Lá mì Kon Tum có thể giúp bạn chế biến ra nhiều món khác nhau như: Lá mì xào, canh cà đắng, canh chua,...Vì thế, nó trở thành một nguyên liệu không thể thiếu trong những bữa cơm thường ngày của người dân nơi đây. Cùng MIA.vn tìm hiểu thêm về những điều thú vị của loại lá mì này nhé!
1Tổng quan lá mì Kon Tum
Cây mì (hay còn gọi là cây sắn) chắc hẳn đã không còn xa lạ đối với chúng ta, có rất nhiều món ăn hấp dẫn được chế biến từ củ của loài cây này, tuy nhiên ít ai biết lá mì Kon Tum cũng là một đặc sản bổ dưỡng cho con người.
Các món ăn làm từ lá mì Kon Tum đã xuất hiện từ rất lâu trong những bữa cơm hằng ngày của người đồng bào dân tộc thiểu số. Không chỉ vậy, lá mì Kon Tum còn được chế biến thành những món ăn hấp dẫn và không thể thiếu trong các lễ hội lớn, nhỏ của đồng bào nơi đây.
Không phải bất cứ loại mì (sắn) nào cũng có thể ăn được. Theo kinh nghiệm lâu năm của người dân địa phương, có 2 giống mì có thể ăn được. Đó là giống mì gòn (mì ta) có cuống và gân lá màu đỏ, củ khi nấu lên nở bung và một loại mì chuyên để ăn lá, không có củ, có cuống trắng, lá nhỏ, xanh, dài.
Để lựa chọn được lá mì Kon Tum ngon cho chế biến món ăn thì phải hái vào sáng sớm, khi mặt trời vừa ló dạng. Chọn hái những chiếc lá mì có đủ độ lớn, xanh non, gần ngọn còn phủ đầy phấn trắng, bỏ cuống. Lá mì hái mang về rửa sạch rồi vò nát hoặc cho vào cối giã đều rồi vắt cho lá ra bớt nước trước khi chế biến. Bạn nhớ lưu kinh nghiệm quý báu này vào cẩm nang du lịch của mình nhé!
Xem thêm: Thịt nhím Kon Tum là món ăn đặc sản nổi tiếng có nhiều chất dinh dưỡng
2Các món ăn chế biến từ lá mì Kon Tum
Tùy theo khẩu vị và cách ăn của mỗi người mà lá mì Kon Tum có thể chế biến theo nhiều cách khác nhau như: Lá mì xào, canh cà đắng Kon Tum lá mì, lá mì muối chua,... Cùng với đó, nguyên liệu nấu kèm với lá mì cũng rất đa dạng và phong phú như gà, cá khô,...
Để thưởng thức món lá mì Kon Tum xào ngon chuẩn vị, thì không thể thiếu được nguyên liệu là cà đắng cùng với ớt hiểm tuy nhỏ nhưng vị cay nồng khó cưỡng, thêm vài nhánh sả, ít thịt heo, cá khô gác bếp hoặc bò đều được. Nếu muốn món ăn thơm ngon hơn thì có thể bỏ thêm một ít hoa đu đủ đực. Tất cả các nguyên liệu hòa quyện với nhau tạo thành một món ăn hấp dẫn, kích thích vị giác. Lá mì thơm, bùi, cà đắng thì cắn vào giòn tan trong miệng, thoang thoảng mùi thơm của sả, vị cay của ớt, vị ngọt của thịt, của hoa đu đủ.
Món ăn này được chế biến với các nguyên liệu tương tự như với món lá mì Kon Tum xào nhưng sau khi xào sơ qua thì người ta bỏ thêm nước vào và nấu cho đến khi chín. Bát canh có đủ vị đắng của lá mì, ngọt của thịt và cay của ớt rất thú vị. Một số người khác thích hương vị ngọt, đậm đà hơn thì bỏ thêm ít gạo rang đã giã mịn vào tạo thành một món canh bùi, thơm, sóng sánh, đảm bảo ăn một lần là nhớ mãi không quên.
Cách chế biến đơn giản nhất và ít tốn kém nhất mà người dân tộc Brâu thường làm chính là lá mì muối chua. Lá mì Kon Tum được chọn để muối chua phải là lá mì ta chứ không phải loại mì lai, mì nhật lá to nhưng ăn độc và không có vị ngon. Sau khi hái về mang rửa sạch cho vào cối đá giã hơi nát hoặc dùng tay vò thật kỹ rồi rửa lại nhiều lần với nước để lá mì hết nhựa. Sau đó bỏ vào một cái hũ sành, cứ mỗi lượt lá cho một lượt muối vừa phải và vài miếng ớt hiểm để kích thích vị giác. Cuối cùng đổ một chút nước vào rồi đậy kín nắp lại, đợi vài ngày là có thể đem ra dùng như món dưa muối của người Kinh.
Gà rừng là một loại thực phẩm rất ngon và quý đối với người dân tộc thiểu số. Gà luộc tới vừa chín, chọn lấy miếng thịt nạc, xé từng miếng tơi bông. Vớt một nắm lá mì Kon Tum đã muối chua vắt nhẹ cho đỡ nước rồi thái nhỏ đem trộn với gà đã xé. Bỏ vào một chút gia vị: muối, gừng, tiêu, ớt, bột ngọt,... Tất cả trộn đều, để một lúc cho thấm gia vị là có thể thưởng thức. Bạn có thể nhâm nhi thêm chút rượu Đoác Kon Tum để món ăn thêm phần hấp dẫn. Vị chua gắt của lá mì muối chua hòa quyện với hương vị thơm, ngọt của thịt gà rừng tạo thành một hương vị đậm đà. Đây là một sự kết hợp hài hòa tạo nên sự ngon miệng, ăn một thử một miếng là không thể cưỡng lại được mà ăn thêm nhiều miếng tiếp theo.
Có rất nhiều món khô được người Brâu chế biến với lá mì vào những ngày mùa mưa đến, không có thịt tươi như khô nai, khô cheo, khô bò…), nhưng giản dị nhất vẫn là món lá mì nấu với cá khô. Cá khô đem ngâm nước nóng một lúc ra nước đỡ mặn và mềm hơn, rồi xé thành miếng nhỏ, để một lúc cho ráo nước. Lấy lá mì Kon Tum đã muối chua ra sau đó trộn với cá khô, rưới thêm nước chua lên. Bỏ lên bếp củi đun cho cá mềm và thấm gia vị, tất cả các hương vị hòa quyện lại với nhau… là chúng ta đã có một món ăn vô cùng ngon miệng. Miếng cá khô dai dai, lá mì chua chua thích hợp ăn với cơm nóng vào những ngày trời mưa. Ngoài ra, nếu bạn là tín đồ của các món hải sản thì không nên bỏ qua cá Niêng - Đặc sản của người dân huyện Đăk Glei, Kon Tum.
Nếu có dịp đến với mảnh đất Kon Tum, đừng quên ghé thăm ngôi làng của những người đồng bào dân tộc thiểu số để khám phá văn hóa và ẩm thực tại nơi đây. Đặc biệt hãy thử thưởng thức những món ăn độc đáo làm từ lá mì Kon Tum chắc chắn sẽ khiến bạn nhớ mãi không quên!