1Hành trình đỡ đẻ cho rùa biển đầy thú vị của Anh Thư
Côn Đảo là huyện đảo nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp cùng hệ sinh thái động thực vật trù phú, đa dạng. Tất nhiên, đây cũng là một trong những nơi triển khai hoạt động đỡ đẻ cho rùa biển một cách mạnh mẽ nhất.
Xem thêm: Review mùa Milky Way Côn Đảo, check-in loạt ảnh dải ngân hà đẹp xịn xò
Trong hành trình vi vu khám phá Côn Đảo lần này, Anh Thư, cô bạn 24 tuổi sinh sống và làm việc tại TP.HCM, đã có cơ hội tham gia hoạt động đỡ đẻ cho rùa biển cực thú vị tại Hòn Bảy Cạnh Côn Đảo. Không chỉ nổi tiếng là một trong những bãi biển với vẻ đẹp hoang sơ, thanh vắng, Hòn Bảy Cạnh còn là khu vực được các “bà mẹ” rùa yêu thích lựa chọn làm nơi đẻ trứng.
Rùa được bảo tồn tại Côn Đảo hiện nay thuộc loài Vích, đã có tên trong Sách Đỏ Việt Nam. Thời điểm rùa sinh sản hàng năm rơi vào khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 10 với các tháng cao điểm từ tháng 7 đến tháng 9. Bạn có thể lưu những mốc thời gian này vào cuốn sổ tay Cẩm nang du lịch để tiện bề sắp xếp lịch trình nhé.
Theo Anh Thư chia sẻ, nếu muốn tham gia hoạt động đỡ đẻ cho rùa biển, cô bạn đã phải đăng ký tour trải nghiệm và nhận được sự đồng ý của kiểm lâm địa phương mới có thể tham gia. Vậy, hành trình đỡ đẻ cho rùa biển của Anh Thư thú vị thế nào, hãy cùng nghe cô bạn bật mí nhé!
Rùa mẹ đẻ trứng dao động trong khoảng thời gian từ nửa đêm cho đến khi tản sáng và phụ thuộc vào thời điểm con nước. Mỗi khi con nước lớn thì rùa mẹ mới bắt đầu vào bờ, làm tổ và đẻ trứng. Vì thế nên, trong hành trình lần này, Anh Thư đã thức dậy khi đồng hồ vừa điểm 3 giờ sáng, sau đó đi ra bãi biển để chờ đón các “bà mẹ” này.
Trước khi bắt đầu hành trình đỡ đẻ cho rùa biển, Anh Thư được kiểm lâm dặn dò rất nhiều điều cần thực hiện. Trong đó, mọi người tuyệt đối không được chạm vào rùa mẹ khi đẻ trứng, chỉ có thể đứng âm thầm quan sát và cũng không được chạm tay vào trứng rùa nữa. Toàn bộ điện thoại phải tắt chuông, đèn flash và phải đi chân trần trên cát, tránh làm ồn khiến rùa mẹ hoảng sợ sẽ không vào bãi đẻ nữa.
Quá trình đỡ đẻ cho rùa biển của Anh Thư và mọi người thật ra chỉ là đứng quan sát rùa mẹ đẻ trứng mà thôi. Theo cô bạn chia sẻ, mẹ rùa sẽ mất khoảng thời gian từ 15 đến 20 phút để đào hố sâu tầm 50 – 70 cm, sau đó rặn từng đợt để sinh trứng. Sau đó, rùa mẹ sẽ lấp và ngụy trang hố, đảm bảo an toàn cho những quả trứng trong khoảng 20 đến 35 phút trước khi trở về biển.
Sau 4 tiếng trứng được đẻ xong, các chú kiểm lâm sẽ đào hố lên, đưa trứng về khu vực bãi ấp. Lúc này, Anh Thư còn có cơ hội thả rùa con ở Côn Đảo về biển nữa. Tuy nhiên, cô bạn không được chạm tay vào rùa con mà sẽ dùng găng tay hoặc dụng cụ riêng để đưa “lũ trẻ” về biển khơi mênh mông. Cô bạn chia sẻ rằng hành trình nhìn những “em bé” này cố gắng từng bước bơi về biển khơi khiến mọi người vừa cảm động lại lo lắng và cũng có phần ngưỡng mộ nữa. Khi các “em” đều bơi ra biển được hết, Anh Thư cùng mọi người có khi còn vui mừng hơn cả.
Bạn ơi, hành trình đỡ đẻ cho rùa biển của Anh Thư thú vị như thế đó. Trong chuyến đi về với huyện đảo yên bình này, không chỉ có hoạt động đỡ đẻ đặc biệt này, bạn còn có cơ hội được tham quan những di tích ở đây cũng hấp dẫn chẳng kém. Ngoài ra, nếu có thời gian, đừng quên dừng chân nán lại nơi Nghĩa Trang Hàng Dương Côn Đảo thắp nén nhang thơm tưởng nhớ anh linh các vị anh hùng dân tộc nhé.