1Bạn biết gì về khu vực trồng bưởi đỏ Tân Lạc?
Hòa Bình được biết đến là một tỉnh canh tác nông nghiệp với khoảng 2600ha đất trồng bưởi đỏ nổi tiếng. Riêng ở huyện Tân Lạc theo ghi nhận đã có khoảng 240ha được chứng nhận hữu cơ, VietGAP. Trong đó có tới 6 mã số vùng trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu đi Liên minh Châu Âu cấp cho 140ha trồng bưởi đỏ tập trung. Những khu vực để canh tác sẽ được giám sát nghiêm ngặt về dịch bệnh và trồng trọt.
Nguồn gốc của bưởi đỏ Tân Lạc là từ xã Khánh Thương, Ba Vì, Hà Nội. Cho đến năm 2004 bưởi đã được đưa đến trồng ở nhà ông Trần Hùng, xóm Tân Hường 1, xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc, Hòa Bình. Từ điều kiện địa lý cho đến thời tiết địa phương đều rất tương thích với giống cây ăn trái này, nên bưởi được nhân giống nhanh chóng và trồng thay cho những đồi keo trước đó, mang đến hiệu quả kinh tế cao cho dân địa phương.
2Đặc điểm bưởi đỏ Tân Lạc và yêu cầu điều kiện sinh thái khi trồng
2.1 Bưởi đỏ Tân Lạc có những đặc trưng gì?
Bưởi đỏ Tân Lạc có dạng hình tròn, vỏ vàng và khi chín thì múi bưởi sẽ mang sắc hồng đỏ đẹp mắt. Trung bình mỗi quả nặng từ 1.2 – 1.4kg khá chắc thịt. Từng tép bưởi mang sắc đỏ hồng, bó chặt vào nhau nhưng rất dễ tách. Khi ăn bạn sẽ thấy bưởi có vị giòn ngọt và không quá đắng ngắt. Đặc biệt trái bưởi đỏ Tân Lạc còn mang hương thơm ngát rất khác biệt so với bưởi bưởi Diễn, bưởi da xanh hay bưởi năm roi...
Cũng hiếm có giống cây ăn quả đặc sản Hòa Bình nào có năng suất cao như bưởi đỏ Tân Lạc. Mỗi cây từ 5 năm trở đi sẽ sai quả đều đặn từ 260 – 320 trái/năm. Thân cây cao từ 1.5 – 2.5m với tán phổ rộng, dài. Theo thông tin MIA.vn ghi nhận, cây giống được mua về để trồng ban đầu thường cao từ 50 – 60cm.
2.2 Điều kiện sinh thái thích hợp để gây trồng
Dựa theo tình hình thực tế, giống bưởi đỏ Tân Lạc được đánh giá là khá khó trồng. Giống cây này ưa ẩm và ánh sáng. Muốn trồng thành công người nông dân phải áp dụng đúng kỹ thuật thì mới mang lại giá trị kinh tế cao.
Loại đất nên lựa chọn là đất có thành phần cơ giới nhẹ, độ pH từ 5 – 5.7. Đất phải thông thoáng và tơi xốp, tránh tình trạng ngập úng. Nếu trồng nông dân cần làm tầng canh tác 0.5m trở lên. Thời điểm canh tác bưởi đỏ Tân Lạc thích hợp nhất là từ tháng 5 – tháng 6 dương lịch hằng năm bởi lúc này cây sinh trưởng và phát triển nhanh nhất.
Bên cạnh đó nhà nông cũng phải đảm bảo độ ẩm để giống bưởi đỏ tăng trưởng suốt quá trình trồng. Nhất là thời kỳ ra hoa đậu quả người nông dân phải tuyệt đối phòng tránh tình trạng ngập úng gây hại. Cỏ cần phải làm sạch liên tục, chủ vườn phải sát sao kiểm tra để kịp thời tỉa bớt các cành vượt hay cành bị sâu bệnh. Nếu nắng gắt thì người ta sẽ tưới dặm, đất bị úng thì cần thoát nước. Bưởi đỏ Tân Lạc vào năm sai trái quá nhiều cũng cần tỉa bớt bởi nó sẽ làm cho cây bị kiệt sức.
Xem thêm: Cam Cao Phong ngon ngọt mọng nước, đặc sản nức tiếng đất Hòa Bình
Nhờ sự tâm huyết và thực hiện chăm sóc tỉ mỉ theo quy trình mà bưởi đỏ Tân Lạc không chỉ tươi ngon, mọng nước mà còn giàu dinh dưỡng. Bí kíp du lịch mách bạn nếu muốn lựa được những trái bưởi ngon thì nên đến trực tiếp các nhà vườn để quan sát nhé.