1 Tìm hiểu đôi nét về Đám Sênh lễ chay của người Cao Lan
Yên Bái sở hữu nhiều địa điểm du lịch thu hút nhiều du khách thập phương như Hồ Thác Bà, Thác Pú Nhu,... Bên cạnh đó, tham gia những lễ hội truyền thống cũng là điểm cuốn hút của nơi đây và trong số đó có lễ hội Đám Sênh lễ chay của người Cao Lan. Đây là nghi lễ cầu an cho gia đình và dòng họ được lưu truyền từ bao đời nay của dân tộc Cao Lan - chủ yếu sinh sống ở huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Đám Sênh lễ chay thường được tổ chức ở quy mô gia đình với quy mô lớn nhỏ khác nhau.
Tương truyền rằng, trong một đời người của gia đình dòng họ người Cao Lan, họ sẽ gặp phải những điều không may mắn, làm ăn không thành công, thường mắc bệnh, và trong chăn nuôi, trồng trọt thì mất mùa liên miên,... Khi đó, người dân ở đây sẽ cùng nhau tổ chức Đám Sênh lễ chay với mục đích tạ ơn tổ tiên, trời đất đã che chở con cháu và cuối xin Người bao dung, phù hộ cho cuộc sống của con cháu được ấm no, sung túc và khỏe mạnh.
Thời gian diễn ra Đám Sênh lễ chay của người Cao Lan sẽ được tính theo chu kỳ sống của một đời người nên không được tổ chức hằng năm. Tức là cứ 25 năm (là một đời người) thì gia chủ phải tổ chức Đám Sênh lễ chay để cầu nguyện. Đặc biệt, nếu như đời bố không thể tổ chức nghi lễ vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn hay bệnh tật hoành hành thì phải cúng xin khất và đến đời con bắt buộc phải nhận trách nhiệm tổ chức nghi lễ quan trọng này. Ngoài ra, vì đây là nghi lễ tổ chức theo quy mô gia đình nên thời gian tổ chức dài hay ngắn và vào thời điểm nào sẽ tùy thuộc vào dòng họ đó. Và thông thường lễ hội này sẽ diễn ra từ 3 đến 7 ngày bạn nhé.
Nếu bạn đến du lịch Yên Bái thì nên đến tham gia Lễ hội Lồng tồng của người Tày ở Kiến Thành, Lễ cấp sắc của người Dao Đỏ,... để tìm hiểu thêm bản sắc văn hóa đặc sắc của người dân tộc vùng núi Tây Bắc.
Xem thêm: Lễ hội đền Đại Cại - Nét văn hóa độc đáo của người dân Yên Bái
2Đám Sênh lễ chay của người Cao Lan được tổ chức như thế nào?
Lễ vật dâng cúng trong ngày lễ chính phải là đồ chay (tức thức ăn có nguồn gốc từ thực vật) bao gồm hoa quả, bánh trái và rau củ quả,... Ngược lại, ở nơi thờ cúng âm binh và quân quan của các thánh sẽ dâng lên lễ tạp bao gồm 5 mâm cúng nhỏ có thịt lợn luộc và một mâm cúng chính gồm 1 con ngan.
Theo quan niệm của người Cao Lan, Đám Sênh phải là lễ chay nên thần tiên và tổ tiên chỉ nhận lễ chay, còn các quân quan đi theo bảo vệ họ thì không cần kiêng kỵ gì cả nên mâm lễ cúng là đồ mặn.
Nhà của gia chủ chính là địa điểm chính tổ chức Đám Sênh lễ chay của người Cao Lan. Lúc này, dân tộc Cao Lan sẽ lập hai đàn cúng - một trên nhà nơi thờ tổ tiên của đồng bào - nơi đây sẽ diễn ra các nghi thức chính và một đàn cúng dưới sân - nơi thờ thổ công, các vị thần trông coi đất đai của vùng đất này.
Vào ngày tổ chức lễ hội Đám Sênh lễ chay của người Cao Lan, gia chủ sẽ mời 3 thầy cúng về nhà. Một thầy cả có trách nhiệm đứng tên tổ chức nghi lễ gọi là say phù và từ 12 - 15 thầy đạo tràng - người giúp việc cho thầy cả đã được cấp sắc sẽ viết các tờ sớ bằng chữ Nôm Cao Lan để gửi gắm mong ước, nguyện vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai. Thời gian viết sớ diễn ra liên tục cho tới ngày lễ chính thức của lễ hội này. Nghi lễ chính thức sẽ diễn ra từ 17h chiều cho tới sáng ngày hôm sau của ngày cuối cùng của Đám Sênh.
Ngày bắt đầu lễ hội sẽ được gọi là ngày khai bút. Vào ngày này, gia chủ sẽ mời tất cả dân làng về dự nghi lễ, chiêu đãi một bữa tiệc rượu nhỏ nhằm thông báo lễ hội sắp diễn ra và mong dân làng cùng chúc phúc cho gia đình họ. Đặc biệt, vào ngày này, dân làng tới dự tiệc sẽ mang theo món quà nhỏ là các sản vật của gia đình mình để chúc mừng gia chủ. Trước bàn thờ tổ tiên, thầy cúng bắt đầu tiến hành nghi thức cúng và khai bút ngay trước bàn thờ tổ tiên. Tiếp theo đó, thầy cúng và các đạo tràng viết sớ từ hôm đó cho tới hôm vào lễ hội chính thức.
Sang những ngày tiếp theo, thầy cúng và đạo tràng sẽ viết sớ không ngừng tay cho đến ngày trước khi diễn ra nghi lễ chính. Đêm hôm trước, thầy cúng sẽ lập đàn cúng mời Tam thanh, Tam nguyên xuống dự, lễ cúng Thiên đình mời Ngọc Hoàng về dự và phù hộ cho nghi lễ; lễ thức Tam tào giao cho thần giao thông đi mời các thánh và các lễ thức chấn trạch, trừ tà nhằm bảo vệ lễ hội thật thanh sạch và không cho các ma tà về quấy phá.
Lúc nghi lễ chính thức diễn ra, thầy cúng sẽ đọc sách kinh cúng và làm phép. Sau đó sẽ đọc lại toàn bộ tiểu sử gia đình và thuật lại nguyên cớ tổ chức lễ hội Đám Sênh lễ chay này. Thay mặt gia chủ, thầy cúng sẽ cúi xin các vị thần thánh và tổ tiên phù hộ, bảo vệ con cháu làm ăn phát đạt, gặp nhiều may mắn, tiêu trừ mọi bệnh tật, có cuộc sống bình an, hạnh phúc trong tương lai.
Vào sáng sớm ngày cuối cùng diễn ra lễ hội, tất cả các tờ sớ được thầy cúng đề sẵn từ trước sẽ đốt như một minh chứng tổ tiên đã nhận lời khẩn xin của con cháu. Đây là bước cuối cùng đề đồng bào dân tộc Cao Lan tin rằng cuộc sống mai sau của mình sẽ thật tươi đẹp kể từ đây. Và để kết thúc lễ hội này, gia chủ, thầy cúng và dân làng sẽ cùng ngồi lại bên bàn tiệc rượu, cùng nâng ly vui vẻ và chúc phúc lẫn nhau.
Trên đây là tất tần tật những thông tin về Đám Sênh lễ chay của người Cao Lan mà MIA.vn muốn chia sẻ cho bạn. Cùng hội bạn thân đi du lịch Yên Bái và tham gia lễ hội độc đáo này bạn nhé!