Đến Vĩnh Long, thành phố nằm cạnh bờ sông Cổ Chiên thơ mộng, bạn sẽ có cơ hội tham quan rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng như Công Thần Miếu Vĩnh Long, Nhà thờ Chính Tòa hay Đình Long Thanh. Một công trình kiến trúc tiêu biểu còn sót lại từ thời Nguyễn sau khi quân Pháp chiếm đóng miền Tây Nam Bộ đó chính là Văn Thánh Miếu Vĩnh Long. 

Địa chỉ: Làng Long Hồ, đường Trần Phú, phường 4, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. 

Giờ mở cửa: Tất cả các ngày trong tuần. 

Giá vé tham khảo: Miễn phí.

Văn Thánh Miếu còn được biết đến với cái tên Quốc Tử Giám ở phương Nam, nơi đây là di tích lịch sử nổi bật nhất của vùng đất Vĩnh Long. Văn Thánh Miếu Vĩnh Long được xây dựng với mục đích đề cao và tôn vinh Nho giáo. Đến với di tích lịch sử này, bạn sẽ được tìm hiểu và khám phá lịch sử, văn hóa cũng như kiến trúc cổ xưa đậm đà bản sắc dân tộc.

Đến thăm Văn Thánh Miếu Vĩnh Long, Quốc Tử Giám ở vùng Nam Bộ 2

Toàn cảnh Văn Thánh Miếu Vĩnh Long nổi tiếng

Xem thêm: Lăng Ông Tiền quân Thống chế Điều bát, khu di tích nổi tiếng ở Vĩnh Long

Văn Thánh Miếu Vĩnh Long là một trong ba Văn Thánh Miếu đầu tiên được xây dựng ở vùng Nam Bộ. Công trình do Đốc học Nguyễn Thông khởi xướng với mục đích thờ Khổng Tử và các học trò của ngài, bắt đầu xây dựng vào năm 1864 cho đến năm 1866 thì hoàn thành. Bên cạnh danh nghĩa là đề cao Nho giáo, nơi đây còn đóng vai trò là một tụ điểm hoạt động văn hóa tôn vinh các bậc tiền hiền và giáo dục cho nhân dân về lòng yêu nước.

Năm 1867, sau khi thành công chiếm đóng Vĩnh Long thì thực dân Pháp nảy ra âm mưu xóa sổ các công trình văn hoá của nhà Nguyễn để lại và có ý định phá hoại Văn Thánh Miếu Vĩnh Long. Tại thời điểm đó, ông Bá hộ Trương Ngọc Lang đã đứng ra đấu tranh với quân viễn chinh để giữ lại công trình văn hóa này. 

Trải qua nhiều thăng trầm của thời gian và biến cố lịch sử, công trình đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần qua các năm 1872, 1903, 1914, 1933, 1963, 1994, 2006 và năm 2007. Vào ngày 25 tháng 3 năm 1991, Văn Thánh Miếu Vĩnh Long đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia. Ngoài Tượng Đài Chiến Thắng Mậu Thân, nơi đây cũng là một tọa độ tham quan đặc sắc cho chuyến khám phá Vĩnh Long của bạn. 

Đến thăm Văn Thánh Miếu Vĩnh Long, Quốc Tử Giám ở vùng Nam Bộ 3

Nơi đây đã trải qua 8 lần trùng tu

Văn Thánh Miếu Vĩnh Long nổi tiếng với lối kiến trúc cổ xưa mang nét đẹp của sự tôn nghiêm, hào hùng. Khi đặt chân đến nơi đây, điều đầu tiên đập vào mắt bạn sẽ là cánh cổng tam quan uy nghi hướng về phía con sông tĩnh lặng. Phần cổng được xây theo lối cổ lâu có ba tầng mái, trên hai trụ có chạm khắc đôi liễn thanh tao mang đến cảm giác đơn giản, bình dị nhưng vẫn đầy tính thẩm mỹ và nghệ thuật. 

Đi sâu vào bên trong là khu vực thần đạo hướng đến điện Đại Thành. Hai bên lối vào được bao phủ bởi nhiều hàng sao cao ráo có tuổi đời lâu năm tương tự như ngôi Thánh Miếu. Nơi đây hiện lên trong mắt của các tín đồ du lịch tựa như một công viên vườn cảnh xanh mát và mang đến cho khu di tích lịch sử chiều sâu bí ẩn cũng như không khí uy nghiêm, trầm mặc đến lạ lùng. Trên con đường này, bạn cũng sẽ được chiêm ngưỡng những tấm bia đá đã phai mờ dần theo thời gian nằm đan xen giữa hoa lá cỏ cây.

Trong Văn Thánh Miếu Vĩnh Long có tổng cộng 3 tấm bia ghi dấu các thời kỳ lịch sử nổi bật tại khu di tích. Bia thứ nhất khắc nội dung văn tài của cụ Phan Thanh Giản, được lập vào năm 1872. Mặt trước của bia nêu lý do dựng miếu, xưng tụng công đức của các bậc thánh nhân và triều đình, còn mặt sau dùng để ghi danh những người dân có công với đất nước. Bia thứ hai được dựng vào năm 1917 nhằm ghi lại sự kiện ông Tống Hữu Định vận động trùng tu Văn Thánh Miếu vào năm 1903 và tôn vinh những thân hào, nhân sĩ có công. Cuối cùng là bia đá ghi ơn bà Trương Thị Loan đã hiến đất và chăm chỉ làm công đức cho miếu.

Khổng Thánh Miếu trước đây được xây dựng khá đơn sơ, sau này mới được trùng tu lại khang trang hơn. Miếu thờ Đức Khổng Tử sở hữu nhiều cặp liễn đối, hoành phi có giá trị về mặt lịch sử và văn hoá, chứng minh cho lòng hiếu học của nhân dân vùng Nam Kỳ thời xa xưa. Tượng đức Khổng Tử được đặt ở chính giữa chính điện, hai bên là bốn vị cao đồ. Phía bên ngoài là 2 ngôi miếu Tả vu và Hữu vu được thành lập để tưởng niệm 72 vị học trò nổi tiếng của Khổng Tử.

Trong khuôn viên Văn Thánh Miếu Vĩnh Long còn có một công trình kiến trúc nhỏ là Tụy Văn Lâu hay còn được biết đến với tên gọi Văn Xương Các. Trên gác là nơi lưu giữ sách và thờ cúng Văn Xương Đế Quân, một vị tinh quân phụ trách việc thi cử học hành thời xưa. Ở gian giữa của tầng dưới là nơi văn nhân thi ngồi đàm đạo, phía sau đặt hai bài vị để tôn vinh 2 sĩ tử đứng đầu đất Gia Định là Võ Trường Toản và Phan Thanh Giản.

Đến thăm Văn Thánh Miếu Vĩnh Long, Quốc Tử Giám ở vùng Nam Bộ 4

Cổng Tam quan uy nghi ở Văn Thánh Miếu Vĩnh Long

Đến thăm Văn Thánh Miếu Vĩnh Long, Quốc Tử Giám ở vùng Nam Bộ 5

Con đường được bao phủ bởi những hàng sao cao vút

Đến thăm Văn Thánh Miếu Vĩnh Long, Quốc Tử Giám ở vùng Nam Bộ 6

Tấm bia đá mang dấu ấn các thời kỳ lịch sử

Đến thăm Văn Thánh Miếu Vĩnh Long, Quốc Tử Giám ở vùng Nam Bộ 7

Điện Đại Thành mang vẻ đẹp cổ xưa

Đến thăm Văn Thánh Miếu Vĩnh Long, Quốc Tử Giám ở vùng Nam Bộ 8

Văn Xương Các toát lên sự uy nghiêm

Đến thăm Văn Thánh Miếu Vĩnh Long, Quốc Tử Giám ở vùng Nam Bộ 9

Khu vực thờ Tiên sinh Võ Trường Toản và Khâm sai Kinh lược sứ Phan Thanh Giản

Đến thăm Văn Thánh Miếu Vĩnh Long, Quốc Tử Giám ở vùng Nam Bộ 10

Chứng nhận Di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia của Văn Thánh Miếu Vĩnh Long

Hằng năm, ở Văn Thánh Miếu Vĩnh Long diễn ra nhiều lễ hội nhộn nhịp, thu hút nhiều tín đồ du lịch thập phương đổ về tham gia. Đầu tiên phải kể đến là Lễ Xuân Đinh và Thu Đinh ở điện Đại Thành, được tổ chức theo truyền thống lễ trong Nho giáo với mục đích thờ phụng đức Khổng Tử và các học trò ưu tú. Thời gian diễn ra lễ hội này là vào ngày Đinh đầu tháng Hai và ngày Đinh cuối tháng Tám. Tại Văn Xương Các thì có lễ giỗ Phan Thanh Giản được tổ chức vào mùng 4 và 5 tháng 7 âm lịch hay ngày giỗ các quan đại thần và chiến sĩ trận vong diễn ra vào ngày 12 và 13 tháng 10 theo lịch âm.

Phần lớn các lễ hội tại Văn Thánh Miếu Vĩnh Long không hẳn là những sự kiện thuộc phạm trù văn hóa tâm linh. Hầu hết những người dân địa phương đến tham dự không phải vì mục đích cầu tài lộc, may mắn mà việc thờ tự, cúng tế hằng năm tại miếu chính là cách biểu hiện cho tinh thần bảo tồn văn hóa, biểu dương Nho giáo. Ngoài ra, đây cũng là dịp để nhân dân thể hiện lòng tri ân, tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân ngày trước. Nghi thức cúng tế được thực hiện khá đơn giản chứ không hề cầu kỳ nhưng vẫn mang đến vẻ trang nghiêm, uy nghi, thể hiện nét văn hóa tôn sư trọng đạo tốt đẹp của người dân miền đất phương Nam nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng. Bên cạnh Căn cứ Cái Ngang, Văn Thánh Miếu Vĩnh Long cũng là khu di tích nổi bật mà bạn nên ghé thăm trong chuyến du lịch của mình. 

Đến thăm Văn Thánh Miếu Vĩnh Long, Quốc Tử Giám ở vùng Nam Bộ 11

Nhiều người đổ xô về tham dự lễ hội ở Văn Thánh Miếu Vĩnh Long

Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử và chứng kiến biết bao thăng trầm của vùng đất Vĩnh Long, một số công trình văn hóa lịch sử ở nơi đây đã không còn giữ được nét đẹp vốn có. Tuy nhiên, Văn Thánh Miếu Vĩnh Long vẫn được coi là biểu tượng văn hóa nổi bật cho tinh hoa giáo dục của người dân vùng đất phương Nam. Nếu bạn đang tìm kiếm một điểm đến để khám phá những nét đẹp truyền thống của dân tộc thì Quốc Tử Giám ở vùng Nam Bộ chính là một gợi ý lý tưởng dành cho bạn. Đừng quên lưu lại địa chỉ này vào cẩm nang du lịch của mình để đến tham quan khi có dịp vi vu Vĩnh Long bạn nhé!