Nhắc đến các loại bánh đặc sản của An Giang, không thể không kể đến đặc sản bánh Chăm An Giang mang tên ha nàm căn, một món ăn khiến nhiều thực khách thích thú mỗi khi đến thăm vùng đất này. Bánh củ gừng (ginraong laya) là loại bánh truyền thống được biết đến trong những nghi lễ, dùng để dâng lên bàn thờ tổ tiên. Còn trong các lễ hội quan trọng của đồng bào người Chăm An Giang thường có sự xuất hiện của món bánh ha nàm căn gần gũi, dân dã. Thực khách đến du lịch An Giang có thể dễ dàng tìm thấy và thưởng thức loại bánh này ở bất cứ đâu khi du lịch tại vùng đất Thất Sơn Bảy Núi.

Khám phá đặc sản bánh Chăm An Giang nổi tiếng ở miền Tây 2

Đặc sản bánh Chăm An Giang thực ra là món bánh hết sức dân dã 

Xem thêm: Thử ngay bánh canh Khmer An Giang với hương vị độc đáo đầy cuốn hút

Quy trình chế biến ra món đặc sản bánh Chăm An Giang không quá cầu kỳ, nguyên liệu cũng hết sức đơn giản, có lẽ đây là lý do chính khiến món bánh này trở nên gần gũi với bà con vùng Bảy Núi An Giang. Với những nguyên liệu dễ dàng tìm kiếm như bột mì, mè rang, trứng vịt cộng với một chiếc chảo nhôm đặt bếp lửa nóng hổi là đã sẵn sàng cho ra lò những chiếc bánh ha nàm căn vàng ươm, thơm ngon bắt mắt. Món ăn này cũng không thể thiếu đường thốt nốt, đặc bản trứ danh Bảy Núi, loại đường đã tạo nên hẳn nghề nấu đường thốt nốt ở An Giang.

Thực hiện chế biến món đặc sản bánh Chăm An Giang này, người đầu bếp sẽ đánh tơi lòng đỏ và lòng trắng trứng vịt, tiếp theo cho thêm bột mì và đường thốt nốt vào trộn đều. Để bột nghỉ ngơi một thời gian, lúc này người làm bánh sẽ chuẩn bị bếp lửa nóng, đặt trên đó chảo nhôm dày với đường kính khoảng 20cm. Làm món đặc sản bánh Chăm An Giang này còn cần thêm một bếp than nữa. Bếp than này có nhiệm vụ làm nóng những nắp đất nung, là dụng cụ tạo hình chóp nhọn cho bánh và giúp bánh giữ được độ nóng giòn thơm ngon khi ra lò.

Sau khi chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ, đợi cho chảo nóng đều, người thợ làm bánh sẽ phết một lớp dầu mỏng lên chảo. Nhanh tay cho một lượng bột vừa phải đồng thời thêm mè rang lên bề mặt tạo độ bùi béo, thơm ngon cho bánh. Đậy kín chảo nhôm bằng nắp đất nung nhỏ chừng 5 phút. Thi thoảng mở nắp và dùng xiên kiểm tra xem bánh đã chín chưa. Nếu bánh có màu vàng ươm và xiên khô không bị dính bột có nghĩa là bánh đã chín đạt yêu cầu, bấy giờ là lúc những đặc sản bánh Chăm An Giang được ra lò.

Khám phá đặc sản bánh Chăm An Giang nổi tiếng ở miền Tây 3

Người Chăm chuẩn bị cho một mẻ bánh dân gian

Khám phá đặc sản bánh Chăm An Giang nổi tiếng ở miền Tây 4

Bánh ha nàm căn có màu vàng và hình tròn có chóp nhọn nhỏ 

Chiếc bánh ha nàm căn có kích cỡ bằng lòng bàn tay, hình tròn và có phần chóp nhọn nhờ hình dáng của chiếc nắp đậy bằng đất nung. 

Món đặc sản bánh Chăm An Giang mới ra lò nóng hổi, giòn bên ngoài và xốp mềm, dai nhẹ bên trong. Hương vị ha nàm căn là sự kết hợp giữa độ ngọt thanh từ đường thốt nốt, bùi thơm của mè rang, mềm xốp của bột mì và một chút vị béo. Tất cả hòa quyện tạo nên chiếc bánh đặc sản của người Chăm An Giang dễ ăn, dễ tìm.

Đặc sản bánh Chăm An Giang ha nàm căn là những chiếc bánh không kén người ăn, không chỉ người Chăm An Giang mà rất nhiều tín đồ ẩm thực yêu thích món bánh này bởi sự dân dã, gần gũi và đặc biệt là phù hợp túi tiền của mọi bà con. Bánh có thể dễ dàng tìm thấy trên đường phố An Giang hay các điểm du lịch nổi tiếng như Thánh Đường Hồi Giáo Mubarak, Nhà thờ Đức bà Cồn Trên, Thánh đường Cù Lao Giêng…

Bánh ha nàm căn có thể ăn vào bất kỳ lúc nào và ở bất cứ nơi đâu. Bạn có thể thưởng thức vào buổi sáng, làm món tráng miệng sau bữa chính hay thậm chí là ăn chơi lúc xế chiều.

Khám phá đặc sản bánh Chăm An Giang nổi tiếng ở miền Tây 5

Đặc sản bánh Chăm An Giang  hấp dẫn nhiều thực khách

Ngoài ha nàm căn, người Chăm An Giang còn có nhiều món bánh dân gian hấp dẫn khác

Mời bạn cùng lật mở cẩm nang du lịch của mình ra và thêm vào cái tên “ha nàm căn”, một đặc sản bánh Chăm An Giang khó bỏ qua. Nếu một lần đặt chân đến vùng đất này, hãy tìm mua và thưởng thức những chiếc bánh giòn thơm đơn giản mà hấp dẫn này bạn nhé!