1Đôi nét về Đình Nhựt Thạnh
Địa chỉ: ấp Nhựt Thạnh, xã Thạnh Hội, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
Đình Nhựt Thạnh nằm đối diện xéo UBND xã Thạnh Hội, là nơi lưu lại những hình ảnh hoài niệm với không gian đậm chất cổ kính từ thời xa xưa vẫn còn tồn tại đến bây giờ tại Cù Lao Thạnh Hội.
Đình Nhựt Thạnh như là nơi hội tụ tinh hoa thuần túy mang giá trị lịch sử và văn hóa tín ngưỡng sâu sắc được cư dân bản địa tự hào khi nhắc đến. Đình thần ghi dấu cho nền tảng giữ gìn các giá trị lịch sử, kiến trúc mỹ thuật qua những bức phù điêu sơn thủy, cá hóa rồng tiêu biểu tính cách Nam Bộ, mang phong cách kiến trúc truyền thống người Việt qua hình dáng ba gian hai chái, mang một vẻ đẹp đặc trưng cổ xưa đầy bình dị những hình ảnh này luôn được cẩm nang du lịch lưu lại và kể mãi đến về sau.
Nhìn quanh mọi chi tiết bên trong Đình Nhựt Thạnh khiến ai khi đến đây cũng phải ngưỡng mộ về độ tinh xảo, độc đáo thể hiện đôi bàn tay khéo léo cùng óc sáng tạo của những nghệ nhân lão luyện tại địa phương từ thời khai sơ lập địa.
Dẫu đã trải qua bao thăng trầm lịch sử, từ thời nuôi giấu cán bộ cách mạng trong kháng chiến trường kì ác liệt cho đến nay, Đình Nhựt Thạnh vẫn là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người dân địa phương. Nơi đây là chốn tôn nghiêm thờ các bậc thần linh, thần Thành hoàng làng và các bậc tiền hiền, hậu hiền đã có nhiều công lao trong những ngày đầu lập địa, khẩn hoang, mở lối xây dựng làng cho đến xả thân quên mình bảo vệ che chở cho dân làng khi chiến tranh.
Ngày nay vẫn còn tồn tại nhiều hoành phi, liễn đối trong Đình Nhựt Thạnh nhiều hơn so với các đình khác, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của con cháu người đời sau theo đúng chuẩn mực truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.
Xem thêm: Về thăm Đình Phú Cường (Bà Lụa) đẹp nhất Nam Kỳ một thời
2Hướng dẫn đường đi đến Đình Nhựt Thạnh
Đình Nhựt Thạnh cách TP. HCM khoảng 34km, cách trung tâm thành phố Thủ Dầu Một tầm 16km, mặt đường thông thoáng nên khá di chuyển đến đây. Nếu có dịp về đây bạn có thể viếng thăm thêm chùa Hội Khánh chỉ đi mất tầm một tiếng hơn nữa là đến, đường đi cũng khá thuận lợi.
Chính lẽ đó, Đình Nhựt Thạnh luôn là nơi khám phá tâm linh lý tưởng cho những ai muốn tìm về cội nguồn. Đặc biệt không khí trong lành phủ xanh cả Cù Lao Thạnh Hội đã thanh lọc tâm hồn bạn ít nhiều.
Di chuyển từ HCM đến Bình Dương để tham quan Đình Nhựt Thạnh cũng không quá xa, vì thế đi bằng phương tiện cá nhân bằng ô tô hay xe máy đều tiện lợi. Với phương tiện này, bạn dễ dàng dừng lại chụp hình check-in những cảnh đẹp hay thưởng thức đặc sản ăn ngon tại đây.
Tuyến đường đi từ TP.HCM với mặt đường xá thông thoáng, nhiều làn đi rộng rãi không gây khó khăn. Từ bến xe An Sương bạn chỉ cần đi theo tuyến đường QL1A, băng qua ngã tư Ga, ngã tư Bình Phước, tới vòng xuyến đi lên cầu vượt Gò Dưa theo đường DT743 hướng thẳng về Bình Chiểu, băng thẳng qua vòng xoay An Phú đi tiếp tới ngã tư Miếu Ông Cù rẽ phải theo đường DT747 thêm 2km gặp ngã ba rẽ trái vào đường HL401 hướng thẳng qua cầu Thạnh Hội là đến Đình Nhựt Thạnh.
Đình Nhật Thạnh nằm cạnh dòng sông Đồng Nai thơ mộng, với những bạn xuất phát điểm gần Đồng Nai có thể đến tham quan nơi đây bằng những chiếc xe đạp bảo vệ môi trường. Bạn dễ dàng di chuyển đến Phà Bình Hòa nằm trên đường Bình Hòa - Cây Dương - Đồng Nai tới Phà Nhật Thạnh là tới Cù Lao Rùa rồi. Tới đây, hỏi thăm Đình từ người dân sẽ chỉ nhiệt tình giúp bạn.
Ngoài phương tiện cá nhân bạn còn có thể đến Đình Nhựt Thạnh bằng xe bus TP. HCM đến Bình Dương cũng khá dễ lại còn tiết kiệm. Chỉ với hai tuyến xe buýt là bạn dễ dàng đến gần Đình Nhựt Thạnh rồi.
Đầu tiên, từ Bến xe miền Đông bạn bắt tuyến xe số 4 đi đến Bến xe khách tỉnh Bình Dương. Tiếp đến, từ Bến xe khách tỉnh Bình Dương bạn bắt tuyến số 20 đi đến trạm Tân Ba gần chợ Tân Ba. Bạn bắt xe ôm hay taxi chỉ mất 5 phút đi đường là đến Đình Nhựt Thạnh.
3Nét đẹp cổ kính của Đình Nhựt Thạnh
Đình Nhựt Thạnh được cụm dân cư ấp Nhựt Thạnh nói riêng và Cù Lao Thạnh Hội nói chung lập nên. Đến năm 1852 vua Tự Đức ban tặng sắc phong vẫn còn lưu truyền và gìn giữ đến nay. Nơi đây đã chứng kiến biết bao cuộc chiến tranh giành độc lập của làng Cù Lao và cũng là một di tích lịch sử quý báu của dân tộc Việt Nam.
Cổng Đình Nhựt Thạnh được xây dựng theo lối kiến trúc tam quan như các đình thần khác, mang dáng vẻ uy nghiêm với thiết kế mái hai tầng. Phía trên phần mái được lợp ngói âm dương uốn lượn cong, chạm trổ tinh xảo, điêu khắc bức hoành phi chữ Hán bằng xi măng đắp nổi hai bên mang nhiều ý nghĩa khác nhau.
Đi vào trong nhìn tổng thể Chánh Điện Đình Nhựt Thạnh được thiết kế theo lối kiến trúc nhà ba gian phía trước làm bằng gạch và nhà tứ trụ làm sắp liền kề làm bằng gỗ nâu trầm, kết hợp với nền lát gạch đỏ cổ xưa cùng mái lợp ngói âm dương với nhiều tiểu tiết điêu khắc tinh xảo. Tất thảy đều được vẽ, sơn phết rất tỉ mỉ, kỳ công, có tính mỹ thuật cao.
Bộ mặt tiền Chánh điện được làm hết sức tinh tế và tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ. Chỉ với vật liệu là bê tông, các cột đá xanh, cụm tượng gốm,... đã tạo nên vẻ đẹp độc đáo riêng của ngôi đình. Nổi bật trước mặt tiền là hình ảnh hai bên có bức phù điêu tượng Tả Hoàng Long, Hữu Bạch Hổ được khắc bằng xi măng đắp nổi. Bạch Hổ mang ý nghĩa chế ngự cái xấu, giữ lại sự bình yên. Hoàng Long thể hiện nhiều uy quyền, sức mạnh đem lại nhiều sự tốt đẹp và thịnh vượng.
Nhìn ngay chính diện thấy nổi trội dòng chữ NHUT.THANH.CO.MIEU (Nhựt Thạnh Cổ Miếu) được đắp nổi bằng xi măng trên nền vàng chữ đỏ. Thấy rõ con số 1959 là năm hoành thành đại trùng tu lại ngôi đình.
Ngước nhìn phía trên sẽ thấy rất nhiều tiểu tiết được trang trí bắt mắt mang ý nghĩa đặc trưng của ngôi đình. Những khung hoa văn, đĩa gốm xen lẫn các tượng phù điêu nho nhỏ được khắc đối xứng nhau như Quan Công cưỡi ngựa, Ông Nhật, Bà Nguyệt cùng những con vật Lưỡng Long tranh châu, chim trĩ, cá chép hóa rồng, rùa, ngựa, kì lân,... toát lên vẻ tôn nghiêm cổ kính qua bàn tay điêu luyện sáng tạo của người nghệ nhân từ thuở khai sơ, lập địa.
Bên trong Chánh Điện Đình Nhựt Thạnh uy nghiêm với nhiều hàng cột được bài trí rất đẹp mắt, tạo thành một bộ khung vững chắc làm từ gỗ quý hơn 100 năm. Những đoạn kèo, xà được bào nhẵn sơn phết kĩ càng chống mối mọt, tổng thảy đấu nối với cột bằng lối ghép mộng, xuyên trính vô cùng chắc chắn.
Nhiều hoành phi, liễn, câu đối trong ngôi đình được sơn son thếp vàng, cẩn ốc cùng nét chữ Hán được chạm khắc trang nghiêm. Chứa đựng hàm ý sâu sắc, không chỉ ca ngợi công đức của bậc Thành Hoàng đã xây dựng và bảo vệ giang sơn xã tắc, còn mang lớp ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no, dân làng yên ổn, xã tắc hưng thịnh. Một số câu còn mang ý nghĩa căn dặn người đời sau phải biết đối nhân xử thế, tìm về cội nguồn.
Đình Nhựt Thạnh không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng hướng thiện mà còn làm tình làng nghĩa xóm thêm gắn bó keo sơn. Nơi tìm về nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc thể hiện lòng biết ơn sâu đậm với các bậc tiền nhân.
Nếu có dịp du lịch Bình Dương, tham quan Đình Nhựt Thạnh ngay vào rằm tháng 2 tổ chức lễ Kỳ Yên và rằm tháng 8 với lễ hội kỳ bông, bạn sẽ chiêm ngưỡng nhiều nghi thức thờ cúng truyền thống của đình làng Việt Nam được chuẩn bị chỉnh chu. Ngoài ra, vào mùng 1 và rằm hàng tháng, dân bản địa và vùng lân cận đều đến viếng thăm dâng hương tại Đình.
Đình Nhựt Thạnh trải qua bao thăng trầm lịch sử, luôn là chỗ dựa tâm linh vững chắc, nơi thờ cúng thiêng liêng của làng, xã. Đến để cảm nhận những văn hoá đặc sắc giàu tính nhân văn được du lịch tỉnh nhà bảo tồn, gìn giữ và phát triển đến con cháu đời.