1Trái bần là trái gì?
Không rõ từ bao giờ bần đã xuất hiện và mang cái tên có phần "thô kệch". Trái bần mọc tự nhiên tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, sinh trưởng trong môi trường bùn nước với rễ mọc lên khỏi mặt bùn. Cây bần không chỉ là biểu tượng của vùng quê mà còn có nhiều công dụng bất ngờ. Với đất miền Tây ngập phù sa quanh năm, những con sông lớn khiến đất xói mòn, do đó người dân trồng cây bần và cây đước dọc hai bên bờ để giữ đất.
Trái bần có hình tròn hơi dẹt như bánh cam, vị chua, phần đuôi nhọn và cuống xòe ra như các cánh sao. Khi non, vỏ có màu xanh, chuyển sang vàng nhẹ và tỏa hương khi chín. Cây bần bắt đầu ra hoa và kết trái từ khoảng 3 năm tuổi, hoa màu trắng pha hồng, nở rộ từ tháng 6 đến tháng 9 âm lịch.
Quả bần có thể ăn sống, chấm muối ớt hay mắm, hoặc được chế biến thành các món ăn chua ngọt như canh chua, trở thành một phần không thể thiếu trong ẩm thực miền Tây qua những món ăn giản dị nhưng không kém phần hấp dẫn.
2Các loại trái bần phổ biến
Cây bần có nhiều loại khác nhau, trong đó phổ biến nhất gồm:
2.1 Trái bần chua
Bần chua có tên khoa học là Sonneratia caseolaris, đây là loại phổ biến nhất và thường mọc ven sông. Trái của bần chua có hình dạng to tròn, mọng nước và có vị chua, kèm độ giòn cứng. Vì vậy, trái bần chua dù còn non hay đã chín, đều rất được ưa chuộng trong các món canh chua. Bần chua còn được gọi bằng nhiều tên khác như bần sẻ, bần dĩa, hải đồng, thủy liễu và bằng lăng tía.
2.2 Trái bần ổi
Bần ổi có tên khoa học Sonneratia ovata, thường được trồng nhiều hơn so với việc mọc dại. Trái bần ổi có hình dạng hơi tròn, giống như trái ổi, vị ngọt hơn bần chua và có hương thơm nhẹ. Loại này còn được gọi là bần hôi hoặc bần trứng.
2.3 Một số loại bần khác
Ngoài bần chua và bần ổi, còn có các loại bần khác như bần trắng (Sonneratia alba), bần đắng (Sonneratia Griffithii), bần vô cánh (Sonneratia apetala) và bần Hải Nam (Sonneratia hainanensis).
3Giai thoại về trái bần gắn liền với vua Gia Long
Cây bần được gọi với cái tên đầy thơ mộng là Thủy Liễu, gắn liền với một giai thoại về vua Gia Long trong thời gian gặp khó khăn. Khi Nguyễn Ánh (tức vua Gia Long) phải lẩn trốn ở vùng Tây Nam Bộ sau thất bại trước quân Tây Sơn tại Rạch Gầm – Xoài Mút, ông đã được người dân địa phương che chở. Một phần nghĩa quân bị tiêu diệt, phần còn lại tan rã, Nguyễn Ánh phải tìm nơi ẩn náu, có lúc trốn trong chuông đồng ở chùa Linh Thứu (Châu Thành, Tiền Giang). Sau khi quân Tây Sơn rút lui, ông được dân làng chăm sóc và trong một lần đói, người dân đã nấu món canh chua trái bần cho ông dùng. Dù là món ăn lạ, nhưng trong cơn đói, ông thấy rất ngon, chính nhờ món canh chua này mà ông được cứu sống.
Sau khi giành lại quyền cai trị từ nhà Tây Sơn, dù trong cung có đầy đủ sơn hào hải vị, vua Gia Long vẫn nhớ mãi món canh chua trái bần. Khi hỏi tên loại trái này, người dân không dám trả lời vì cho rằng từ "bần" không thích hợp dùng cho vua chúa, mà chỉ tầng lớp dân thường mới gọi. Hiểu điều đó, vua quyết định đặt tên mới cho cây là Thủy Liễu vì cây mọc dưới nước, lá nhỏ mềm mại rủ xuống như cây liễu. Tuy nhiên, dù đã có tên mới do vua đặt, người dân vẫn quen gọi cây này là cây bần, vì nó đã quá quen thuộc và gần gũi với họ.
4Các món ăn độc đáo nấu từ trái bần miền Tây
4.1 Món canh chua trái bần
Món canh chua trái bần có vị chua thanh tao, khác biệt với vị chua gắt của trái me. Cách chế biến tương tự như khi dùng me: trái bần chín được dầm trong nước ấm, lọc bỏ hạt rồi cho vào nồi nước sôi, sau đó thả cá tươi vào. Các loại cá phù hợp như cá lóc, cá trê, cá bông lau, basa, đặc biệt là cá ngát và cá lăng, khi nấu cùng trái bần sẽ mang lại vị ngọt tự nhiên. Khi nước đã chua, thêm cá và nêm nếm với gia vị như bột ngọt, muối, đường, nước mắm. Khi cá chín, cho rau muống, rau nhút, bông súng, giá vào, có thể thêm thơm và cà chua để món ăn thêm bắt mắt, rắc thêm rau thơm để tăng hương vị.
Món ăn này kết hợp mùi chua của bần, vị ngọt của cá, cùng sắc xanh của rau tạo nên hương vị quê nhà đậm đà. Món ăn giản dị này đã từng khiến vua Gia Long khi lên ngôi nhớ đến và muốn thưởng thức lại, nhưng trong cung đình không ai biết nấu, nên ông đã mời người dân từ miền Tây ra để chế biến.
4.2 Món cá kho bần
Món cá kho bần là món ăn được nhiều người ưa chuộng, dù nấu với loại cá nào cũng ngon, nhưng cá lóc và cá bông lau là hai loại được đánh giá cao nhất. Vị béo đậm đà của cá kho kết hợp với vị chua nhẹ của bần tạo nên hương vị khó quên, ăn kèm cơm càng thêm ngon miệng. Khi cá kho đã đậm đà, người ta mới dầm trái bần chín, lọc bỏ hạt và chắt lấy nước, thêm vào nồi cá. Nếu muốn tăng độ chua, có thể thêm một ít nước sôi để hương vị bần lan tỏa. Ngoài ra, món cá kho bần này cũng rất hợp khi ăn kèm với bún.
Trái bần cũng có thể ăn sống, chấm cùng mắm cá sặc, mắm rô, mắm lóc, mắm tép. Vị chua chát của bần kết hợp với mặn nồng của mắm, thêm vài lát ớt cay tạo nên hương vị khó tìm thấy ở các loại trái cây ăn kèm khác.
4.3 Lẩu bần
Lẩu bần được nấu từ trái bần chín bởi bần sống sẽ khiến nồi lẩu bị chát. Vị chua của lẩu bần rất dịu và thơm, gợi nhớ đến hương vị miền quê. Nước bần được chiết xuất từ trái bần chín theo công thức đặc biệt, có thể trữ lạnh và dùng quanh năm. Lẩu bần thường được nấu với các loại cá tùy theo mùa như cá basa, cá diêu hồng, cá ngát, thậm chí là ba ba hoặc cua đinh.
Hương vị của món ăn đặc biệt bởi nước lẩu có đủ vị chua, cay, mặn, ngọt, nhưng đậm nét nhất vẫn là vị chua thanh của trái bần. Lẩu bần thường ăn kèm với rau muống, bông súng, kèo nèo, lục bình, bún và nước mắm mặn.
4.4 Gỏi bông bần
Gỏi bông bần là món đặc sản của vùng Cù Lao Dung, Sóc Trăng. Vào mùa từ tháng 6 đến tháng 9 âm lịch, hoa bần nở rộ, được hái về để trộn gỏi cùng với thịt heo, tôm sông hoặc tép bạc. Hoa bần được sơ chế rồi trộn cùng với giấm, chanh, đường, gia vị để tạo nên món gỏi chua ngọt đặc trưng.
4.5 Chuột đồng xào đọt bần
Chuột đồng xào đọt bần là một món ăn dân dã của người miền Tây. Chuột đồng béo tròn, đặc biệt là chuột no lúa, sau khi được làm sạch, sẽ được xào cùng đọt bần non. Vị chua chát của đọt bần kết hợp với vị béo ngọt của thịt chuột tạo nên hương vị độc đáo.
4.6 Mứt bần
Mứt bần được làm từ trái bần nghiền nhỏ, nấu cùng với đường phèn, giữ lại vị chua đặc trưng của bần kết hợp với ngọt thanh của đường phèn. Ngày nay, nước cốt bần và mứt bần được đóng hộp để tiện lợi cho việc chế biến các món lẩu chua hoặc chấm thịt luộc, được nhiều khách du lịch mua về làm quà sau chuyến đi.
4.7 Món bần dầm mắm
Bần dầm mắm là sự kết hợp hoàn hảo giữa vị chua nhẹ của trái bần và vị đậm đà của mắm, thêm chút ớt, đường. Đây là món ăn kèm lý tưởng khi dùng với rau luộc như rau muống, đọt rau lang.
Trái bần kết hợp cũng những món ăn dân dã đã làm phong phú thêm ẩm thực miền Tây sông nước. Bạn hãy du lịch đến miền Tây để thưởng thức món ăn từ trái bần và cảm nhận hương vị đặc biệt của món đặc sản này nhé!