Từ dòng sông Cổ Chiên rẽ vào nháng sông Long Hồ, bạn có thể bắt gặp rất nhiều công trình kiến trúc tôn giáo, tâm linh nằm trải dài 2 bên bờ sông. Trong đó phải kể đến như: Chùa Ông Thất Phủ Miếu, Chùa Bà Thiên Hậu, Chùa Giác Thiên, Văn Thánh Miếu Vĩnh Long, Đình Long Thanh v.v…
1 Một số thông tin chung về đình Long Thanh
Địa chỉ: Phường 5, Tp. Vĩnh Long, Vĩnh Long
Giờ mở cửa: 9:00-17:00
Giá tham quan: Miễn phí
Long Thanh Miếu Vũ hay còn được quen gọi bằng đình Long Thanh tọa lạc bên bờ sông Long Hồ, là công trình kiến trúc cổ tiêu biểu có niên đại hơn trăm tuổi tại Thành phố Vĩnh Long và được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia ngày 25 tháng 3 năm 1991. Ngoài lối kiến trúc cổ, khuôn viên đình Long Thanh được trồng nhiều cây xanh, không khí trong lành mát mẻ là một địa điểm tham quan yêu thích của nhiều tín đồ du lịch khi đến Vĩnh Long.
Xem thêm: Nhà Thờ Chính Tòa Vĩnh Long mang hơi hướng phương Tây khiến bạn ngất ngây
Đình Long Thanh được xây dựng vào khoảng năm 1754, bởi người của năm họ Mai, Hồ, Mạc, Võ, Đoàn và nhiều lưu dân khác đến Vĩnh Long khai phá, dựng làng, lập ấp và xây đình để thờ Thần hoàng làng. Ban đầu ngôi đình này được xây tạm bằng cây lá tại vàm Bùng Binh, sau đó đến năm 1844 ông Nguyễn Văn Khiêm – người dân trong làng do nhận thấy vị trí ngôi đình không thuận lợi nên đã cúng mảnh đất khoảng 2 hecta nằm bên bờ sông Long Hồ để dời đình Long Thanh về đây. Cho đến năm Tự Đức 1852, đình Long Thanh được triều đình nhà Nguyễn sắc phong là Bổn cảnh Thành Hoàng chi Thần (ý là phong tước Bổn Cảnh Thành Hoàng làm Thần), hiện tại bản Sắc phong này còn được thờ tại nhà của hậu duệ con cháu dòng họ Hồ tại Vĩnh Long. Đến năm 1913, đình Long Thanh được trùng tu, xây mới bằng gạch ngói kiên cố và đổi hiệu thành Long Thanh Miếu Vũ cho đến ngày nay.
2 Hướng dẫn đường đi đến đình Long Thanh
Từ trung tâm Thành phố Vĩnh Long, bạn đi đường Phó Cơ Điều (quốc lộ 53) qua Tượng Đài Chiến Thắng Mậu Thân khoảng 7 km sẽ đến vòng xoay Bệnh viện tỉnh Vĩnh Long. Sau đó, bạn rẽ trái vào đường Trần Phú (phía bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long), qua cầu Chợ Cua đến ngã 4 đầu tiên rẽ trái vào Đường 8 Tháng 3, đi khoảng 350m là đến đình Long Thanh.
3 Khám phá những nét độc đáo tại đình Long Thanh
Nhìn tổng thể, đình Long Thanh được xây dựng theo lối kiến trúc đình làng phổ biến ở Nam Bộ. Mặc dù không đồ sộ như đình làng Bắc Bộ, nhưng quá trình hình thành các ngôi đình làng Vĩnh Long là sự phản ánh chân thật về đời sống văn hóa, tín ngưỡng của cộng dân cư địa phương từ thuở đầu đến vùng đất này khai hoang, mở cõi.
Đình Long Thanh mang lối kiến trúc Á Đông tiêu biểu với mái đình gồm năm căn nóc hình chóp, hai căn nóc bánh ít, lợp ngói vẩy cá và có nhiều căn phụ sát liền kề… là kiểu thiết kế đình chùa khá thông dụng ở miền Tây Nam Bộ. Cũng giống như Công Thần Miếu Vĩnh Long, bố cục bên trong đình Long Thanh được chia làm 4 gian chính, gồm võ quy, võ ca, chính tẩm, nhà khách ngoài ra còn có nhà bếp. Giữa sân đình Long Thanh là tấm bình phong, rồi đến nhà võ quy và võ ca - nơi dùng để xây chầu, hát bội và tổ chức các ngày lễ quan trọng của làng. Chính tẩm được đặt ở trung tâm đình Long Thanh là nơi dùng để thờ Thành Hoàng làng, có thiết kế kiểu tứ trụ với tám kèo đấm và tám kèo quyết nhằm để đảm bảo khô ráo vào mùa mưa và thông khí vào mùa nắng. Phần phía sau đình Long Thanh là nhà khách và nhà bếp nằm phía bên trái ngồi đình.
Ngoài thờ Thành hoàng làng, tại chính điện đình Long Thanh còn thờ bài vị Quốc Tổ Hùng Vương, Tả Hữu Ban liệt vị, thần Bạch Mã Thái Giám và được trang hoàng bởi nhiều bao lam, hoành phi, câu đối… được sơn son thếp vàng, chạm trổ tinh tế. Phần hậu cung đình Long Thanh có không gian nhỏ nhưng kín đáo là nơi thờ cúng các vị tiền hiền, hậu hiền và lưu giữ các vật thiêng. Bên cạnh đó, ở phía trước sân đình Long Thanh còn thờ đàn xã tắc (bàn thờ thần Nông), bia ông Hổ, miếu Bạch Hổ, miếu Ngũ Hành Nương Nương v.v...
Đình Long Thanh không chỉ mang giá trị vật chất với nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc… tồn tại qua một thế kỷ, mà đây còn là nơi gắn kết cộng đồng và cho họ gửi gắm niềm tin, khát vọng trong cuộc sống. Chính bởi các giá trị tinh thần ấy, đình Long Thanh trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tổ chức lễ hội, hát xướng và bàn bạc công việc chung của làng.
Hằng năm, tại đình Long Thanh thường diễn ra hai ngày lễ lớn là Lễ Hạ Điền vào rằm tháng 3 âm lịch và Lễ Thượng Điền vào rằm tháng 10 âm lịch. Đây là dịp mà dân làng dù ở có ở xa đều trở về tham dự lễ hội đình Long Thanh để gặp gỡ xóm giềng, thắt chặt tình làng nghĩa xóm. Bên cạnh phần “lễ”, phần “hội” cũng được nhiều người mong đợi nhất với các màn như diễn xướng dân gian hát bội, hát chầu… Vào những ngày này, đình Long Thanh thu hút đông đảo bà con địa phương và nhiều tín đồ du lịch đến vãn cảnh, tham gia vào không khí lễ hội. Ngoài ra, đình Long Thanh còn là nơi lưu giữ các nghi lễ truyền thống của Nam Bộ như lễ tế Túc Yết, tế Tiền Hiền, Hậu Hiền, Xây Chầu, Đại Bội, Hồi Chầu…
Có thể nói, đình Long Thanh không chỉ là không gian văn hóa, tín ngưỡng truyền thống của người dân địa phương, mà còn là nơi quy tụ, gắn kết đời sống tinh thần của cộng đồng Vĩnh Long qua nhiều thế hệ. Nếu có dịp đến đây, bạn đừng quên dành thời gian đến khám phá các công trình tín ngưỡng, tôn giáo độc đáo tại Vĩnh Long cùng cẩm nang du lịch MIA.vn nhé!