1Đời sống của người Lô Lô ở Hà Giang
Lô Lô được biết đến là một trong 16 dân tộc thiểu số với dân cư dưới 10.000 người, phân bố chủ yếu tại địa bàn tỉnh Hà Giang. Người Lô Lô ở đây phân chia thành hai nhánh là Lô Lô Đen và Lô Lô Hoa. Người Lô Lô Đen tập trung sinh sống ở khu vực xã Lũng Cú. Còn người Lô Lô Hoa thì chiếm số lượng đông hơn, sinh sống tại các xã Lũng Táo, Sủng Là của huyện Đồng Văn và nhiều xã khác tại huyện Mèo Vạc.
Vì cùng là người Lô Lô ở Hà Giang nên hai nhánh này chỉ có sự khác nhau về trang phục truyền thống. Còn ngôn ngữ, phong tục tập quán thì hoàn toàn giống nhau. Hiện nay, cuộc sống của người Lô Lô vẫn còn rất nhiều thiếu thốn. Tuy nhiên, đây lại là một trong những dân tộc thiểu số có sự gắn kết cộng đồng mạnh mẽ nhất. Các bản làng của người Lô Lô ở Hà Giang luôn ngập tràn trong không khí vui tươi, tiếng cười nói và những điệu múa truyền thống uyển chuyển mỗi dịp lễ hội về.
Trong chuyến đi Review Hà Giang, bạn sẽ thấy người Lô Lô thường tập trung sống từng xóm riêng. Nhà của họ xây tựa lưng vào vách núi, cửa hướng ra thung lũng hoặc cánh đồng. Hai kiểu nhà phổ biến tại đây là nhà trình tường và nhà sàn. Gia đình có điều kiện sẽ làm nhà sàn từ những thân gỗ to lớn, chắc chắn. Còn các gia đình người Lô Lô ở Hà Giang nghèo hơn thì thường làm nhà trình tường, đắp đất lên là chủ yếu.
Hiện nay, ở các bản làng của người Lô Lô tại Hà Giang thì nhà trình tường vẫn phổ biến nhất. Quanh nhà sẽ là hàng rào cũng được đắp bằng đất, khoảng sân nhỏ và không gian sống rất sạch sẽ, gọn gàng. So với các dân tộc thiểu số khác ở Hà Giang, nhà của người Lô Lô sẽ được xây lớn hơn, thường có ba gian. Trong đó, gian giữa là nơi thờ tổ tiên, tiếp khách. Gian bên phải sẽ là khu vực sinh hoạt của ông bà, bố mẹ. Gian trái là giường ngủ của con trai, con gái và dâu rể. Một số gia đình xây thêm phần gác để chứa ngô, khoai, lúa, thóc.
2Văn hóa truyền thống của người Lô Lô ở Hà Giang
Tinh thần đoàn kết, gắn bó của người Lô Lô ở Hà Giang được thể hiện rất rõ nét qua văn hóa và đời sống hàng ngày. Họ sống thành làng bản, đề cao tính cộng đồng, thường xuyên tổ chức các hoạt động để gắn kết thành viên trong bản với nhau. Các dịp như ma chay, cưới hỏi đều là chuyện lớn của cả bản, mọi người sẽ cùng nhau chuẩn bị, ăn uống và vui chơi.
Bên cạnh đó, người Lô Lô từ muôn đời nay cũng luôn giữ tinh thần hòa đồng, thân thiện, đoàn kết với các dân tộc anh em khác tại Hà Giang như người Pà Thẻn, Pu Péo, người Mông ở Mèo Vạc - Hà Giang v.v Hiện nay, nhờ Đảng bộ và các cấp quan tâm, người Lô Lô đã được học tập và tạo điều kiện cải thiện chất lượng cuộc sống. Vì vậy, họ đã dần dần chấp nhận chuyện con em mình học tập, sinh hoạt, thậm chí là cưới hỏi với những dân tộc khác, hình thành nên cộng đồng đa văn hóa và bền chặt hơn.
Nếu có dịp đến Hà Giang, bạn sẽ thấy trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số tại đây cực kỳ rực rỡ. Hầu hết họ đều dùng vải thổ cẩm và những họa tiết riêng biệt làm nên đặc trưng riêng của dân tộc mình.
Trên trang phục phái nữ của người Lô Lô ở Hà Giang, hình tam giác được coi là biểu tượng của vương quốc tổ tiên từ thời xa xưa truyền lại. Những hình tam giác này sẽ được sắp xếp một cách hài hòa với rất nhiều màu sắc đan cài vào nhau. Điều đặc biệt là để phân biệt người Lô Lô Hoa và người Lô Lô Đen, bạn chỉ có thể nhìn vào trang phục nữ giới. Còn tất cả nam giới của dân tộc này đều chỉ mặc quần áo màu xanh đen, đội loại mũ nồi đơn giản.
Phụ nữ người Lô Lô ở Đồng Văn - Hà Giang sẽ mặc áo có phần cổ vuông chui đầu, bên trên trang trí các mảng hoa văn hình chim chóc, hoa tam giác mạch, cây lúa, cây ngô vòng quanh thân áo. Phần tà áo sẽ khá rộng được ghép bằng nhiều vòng vải với màu sắc khác nhau. Áo được kết hợp với váy, thêm một mảnh vải hình chữ nhật dài phía sau hông, đeo xà cạp quấn chân.
Còn những người phụ nữ Lô Lô Hoa thì lại mặc áo cánh cổ tròn, bên ngoài là một chiếc áo xẻ, không có cúc gài. Phần tay áo cũng được ghép từ các vòng vải nhiều màu sắc khác nhau. Tuy nhiên, người Lô Lô Đen không mặc áo với váy mà lại mặc quần ống trang trí hoa văn rực rỡ.
Trang phục của người Lô Lô ở Hà Giang có lịch sử từ xa xưa, gắn với những biểu tượng đại diện cho tinh hoa văn hóa lâu đời. Bên cạnh đó, việc sử dụng các mảng màu rực rỡ, đan xen nhau còn thể hiện mong cầu của họ về hạnh phúc lứa đôi, gia đình con cái đầy đàn. Tuy nhiên, hiện nay hầu như người Lô Lô chỉ mặc trang phục truyền thống trong các lễ hội hoặc những dịp biểu diễn văn nghệ. Còn hàng ngày thì họ sẽ mặc trang phục khá giống người Kinh để dễ dàng làm việc, vận động.
Xem thêm: Tìm hiểu nét văn hóa độc đáo của người Cờ Lao ở Hà Giang
Đến với những bản làng của người Lô Lô ở Hà Giang, bạn chắc chắn không thể bỏ lỡ những trải nghiệm thú vị khi xem các điệu múa truyền thống của họ. Nhạc cụ họ thường sử dụng là đàn bầu và trống đồng. Đặc biệt, người Lô Lô coi trống là vật linh thiêng nên mỗi tháng, gia chủ đều phải mang trống ra thành kính thắp hương và cúng khấn ba lần. Trước khi mang trống ra sử dụng, họ cũng phải thắp hương xin phép thần linh mới được hạ trống xuống.
Các điệu múa truyền thống của người Lô Lô thường được biểu diễn sau khi thực hiện xong các nghi lễ cúng tế. Có những tiết mục cả nam nữ sẽ cùng biểu diễn. Còn một số điệu múa thì chỉ do các cô gái tuổi đôi mươi thực hiện. Ngoài ra, người Lô Lô còn có điệu múa giao duyên truyền thống dành cho các cặp đôi nam nữ.
Hiện nay, hầu hết các thôn của người Lô Lô đều có các đội múa hát văn nghệ. Vì vậy, dù không đến đây vào dịp lễ hội thì bạn vẫn có thể xem những tiết mục đặc sắc này. Họ sẽ mặc trang phục truyền thống, cùng nắm tay nhau vừa nhảy vừa hát vang những bài ca đặc trưng của dân tộc mình.
Trên đây là những nét độc đáo trong đời sống và văn hóa của người Lô Lô ở Hà Giang mà cẩm nang du lịch MIA.vn muốn giới thiệu đến bạn. Có dịp đến với mảnh đất Tây Bắc, bạn đừng bỏ lỡ cơ hội tìm hiểu về nét đẹp của cộng đồng dân tộc này nhé.