1 Đôi nét về Lễ hội nghinh ông Phan Thiết
Lễ hội nghinh ông Phan Thiết được tổ chức hai năm một lần, vào hạ tuần tháng 7 âm lịch vì theo quan niệm từ xa xưa thì tháng 7 là thời điểm báo hiếu với tổ tiên. Lễ hội Phan Thiết này thường được diễn ra trong 3 ngày theo những nghi thức truyền thống được các thế hệ xa xưa truyền lại. Hằng năm, lễ hội thu hút hơn 1.000 người tham gia, giúp quảng bá hình ảnh về văn hóa - con người Phan Thiết đến đông đảo khách du lịch gần xa.
Từ thời xa xưa, người Hoa đã di cư vào sinh sống ở Bình Thuận. Văn hóa của người Hoa là thờ Quan Công, họ xây dựng Chùa Ông Phan Thiết, hay Đền Quan Công để duy trì tập tục tín ngưỡng này. Chùa được xây dựng theo kiểu truyền thống, có kết cấu đặc trưng của miếu thờ Trung Hoa.
Năm 1778 chùa được hoàn thành, từ đó Lễ hội nghinh ông Phan Thiết ra đời và được duy trì cho đến tận ngày nay. Lễ hội Bình Thuận này có ý nghĩa rất lớn trong đời sống của cộng đồng người Hoa, thể hiện đức tin của họ, đồng thời là bản sắc văn hóa tốt đẹp mà họ đã gìn giữ trong hàng thế kỷ qua.
Lễ hội Nghinh Ông là một cách người Hoa thể hiện rõ tín ngưỡng và tôn giáo của mình. Họ một lòng hướng về các vị Thánh Thần, Quan Thánh để thể hiện sự thành kính. Đồng thời, những nghi lễ này cũng thể hiện những mong cầu để quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, tất cả mọi người đều được ấm no, hạnh phúc. Lễ hội dần dần trở thành một phần văn hóa của Phan Thiết, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân địa phương và khách du lịch.
Xem thêm: Những Lễ hội đặc sắc ở Phan Thiết bạn không thể bỏ lỡ
2 Các hoạt động chính của Lễ hội nghinh ông Phan Thiết
Lễ hội nghinh ông Phan Thiết bao gồm các nghi lễ chính: Lễ thỉnh Thánh Mẫu; Lễ khai kinh; Lễ Yết Quan Thánh; Lễ chiêu vong; Lễ phóng đăng; Lễ hội hóa trang; Lễ nghinh Ông. Các tiết mục biểu diễn lân sư rồng và lễ hội hóa trang là phần được yêu thích nhất. Lễ hội quy tụ khoảng hơn 700 diễn viên quần chúng đến từ các hội quán Phước Kiến, Quảng Đông, Triều Châu, Hải Nam đến tham gia. Họ mặc trên mình những trang phục hóa trang các nhân vật lịch sử độc đáo, cùng nhau tiến hành những nghi lễ linh thiêng với một lòng thành kính đến Quan Công.
Lễ hội nghinh ông Phan Thiết được thực hiện rất trang trọng với những nghi lễ bài bản, được các thế hệ người Hoa truyền lại. Hiện nay, Lễ hội truyền thống Phan Thiết này thu hút cả người Hoa và người Việt tham dự, là dịp người dân dâng hương, cầu nguyện những điều bình an, may mắn cho bản thân và gia đình.
Phần lễ của Lễ hội nghinh ông Phan Thiết được diễn ra lần lượt theo trình tự, bao gồm 16 nghi lễ như sau:
- Lễ Thỉnh Thánh Mẫu
- Lễ Thỉnh kinh
- Lễ Thỉnh nước
- Lễ Thỉnh chiêu ứng công (hay còn gọi là Lễ thỉnh 108 chư vị Thần)
- Lễ Khai kinh
- Lễ Yết Quan Thánh, Cáo Tiền Hiền
- Đoàn lễ Hội quán Quảng Đông ra mắt Quan Thánh
- Đoàn lễ Hội quán Phúc Kiến ra mắt Quan Thánh
- Lễ Chiêu vong linh Tiền Hiền
- Lễ Phóng đăng
- Lễ Phóng sanh
- Đoàn lễ Hội quán Triều Châu ra mắt Quan Thánh
- Đoàn lễ Hội quán Hải Nam ra mắt Quan Thánh
- Lễ cúng thí thực
- Lễ cầu quốc thái dân an
- Lễ Thỉnh thuyền
Sau hai ngày thực hiện các nghi lễ lớn nhỏ theo tuần tự thời gian, Lễ hội nghinh ông Phan Thiết sẽ tổ chức phần Hội với rất nhiều hoạt động thú vị. Bên cạnh những tiết mục biểu diễn văn hóa dân gian, các tiết mục múa lân sư rồng thì phần hấp dẫn nhất chính là lộ trình diễu hành nghinh Ông qua những con đường đông đúc của thành phố Phan Thiết. Đoàn người đi đến đâu là không khí tưng bừng, náo nhiệt đến đó, rất nhiều người dân địa phương hòa vào đoàn rước, tạo thành dòng người vô cùng đông đúc.
Tuy nhiên nếu bạn cũng muốn tham gia hoạt động rước nghinh Ông này thì cần lưu ý bảo quản tư trang, tránh để kẻ xấu lợi dụng sự đông đúc trộm cắp những tài sản có giá trị nhé.
Trên đây là những thông tin về Lễ hội nghinh ông Phan Thiết mà cẩm nang du lịch MIA.vn muốn mang đến cho bạn. Nếu có dịp bạn đừng bỏ qua cơ hội khám phá lễ hội độc đáo của cộng đồng người Hoa tại Phan Thiết nhé.