1 Giới thiệu về Đền Tiên La Thái Bình
Đền Tiên La tọa lạc tại thôn Tiên La, xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Nằm bên dòng sông Tiên Hưng, ngôi đền nổi tiếng với giá trị lịch sử, văn hóa và tín ngưỡng sâu sắc. Ngôi đền thờ Phật, Mẫu - tín ngưỡng lâu đời của dân tộc, đồng thời thờ danh nhân đất Việt với các nghi thức tâm linh cổ truyền.
Đền Tiên La được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1986. Với kiến trúc cổ kính và giá trị lịch sử sâu sắc, đền Tiên La là điểm đến độc đáo, xứng đáng để bạn dừng chân, chiêm ngưỡng và tưởng nhớ công lao của các anh hùng trong cuộc khởi nghĩa đầu tiên sau Công nguyên.
2 Đền Tiên La thờ ai?
Đền Tiên La thờ Vũ Thị Thục, sống vào thời kỳ quân Hán đô hộ nước ta, quê ở trang Phượng Lâu (nay là Phù Ninh, Phú Thọ). Bà từng đính hôn với con trai huyện trưởng Chu Diên (thuộc Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên ngày nay). Thái thú Tô Định vì say mê nhan sắc của bà, đã ép bà làm vợ nhưng bị cự tuyệt. Trong cơn tức giận, hắn đã tàn sát gia đình bà và phá hủy trang Phượng Lâu.
Được gia nhân che chở, bà xuôi thuyền theo sông Hồng và dừng chân tại vùng đất này để chiêu binh khởi nghĩa, báo thù nhà, đền nợ nước. Tại Đa Cương, bà dựng cờ khởi nghĩa với bốn chữ vàng "Bát Nạn tướng quân", lập đàn tế trời đất và kêu gọi nghĩa binh chống giặc ngoại xâm.
Bà cho xây dựng căn cứ địa, kho lương thực và hướng dẫn dân chúng canh tác. Chính bà đã tự mình khai khẩn một cánh đồng, được người dân gọi là "đồng Mế". Khi Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa năm 40, Bát Nạn tướng quân cùng nghĩa quân vùng Đa Cương đã gia nhập để hợp sức chống quân Đông Hán.
Sau chiến công hiển hách, bà được Trưng Vương phong là Thục Trinh công chúa, Đông Nhung đại tướng quân. Về sau, bà tham gia chống quân xâm lược nhà Hán của Mã Viện. Sau khi Hai Bà Trưng hi sinh do lực lượng giặc quá mạnh, bà đã chọn cách tuẫn tiết tại gò Kim Quy để giữ trọn khí tiết. Nơi bà hy sinh, nhân dân đã xây dựng đền Tiên La để tưởng nhớ và tôn vinh công lao của bà muôn đời.
3 Thời điểm lý tưởng để đến đền Tiên La
Đền Tiên La tọa lạc tại Thái Bình, một tỉnh thuộc miền Bắc Việt Nam, nổi tiếng với những cánh đồng lúa bạt ngàn và khung cảnh làng quê yên bình. Mỗi mùa tại đây đều mang một nét đẹp riêng, từ thiên nhiên đến văn hóa, hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm khó quên.
Thời gian lý tưởng nhất để du lịch Thái Bình và tham quan đền Tiên La là từ cuối tháng 12 đến tháng 5 hằng năm. Trong khoảng thời gian này, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những cánh đồng lúa chín vàng trải dài và tận hưởng vẻ đẹp nguyên sơ của vùng biển địa phương.
4 Hướng dẫn di chuyển đến đền Tiên La
Từ các tỉnh miền Bắc
Vì Thái Bình nằm ở khu vực miền Bắc nước ta, việc di chuyển đến đây từ các tỉnh lân cận khá thuận tiện. Nếu xuất phát từ Hà Nội, bạn có thể lựa chọn xe máy hoặc xe khách, bởi các tuyến đường quốc lộ dẫn đến Thái Bình rất dễ dàng và thuận tiện. Tương tự, việc di chuyển từ Hải Phòng hay Hải Dương cũng khá dễ dàng.
Đền Tiên La nằm cách trung tâm thành phố Thái Bình khoảng 31 km về phía Tây Bắc. Do đó, nếu di chuyển bằng xe máy, bạn nên chuẩn bị kỹ lưỡng về lộ trình để chuyến đi được suôn sẻ.
Từ các tỉnh miền Trung và Nam
Nếu bạn từ miền Trung hoặc miền Nam, phương tiện di chuyển thuận tiện nhất là máy bay. Bạn nên đặt vé máy bay đến Hà Nội, sau đó tiếp tục di chuyển bằng xe khách từ các bến xe lớn để đến Thái Bình.
5 Những nét đặc biệt ở đền Tiên La
5.1 Chiêm ngưỡng kiến trúc xây dựng
Đền Tiên La có diện tích khoảng 6.000 m². Mặt tiền của đền hướng ra sông Tiên Hưng. Trải qua nhiều lần trùng tu, ngôi đền ngày nay mang quy mô rộng lớn và vẻ đẹp bề thế.
Kiến trúc của đền tuân theo kiểu "Tiền nhất – Hậu đinh", một phong cách truyền thống được thể hiện rõ từ những cây cột, kèo cho đến những đường nét uốn cong của đao mái, mang hình dáng rồng bay lên hoặc biểu tượng Lưỡng Long Chầu Nguyệt.
5.2 Tham quan ba tòa điện chính tại đền Tiên La
Ba tòa điện chính tại đền là: Đại Bái (Tiền tế), Trung tế và Hậu điện (Hậu Cung). Trước khi vào đền, bạn sẽ đi qua cổng Tam quan ngoại, tiếp đến là Tam quan nội và hai bên có Lầu Cô, Lầu Cậu.
Tiến vào bên trong là Đại Bái, nơi được chia thành năm gian với nội thất hoàn toàn bằng gỗ, chạm khắc tinh xảo họa tiết Tứ linh “Long - Lân - Quy - Phượng” kết hợp với Tứ quân tử hay Tứ quý “Mai - Cúc - Trúc - Thông”. Những bức đại tự nơi đây ca ngợi Trưng Vương và công đức, tài sắc của nữ tướng Bát Nạn.
Tiếp theo là nhà Trung tế, nổi bật với kiến trúc "chồng diêm cổ các". Toàn bộ kết cấu ở đây đều làm từ đá, bao gồm cột, xà, kèo, với các họa tiết chạm khắc tinh xảo. Bốn cột cái khắc họa Tứ linh, 12 cột quân chạm hình Long vân, tám xà khắc họa Tứ linh và Tứ quân tử, cùng các chi tiết hoa văn dây leo và chữ triện.
Bước vào Hậu cung, bạn sẽ thấy kiến trúc bằng gỗ với ba gian. Gian giữa đặt ban thờ với tượng thờ Bát Nạn tướng quân, xung quanh là ban thờ các tướng sĩ của bà. Gian trái thờ thân phụ, gian phải thờ thân mẫu của nữ tướng. Trên nóc Hậu cung treo bức hoành phi đề bốn chữ “Vạn Cổ Anh Linh”, thể hiện lòng tri ân muôn đời đối với công lao của Bát Nạn tướng quân và các nghĩa sĩ đã hy sinh vì dân, vì nước.
6 Lễ hội đền Tiên La
"Đã là con mẹ, con cha
Tháng ba giỗ Mẫu Tiên La thì về"
Theo phong tục truyền thống, ngày 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm đánh dấu lễ khai mạc Lễ hội đền Tiên La, thuộc quần thể Khu di tích lịch sử Quốc gia thờ Đông Nhung Đại tướng quân, nằm trên địa bàn hai xã Đoan Hùng và Tân Tiến. Chính hội được tổ chức vào ngày 17 tháng 3 Âm lịch - ngày mất của tướng quân Vũ Thị Thục, nhằm tri ân và tưởng nhớ công lao to lớn của bà. Đây là dịp để người dân Hưng Hà, Thái Bình cùng du khách thập phương trong và ngoài nước về đây dâng hương, bày tỏ lòng biết ơn đối với nữ anh hùng dân tộc.
Theo quan niệm dân gian, vào ngày 10 tháng 3 Âm lịch mỗi năm thường xuất hiện một trận mưa lớn, được xem là dấu hiệu "Bà Bát về rửa đền".
Lễ hội đền Tiên La nổi bật với nhiều hoạt động văn hóa dân gian đặc sắc như múa rối nước, thi giã bánh giầy, thi pháo đất, thi vật và thi tổ tôm điếm. Bên cạnh đó, lễ hội còn lưu giữ và phát huy hai loại hình nghệ thuật truyền thống là hát ca trù và hát văn (kèm hầu bóng).
Điểm độc đáo của lễ hội Tiên La là không gian văn hóa, văn nghệ trải rộng khắp huyện Hưng Hà và các vùng lân cận. Trong đó, hai xã Đoan Hùng và Tân Tiến được xem là trung tâm, nơi thể hiện rõ nét nhất tinh hoa văn hóa lễ hội.
Ngoài đền Tiên La, vùng đất Hưng Hà còn có nhiều điểm du lịch tâm linh với nhiều di tích và đền thờ cổ kính khác để bạn kết hợp tham quan như đền Trần (Tiến Đức - Hưng Hà), đền Rẫy, đền Buộm và khu lưu niệm Nhà bác học Lê Quý Đôn.
Lễ hội đền Tiên La nổi bật với nhiều hoạt động văn hóa dân gian đặc sắc. Ảnh: thaibinh.gov.vn
Hy vọng rằng qua bài viết trên đây, bạn sẽ thêm một điểm đến du lịch khi có dịp ghé thăm Thái Bình. Đến với đền Tiên La vẫn luôn là một nơi lý tưởng để chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính và tưởng nhớ công đức của các bậc anh hùng dân tộc trong không gian linh thiêng của lễ hội.