1 Cố đô Oudong xưa của đế chế Chân Lạp
Oudong (Udong hay Odongk) là cố đô của Campuchia từ khoảng thế kỷ thứ 17 đến thế kỷ thứ 19, nằm cách thủ đô Phnom Penh hiện nay khoảng 35km về hướng tây bắc. Vương triều của đế chế Chân Lạp (Khmer cổ) từng đóng đô tại đây trong khoảng hơn 2 thế kỷ từ năm 1618 đến 1866, trước khi vua Norodom ra chiếu dời đô về Phnom Penh vào năm 1866. Dù là cố đô nhưng các di tích còn lưu giữ ở đây khá khiêm tốn so với nhiều khu vực khác của Campuchia.
Oudong còn được gọi bằng cái tên khác là “Oudong Meanchey” (có nghĩa là “chiến thắng cao quý”). Quần thể kiến trúc cổ kính nơi đây bao gồm những ngôi đền được xây dựng từ thế kỷ 13 nằm trên ngọn đồi cao có thể nhìn xuống đồng bằng Tonle Sap bên dưới. Dù cũng đều là cố đô nhưng Siem Riep sẽ có phần đông đúc, nhộn nhịp hơn. Trong khi Oudong mang không khí bình yên, dân dã như chính người dân địa phương.
Từ thủ đô Phnom Penh bạn có thể đi xe khoảng 15 – 20 phút để đến Oudong. Dọc theo quốc lộ 5 dẫn đến Oudong là làng Bạc, nơi chế tác các vật dụng dành riêng cho vua và giới quý tộc. Gần đó có khu vực lều dã ngoại dành cho người dân hoặc khách du lịch Campuchia dừng chân nghỉ dưỡng. Lối vào quần thể Oudong có những hàng cây xanh ngắt, hai bên đường chỉ có vài ngôi làng nhỏ, một số tiệm tạp hóa dù xập xệ nhưng bán đủ các loại đồ ăn, thức uống có mức giá bình dân.
Hình dáng của cố đô Oudong Campuchia có phần giống với con rắn thần Naga nằm trên ngọn núi cao. Ngay dưới chân núi bạn sẽ tìm được một đài tưởng niệm lớn gợi nhớ về những người đã mất trong cuộc thảm sát Khmer đỏ. Gần đó có bức tượng Phật bị tàn phá trong chiến tranh nhưng vẫn còn nguyên vẹn phần bàn chân. Phía trên đỉnh núi chính là khu vực rộng lớn gồm nhiều công trình độc đáo, dù bị bom đạn ảnh hưởng nặng nề nhưng vẫn có nét thu hút rất riêng không đâu sánh bằng.
2 Hướng dẫn di chuyển đến cố đô Oudong
2.1 Đi bằng tuk tuk
Sau khi di chuyển từ Việt Nam đến Phnom Penh bạn có thể tự bắt xe tuk tuk trong thành phố hoặc thông qua khách sạn để đến Oudong. Cố đô Oudong nằm cách thủ đô chỉ khoảng 40km về phía Bắc nên việc di chuyển chỉ mất khoảng 1 tiếng. Di chuyển bằng xe tuk tuk không đắt đỏ mà còn khá an toàn, tài xế biết đường đi và là người bạn đồng hành tuyệt vời. Theo kinh nghiệm du lịch, trên đường bạn còn có cơ hội nhìn ngắm những ngôi nhà truyền thống của Campuchia, đền chùa và nhà thờ Hồi giáo. Giá thuê xe tuk tuk từ Phnom Penh đến Oudong và ngược lại rơi vào khoảng từ 30 đến 40 USD, xe riêng sẽ đắt hơn một chút.
2.2 Đi tour tham quan Oudong trong ngày
Nếu không muốn đi một mình mà thích tham quan Oudong trong ngày cùng nhiều người bạn có thể đăng ký tour kéo dài trong khoảng 5h. Tài xế chuyên nghiệp sẽ đến đón khách tại khách sạn ở Phnom Penh, chuyến tham quan đã bao gồm vé vào cổng, hướng dẫn viên và bữa trưa trên đường về. MIA.vn mách bạn có thể tìm theo từ khóa Oudong tour nếu có nhu cầu cần đặt nhé.
3 Những điểm tham quan hàng đầu tại Oudong
3.1 Núi Oudong
Chân núi Oudong từng được gia đình Hoàng gia chọn làm nơi lưu trú. Ngọn núi có những ngọn tháp trông giống như một lâu đài cổ tích. Bạn cũng đừng quên ghé qua đài tưởng niệm dưới chân núi Oudong dành riêng cho các nạn nhân của Khmer Đỏ. Sau khi đỗ xe dưới chân núi chúng ta sẽ phải leo khoảng 500 bậc thang để lên đến đỉnh núi. Trên chặng đường này khách tham quan có thể chiêm ngưỡng khung cảnh ngọn đồi xanh tươi được bao phủ bởi những tán cây sum sê, thậm chí còn có những chú khỉ thỉnh thoảng xuất hiện.
3.2 Ba bảo tháp quan trọng của Oudong
Bảo tháp đầu tiên có tên là Damrei Sam Poan, nằm ở phía tây bắc được xây dựng bởi vua Chey Chettha II (1618-26) để chôn cất người tiền nhiệm đã thành lập Oudong. Bảo tháp chính nằm trên một bệ ba tầng được nâng cao so với khu rừng xung quanh.
Bảo tháp thứ hai có tên là Ang Duong, được đặt theo tên cha của vua Norodom, sử dụng gạch đầy màu sắc để trang trí. Vua Norodom xây dựng bảo tháp vào năm 1891 để lưu giữ tro cốt của vua Ang Duong. Hàng năm, vào ngày giỗ của Ngài, một lễ hội được tổ chức tại bảo tháp với đủ loại thức ăn và hoa. Người dân địa phương tin rằng linh hồn của vua Ang Duong vẫn còn ngự trong bảo tháp và ông vẫn tiếp tục bảo vệ và trông chừng họ.
Bảo tháp thứ ba là Mukh Proum và nằm ở phía đông nam của ba bảo tháp. Đó là bảo tháp của vua Monivong, người trị vì từ năm 1927-1941 và có bốn mặt nhìn ra bốn hướng chính. "Mukh" trong tiếng Khmer có nghĩa là khuôn mặt. Nó tương tự như đền Bayon trong quần thể Angkor Wat của Siem Reap, phần dưới được trang trí bằng Garudas (một sinh vật trong thần thoại Hindu và Phật giáo), voi và trang trí hoa. Sau khi vua Monivong qua đời, tro cốt của ông được an táng trong bảo tháp.
3.3 Nhiều chùa cổ kính
Cố đô Oudong ngày nay vẫn là một địa điểm tuyệt đẹp để khách tham quan và người hành hương ghé thăm. Khắp thành phố là những ngôi đền thường được người dân địa phương ghé thăm để tỏ lòng thành kính với người đã khuất và cầu nguyện. Hoa, lễ vật và nến được mọi người thắp sáng trong những ngôi đền này.
3.4 Đền Arthaross
Đền Arthaross nổi tiếng từng bị phá hủy hoàn toàn dưới thời Khmer Đỏ và được xây dựng lại toàn bộ. Nó còn được gọi là "Ngôi đền mười tám điểm" đơn giản vì cấu trúc của ngôi đền bao gồm 18 điểm hoặc góc. Ngôi chùa còn lưu giữ phần còn lại của bức tượng Phật khổng lồ đã bị Khmer Đỏ phá hủy. Tượng Phật ở đây quay mặt về hướng bắc thay vì hướng đông truyền thống.
4 Một số nét đặc sắc của cố đô Oudong
4.1 Nét kiến trúc ấn tượng
Cố đô Oudong cũng sở hữu nhiều công trình, đền chùa, tháp… được đục đẽo công phu từ những phiến đá khổng lồ. Điểm nhấn chính ở Oudong là những tháp Gropa cao vút, phía trên đỉnh có hình điêu khắc tinh xảo với kiến trúc tương tự như ở cố đô Ayutthaya – Thái Lan. Ngoài ra, nơi đây còn một số di tích tôn giáo quan trọng nằm trong danh sách đề cử di sản văn hóa thế giới của UNESCO, bao gồm các ngôi mộ táng của những vị vua Khmer, các hiện vật tôn giáo với niên đại lên đến hơn 100 năm.
4.2 Giai thoại về công chúa Ngọc Vạn
Khách tham quan Việt Nam chắc chắn không thể bỏ qua giai thoại về công chúa Ngọc Vạn, ái nữ của chúa sãi Nguyễn Phúc Nguyên (xứ Đàng Trong), buộc phải theo chồng xa quê. Có rất ít câu chuyện về nàng công chúa này ở Campuchia, nhưng sử sách Việt Nam vẫn ghi lại về bà rất tôn kính nhờ sự hy sinh thầm lặng cho đất nước. Sau khi trở thành Hoàng hậu nước Chân Lạp, công nữ Ngọc Vạn được ban tước hiệu Somdach Prea Peaccayo dey Preavoreac, bà được vua Chey Chettha II rất yêu quý nhờ đẹp người lại đẹp nết. Theo “Biên Hòa sử lược toàn biên”, sau hơn 50 năm luôn tìm cách tồn tại trong chốn vàng son nhưng đẫm máu của cuộc chiến giành quyền lực, Thái hậu Ngọc Vạn đã lui về sống ở Bà Rịa và lập chùa Gia Lào trên núi Chứa Chan.
Hy vọng những thông tin chi tiết về cố đô trên đây đã giúp bạn đọc của MIA.vn chuẩn bị vali sẵn sàng để đến với mảnh đất mang đậm giá trị lịch sử, tâm linh này.