1Tết của người H’Mông Mộc Châu tổ chức vào thời điểm nào?
Tết của người H’Mông không trùng với Tết cổ truyền của người Kinh. Người H’Mông ăn Tết trong 1 tháng bắt đầu từ ngày 30/11 âm lịch. Thời điểm này người H’Mông đang tổ chức đón Tết trên khắp các bản làng. Các nghi lễ đón Tết của người dân tộc H’Mông cũng rất độc đáo, chính nhờ những nét độc đáo, đặc sắc rất riêng nên nhiều đôi trai gái đã nên duyên vợ chồng nhờ vào Tết cổ truyền.
Cũng chính vì diễn ra trước Tết Nguyên Đán của người Kinh tận 1 tháng, mà sau thời gian ăn Tết, các hoạt động của mùa lễ hội của người Mông dài hơn, với nhiều hoạt động, trò chơi giao lưu phong phú trong suốt mùa hội cho đến sau rằm tháng Giêng mới giảm dần để bắt đầu công việc làm ăn cho năm mới.
2 Khám phá Tết cổ truyền của dân tộc Mông
Tết của người Mông ở Mộc Châu thường được diễn ra trong 3 ngày đầu tháng Chạp âm lịch, nhưng trước đó, không khí nhộn nhịp đón mừng mùa xuân mới đã len lỏi vào những bản làng nơi rẻo cao.
Người H’Mông chuẩn bị ngày Tết rất chu đáo, từ ngày 26-11 Âm lịch, người dân đã bắt đầu nghỉ làm nương rẫy để mua sắm chuẩn bị cho Tết truyền thống. Mỗi người mỗi việc, phụ nữ miệt mài hoàn thiện đường thêu, nút chỉ trên bộ váy áo mới để cho người thân trong gia đình diện Tết. Đàn ông tất bật đi mua sắm đồ hay thịt lợn, gà làm bữa cơm thịnh soạn cho gia đình. Chị Pa Sua (bản Tà Phình, Mộc Châu) cho biết: “Để có quần áo mới đón Tết truyền thống, những người phụ nữ trong gia đình người H’Mông phải chuẩn bị trước đó khoảng 3 tháng”.
Ngày 30 Tết, việc dọn dẹp nhà cửa, trang trí bàn thờ tổ tiên là công việc quan trọng cuối cùng của năm. Người H’Mông sẽ chọn một cành tre còn xanh lá và buộc 3 sợi dây có màu xanh, đỏ, vàng cắm thêm một que hương để làm chổi quét nhà. Người H’Mông quan niệm rằng, chiếc chổi sẽ quét đi bệnh tật, ốm đau, những điều không may của năm cũ và mang lại may mắn cho gia chủ vào năm mới. Đặc biệt, công việc quét nhà sẽ do người chủ trong gia đình thực hiện và tiến hành vào khoảng thời gian từ khoảng 3 đến 4 giờ sáng ngày 30 Tết.
Khi công việc dọn dẹp nhà cửa hoàn tất, người đứng đầu trong gia đình sẽ tiến hành trang trí bàn thời tổ tiên. Trên bàn thờ người H’Mông sẽ được dán lớp giấy trắng cắt hình hoa văn đã được chuẩn bị trước đó khoảng một tháng. Lớp giấy trắng này mỗi năm được thay một lần và thay vào đúng ngày 30 Tết,
Ngoài ra, tất cả những công cụ lao động hàng ngày sẽ được rửa sạch sẽ, dán một mảnh giấy đỏ đưa lên bàn thờ 3 ngày Tết. Theo quan niệm người H’Mông, 3 ngày Tết là những ngày để gia chủ tri ân “người bạn” trong lao động sản xuất, 10 ngày sau mới lấy ra sử dụng. Anh A Dế (Tà Phình, Mộc Châu) cho biết: “Trong dịp Tết cổ truyền, người H’Mông luôn thờ ma nhà và những dụng cụ lao động sản xuất. Vì những vật dụng đó giúp người H’Mông sinh sống, phát triển”.
Đặc biệt, trong mâm cỗ cúng tổ tiên vào ngày 30 Tết của người H’Mông không thể thiếu bánh dày. Nếu như với người Kinh ở miền xuôi, mâm cỗ Tết không thể thiếu bánh chưng, bánh tét thì Tết người H’Mông phải có bánh dày để cúng tổ tiên và trời đất. Người H’Mông quan niệm, bánh dày tròn tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời - là nguồn gốc sinh ra con người và vạn vật trên mặt đất.
Gạo nếp nương thơm ngâm và đồ thành xôi đổ vào một máng gỗ, các chàng trai sức vóc khỏe mạnh dùng chày thay nhau giã đến khi thật nhuyễn và mịn, rồi gói lại bằng lá chuối. 6 cặp bánh đầu tiên gồm 12 chiếc tượng trưng cho 12 tháng trong một năm được dâng lên trời đất và vị thần mùa màng. Những chiếc bánh còn lại xếp vào hũ gỗ pơ mu đậy kín lại để ăn và thết đãi khách quý.
Xem thêm: Bỏ túi checklist kinh nghiệm khám phá Mộc Châu tự túc chi tiết nhất
Khoảnh khắc Giao thừa của đồng bào Mông được tính bằng tiếng gà gáy đầu tiên trong đêm 30 Tết, dù là gà nhà ai trong bản. Vào thời khắc này, mọi người trong gia đình ngồi quây quần bên bếp lửa, kể cho nhau nghe những câu chuyện của dòng họ, gia đình, làng bản và cả những câu chuyện buồn vui của một năm đã qua. Những ngày đầu năm mới, đàn ông Mông thường dậy làm hết mọi việc thay phụ nữ, từ cho lợn gà ăn đến nấu cơm… bởi họ quan niệm rằng, con trai là trụ của gia đình nên tất cả mọi việc trong gia đình họ phải chịu trách nhiệm để giữ được truyền thống cho cả năm.
Sáng ra, mọi người từ già trẻ, gái trai đã ăn mặc đẹp, tập trung tại một địa điểm rộng để cùng chơi hội tết. Khắp các thôn bản rộn rã tiếng khèn, tiếng sáo và tiếng cười vui của con trẻ. Những bộ váy, áo đẹp nhất sẽ được trưng diện trong dịp này. Người Mông ở đây cũng quan niệm rằng “năm mới nếu có khách lạ đến chơi nhà dịp Tết sẽ gặp nhiều may mắn”. Bởi vậy, đến Mộc Châu trong những ngày Tết cổ truyền, ngoài việc được hòa vào không khí vui tươi, những phong tục, nghi lễ và các chơi trò chơi dân gian độc đáo, bạn còn được những chủ nhà hiếu khách mời thưởng thức những món ăn ngon chỉ có trong ngày Tết.
Tết cổ truyền của người Mông cũng là dịp để các đôi trai gái tìm hiểu nhau. Từ sáng sớm, họ đã chuẩn bị quần áo mới, đến đúng 7 giờ sáng ngày mùng 1 Tết thì tập trung tại một địa điểm rộng để chơi trò ném quả vải (quả do tự tay họ làm ra bằng vải sợi). Chàng trai ném quả vải về hướng cô gái mà mình thích, nếu cô gái đó thích thì bắt lấy, coi như là sự đồng ý. Ngược lại, cô gái cũng làm như vậy với chàng trai mà họ thích. Đến tối, họ lại tập trung để chơi trò ném quả lông, y như trò ném quả vải. Nhiều đôi trai gái trong bản nên duyên vợ chồng cũng nhờ vào Tết cổ truyền và những trò chơi mang đậm bản sắc dân tộc này.
Người Mông rất mến khách, họ quan niệm nếu Tết có khách lạ đến chơi thì cả năm sẽ gặp may mắn. Vì vậy, khách đến nhà người Mông trong dịp Tết luôn được đón tiếp rất chu đáo, được mời ăn, mời rượu và mời ngủ tại nhà. Trước khi ra về, người Mông còn mừng tuổi cho khách 2 chiếc bánh dầy do chính tay họ làm ra. Du khách đến Mộc Châu còn có cơ hội thưởng thức các loại đặc sản như Rượu cần Mộc Châu, Bê chao Mộc Châu,...
Trong dịp Tết người H’Mông ở Mộc Châu cũng tổ chức các trò chơi truyền thống như đánh tu lu (đánh cù), ném pao, đánh quay… Từ ngày mùng 4, người H’Mông mới bắt đầu chơi Tết. Những bộ váy, áo đẹp nhất sẽ trưng diện trong dịp này. Bởi vậy, nổi bật trong sắc màu e ấp của hoa mơ, hoa mận và sắc hồng của hoa đào là những gam màu rực rỡ của những chiếc váy tung xòe trên cánh đồng cải trắng ngút ngàn, là tiếng leng keng đồng bạc hoa theo bước chân thiếu nữ đi chơi xuân...
Để cho mùa màng được tốt tươi, vật nuôi trong nhà sinh sôi phát triển, người H’Mông kiêng không giẫm lên bếp lò, không để nước làm tắt lửa trong bếp, không để bánh dày bị cháy trong khi nướng, kiêng thổi lửa trong ba ngày Tết...
Người H’Mông không đón Giao thừa mà quan niệm khoảnh khắc Giao thừa được tính bằng tiếng gà gáy đầu tiên trong đêm 30 Tết. Ông A Khua (bản Tà Phình, Mộc Châu) cho biết: “Theo quan niệm người H’Mông, sau tiếng gà gáy đêm Giao thừa nếu con chó phát ra tiếng kêu đầu tiên trong năm mới, năm đó sẽ làm ăn phát đạt. Nếu những con thú rừng như cú mèo phát ra tiếng kêu đầu tiên của năm mới sẽ báo hiệu một năm làm ăn thất bát, bệnh tật nhiều”.
Theo quan niệm của người H’Mông, trong 3 ngày Tết ăn cơm chan canh năm đó ruộng nương sẽ bị ngập lụt làm ăn thất bát. Ngoài ra, đối với người H’Mông bánh dày như biểu tượng của mặt trăng, mặt trời nên trong 3 ngày Tết kiêng ăn bánh dày nướng. Đối với người H’Mông ăn bánh dày nướng năm đó sẽ gặp nhiều hạn tai ương, sẽ bị chết cháy.
Ngoài những tục lệ kiêng kỵ, người H’Mông cũng có những quan niệm mang may mắn vào trong gia đình vào ngày Tết. Đối với người H’Mông, trong 3 ngày Tết, gia chủ bán được một vật gì, năm đó sẽ buôn bán thuận lợi, làm ăn phát đạt. Anh A Khua (bản Tà Phình, Mộc Châu) cho biết: “Để năm mới gia đình sẽ tậu được nhiều trâu bò, của cải trong nhà sẽ sinh sôi nảy nở thì trong những ngày mồng 7, mồng 8 sẽ đi tìm mua một con bò đang có chửa để dắt về nhà”.
Lên Mộc Châu đón Tết của người H’Mông Mộc Châu chính là cơ hội để du khách khám phá những phong tục, nghi lễ cùng nét văn hóa độc đáo được lưu giữ qua nhiều thế hệ. Những trò chơi, những câu hát, tiếng khèn… như chất xúc tác kết nối mọi người, tăng thêm tình đoàn kết của đồng bào các dân tộc.