Khi đến Khu du lịch Tây Ninh bạn muốn đến đâu? Chắc chắn không thể thiếu Đình Hiệp Ninh - Nơi có kiến trúc độc đáo, lay động lòng người. Không chỉ dừng lại là một nơi sở hữu cảnh sắc tuyệt mỹ mà nơi đây còn là niềm tự hào của người dân Tây Ninh khi đạt chứng nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
1 Tổng quan về Đình Hiệp Ninh
Địa chỉ: Khu phố 4, Đường 30 tháng 4, phường 3, thành phố Tây Ninh.
Đình Hiệp Ninh được xây dựng lần đầu vào năm 1880 với lối kiến trúc vô cùng đơn sơ chỉ bằng thanh tre nứa lá. Mãi đến đầu thế kỷ 20 thì mới được xây dựng lại với quy mô lớn như hiện nay. Trước cách mạng, ngôi đình này chủ yếu là nơi họp của Hội đồng hương chức, đến sau năm 1945 thì mới thực sự thuộc về nhân dân. Ngày 22/10/1993, Đình Hiệp Ninh được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Đình Hiệp Ninh thờ vị Thành hoàng được coi như người bảo hộ cho dân làng có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đây không chỉ là công trình kiến trúc chứa đựng những giá trị lịch sử văn hóa mà còn thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân Tây Ninh đối với những người đã có công khai hoang, mở cõi khi xưa. Trải qua rất nhiều năm, ngôi đình đã có những dấu hiệu xuống cấp nhưng nhờ sự quan tâm của Nhà nước và nhân dân Tây Ninh, tất cả cùng nhau góp công trùng tu lại để nơi đây giữ nguyên được giá trị lịch sử của một Di tích quốc gia.
Xem thêm: Làng nghề bánh tráng Trảng Bàng, nét đẹp truyền thống của người dân Nam Bộ
2 Khám phá kiến trúc độc đáo của Đình Hiệp Ninh
Đình Hiệp Ninh có khuôn viên rộng đến 800m2, được xem là ngôi đình có diện tích lớn nhất tại Tây Ninh. Kiến trúc đình được xây theo hình chữ tam bao gồm tiền đình, hậu đình và nhà khách. Phần chính diện có 5 gian với tường vách hai bên xây cao chiều dài 50m, có đầy đủ gác chuông, gác trống. Tại đây bạn có thể thấy Đình Hiệp Ninh khác với nơi khác ở chỗ lầu chuông gác trống được xây vuông, hai tầng chiếm gần một nửa hai gian đầu. Cũng nhờ lối kiến trúc này mà mặt dựng của ngôi đình được cân đối và vững chắc hơn.
Toàn bộ nội thất tiền đình được bố trí một cách hài hòa toát lên sự huyền bí, nhưng cũng rất gần gũi. Những chi tiết đều theo phong cách đình thần nên khá trang nghiêm, cùng tông màu vàng nổi bật trên tường khiến nơi đây tỏa sáng dưới ánh mặt trời.
Cửa chính có chia thành ba gian, gỗ được chạm khắc lộng hoa dây, bát quái trên bề mặt, ở giữa đắp cuốn thư, còn trên nóc tô điểm thêm lưỡng long chầu nguyệt sống động đến từng chi tiết nhỏ. Đây chính là kiểu dáng trên nóc tiền đình và hậu đình nhưng có mang hình thù của lưỡng long tranh châu và cá hóa rồng. Tổng thể kiến trúc gồm có 16 cây cột gỗ tròn với đường kính 30cm và 8 cái khác làm bằng gạch ốp sát tường tạo ra một công trình kiến trúc gỗ bề thế, hoàn hảo và nhằm giúp chống đỡ mái ngói âm dương. Tất cả tạo nên một không gian bên trong vô cùng lộng lẫy và vững chắc.
Có thể nói, Đình Hiệp Ninh là một công trình nghệ thuật. Nó được thể hiện thông qua những hình ảnh điêu khắc gỗ với nghệ thuật chạm nổi, sơn son, thếp vàng tinh xảo. Nhờ đó mà nơi này như một điểm son để lưu dấu lại tài hoa của cha ông ta khi xưa. Từ hệ thống “cửa võng” với những mảng họa tiết cách điệu tạo nên nhiều hình ảnh thú vị như tre trúc cùng tứ linh, dây nho, tứ quý, các hoành phi, câu đối,... Tất cả đều được tạo nên từ bàn tay nghệ nhân.
3 Các hiện vật mang giá trị lịch sử vẫn được lưu giữ tại Đình Hiệp Ninh
Mặc dù đã tồn tại rất lâu đời nhưng Đình Hiệp Ninh vẫn bảo vệ được những hiện vật quý hiếm để cho bạn được chiêm ngưỡng khi đến đây. Đầu tiên phải kể đến là sắc phong thần, món đồ này được Vua Khải Định thân phong cho Thành Hoàng bổn cảnh ngày 18/03/1917, vật phẩm này được làm từ quý, vải lụa thêu kim tuyến và đính hạt châu. Tiếp đến là nghi thờ “Thành Hoàng bổn xứ” với gỗ có niên đại 1901 cực kỳ quý báu, nó được chạm lộng hoa lá, vân mây, sơn son thếp vàng ở ba mặt trước và hai bên. Bàn thờ Thành Hoàng bổn cảnh được trang trí 1 tác phẩm gỗ điêu khắc vô cùng nghệ thuật với các đề tài lưỡng long chầu nguyệt, họa tiết vân mây, hoa lá. Còn đối với tủ thờ Đương kim Thiên Tử Thượng vị thì được dựng nên vào năm 1902 cùng với cặp rùa đội hạc, hai bên là hàng bát bửu đặt dưới cửa võng công phu vô cùng. Kiệu thỉnh sắc cũng là một vật phẩm đặc biệt khi được làm với 2 tầng mái cong 4 mặt, những cái trụ được chạm khắc hình con rồng, hoa dây và cửa võng. Mỗi năm, cứ vào dịp Lễ Kỳ Yên đều dùng chiếc kiệu này để đưa đi thỉnh sắc ở đền về đình làm lễ tế Thành Hoàng. Các ban thờ khác như Tả ban, hữu ban, tiền hiền, hậu hiền cũng được khang trang, bày trí long trọng không kém. Chưa dừng lại ở đó, bạn sẽ tiếp tục choáng ngợp khi nhìn thấy còn 9 bức hoành phi, mà mỗi hình là 1 đề tài khác nhau và có niên đại 1901, 1902 đến 1927.
Đình Hiệp Ninh còn có 12 bộ câu đối (liễn) được treo trên 24 cột chính, được tạo tác công phu. Nội dung đều ca tụng công đức của tổ tiên và những người có công khai hoang mở cõi. Nơi đây chính là địa điểm để nhắc nhở chúng ta về các giá trị văn hóa của dân tộc, lấy trung, hiếu, nhân, nghĩa, lễ, trí, tín làm gốc.
4 Đình Hiệp Ninh minh chứng lịch sử thời kỳ mở đất phương Nam
Không những sở hữu kiến trúc tinh xảo trên từng đường nét mà nơi đây còn là một địa điểm chứng kiến biết bao nhiêu sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc. Chẳng hạn như sự hiện diện của thanh niên Tiền phong trong cuộc tổng khởi nghĩa của dân quân Tây Ninh trong giành chính quyền vào ngày 25/8/1945. Đình Hiệp Ninh đã chứng kiến bao lần đi về của các chiến sĩ cộng sản kiên cường dù phải nằm gai, nếm mật vẫn nhất quyết một lòng cùng Đảng và dân. Giai đoạn năm 1959 - 1960, địa điểm này còn được vinh hạnh làm cơ sở của Tỉnh ủy Tây Ninh do đồng chí Hoàng Lê Kha chỉ huy. Toàn bộ khối kiến trúc nơi đây bảo tồn được phong cách đình làng cổ xưa nhưng lại mang đặc trưng đình thần Nam bộ. Vì nơi đây cũng là địa điểm bày tỏ lòng thành kính đối với bậc tiền nhân nên hằng năm sẽ có những lễ hội Tây Ninh đặc sắc mà bạn có thể tham gia.
Với nét kiến trúc độc đáo được điêu khắc vô cùng kỳ công, Đình Hiệp Ninh chính là một điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích những công trình mang vẻ đẹp cổ kính thời xưa. Hãy bỏ vào cẩm nang du lịch địa điểm này để có dịp đến Tây Ninh ghé đến tham quan nhé!