1Tổng quan đền Cửa Ông
Đền Cửa Ông là di tích cấp quốc gia đặc biệt nằm ở phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Đây vốn là nơi thờ phụng Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng (con thứ ba của Trần Hưng Đạo), người có công lớn trong việc trấn giữ vùng Đông Bắc. Ngoài ra đền còn thờ nhiều nhân vật nổi tiếng thời nhà Trần (Trần Quốc Tuấn, Trần Anh Tông, Trần Khánh Dư, Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu…) và cũng là địa điểm tổ chức lễ hội đền Cửa Ông hằng năm.
- Địa chỉ: Cửa Ông, Cẩm Phả, Quảng Ninh
- Lễ hội: 3 tháng 2 âm lịch
- Thành lập: Thời Trần
Trước khi thờ Hưng Nhượng vương đền được gọi là Miếu Hoàng tiết chế, thờ Hoàng Cần, người địa phương có nhiều công đánh phá giặc cướp, được các triều vua phong “Khâm sai Đông Đạo Tiết chế”.
Xem thêm: Đảo Tuần Châu - Khám phá hòn ngọc chói sáng trên vịnh Hạ Long
2Hướng dẫn di chuyển đến đền
Đền Cửa Ông nằm trên đồi khu 9A, phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Từ thành phố Hạ Long đi theo đường quốc lộ 18 về phía đông bắc khoảng 30km, tiếp tục rẽ phải vào khoảng 300 mét là tới đền Cửa Ông. Đây cũng là 1 trong 3 ngôi đền nổi tiếng nhất của tỉnh Quảng Ninh, nơi núi non, rừng già và biển cả “gặp gỡ” được thiên nhiên ưu ái ban tặng một vị trí đắc địa.
Cụ thể nếu di chuyển từ thủ đô Hà Nội bạn sẽ có 2 phương án sau đây:
- Xe khách: Bạn có thể đi theo tuyến Hà Nội – Cẩm Phả bằng xe khách với giá từ 80.000 - 300.000 đồng/chiều. Sau khi đến Cẩm Phả thì chúng ta tiếp tục thuê xe ôm hoặc taxi tới Đền Cửa Ông.
- Xe ô tô riêng hoặc xe máy (tổng quãng đường khoảng 200km): Từ trung tâm thủ độ bạn di chuyển theo đường Nguyễn Khoái, qua quốc lộ 1A tại Lĩnh Nam thì tiếp tục di chuyển lên quốc lộ 5B/đường Cao tốc 04, sau đó tiếp tục di chuyển lên quốc lộ 5B/đường Cao tốc 04 rồi men theo quốc lộ 10 và quốc lộ 18. Tới đường Lý Thường Kiệt - thành phố Cẩm Phả thì bạn chạy thẳng là đến đền.
3Khám phá đền Cửa Ông
Theo sử sách ghi chép lại thì đền Cửa Ông, Quảng Ninh đã được xây dựng và tồn tại hơn 700 năm, trải qua nhiều cuộc đại trùng tu trước khi xuất hiện với diện mạo như ngày nay. Khi dựng nên ngôi đền chỉ là một thảo am nhỏ, được làm từ tranh, tre, nứa... Tới khoảng năm 1907 – 1916 thì đền Cửa Ông được trùng tu tại. Năm 1916, khu di tích còn cho xây thêm đền Thượng, đền Trung, đền Hạ và chùa.
Những năm sau này ghi nhận đền tiếp tục được tu bổ và tôn tạo. Năm 2014 quy hoạch tổng thể của khu di tích đã được phê duyệt lên tới 18,125ha. Sau này đền Trung được xây dựng và hoàn công vào năm 2017.
Ban đầu đền chỉ thờ Đức Ông Trần Quốc Tảng, nhưng sau này khi dựng thêm các khu đền, chùa thì cho thờ tự thêm nhiều danh nhân. Có thể kể đến là:
- Đền Hạ: Gồm đền Mẫu và đền Trung Thiên Long Mẫu.
- Đền Trung: Thờ Khâm Sai Đông Đạo Tiết Chế Hoàng Cần và Sơn thần, Thủy thần.
- Đền Thượng: Gồm đền Thượng, đền Quan Chánh, đền Quan Châu, chùa và lăng mộ Trần Quốc Tảng.
- Đền Cặp Tiên: Thờ một vị tiểu thư - con gái Trần Quốc Tảng (còn gọi là “Cô bé Cửa Suốt”), quan Chánh, các vị nhân thần, Phật, Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu và Tiên Thiên Thánh Mẫu.
4Một số điểm đặc sắc của đền Cửa Ông
Đền Cửa Ông Quảng Ninh được nhiều người dân địa phương tin tưởng, biết đến và thường xuyên đi lễ nhiều nhất. Nơi đây thờ Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng - người đã có công đánh đuổi quân xâm lược Nguyên Mông vào thế kỷ XIII. Dù đã trải qua nhiều thế kỷ nhưng các truyền thuyết linh thiêng, hào hùng về ngôi đền vẫn được truyền tụng cho những thế hệ sau.
Đền Cửa Ông thường được mệnh danh là đền có kiến trúc đẹp nhất Quảng Ninh, vừa độc đáo, huyền bí vừa hội tụ đủ các linh vật phong thủy: Tả thanh long, hữu bạch hổ, tiền chu trước và hậu huyền vũ. Đền được dựng lên từ các loại vật liệu như đá đúc, gạch Bát Tràng, ngói mũi đất nung, vữa hồ pha mật... Kiến trúc thì được trang trí chủ yếu theo các điển tích về tứ linh: Long, Ly, Quy, Phụng... Bên trong đền Cửa Ông sử dụng các loại gỗ chắc chắn và bền bỉ với thời gian như lim, trắc, gụ... Khung nhà thì được khắc phù điêu, câu đối cùng các hoa văn sơn son, thếp vàng lộng lẫy.
Vì có lịch sử hàng trăm năm nên đền Cửa Ông vẫn chứa đựng và lưu giữ được trong mình nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, đóng góp lớn trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, gắn kết cộng đồng và phát triển văn hóa tâm linh. Từ lâu nơi đây đã trở thành một điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng và đời sống tâm linh của người bản địa. Bên cạnh chùa Yên Tử hay chùa Trình, chùa Hồ Thiên - Đông Triều thì đền Cửa Ông cũng là một địa điểm tham quan du lịch hấp dẫn du khách không kém ở Quảng Ninh.
Từ thế kỷ XIX lễ hội đền Cửa Ông đã được biết đến là ngày hội có quy mô tổ chức lớn. Bạn có thể ghé thăm ngôi đền này vào 3 tháng đầu năm và trải nghiệm liên tiếp các sự kiện hấp dẫn như:
- Lễ hội Đền Cửa Ông chính: Diễn ra từ ngày 2/1 âm lịch đến hết tháng 3 âm lịch.
- Lễ Cầu siêu, Lễ xin ở cửa Đền và dâng hương rước Đức Ông: Có 2 phần chính là phần tế lễ và rước kiệu bài vị Trần Quốc Tảng.
- Hội rước Đức Ông hồi cung an vị: Diễn ra tới hết tháng 3 âm lịch, vào dịp này bạn sẽ có cơ hội tham gia nhiều trò chơi dân gian như bịt mắt đánh trống, gẩy gậy, kéo co, tổ tôm điếm, nấu cơm, têm trầu...
Để tham quan cũng như tận hưởng chuyến hành trình khám phá đền Cửa Ông trọn vẹn bạn nên lựa chọn nơi ở cũng như nắm rõ một số lưu ý trước khi khởi hành.
5Một số lưu ý khi đến lễ đền Cửa Ông
Đền Cửa Ông Quảng Ninh luôn mở cửa chào đón người địa phương và cả du khách trong ngoài nước tới tham quan, lễ bái. Dù là vào đêm giao thừa, đền vẫn mở cửa để mọi người tới thăm. Tuy nhiên thời điểm được mọi người đánh giá ghé tham quan thích hợp nhất chính là đầu năm mới vì lúc này thời tiết mát mẻ, dễ chịu, ít mưa. Hơn nữa đây cũng là lúc diễn ra loạt các lễ hội đặc sắc như trên đã nêu.
Khu di tích đền Cửa Ông bao gồm cả đền và chùa nên nếu đi dâng hương đầy đủ các ban thì bạn nên sắm cả lễ chay, lễ mặn và lễ đồ sống. Đồ lễ chuẩn bị có thể chọn là: Lễ chay (hương, hoa, bánh kẹo, hoa quả, tiền vàng mã - đều mua theo số lẻ); lễ mặn dùng ở ban Công Đồng (gà, thịt lợn, giò, chả... nấu chín và bày biện cẩn thận); lễ đồ sống (muối, gạo, trứng sống và vàng mã).
Đi lễ chủ yếu là dựa vào lòng thành, hơn nữa lượng khách ghé đền Cửa Ông cũng khá đông nên chúng ta phải hạn chế đốt vàng mã. Chuẩn bị lễ dâng cũng không phải quá cầu kỳ để tránh lãng phí. Bạn không nên đặt tiền lẻ mà thay vào đó là bỏ tiền vào hòm công đức sẽ không ảnh hưởng mỹ quan.
- Ăn mặc trang trọng, kín đáo phù hợp với chốn linh thiêng.
- Đi đứng nhẹ nhàng, không nói chuyện quá lớn ảnh hưởng tới không khí trang nghiêm nơi đây.
- Không tùy ý đụng chạm tránh gây hư hại di tích.
Có thể nói đền Cửa Ông là chốn bình yên hàng đầu mà du khách, nhất là du khách đến tham quan vịnh Hạ Long, Quảng Ninh muốn ghé thăm một lần.