Nhắc đến vùng đất Tây Ninh, nhiều tín đồ du lịch thường sẽ nghĩ ngay tới các món đặc sản đa dạng như thằn lằn núi bà Đen, bánh tráng Trảng Bàng hay muối tôm… Ngoài nền ẩm thực phong phú, nơi đây còn hội tụ nhiều lễ hội mang đậm nét bản sắc văn hóa của dân tộc, điển hình là Lễ Kỳ Yên. Mời bạn cùng theo chân MIA.vn đi khám phá lễ hội đặc sắc của người dân địa phương ở Tây Ninh nha!

Lễ Kỳ Yên được người dân xem như một nghi lễ cầu an, là lễ tế thần Thành hoàng lớn nhất trong năm của các đình làng ở vùng Nam bộ. Tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng xuất hiện khá phổ biến trong cuộc sống của người Việt. Theo quan niệm của người dân, Thành hoàng làng là vị thần bản mệnh, là chỗ dựa tâm linh cho cả cộng đồng làng. Mỗi năm Lễ Kỳ Yên sẽ có 2 lễ cúng: Thượng Điền được tiến hành khi thu hoạch xong và Hạ Điền thực hiện khi bắt đầu xuống ruộng. Tùy theo địa phương, 2 tục lệ này có thể gộp chung hoặc trở thành một lễ riêng biệt.

Theo lời kể của các thổ địa Tây Ninh, Bình Tịnh – Phước Lộc là khu đất đầu tiên ở nơi đây được khai phá. Chính vì thế, làng Bình Tịnh và làng Gia Lộc ở huyện Trảng Bàng được mệnh danh là 2 làng cổ lâu đời nhất tại vùng đất này. Trong suốt quá trình khai hoang, lập ấp ở đây, ông cả Đặng Văn Trước được xem là người có công lớn. Vì thế nhân dân trong làng đã cùng nhau xây đền rồi tôn ông làm Thành hoàng làng, thờ tại đình Gia Lộc để ghi nhớ công ơn vĩ đại. 

Lễ Kỳ Yên là ngày giỗ hội của làng. Kỳ Yên ở đây mang ý nghĩa là cầu bình an, mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi và cầu cho xóm làng luôn thịnh vượng, ấm no. Đây là dịp để dân làng tụ họp và chia sẻ cùng nhau những câu chuyện gia đình. 

Trải nghiệm Lễ Kỳ Yên đặc sắc ở vùng đất Tây Ninh 2

Lễ Kỳ Yên của người dân Nam Bộ

Xem thêm: Khám phá Lễ hội bánh tráng phơi sương Trảng Bàng ở Tây Ninh

Lễ Kỳ Yên đã xuất hiện từ rất lâu trong phong tục thờ lễ thần của người Việt. Thời xưa, khi di dân vào phương Nam sinh sống, ông bà ta đã phải đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt và nhiều hiểm họa khôn lường. Lúc bấy giờ, để cầu mong cuộc sống được bình an và ấm no, những người dân ở đây thường xuyên tổ chức lễ cúng cầu an tại các ngôi đình, trao gửi niềm tin của mình cho những vị thần thánh linh thiêng. Và dần dần, vùng Nam Bộ hình thành nên lễ hội Kỳ Yên. Lễ Kỳ Yên là một trong những lễ hội lâu đời nhất, thể hiện rõ những điểm đặc trưng trong văn hóa đình làng của dân Nam Bộ nói riêng và người Việt nói chung.

Trải nghiệm Lễ Kỳ Yên đặc sắc ở vùng đất Tây Ninh 3

Đây là nghi lễ cầu bình an và ấm no cho cuộc sống

Từ ngày 14 đến 16 tháng 3 âm lịch hàng năm, người dân địa phương sẽ tổ chức Lễ Kỳ Yên tại đình để kỷ niệm ngày ngày mất của ông cũng như cầu nguyện cho mưa thuận gió hoà, cuộc sống an lành, mùa màng bội thu. Lễ hội được tổ chức tại đền Ông cả Đặng Văn Trước và đình Gia Lộc. Theo các bậc bô lão, sau khi đình được trùng tu, Lễ Kỳ Yên luôn được tổ chức xuyên suốt từ năm 1926 cho đến ngày nay, trở thành một nề nếp sinh hoạt tín ngưỡng dân gian đặc trưng của người dân đất Trảng. Đây là một trong những lễ hội Tây Ninh đặc sắc mà bạn phải nhất định phải đến trải nghiệm. 

Trải nghiệm Lễ Kỳ Yên đặc sắc ở vùng đất Tây Ninh 4

Lễ Kỳ Yên ở đình Gia Lộc, Tây Ninh tổ chức rất hoành tráng

Lễ Kỳ Yên thường được tiến hành trong 3 ngày, gồm 2 phần là lễ và hội. Trong phần lễ có các nghi thức như rước sắc thần về đình, dâng hương, rượu và trà. Sau đó, người ta sẽ đọc bài văn tế cầu nguyện và cảm tạ các thần Thành Hoàng, Tiên hiền, Hậu hiền, thần Nông, thần Hổ, ông Nam Hải, bà Ngũ Hành… đã phù hộ cho cuộc sống của dân làng luôn được ấm no, hạnh phúc. Ở Lễ Kỳ Yên, phần lễ đóng vai trò rất quan trọng và thường được tổ chức cực kỳ trang nghiêm. Những người đứng ra tế lễ hoặc tham gia vào nghi thức này phải là các bậc cao niên, người có chức cao vọng trọng hoặc có uy tín trong vùng. 

Lễ Kỳ Yên ở huyện Trảng Bàng sẽ bắt đầu vào 6 giờ sáng. Dân làng sẽ tiến hành làm lễ thỉnh sắc thần từ đền Ông cả về đình Gia Lộc. Kiệu sử dụng trong nghi thức này được trang hoàng lộng lẫy, sơn son thép vàng, được 8 người khiêng. Việc thỉnh sắc thần là một cách để người dân thể hiện lòng tôn kính, niềm tự hào đối với Thành hoàng làng. Đoàn người tham gia lễ thỉnh sắc thần rất đông đúc, thường kéo dài đến hàng cây số. Đi đầu là các con lân, rồng hoành tráng, kế đến là ngựa có đai, phần yên được phủ vải đỏ, có cả lính thú dẫn đường.

Tiếp theo đó là lễ túc yết, đây được xem như một nghi lễ xin ra mắt, yết kiến. Phẩm vật dâng lên bao gồm 2 con heo quay, 1 con heo sống để tưởng nhớ những công lao to lớn của thời ông cha. Trong phần này, lễ thức quan trọng là lúc khấn nguyện, ngưỡng vọng với thần linh và Thành hoàng xã Gia Lộc - Ông cả Đặng Văn Trước. Sau đó chính là nghi lễ ẩm phước, phân phát lộc của các vị thần đến cho dân làng. 

Trải nghiệm Lễ Kỳ Yên đặc sắc ở vùng đất Tây Ninh 5

Lễ thỉnh sắc thần rất long trọng và đông đúc người tham dự

Trải nghiệm Lễ Kỳ Yên đặc sắc ở vùng đất Tây Ninh 6

Phần khấn nguyện với thần linh và Thành hoàng làng

Điều làm nên nét đặc sắc của Lễ Kỳ Yên chính là ở phần hội. Thông thường, các hoạt động múa lân, múa rồng, trò chơi dân gian… sẽ được tổ chức rất hoành tráng, giúp cho phần hội thêm phần đặc sắc. Ngoài cơ hội cầu phước tài lộc thọ, đây còn là dịp để bạn tìm hiểu và ôn lại truyền thống lịch sử của ông cha thời khai hoang lập ấp. Đặc biệt, bạn còn được thưởng thức các chương trình nghệ thuật hát bội, cải lương đặc sắc. Trong Lễ Kỳ Yên, hát xướng văn nghệ không chỉ mang tính chất giải trí bình thường mà còn là một nội dung quan trọng của nghi lễ. Vì thế, các hoạt động biểu diễn văn nghệ phải có nội dung nhân văn, kết thúc có hậu, mang đến một thông điệp, bài học ý nghĩa. 

Điển hình là tiết mục hát bội hay hát tuồng trong Lễ Kỳ Yên thường có 3 phần là khai chầu đại bội, hát tuồng và tôn vương. Trong các màn diễn này thường có sự xuất hiện của một vị chức sắc của đình hoặc người có uy tín trong cộng đồng cầm chầu. Vai trò của người này là thay mặt thần linh và khán giả để bày tỏ cảm xúc khen chê bằng tiếng trống. Đến với phần hội, bạn còn có thể trải nghiệm rất nhiều trò chơi dân gian của đình Nam Bộ và những hoạt động đặc sắc chỉ có tại Tây Ninh như chọi gà, kéo co, nhảy bao bố, thi kết hoa, trái, làm bánh tráng phơi sương, nấu bánh canh Trảng Bàng

Lễ cúng đình là một cách thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn và sự gắn kết khắng khít trong cộng đồng người dân ở địa bàn của xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng. Không những thế, lễ hội Kỳ Yên còn giúp người dân trong vùng lưu giữ được các lễ thức xa xưa và những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Hằng năm, vùng đất Trảng Bàng - Tây Ninh đều tổ chức Lễ Kỳ Yên rất long trọng, thu hút đông đảo người dân địa phương xung quanh đến tham dự. Ngoài tháp cổ Bình Thạnh, Lễ Kỳ Yên ở đình Gia Lộc cũng là một hoạt động du lịch thú vị khi bạn đặt chân đến Tây Ninh.

Trải nghiệm Lễ Kỳ Yên đặc sắc ở vùng đất Tây Ninh 7

Biểu diễn hát tuồng đặc sắc trong Lễ Kỳ Yên

Trải nghiệm Lễ Kỳ Yên đặc sắc ở vùng đất Tây Ninh 8

Tiết mục hát bội được đầu tư công phu 

Trải nghiệm Lễ Kỳ Yên đặc sắc ở vùng đất Tây Ninh 9

Màn múa lân tưng bừng, nhộn nhịp trong phần hội

Trên đây là những thông tin về Lễ Kỳ Yên ở vùng đất Tây Ninh mà cẩm nang du lịch của MIA.vn muốn gửi đến bạn. Đừng bỏ lỡ cơ hội khám phá và trải nghiệm lễ hội độc đáo của người dân đất Trảng Bàng nha bạn ơi!