1 Đền Mẫu Đông Cuông ở đâu?
Đền Mẫu Đông Cuông còn được người dân địa phương gọi với những tên khác như Đền Đông, Đền Đông Cuông, Đền Chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn, Đông Quang linh từ… Đền thuộc địa phận thôn Bến Đền, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, cách trung tâm thành phố Yên Bái khoảng 55 km về phía Tây Bắc.
Đền có vị thế phong thủy rất đẹp khi được xây ở nơi phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, có núi có sông, âm dương hòa hợp. Nơi đây cùng Đền Suối Tiên là 2 ngôi đền có diện tích lớn và nổi tiếng với sự linh thiêng lâu đời của Yên Bái. Đền thờ chính Mẫu Đệ Nhị Thượng ngàn đại diện cho tục thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt Nam, còn có Chầu Đệ Nhị cùng những vị thần vệ quốc.
2 Lịch sử của Đền Đông Cuông
Theo lời kể của những người dân bản địa thì nơi đây ban đầu vốn là một ngôi miếu nhỏ để thờ thần núi và thần rừng. Đến thời nhà Lê ngôi miếu đã trở thành đình, rồi đến thời nhà Nguyễn lại đổi thành đền.
Ban quản lý khu di tích này cho biết, đền Đông Cuông bao gồm 4 điểm là Đền chính, miếu thờ Cô, miếu thờ Cậu và miếu thờ Đức Ông. Trong đền còn có cung cấm thờ hai bức tượng, cung mẫu bao gồm phần cung chúa còn bên phải là cung Sơn Trang.
Bên cạnh duy trì tục lệ thờ Mẫu, ngôi đền này còn thờ những vị anh hùng của các dân tộc thiểu số như Hà Đặc, Hà Chương, Hà Bổng... Ngoài ra còn có các vị tướng nhà Trần đã có công trong ba cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc chống quân Nguyên Mông (từ năm 1258 đến năm 1288).
Sau thời kì chiến tranh ác liệt, ngôi đền đã bị tàn phá nghiêm trọng. Vì vậy năm 1995, UBND tỉnh Yên Bái đã ra quyết định cấp phép cho người dân địa phương xây dựng đền Đông Cuông mới ngay trên nền móng còn lại của đền cũ. Đến ngày nay, Đền Mẫu Đông Cuông đã trở thành ngôi đền có kiến trúc đặc biệt và thu hút rất đông đảo khách du lịch.
Năm 2000, đền Đông Cuông đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh. 9 năm sau, ngày 22/1/2009, đền đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia, trở thành điểm sáng về du lịch tâm linh Yên Bái.
Xem thêm: Lễ cấp sắc của người Dao Đỏ - Cột mốc quan trọng của người vùng cao
3 Kiến trúc đặc biệt tại Đền Mẫu Đông Cuông
Ngay từ xa bạn đã nhìn thấy Đền Đông Cuông với cây cầu Đa cổ kính có tuổi thọ đến 800 năm. Kiến trúc mang đặc trưng của đền chùa thời Lý Trần với kết cấu hình chữ đinh đặc trưng. Đền gồm hai tòa là đại bái và hậu cung cấm phía sau. Hiện nay, tại tòa hậu cung vẫn còn bảo lưu được hai pho tượng đồng với kích cỡ rất lớn, đó là một pho tượng mẫu và một pho tượng quan Hoàng Báo. Còn bên trong không gian tòa Tiền đường bố trí 4 ban phủ tòa thờ cùng rất nhiều những di vật mang giá trị lịch sử to lớn. Các ban thờ bao gồm Tòa ngũ vị Tiên Ông, Phủ Sơn trang, Ban Trần triều và Tòa công đồng chúa.
Phần thiết kế mái đền có hình dáng cong cong tựa như hình lưỡng long chầu nhật. Các cột đền đều làm từ vật liệu gỗ tứ thiết được sơn son thếp vàng và trang trí những hình rồng cuốn trang nghiêm. Mỗi chi tiết đều được chạm khắc rất tỉ mỉ, tinh xảo thể hiện sự thành kính và tín ngưỡng của thờ Mẫu.
Đến nay, chùa đã trải qua nhiều lần tu sửa, những vẫn giữ lối kiến trúc truyền thống này, mang đậm giá trị về nghệ thuật, lịch sử và văn hóa. Khuôn viên được mở rộng hơn với nhiều cây xanh tỏa bóng mát, trồng nhiều các loại cây cổ thụ. Điểm xuyết bên cạnh Đền Mẫu Đông Cuông là những vạt rừng đào, rừng mận khi nở rộ thì càng vô cùng tỏa sắc tỏa hương. Mặt đền hướng về phía Nam cùng địa thế tựa sông tựa núi, cùng cảnh sắc thiên nhiên vô cùng hữu tình như bức tranh thuỷ mặc tuyệt đẹp.
4 Các hoạt động lễ hội, tín ngưỡng tại Đền Mẫu Đông Cuông
Vì cấu trúc khuôn viên đền bao gồm cả miếu thần linh và động sơn trang nên trải qua chiều dài lịch sử, nơi đây vẫn giữ nguyên những nét bản sắc đặc trưng của dân tộc và các tục lệ truyền thống của tín ngưỡng thờ Mẫu lâu đời.
Theo các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian đánh giá, đền Đông Cuông chính là cái nôi khởi nguồn và đại diện cho tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn trong hệ thống thờ Mẫu của người Việt. Theo phong tục của địa phương, hằng năm từ tháng giêng đến tháng 3 Âm lịch cùng những dịp cuối năm, các thành đồng theo tín ngưỡng thờ Mẫu từ khắp các địa phương trên cả nước đều quy tụ về đây để làm lễ Mẫu, theo tục lệ "bắc ghế hầu Thánh".
Chính những nét độc đáo trong sinh hoạt tín ngưỡng này, đền Mẫu Đông Cuông đã trở thành điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, thu hút đông đảo khách du lịch ghé đến. Mỗi năm, ngoài những thánh đồng thờ Mẫu còn có hàng trăm ngàn lượt du khách về đây để dâng hương kính Mẫu, đồng thời vãn cảnh đền, tìm hiểu nhiều hơn về các phong tục và tín ngưỡng của người dân nơi đây.
Khi đến Đền Mẫu Đông Cuông, để thể hiện lòng thành của mình, nhiều du khách muốn sắp lễ để dâng lên. Vì thế MIA.vn sẽ hướng dẫn bạn những mâm lễ cơ bản, phù hợp với tín ngưỡng thờ Mẫu nhé:
Mâm lễ chay bạn cần chuẩn bị đầy đủ hương hoa, trà, quả, phẩm oản… để lễ ở ban Phật, Bồ Tát và ban thờ Thánh Mẫu.
Nếu muốn dâng lễ mặn bạn chỉ có thể chọn các đồ lễ chay có hình gà, lợn, giò, chả… mang tính tượng trưng vì theo tín ngưỡng tại đây, khi tạ nên ăn chay sẽ thể hiện sự thành tâm hơn.
Xem thêm: Lễ hội đình làng Dọc - Ngày hội đậm đà màu sắc của người Tày cổ
Trên đây là những thông tin về Đền Mẫu Đông Cuông mà MIA.vn muốn mang đến cho du khách. Hi vọng bạn sẽ có thêm một địa điểm du lịch tâm linh lý tưởng khi đến với Yên Bái.