Nằm ở cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang mang trong mình vẻ đẹp hoang sơ và kỳ vĩ. Những dãy núi đá tai mèo lởm chởm bao phủ hai bên các cung đường đèo uốn lượn, tưởng như lửng lơ giữa đất trời. Tại đây du khách còn được tận hưởng vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang trù phú óng ả khi chuẩn bị vào mùa lúa chín. Và hơn hết sức hấp dẫn của miền đất này chính là ở vẻ đẹp trong đời sống bình dị hàng ngày của những dân tộc tại Hà Giang, trong đó người Mông chiếm tỉ lệ dân số cao nhất.

Tìm hiểu về phong tục tập quán của người Mông ở Mèo Vạc - Hà Giang 2

Người Mông chiếm tỉ lệ dân số cao nhất tại Hà Giang 

Đồi núi phía Bắc là nơi cư trú của rất nhiều dân tộc thiểu số, trong đó sự phát triển của người Mông là một sự tồn tại đặc biệt, đại diện cho khả năng thích nghi hoàn hảo để sinh tồn và vươn lên. Đúng như những câu dân ca của người dân tộc Mông: 

“Loài cá sống ở nước

Loài chim bay trên trời

Người Mông sống ở núi”

Tìm hiểu về phong tục tập quán của người Mông ở Mèo Vạc - Hà Giang 3

Người Mông ở Mèo Vạc - Hà Giang mạnh mẽ vươn lên giữa điều kiện sống khó khăn

Dù điều kiện cuộc sống có như thế nào thì người Mông nói chung và những người Mông ở Mèo Vạc - Hà Giang nói riêng cũng sẽ thích nghi hết sức mình. Sống ở nơi núi cao vời vợi, hay nơi mặt biển hoang vu, dân tộc này cũng không ngừng phát triển, vừa bảo tồn những giá trị truyền thống quý giá, vừa cải thiện chất lượng cuộc sống từng ngày.

Xem thêm: Những nét văn hóa đặc trưng của người Pà Thẻn ở Hà Giang

Tìm hiểu về phong tục tập quán của người Mông ở Mèo Vạc - Hà Giang 4

Cuộc sống của nhiều hộ gia đình người Mông ở Mèo Vạc vẫn còn rất khó khăn

Theo các nhà nghiên cứu, sở dĩ người Mông sống đông đảo ở Hà Giang do ba thế kỷ trước, dân tộc này quân phương Nam truy đuổi nên mới dạt về nơi đây. Đến hiện tại người Mông ở nơi này chiếm khoảng 31% dân số Hà Giang, chia làm 2 nhóm chính là Mông trắng và Mông hoa. Người Mông sinh sống chủ yếu tại các huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc và hai huyện phía tây Hoàng Su Phì, Xín Mần.

Tìm hiểu về phong tục tập quán của người Mông ở Mèo Vạc - Hà Giang 5

Những căn nhà lâu đời của các hộ gia đình giàu có của người Mông để lại

Không gian sống đặc biệt của người Mông luôn khiến nhiều người tò mò. Tại sao họ lại xây nhà sàn ở nơi lưng trời? Tại sao không di cư xuống những vùng thấp trũng hơn để dễ canh tác? Theo nhiều nhà nghiên cứu, từ xa xưa việc người Mông chọn sống trên các đỉnh núi đã là sự tất yếu. Bởi khi họ di cư đến Hà Giang, những nơi thuận lợi để canh tác và sinh hoạt thì đều đã có những dân tộc khác cư trú. Vì thế người Mông đành chọn thích nghi với đời sống trên những đỉnh núi cao, cố gắng bám trụ và tìm cách sinh tồn tại đây. Câu tục ngữ “Không có đỉnh núi nào cao hơn đầu gối người Mông” ra đời cũng chính từ sự nghị lực này.

Tìm hiểu về phong tục tập quán của người Mông ở Mèo Vạc - Hà Giang 6

Những ngôi nhà trên đỉnh đồi của người Mông, sừng sững với thiên nhiên, đất trời

Từ sự nỗ lực thích nghi với điều kiện sống trên đỉnh núi cao, người Mông ở Mèo Vạc - Hà Giang đã sáng tạo ra những hình thức canh tác phù hợp, dần dần tạo thành nét văn hóa của riêng mình. Giữa địa hình chỉ toàn đá tai mèo sắc nhọn, đất đá khô cằn vì xói mòn, họ đã sáng tạo nên kỹ thuật thổ canh trong hốc đá, tức dùng đất ở chỗ khác để đổ vào hốc đá và trồng các loại cây thích hợp như ngô, khoai, đậu…

Tìm hiểu về phong tục tập quán của người Mông ở Mèo Vạc - Hà Giang 7

Thổ canh hốc đá là hình thức canh tác mà người mông sáng tạo nên để thích nghi với địa hình núi cao

Tập quán canh tác bên trong hốc đá đã trở thành biểu tượng của dân tộc Mông. Điều này cũng thể hiện sự thông minh, tư duy logic và khả năng sáng tạo tuyệt vời trong lao động khiến chúng ta phải thán phục. Những người đàn ông thì miệt mài cày cuốc, người phụ nữ thì ở nhà dệt vải, nếp sống văn hóa bao đời khiến sức hút của người Mông trong mắt du khách đến từ miền xuôi là không thể chối từ.

Khi đến huyện núi Mèo Vạc, du khách có thể lựa chọn hòa mình vào cuộc sống của người dân nơi đây với những nếp sống mộc mạc mà thân thương. Dưới đây là những trải nghiệm mà bạn khó có thể chối từ.


Chợ phiên Mèo Vạc tại cao nguyên đá không khí nô nức và vui như tết. Đâu đó là tiếng bò kêu, tiếng ngựa hí, tiếng trả giá bán mua, tiếng chúc tụng bên chén rượu thơm lừng. Ở đây còn bày bán những loại sản vật của núi rừng như mật ong, nấm hương cho đến các món đồ điện tử, đồ gia dụng. Điều thú vị của người Mông ở Mèo Vạc - Hà Giang là không cần dùng tiền mà dùng hiện vật để trao đổi. Họ thường mang theo con gà hay chục trứng để đổi lấy đồ dùng như cái cuốc hay đôi thùng, đôi thúng… Chợ phiên vùng cao nô nức với rất nhiều sắc màu rực rỡ, mang phong vị rất riêng của miền đất này.

Tìm hiểu về phong tục tập quán của người Mông ở Mèo Vạc - Hà Giang 8

Những mặt hàng phục vụ cho đời sống hàng ngày được bày bán ở chợ phiên

Mỗi ngày chợ phiên diễn ra, người Mông không chỉ đến để trao đổi, mua bán hàng hóa mà còn để giao lưu, gặp gỡ, trò chuyện cùng nhau. Không cố định như ngày họp chợ ở miền xuôi, chợ phiên người Mông không theo định kỳ mà là chợ tiến và chợ lùi. Thời gian họp chợ cũng được diễn ra xen kẽ nhau, chẳng hạn ở Đồng Văn, chợ được họp vào ngày Dần thì ở xã bên cạnh sẽ họp vào ngày Mão.

Điều này giúp người Mông có thể vừa tham gia chợ phiên tại xã mình, vừa có thể tham gia chợ của xã bên, nhờ vậy có cơ hội gặp gỡ và giao lưu với nhau nhiều hơn. Chợ sẽ bắt đầu họp từ lúc sớm tinh mơ, khi mây mù vẫn còn vẫn giăng khắp lối. Đến trưa thì chợ tan, trên các cung đường bạn có thể bắt gặp những người phụ nữ trĩu nặng vai hàng hóa, những người đàn ông say khướt đang tha thẩn từng bước về nhà.

Tìm hiểu về phong tục tập quán của người Mông ở Mèo Vạc - Hà Giang 9

Du khách có thể mua rất nhiều những mặt hàng lưu niệm tại chợ phiên

Tại chợ phiên, du khách có cơ hội giao lưu với văn hóa của cộng đồng người Mông ở Mèo Vạc - Hà Giang, được thưởng thức những món ăn ngon, mua những món hàng thủ công về làm quà cho người thân bạn bè. Tại đây bạn cũng có thể thuê trang phục truyền thống của dân tộc này để có những bức hình check-in thật xinh xắn.


Nếu đến Hà Giang vào mùa xuân, khoảng thời gian sau dịp Tết Nguyên đán hoặc trước và sau vụ mùa thì du khách sẽ có cơ hội tham gia những lễ hội tưng bừng của vùng đất này như: lễ hội Gầu Tào, lễ hội chợ tình Khâu Vai, lễ hội hoa tam giác mạch... Những lễ hội phản ánh phong tục tập quán địa phương, phản ánh nếp sống ngàn đời được gìn giữ và phát triển, bên cạnh đó kéo gần hơn du khách đến với nét đẹp truyền thống của dân tộc.

Tìm hiểu về phong tục tập quán của người Mông ở Mèo Vạc - Hà Giang 10

Những lễ hội tưng bừng, rộn ràng được người Mông ở Mèo Vạc - Hà Giang tổ chức định kỳ hàng năm

Những đêm đốt lửa trại, những điệu nhảy hăng say, những chum rượu thơm lừng, những bài ca truyền miệng làm nên kỉ niệm khó quên trong lòng du khách. Vì thế nếu có cơ hội hòa mình vào không khí lễ hội, bạn hãy cứ hết mình và tận hưởng không khí sôi động này nhé. Người Mông rất thân thiện và nhiệt tình, vì thế chắc chắn sẽ không có bất cứ sự ngại ngùng, xa lạ nào đâu.

Trên đây là một vài nét cơ bản để du khách có thể tìm hiểu và trải nghiệm về văn hóa của người Mông ở Mèo Vạc - Hà Giang. Vì đây chỉ là một góc nhìn nhỏ từ MIA.vn nên chúng tôi hi vọng bạn sẽ sớm có những cơ hội trải qua chuyến đi của riêng mình và cảm nhận chân thực về những con người chân chất tại mảnh đất Hà Giang thanh bình nhé.