Địa đạo Gò Thì Thùng Phú Yên nằm ở độ cao hơn 400m so với mực nước biển, ẩn mình dưới vùng đất đỏ bazan. Địa đảo trải dài theo hướng Bắc - Nam 5km, chiều rộng theo hướng Đông - Tây 4km. Vào mỗi dịp lễ Tết mình tại đây lại diễn ra lễ hội dân gian truyền thống - Hội đua ngựa Gò Thì Thùng.

Năm 2009, địa đạo Gò Thì Thùng Phú Yên được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Được biết, cùng với địa đạo Củ Chi (TP.HCM), địa đạo Vĩnh Mốc (Quảng Trị), địa đạo Gò Thì Thùng là một trong 3 địa đạo lớn ở nước ta.

Xem thêm: Lễ hội đua ngựa Gò Thì Thùng - Nét văn hóa đặc sắc của Phú Yên

Về thăm địa đạo Gò Thì Thùng Phú Yên - Dấu ấn lịch sử còn mãi với thời gian 2

Đường xuống hầm địa đạo Gò Thì Thùng Phú Yên

Khi thất bại nặng trên chiến trường, Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam Việt Nam. Tại cao nguyên An Xuân đã diễn ra nhiều trận càn ác liệt, quân và dân ta đã lập được nhiều chiến công vang dội góp phần quan trọng vào chiến thắng “Chiến tranh cục bộ” ở chiến trường miền Nam.

Vào năm 1964 trước sự lớn mạnh của kẻ thù, Bộ chỉ huy quân sự Khu V đã quyết định đào địa đạo Gò Thì Thùng tại xã An Xuân, An Định, An Nghiệp. Địa đạo Gò Thì Thùng cũng được ghi danh trong hành trình xây dựng, khai phá hệ thống địa đạo ở Việt Nam trong những năm chống giặc ngoại xâm. Địa đạo Gò Thì Thùng được quân dân nơi đây khởi công vào ngày 10/5/1964; cố Bí thư Tỉnh ủy Trần Suyền là người bổ nhát cuốc đầu tiên phát lệnh, sau hơn một năm, trong điều kiện bí mật, an toàn, làm đêm là chính, địa đạo Gò Thì Thùng hoàn thành.

Sau khi hoàn thành, tổng chiều dài địa đạo là 1.948 mét, sâu 4,5 mét, rộng 0,8 mét. Toàn bộ địa đạo có 486 giếng, trên miệng giếng lấy gỗ đặt gầm, cách 20 mét có chừa một cửa hông để ngụy trang. Bên trên địa đạo Gò Thì Thùng Phú Yên được đặt vọng gác có đài quan sát, xung quanh là hệ thống giao thông chằng chịt chạy ngang dọc. Khi có địch, ta xuất hiện để đánh, đánh xong thì rút xuống, địch không phát hiện và nhân dân tuyệt đối giữ bí mật an toàn. Sau ngày giải phóng, dấu vết chiến tranh trên Gò Thì Thùng còn in rõ bởi hố bom, bãi mìn và thuốc súng. Thế nhưng hiện nay, những khoảng đất của chiến trường xưa đã xanh dần, các dãy nhà mới mọc lên, cuộc sống của người dân nơi đây dần được cải thiện.

Về thăm địa đạo Gò Thì Thùng Phú Yên - Dấu ấn lịch sử còn mãi với thời gian 3

Con đường dẫn tới địa đạo được trồng nhiều cây xanh và đã được đổ bê tông chắc chắn

Xuất phát từ Tuy An bạn đi theo con đường liên huyện qua cầu sắt xã An Nghiệp, đường lên xã đi lên cao dần, đi qua hết các con đèo nhỏ. Đến đây bạn sẽ bắt gặp một vùng đất bằng phẳng với độ cao 400m so với đầm Ô Loan, đây chính là nơi có địa đạo Gò Thì Thùng Phú Yên vô cùng nổi tiếng. Bạn sẽ được tận hưởng không gian thoáng đãng với màu đất đỏ bazan và bắt đầu hành trình khám phá Phú Yên ý nghĩa.

Ngày này khi đến với địa đạo Gò Thì Thùng Phú Yên này ít ai biết được rằng nơi đây là chiến trường ác liệt từng diễn ra trận đánh giáp lá cà giữa quân ta với kẻ thù cách đây hơn 40 năm về trước. Cũng ít có thể tưởng tượng được rằng bên dưới lòng sâu kia đã từng có một hệ thống địa đạo do nhân dân ta đào nên.

Giờ đây, đường về địa đạo Gò Thì Thùng Phú Yên đã được rải nhựa thông thoáng. Và nói đến địa đạo này thì nhiều người sẽ nhớ ngay đến một hệ thống địa đạo tầm cỡ quốc gia, nhớ đến một ngày hội đua ngựa truyền thống trên Gò Thì Thùng vào mùng 9 tết hằng năm. Đây là một ngày hội đua ngựa duy nhất có ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Đến đây bạn sẽ được thưởng thức nhiều món ngon dân dã từ các loại rau rừng, canh chua lá dít… được tận mắt chứng kiến di tích lịch sử ở chiến trường xưa và tận hưởng cảm giác trong lành, mát mẻ của khí hậu vùng cao. Dù cuộc sống của người dân nơi đây còn khó khăn nhưng họ vẫn rất mến khách và sẵn sàng cho bạn ở lại đấy nhé.

Về thăm địa đạo Gò Thì Thùng Phú Yên - Dấu ấn lịch sử còn mãi với thời gian 4

Hằng năm các chiến sĩ năm xưa vẫn đến đây để dâng hương, hành lễ tưởng nhớ công ơn của các vị anh hùng

Nơi đây, một vùng mênh mang thoáng đãng và dưới lòng đất là cả một hệ thống đường hầm lịch sử. Vùng đất của lễ hội truyền thống đua ngựa đầu xuân - vùng đất văn hóa lễ hội dân gian truyền thống. Vùng đất của di tích lịch sử ấy giờ đây là địa chỉ du lịch về nguồn rất đáng trân trọng. Còn gì hạnh phúc hơn khi tìm hiểu, khám phá và đi sâu vào địa đạo Gò Thì Thùng Phú Yên. Ngày xuân, những chàng kỵ sĩ không chuyên trên những chú ngựa thuần phục vận chuyển hàng hóa thường ngày, Tết về thành những chú tuấn mã tham gia lễ hội. Năm nào cũng vậy, đã thành lệ, nơi đây diễn ra một hoạt động vui xuân của bà con vùng núi xã An Xuân và các địa phương tham gia Hội đua ngựa Gò Thì Thùng Phú Yên. 

Đến đây bạn còn có thể tham quan nhà thờ Bác Hồ. Để đến được nhà thờ Bác Hồ, bạn cần băng qua con đường xuyên rừng dài 10km rợp bóng cây xanh. Nhà thờ Bác được xây dựng kiên cố, không gian thoáng mát theo lối kiến trúc cổ xưa của người Việt Nam nhưng vẫn hài hoà với cây cỏ và núi rừng. Hai cây dẻ được trồng vào ngày tiễn đưa Bác về cõi vĩnh hằng nay đã toả bóng xum xuê, che mát cho những lớp lớp người đến đây tưởng nhớ vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.

Về thăm địa đạo Gò Thì Thùng Phú Yên - Dấu ấn lịch sử còn mãi với thời gian 5

Khám phá những điều đặc sắc bên trong Địa đạo Gò Thì Thùng Phú Yên

Để bảo tồn di tích, UBND huyện Tuy An đã có kế hoạch trùng tu và đưa di tích này vào khai thác với tổng kinh phí đầu tư công trình gần 1 tỷ đồng. Chi phí bao gồm 2 nhà che cửa hầm địa đạo, 3 nhà che giếng, lối đi xung quanh di tích, khôi phục 95 đoạn hào địa đạo và lắp đặt 10 bia hướng dẫn trong khu vực. Theo Sở VH-TT-DL, đơn vị cũng đã hoàn tất các thủ tục đề nghị Bộ VH-TT-DL đầu tư kinh phí để thực hiện thi công công trình tôn tạo Di tích lịch sử Địa đạo Gò Thì Thùng giai đoạn 2 bao gồm các hạng mục nhà quản lý và trưng bày, nhà vệ sinh, hệ thống điện, nước sinh hoạt vào năm 2014. 

Đâu đó trong tiềm thức, người dân xã An Xuân vẫn nuôi ước mơ rằng di tích lịch sử trên quê hương mình sẽ được trùng tu nhiều hơn nữa để trở thành một địa điểm thu hút nhiều du khách đến tham quan. Điều ước của họ hoàn toàn có cơ sở, bởi nơi đây hội tụ được 3 cái nhất mà không nơi nào có được: có di tích Địa đạo Gò Thì Thùng, có hội đua ngựa truyền thống, có một con đường rộng lớn dài khoảng 10km thông suốt nối dài từ An Xuân đến Nhà thờ Bác Hồ tại xã Sơn Định, Sơn Hòa. Ba cái nhất này kết hợp với nhau chắc chắn sẽ hợp thành một tour tham quan về vùng sơn cước “chiến khu xưa” hấp dẫn trong tương lai gần của tỉnh Phú Yên. Công trình này hoàn thành hứa hẹn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân và du khách đến tham quan.

Về thăm địa đạo Gò Thì Thùng Phú Yên - Dấu ấn lịch sử còn mãi với thời gian 6

Lễ hội đua ngựa tại Gò Thì Thùng Phú Yên

Gò Thì Thùng là nơi ghi dấu nhiều chiến công oanh liệt của nhân dân thành phố Tuy An. Trong ngày 24-26/6/1966, quân ta chặn đánh một tiểu đoàn Mỹ thuộc sư đoàn không vận số 1 từ Gò Sống Trâu chia thành nhiều hướng tấn công quân ta tại Gò Thì Thùng. Địa đạo Gò Thì Thùng Phú Yên còn là nơi hội tụ của lòng quyết tâm, ý chí kiên cường, quyết chiến quyết thắng, gìn giữ non sông của nhân dân Phú Yên, đồng thời cũng là biểu hiện cho ý chí dân tộc tự lực tự cường, bảo vệ đất nước không chỉ trong thời chiến mà còn cả trong thời bình.

Địa đạo Gò Thì Thùng Phú Yên là một di tích lịch sử mà bạn nên ghé thăm trong lịch trình khám phá Phú Yên. Hy vọng những thông tin mà MIA.vn vừa cung cấp sẽ giúp bạn có một chuyến hành trình trọn vẹn tại mảnh đất này.