1 Cầu Chương Dương bắc ngang hai bờ sông Hồng
Địa chỉ: Quốc lộ 1 cũ, km170+200, Hà Nội, nối quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên
Cầu Chương Dương bắc ngang qua sông hồng và nằm gần cầu Long Biên, được xây dựng nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu đi lại, đồng thời phát triển kinh tế-xã hội đô thị hai bên bờ sông Hồng. Vào những năm 1980 cả thủ đô Hà Nội chỉ có cầu Long Biên còn cầu Thăng Long thì đang xây dở dang, không đủ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Trước tình cảnh đó, Nhà nước đã cho xây dựng cầu Chương Dương với độ dài 1.230 m bao gồm 21 nhịp. Cầu được khởi công vào ngày 10/10/1983 và nhanh chóng vượt tiến độ 12 tháng thông xe ngày 30/6/1985. Điểm đặc biệt nhất của cầu Chương Dương là cây cầu đầu tiên được thiết kế và thi công ở nước ta không cần các kỹ sư nước ngoài hỗ trợ kỹ thuật. Nhờ đó các kỹ sư cầu đường Việt Nam có thể tự thử sức mình thiết kế và thi công công trình giao thông lớn, từ đó cũng tạo nền móng cho sự xây dựng của các cây cầu hiện đại sau này.
2 Hướng dẫn di chuyển đến cầu Chương Dương
Đường đi đến cầu Chương Dương không hề khó, nếu di chuyển bằng phương tiện cá nhân từ trung tâm Hà Nội bạn có thể chạy về hướng đường Trần Quang Khải. Chạy thẳng thêm một đoạn bạn sẽ thấy vòng xoay cầu Chương Dương là chúng ta đã đến nơi. Ngoài ra, theo kinh nghiệm du lịch nếu bắt xe buýt bạn hãy chọn những tuyến như 11CT, 22A, 34, 47A và 98.
3 Lịch sử xây dựng cầu Chương Dương
Vào những năm 80 cả thủ đô chỉ có cầu Long Biên bắc ngang sông Hồng phục vụ nhu cầu đi lại của người dân Hà Nội và cả các tỉnh thành khu vực Đông Bắc. Vào thời điểm ấy, do đường dành cho ô tô quá bé, thường xuyên ách tắc mà cầu Long Biên còn được mệnh danh là “cây cầu dài nhất thế giới”. Thậm chí có những hôm người dân phải mất hàng tiếng đồng hồ mới đi qua được đây.
Trong khi đó, cầu Thăng Long thì còn đang thi công dở dang, hơn nữa dù có hoàn thiện có cũng chưa thể hỗ trợ chia sẻ giao thông qua sông Hồng được vì vị trí xa trung tâm. (Thời điểm bấy giờ khoảng cách 10 km từ bờ hồ đến cầu Thăng Long là rất xa). Thế nên ưu tiên cấp thiết của nhà nước lúc này chính là xây dựng một cây cầu nối liền với trung tâm Hà Nội, chủ trương ban đầu là làm cầu treo có 3 nhịp chính bắc ngang sông Hồng.
Khi mới bắt đầu khởi công, cây cầu này được mang tên là “cầu treo mùa xuân”. Thực chất việc chuẩn bị xây dựng cầu treo đã được chuẩn bị từ những năm 1980 nhưng lại không khả thi với điều kiện máy móc, thiết bị thời bấy giờ, thế nên năm 1983 Bộ Giao thông – Vận tải Hà Nội đã đổi thành “cầu cứng”. Cầu Chương Dương chính thức khởi công ngày 10/10/1983 trên cơ sở vật tư, nhân lực và mặt bằng đã được tập trung tại đây mấy năm để làm cầu treo.
Dầm thép để làm cầu Chương Dương cũng được tận dụng đặc chế lại từ dầm thép của các cầu đường sắt được viện trợ từ thời chiến tranh chống Mỹ. Ngoài ra, sắt thép và xi măng cho cầu Chương Dương cũng được cầu Thăng Long “chi viện” khá nhiều.
4 Độ dài cầu Chương Dương và thông số kỹ thuật chi tiết
4.1 Độ dài và kết cấu cầu Chương Dương
Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải TEDI (trước đây là Viện Thiết kế giao thông) là đơn vị chịu trách nhiệm lên ý tưởng và thiết kế cầu dầm thép cho cầu Chương Dương. Tổng chiều dài của cây cầu lên đến 1.230 m với 21 nhịp cầu, trong số đó 11 nhịp bằng thép và 10 nhịp bằng bê tông.
Cầu Chương Dương được chia thành 4 làn xe riêng biệt, phần ở giữa là cánh gà rộng 10 m, ngoài cùng thì có làn đường rộng 1,5 m dành riêng cho xe máy và xe đạp. Đầu cầu phía Gia Lâm nối tới đường mới mở Nguyễn Văn Cừ đi về hướng cầu chui. Đầu cầu phía Hoàn Kiếm thì được nối với đường Trần Nhật Duật.
Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên nói về tên của cầu Chương Dương trong buổi họp báo ở khách sạn Giảng Võ rằng nó được lấy cảm hứng từ tên của một bến trên sông Hồng. Bến này từng vang danh trong sử sách nhờ chiến công đánh bại quân Nguyên-Mông của dân tộc ta vào thế kỷ thứ 8. Cái tên “Chương Dương” được dùng để khơi gợi tinh thần tự lực, tự cường hào khí ngất trời của dân tộc trong kháng chiến, cũng như trong quá trình thi đua lao động, chung tay tăng gia sản xuất xây dựng nước nhà. Sau khoảng 1 năm 9 tháng thi công, cầu Chương Dương chính thức khánh thành ngày 30/6/1985 và được đưa vào sử dụng, từ đó tình trạng ách tắc trên cầu Long Biên cũng được giảm tải.
4.2 Một số thông số kỹ thuật chính của cầu Chương Dương
Tổng số nhịp: 21 nhịp gồm 11 nhịp thép và 10 nhịp bê tông, trong số đó 7 nhịp về phía Hà Nội còn 3 nhịp về phía huyện Gia Lâm. Từ trụ T2 đến trụ T11 được liên kết liên tục bằng những thanh dầm gắn liền có hình tam giác. Chỉ riêng trụ T4, T5A, T6 và T7 bị tách nhau bởi điều kiện kinh tế hạn hẹp của nước nhà. Thế nên từ xa nhìn lại bạn có thể thấy kiến trúc cầu Chương Dương phần nào đó không được đồng bộ.
Chiều dài cầu Chương Dương: 1.230m.
Tải trọng: H30.
Phân tải: cầu Chương Dương được chia thành 4 làn xe 2 chiều, có 2 làn giữa rộng 5 m và 2 làn ngoài cùng rộng 1,5 m.
5 Ý nghĩa đặc biệt của cầu Chương Dương với lịch sử phát triển thủ đô
5.1 Công trình thể hiện tinh thần tự lực của dân tộc
Công trình cầu Chương Dương hoàn thiện đã chứng minh được tinh thần tự lực của dân tộc Việt Nam trên chặng đường hội nhập và phát triển đất nước. Dù ở trong hoàn cảnh vô cùng thiếu thốn vật tư, công nghệ lạc hậu thô sơ nhưng chúng ta vẫn quyết tâm đưa ra những sáng kiến mới, cải tiến kỹ thuật sửa chữa dầm cầu, xử lý móng, từ đó gỡ rối những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng cầu Chương Dương.
Một trong những sáng kiến nổi bật nhất được Bộ Giao thông Vận tải tuyên dương chính là kỹ sư Vũ Kim Chung đã hoán cải và làm sống dậy chiếc búa máy Denmark. Nhờ đó thời gian đóng cọc móng trụ đầu đã được rút ngắn đáng kể. Dù trong thời gian xây dựng có những ngày trời rét thấu xương, nhưng nhiều công nhân vẫn không ngừng đóng cọc suốt ngày đêm trên sông Hồng.
5.2 Vị trí đắc địa kết nối giao thông với thủ đông
Cây cầu Chương Dương nằm ngay vị trí trung tâm quận Hoàn Kiếm, nối liền sang quận Long Biên và những khu vực lân cận. Từ đây nó đã chứng kiến biết bao thay đổi của thủ đô trong suốt gần 40 năm hình thành. Từ khi hình thành cầu đã giải quyết được phần nào nhu cầu giao lưu giữa Hà Nội và các tỉnh thành khu vực phía bắc sông Hồng. Nhờ đó mức sống của người dân cũng được cải thiện, cơ sở hạ tầng được nâng cao.
Dù hiện nay đã có thêm nhiều cây cầu mới nhưng cầu Chương Dương vẫn mãi giữ vị thế vẹn nguyên trong lòng người dân Hà Nội. Hy vọng với những kinh nghiệm du lịch hữu ích đã được MIA.vn tổng hợp bạn sẽ có đầy đủ hành trang cần thiết trước khi ghé thăm cây cầu huyền thoại này.