Địa chỉ: 17 Bảo Quốc, phường Phường Đúc, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế

Chùa Báo Quốc tọa lạc trên đồi Hàm Long, thuộc làng Thụy Lôi xưa, gần xóm Lịch Đợi, nay thuộc phường Phường Đúc, thành phố Huế. Chùa không chỉ là chốn thanh tịnh, yên bình cho những ai tìm về với đạo Phật mà còn là Trung tâm Phật học của Huế, nơi hàng trăm tăng ni Phật tử tham gia học tập, tu dưỡng mỗi năm. Chùa Báo Quốc cũng là điểm đến du lịch tâm linh thu hút nhiều du khách thập phương đến tham quan, vãng cảnh như một di tích cổ kính, đậm nét thiền tập của vùng đất kinh kỳ xưa.

Vãn cảnh chùa Báo Quốc hàng trăm năm tuổi linh thiêng ở Huế 2

Chùa Báo Quốc tọa lạc trên đồi Hàm Long, mang đậm nét thiền tập của vùng đất kinh kỳ xưa. Ảnh: Trần Đình Đức Hiếu

Vãn cảnh chùa Báo Quốc hàng trăm năm tuổi linh thiêng ở Huế 3

Chùa Báo Quốc không chỉ là chốn thanh tịnh, yên bình cho những ai tìm về với đạo Phật mà còn là Trung tâm Phật học của Huế. Ảnh: Dulichconvoi

Vào thế kỷ 17 dưới thời vua Lê Dụ Tông, Chùa Báo Quốc được Hòa thượng Giác Phong (người Quảng Đông, Trung Quốc) khai sơn, ban đầu có tên là Hàm Long Tự.

Năm 1747, Hiếu Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát cho tu sửa chùa và đặt biển hiệu chữ Hán “Sắc Tứ Báo Quốc Tự”, bên trái với dòng chữ: “Quốc Vương Từ Tế đạo nhân ngự đề” và bên phải là “Cảnh Hưng bát niên hạ ngũ nguyệt cát nhật”. Bên cạnh đó, tấm biển còn được chạm khắc bốn con dấu và một triện tròn khắc chữ “Quốc Chúa Nam Hà”. Hiện tại, tấm biển sơn son thếp vàng cùng các bức liễu thư từ thời ấy vẫn còn được bảo tồn đến ngày nay.

Năm 1776, chùa rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng và trở nên hoang phế. Đến năm 1808, hoàng hậu Hiếu Khương đã cho xây dựng lại chùa, dựng tam quan, tạc nhiều tượng Phật, đúc bảo khánh và đại hồng chung. Chiếc đại hồng chung này nặng 826 cân ta, cao 1,4m và đường kính 1,2m, hiện vẫn còn nguyên vẹn. Bên cạnh việc tái thiết chùa, hoàng hậu Hiếu Khương còn xin 30 mẫu ruộng nước và 10 mẫu đất khô để làm tự điền cho chùa, đồng thời can thiệp để lấy lại 22 mẫu đất bị chiếm đoạt dưới thời Tây Sơn, trả lại cho chùa. Cũng trong thời gian đó, vua Gia Long ra chỉ dụ đổi tên chùa thành Thiên Thọ Tự.

Năm 1824, vua Minh Mạng đến thăm chùa và sắc phong tên mới là “Báo Quốc Tự”, vì chữ “Thiên Thọ” dùng để chỉ núi và lăng của vua Gia Long - Thiên Thọ Sơn và Thiên Thọ Lăng. Nhà vua còn tổ chức đại giới đàn tại chùa vào năm 1830 nhân dịp lễ mừng thọ 40 tuổi.

Đến năm 1858, do chùa bị hư hại nhiều, vua Tự Đức cùng hoàng thái hậu Từ Dũ đã cấp kinh phí để trùng tu chánh điện và các công trình khác. Dưới thời vua Tự Đức và Thành Thái, nhiều đại lễ cũng đã được tổ chức tại đây.

Năm 1948, An Nam Phật học hội mở Sơn môn Phật học đường tại chùa Báo Quốc để đào tạo tăng tài.

Qua nhiều đời trụ trì, hiện nay chùa do Hòa thượng Thích Đức Thanh đảm nhiệm. Thầy còn là Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật Giáo Việt Nam và Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế.

Chùa Báo Quốc được xây dựng theo kiểu kiến trúc hình chữ “khẩu” trong Hán tự với tất cả các dãy nhà khép kín tạo thành một hình vuông. Phần mặt trước là chánh điện, hai bên là dãy nhà khách và tăng xá, sau cùng là nhà hậu tổ thờ bình tro Tổ Giác Phong. Ngay sau Cổng Tam Quan là khoảng sân rộng với những tán cây xanh rợp bóng, mang lại cảm giác yên bình và thanh tịnh. Ở giữa là khu vườn cây cảnh. Kiểu kiến trúc này đã tạo ra một không gian thoáng đãng, yên tĩnh, tràn ngập ánh sáng và hương thơm hoa trái len lỏi khắp các dãy nhà.

Vãn cảnh chùa Báo Quốc hàng trăm năm tuổi linh thiêng ở Huế 4

Chùa Báo Quốc được xây dựng theo kiểu kiến trúc hình chữ “khẩu” trong Hán tự. Ảnh: Vinpearl

Vãn cảnh chùa Báo Quốc hàng trăm năm tuổi linh thiêng ở Huế 5

Dãy bậc thang cao dẫn đến cổng Tam Quan phủ màu rêu phong. Ảnh: VTC

Vãn cảnh chùa Báo Quốc hàng trăm năm tuổi linh thiêng ở Huế 6

Ngay sau Cổng Tam Quan là khoảng sân rộng với những tán cây xanh rợp bóng. Ảnh: Dulichconvoi

Theo MIA.vn tìm hiểu, ngôi chánh điện chùa Báo Quốc được xây theo lối kiến trúc trùng lương trùng thiềm, một phong cách truyền thống của Việt Nam, gồm ba gian hai chái với các họa tiết trang trí tinh xảo. Các cột trụ và vách tường đều được khảm mảnh sành, cùng với các họa tiết hình rồng công phu. Các tượng Phật được thờ trang nghiêm trong khung kính. Ở án giữa là tượng Phật Tam Thế, Đức Phật Thích Ca, cùng hai vị tôn giả Ca Diếp và A Nan. Án hai bên là tượng Bồ Tát Quán Thế Âm và Bồ Tát Địa Tạng.

Vãn cảnh chùa Báo Quốc hàng trăm năm tuổi linh thiêng ở Huế 7

Ngôi chánh điện của chùa được xây theo lối kiến trúc trùng lương trùng thiềm. Ảnh: Dulichconvoi

Vãn cảnh chùa Báo Quốc hàng trăm năm tuổi linh thiêng ở Huế 8

Các cột trụ và vách tường đều được khảm mảnh sành cùng với các họa tiết hình rồng tinh xảo. Ảnh: Dulichconvoi

Vãn cảnh chùa Báo Quốc hàng trăm năm tuổi linh thiêng ở Huế 9

Khu vực thờ cúng bên trong chánh điện. Ảnh: Tấn Nhật

Trong khuôn viên chùa còn có tượng đài Quan Thế Âm Bồ Tát. Phía sau chùa là khu tháp Tổ, là khu tháp của Ngài Giác Phong - vị tổ khai sơn của ngôi chùa cổ này. Xung quanh chùa bao phủ bởi những cây cổ thụ lâu năm với tán lá rộng, tạo nên không gian mát mẻ và yên bình.

Vãn cảnh chùa Báo Quốc hàng trăm năm tuổi linh thiêng ở Huế 10

Tượng đài Quan Thế Âm Bồ Tát trong khuôn viên chùa. Ảnh: Tấn Nhật

Vãn cảnh chùa Báo Quốc hàng trăm năm tuổi linh thiêng ở Huế 11

Khu tháp Tổ bằng đá phía sau chùa Báo Quốc. Ảnh: Dulichconvoi

Dưới chân đồi Hàm Long về phía Bắc của ngôi chùa có một giếng nước nổi tiếng với dòng nước trong, ngọt và tinh khiết, sâu từ 5 đến 6 mét, được gọi là giếng Hàm Long do mạch nước phun lên mạnh mẽ như vòi rồng. Giếng Hàm Long đã xuất hiện từ thời khai sơn vào khoảng năm 1674. Sau này, nước giếng được dùng để tiến dâng lên các Chúa và người dân không ai được phép sử dụng, vì thế giếng Hàm Long trở thành một giếng cấm, giếng thiêng trong dân gian. Từ đó lưu truyền câu ca dao:

"Chùa Hàm Long thơm trong giếng cấm,

Diêm tiêu nào ngăn được nước trong”."

Theo truyền thuyết, giếng này có liên hệ mật thiết với quá trình hình thành và phát triển của nhà Nguyễn. Khi chúa Nguyễn vào Thuận Hóa định đô, ông gặp phải nhiều hiện tượng thiên nhiên kỳ bí. Một hôm, ông nằm mộng thấy con rồng lớn hô mưa gọi gió, gây ra sóng gió dữ dội. Ông nhận thấy đây là điềm không lành cho quốc gia, nên đã cho người đi xem xét.

Sau đó, một thầy phong thủy đến gặp và nói rằng trước kinh thành có dãy núi thiêng với nhiều long mạch phức tạp. Những long mạch này có tính chất biến hóa khôn lường, muôn hình vạn trạng, lúc ẩn lúc hiện, khi lớn khi nhỏ, hội tụ nguồn sinh khí mà nơi khác không có được. Thầy khuyên mời cao nhân về cúng bái để chấn yểm và thu phục rồng dữ. Nghe theo lời, chúa Nguyễn thực hiện yểm trấn nhiều nơi, kết quả là con rồng không còn quấy phá nữa, đời sống nhân dân trở lại bình yên. Ngọn núi nơi rồng ẩn mình được đặt tên là Bình An Sơn và tồn tại đến ngày nay. Xung quanh giếng hiện nay vẫn còn những hoa văn hình rồng uốn lượn, gợi nhớ đến câu chuyện rồng dữ năm xưa.

Vãn cảnh chùa Báo Quốc hàng trăm năm tuổi linh thiêng ở Huế 12

Giếng Hàm Long linh thiêng gắn với nhiều câu chuyện thú vị. Ảnh: Dulichconvoi

Vãn cảnh chùa Báo Quốc hàng trăm năm tuổi linh thiêng ở Huế 13

Tấm bia đá ở giếng Hàm Long ghi lại khái quát lịch sử của giếng. Ảnh: Vinpearl

Ngoài ra, có một câu chuyện khác kể rằng giếng Hàm Long gắn liền với quá trình xây dựng chùa Báo Quốc vào thế kỷ XVII. Khi đó, Thiền sư Giác Phong khát nước nên đã đào giếng dưới chân núi. Chỉ sau ba nhát cuốc, mạch nước trong vắt phun lên như miệng rồng. Nước giếng ngọt và mát lạnh, sau khi rửa mặt sẽ cảm thấy thư thái và tràn đầy năng lượng. Từ đó, giếng được gọi là giếng Hàm Long.

Ngày nay, chùa Báo Quốc không chỉ là nơi thờ tự linh thiêng ở Huế mà còn gắn với nhiều câu chuyện kỳ bí, thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan. Nếu bạn đang lên kế hoạch du lịch đến Huế, đừng quên ghé thăm Báo Quốc cổ tự để tìm kiếm sự thanh tịnh, giải tỏa những lo toan cuộc sống và lắng nghe câu chuyện về "giếng cấm" Hàm Long nhé!