Đình - nét đặc trưng tiêu biểu trong văn hóa Việt Nam nói chung và Quảng Bình nói riêng. Nếu có dịp ghé thăm miền đất của “ngói mới”, hãy nán lại đôi chút đến thăm Đình Hòa Ninh Quảng Bình, một công trình tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ của người dân nơi đây.

Đình Hòa Ninh hiện nay nằm tại là xã Quảng Hòa, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. Theo nhiều tư liệu ghi lại, Đình Hòa Ninh Quảng Bình được xây dựng bắt đầu từ năm Bảo Đại thứ 11 – 1936 dưới sự đóng góp công sức của người dân địa phương. Sử cũ chép rằng, ngôi đình này trước đây vừa là nơi thờ cúng các vị anh hùng dân tộc, các vị thần hoàng có công khai khẩn đất hoang lập nên làng mạc, vừa là “trạm giao liên của các binh đoàn phục vụ cho việc hành quân”. Bên cạnh đó, Đình Hòa Ninh Quảng Bình còn được xem như là một biểu tượng cho truyền thống hiếu học, khoa bảng vang danh của làng Quảng Hòa.

Đình Hòa Ninh Quảng Bình được trùng tu lần đầu vào năm 1976 sau thời gian bị hư hại bởi chiến tranh phá hoại miền Bắc thứ nhất vào năm 1965, và kiến trúc này được giữ cho tới ngày nay. Năm 1993, đình được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Xem thêm: Khám phá Núi Thần Đinh Quảng Bình linh thiêng có gì đặc sắc

Đình Hòa Ninh Quảng Bình trăm năm hoài cổ 2

Đình Hòa Ninh Quảng Bình với lịch sử trăm năm. Ảnh: Sưu tầm

Điều làm nên sự ấn tượng của Đình Hòa Ninh Quảng Bình chính là lối kiến trúc đình đậm nét và đồ sộ, có tính quy mô song vẫn giữ được nét chặt chẽ trong bố cục cũng như hình thức trang trí trong lẫn ngoài đình.

Trước khi tiến vào đình, bạn sẽ bị choáng bởi sự tinh tế thể hiện ở cổng đình. Cổng chính của Đình Hòa Ninh Quảng Bình được xây bằng gạch, hai bên có hai cột trụ biểu cao với cấu tạo, thiết kế hài hòa về đường nét pha lẫn với đó là sự kỳ công trong họa tiết và màu sắc. Bên cạnh các mảnh sành sứ được ốp thủ công là những đường cong được vẽ mềm mại, sắc sảo nhưng cũng đầy uy nghiêm. Hai mặt Đông - Tây của thân trụ được vẽ, đắp nổi hình các con rồng triều Nguyễn uốn lượn bằng sành sứ. Phần đỉnh trụ có lối thiết kế hình bậc thang bốn cấp độc đáo, tựa như những cánh hoa từ nhỏ đến lớn ghép lại với nhau thành một khối.

Ở mỗi cấp lại được trang trí khác nhau với sự đa dạng trong đường nét, họa tiết… Đặc biệt, trên cùng của đỉnh trụ Đình Hòa Ninh Quảng Bình có hai con nghê đứng quay đầu với nhau - con nghê thường được nhìn thấy hầu hết trong các đình làng Việt Nam có thể kể đến Đình Làng Phù Trịch Quảng Bình hay đình Làng La Hà Quảng Bình... Đây là biểu tượng giàu giá trị, có vị trí đặc biệt dưới triều Nguyễn cùng với những phần khác như tường, cổng phụ… Có thể thấy cổng đình Đình Hòa Ninh Quảng Bình là kiến trúc mang dấu ấn đậm nét của làng Việt cổ, không có sự lai tạp hay bị ảnh hưởng bởi bất cứ văn hóa ngoại lai nào.

Đình Hòa Ninh Quảng Bình gồm có 5 gian, 4 vài, 1 cửa chính và 4 cửa phụ. Trước cửa chính đình có khắc chữ “Thọ” được lồng trong mặt trăng và 3 chữ Hán đắp nổi là Phúc, Du, Đồng. Đây cũng là trung tâm thể hiện các họa tiết trang trí như: Long, Lân, Quy, Phụng, bát bửu, hoa lá… bằng nghệ thuật đắp vữa và ghép các mảnh sành, sứ. Ngoài ra, khu vực này còn có thêm 2 câu đối của cử nhân Nguyễn Tiến Ích.

Đình Hòa Ninh có phần mái độc đáo, được xây theo kiểu tứ giác, hai mái thượng phía trước và sau, hai mái hạ ở hai đầu Đông, Tây. Ở giữa nóc đình là hình tượng lưỡng long chầu nguyệt linh thiêng.

Theo tư liệu cũ, không gian nội thất của đình Hòa Ninh Quảng Bình là nơi thi thố của nhiều bậc nghệ nhân tài hoa của làng. Điều đặc biệt đó là quá trình thực hiện 4 đầu vài phải qua sự tuyển chọn, cân nhắc rất kỹ càng. Ngoài thợ chính đảm nhiệm trọng trách lớn lao thì bên cạnh đó còn có sự tham gia của thợ cả, thợ chúng cùng với tay nghề và năng lực cao để có thể khắc được hình tượng rồng bốn móng hùng dũng ở đầu cù và chạm trổ bức sư tử biểu hiện cho sự ngoan cường của dân tộc Việt Nam. Đầu cù vài chính phải có hình dáng rồng mắt sâu, đen, cong lượn, mũi phồng, ria mép dài mềm mại. Nếu nhìn từ ngoài cù vài thứ nhất, mặt phải khắc chạm nhiều hình trúc, mặt trái hình hoa sen mang lại cảm giác hài hòa và cân xứng; ở cù vài thứ hai, mặt phải lại được chạm hình hoa mai, mặt trái hình nai; cù vài thứ ba, khác với hai cù vài còn lại, mặt phải hình hoa cúc, tuy nhiên mặt trái lại giống cù vài thứ nhất có hình sen; cù vài thứ tư, mặt phải hình trúc, mặt trái có hình sen trúc. Đây là sự sắp xếp tạo ra một bố cục độc đáo, mang lại sự đăng đối tinh tế

Nhìn chung, các đường nét của đình Hòa Ninh Quảng Bình đều được chọn lọc và trau chuốt công phu, thể hiện đầy đủ giá trị tinh thần, truyền thống và ý nghĩa văn hóa của một công trình kiến trúc có tuổi đời gần 100 năm.  

Chánh điện đình Hòa Ninh Quảng Bình thờ tự vong linh của vị thành hoàng đã có công khai phá, lập nên làng. Hai gian bên cạnh thờ các vị bách thần sở hội - những vị thần có chức sắc, đức độ, khoa bảng.

Hiện nay, ngôi đình này còn giữ gìn một trong những tài sản quý là 10 đạo sắc phong bằng chữ Hán do các triều vua Nguyễn phong tặng.

Đình Hòa Ninh Quảng Bình trăm năm hoài cổ 3

Lối kiến trúc cổ in đậm bản sắc văn hóa dân tộc của đình Hòa Ninh

Hằng năm, vào mỗi dịp Tết, tại đình Hòa Ninh Quảng Bình có tổ chức lễ hội Kỳ Phúc, đây là lễ hội nhằm với mục đích cầu phúc cho nhân dân, cầu cho quốc thái dân an, mùa màng bội thu, thuận buồm xuôi gió... Ngoài ý nghĩa cầu phúc, đây cũng là dịp mà người dân làng Quảng Hòa, mà lớn hơn nữa là người dân Quảng Bình nhớ về tổ tiên, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Bên cạnh lễ Kỳ Phúc, đình Hòa Ninh Quảng Bình còn là nơi tổ chức nhiều lễ, trò chơi dân gian như lễ tế, trò chơi cò người...

Đình Hòa Ninh Quảng Bình trăm năm hoài cổ 4

Lễ Kỳ Phúc tại đình Hòa Ninh Quảng Bình

Đình Hòa Ninh Quảng Bình trăm năm hoài cổ 5

Trò chơi dân gian cờ người được tổ chức tại đình vào những dịp lễ hội

Không chỉ sở hữu Hang Sơn Đoòng kỳ vĩ thiên nhiên, quê hương của Tượng đài mẹ Suốt Quảng Bình  còn ẩn chứa nhiều nét đẹp văn hóa mà bạn cần khám phá, ví như lần viếng thăm đình Hòa Ninh Quảng Bình này. Lưu ngay vào Cẩm nang du lịch của bản thân để chứng minh mình là người sành du lịch nào.