệp còn ban ơn lành cho nhiều người, đặc biệt là những ai bên lương tìm về bên bóng Cha náu nương. Cha đã chữa lành cho rất nhiều người, kể cả bệnh nặng về thể xác hay đớn đau về tâm hồn. Tiếng lành đồn xa, mọi người càng ngày càng về bên Thánh đường Tắc Sậy và cầu Cha Diệp ban ơn lành trong cuộc sống.
5 Khám phá kiến trúc của Thánh đường Tắc Sậy
5.1 Thánh đường Tắc Sậy
Sở dĩ nhà thờ có tên Tắc Sậy là vì trước kia, chỉ có một lối tắt nhỏ dẫn vào, với hai bên đường là lau sậy um tùm. Người dân địa phương lìen gọi là Tắt Sậy, tức phải đi tắt qua bãi lau sậy để đến được nhà thờ. Tuy nhiên, do cách phát âm nên ‘Tắt’ đã đổi thành ‘Tắc’, giữ nguyên cái tên Tắc Sậy đến tận ngày nay.
Trải qua nhiều lần trùng tu, Thánh đường Tắc Sậy sở hữu quy mô hoành tráng cùng kiến trúc cổ điển, với điểm nhấn là ba nóc theo văn hóa Á Đông. Ngôi Thánh đường có ba tầng, và tầng 2, 3 là nơi dâng Thánh lễ.
Điểm nhấn của Thánh đường Tắc Sậy phải kể đến những bức tượng được tạc hoàn toàn từ gỗ quý, chạm khắc tinh xảo tỉ mẩn. Bầu không khí linh thiêng nhưng cũng không kém phần ấm cúng với tiếng kinh cầu vang lên mỗi ngày.
5.2 Phần mộ Cha Diệp
Phần mộ cũ và mới của Cha Diệp đều nằm ngay trong khuôn viên Thánh đường Tắc Sậy. Khu mộ cũ ngày nay vẫn nghi ngút khói hương, nhưng khu mộ mới lại là nơi tập trung đông người ghé đến hơn.
Khu mộ mới của Cha Diệp được xây theo kiến trúc Á Đông với ba nóc, và nóc giữa cao hơn, gắn đồng hồ lớn tạo điểm nhấn. Trong khuôn viên khu mộ, ngoài nơi nghỉ ngơi của vị Cha hiền thì còn đặt nhiều bức tượng lớn tạc dáng Cha trong nhiều tư thế: đang cầu nguyện cùng Chúa, hay cười hiền nhìn đoàn con tìm về bên mình.
Phần mộ Cha Diệp được xây nổi theo mộ phần của Công giáo, với tông màu cam đất chủ đạo. Mọi người khi đến viếng Cha đều quây quần bên mộ, cùng nhau đọc kinh, cầu nguyện. Nhiều người thường dùng tay sờ phần mộ Cha và đặt lên đầu mình như một cách nhận ơn lành.
5.3 Các công trình phụ
Bên cạnh ngôi Thánh đường và mộ phần Cha Diệp, thì trong khuôn viên nhà thờ còn có một tòa nhà trung tâm hành hương. Tòa nhà này có quy mô lớn, là nơi trưng bày những tư liệu về vị Mục tử nhân lành cũng như các món đồ lưu niệm để bạn mua về làm quà. Ngay phía tầng trên là nơi lưu trú cho khách hành hương. Ngoài ra, nếu muốn xin khấn, tạ ơn hoặc xin lễ, thì bạn có thể liên hệ với các sơ ngay trong tòa nhà này.
Thánh đường Tắc Sậy là chốn náu nương an bình của giáo dân lẫn người ngoại đạo. Với những ơn lành mà Cha Diệp đã tuôn đổ xuống ai tìm về bên Cha, thì MIA.vn tin rằng nếu bạn đang gặp chông chênh, hãy về bên Cha nhé. Chắc chắn rằng những hồng ân của Cha sẽ tuôn đổ trên bạn. Hoặc không, thì có đức tin đồng hành, tụi mình vẫn sẽ cứng cỏi, vững vàng hơn rất nhiều.