1Lăng Minh Mạng nằm ở đâu trên tấm bản đồ di tích chốn cố đô?
Địa chỉ: núi Cẩm Khê, ngã ba Bằng Lãng, Quốc lộ 49, huyện Hương Thọ, thành phố Huế
Giá vé vào cửa:
- Người lớn: 100.000 VNĐ / lượt
- Người cao tuổi: 50.000 VNĐ / lượt
- Trẻ em: 20.000 VNĐ / lượt
Cố đô Huế nổi tiếng là vùng đất của các công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn phong kiến cổ xưa, thế nên từ lâu đã luôn là lựa chọn hàng đầu dành cho những bạn yêu thích du lịch, khám phá và trải nghiệm. Vùng đất kinh kỳ này sở hữu một loạt những điểm tham quan tại Huế đã thật sự ‘làm mưa làm gió’ trong suốt những năm tháng qua với nào điện Hòn Chén, Chùa Thiên Mụ, Đại Nội Huế, v.v, và tất nhiên, không thể không nhắc đến Lăng Minh Mạng – một trong bốn lăng tẩm có kiến trúc ấn tượng bậc nhất.
Xem thêm: Về cung An Định khám phá lịch sử một thời vàng son của triều Nguyễn
2Bạn có thể đến tham quan Lăng Minh Mạng bằng những loại phương tiện nào?
Nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng chừng 14km, Lăng Minh Mạng tọa lạc tại vị thế cực kỳ ấn tượng nơi ngọn núi Cẩm Khê, gần ngã ba Bằng Lãng. Thông thường, trong hành trình khám phá Huế, mọi người sẽ lựa chọn xe máy và taxi làm phương tiện di chuyển chính.
Nếu lựa chọn di chuyển đến Lăng Minh Mạng bằng xe máy, bạn có thể di chuyển theo lộ trình như sau: Huyền Trân Công Chúa – Minh Mạng – cầu Tuần – Quốc lộ 49. Từ Quốc lộ 49, bạn tiếp tục đi thẳng thêm một xíu thì sẽ đến được Hiếu lăng – nơi an nghỉ của vua Minh Mạng.
Hiện nay trong khu vực trung tâm thành phố Huế có nhiều cửa hàng cung cấp dịch vụ thuê xe máy theo ngày với mức giá dao động trong tầm từ 120.000 VNĐ đến 150.000 VNĐ tùy theo loại xe mà bạn chọn, có thể là xe số hoặc xe ga. Bạn chỉ việc liên hệ trước với cửa hàng và họ sẽ mang xe đến tận khách sạn bạn đang lưu trú.
Hoặc nếu cái nắng oi ả đặc trưng của xứ Huế khiến bạn có chút e dè khi phải di chuyễn với quãng đường xa, tại sao không lựa chọn taxi đúng không nè? Hiện nay tại Huế có nhiều hãng taxi đang hoạt động với đội ngũ xe cao cấp, sang trọng cùng cung cách phục vụ thân thiện, nhiệt tình và niềm nở. Giá cho mỗi chiều di chuyển dao động trong tầm 80.000 VNĐ thôi, quá là phù hợp luôn.
Các hãng taxi mà bạn có thể tin tưởng lựa chọn làm bạn đồng hành trong suốt hành trình là hãng taxi Mai Linh, taxi Phú Xuân Huế, taxi Vina Sun Huế, taxi Thành Công Huế, Hue Private Taxi, Taxi Vàng, Taxi Hương Giang, Taxi Hoàng Anh, v.v. Bạn có thể đặt xe bằng việc gọi trực tiếp đến số điện thoại của hãng hoặc đặt thông qua app (tùy hãng) đều được nhé.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể đi đến Lăng Minh Mạng bằng cách ngồi thuyền ngược dòng sông Hương thơ mộng. Đây là trải nghiệm cực thú vị mà theo MIA.vn, bạn đừng nên bỏ lỡ. Vừa ngắm cảnh thiên nhiên non nước hữu tình dọc hai bên bờ sông Hương vừa tận hưởng cảm giác chầm chậm lướt trên những con sóng nước lăn tăn, còn gì tuyệt vời hơn thế nữa đúng không nè?
3Ngược dòng thời gian tìm hiểu về lịch sử xây dựng Lăng Minh Mạng
Có tên khác là Hiếu Lăng, đây là nơi an nghỉ của vị vua thứ 2 triều Nguyễn – vua Minh Mạng. Tên thật của ông là Nguyễn Phúc Đảm, và là người con thứ của vua Gia Long – vị vua khai mở triều Nguyễn ngày trước. Ông được đánh giá là vị vua kiệt xuất nhất trong số các vị vua chúa thời Nguyễn với nhiều đóng góp cho đất nước.
Sau khi tại vị được 7 năm, ông đã bắt đầu lên kế hoạch xây dựng lăng tẩm bởi quá trình này phải tiêu tốn rất nhiều thời gian. Không chỉ là nơi an nghỉ, hương hỏa dành cho vua khi băng hà, các lăng tẩm còn được dùng làm nơi nghỉ ngơi cho vua sau những giờ thượng triều căng thẳng nên không thể qua loa, sơ sài.
Ròng rã hơn 14 năm tìm kiếm, cuối cùng núi Cẩm Khê được nhà vua lựa chọn làm nơi xây lăng. Nói rằng Lăng Minh Mạng là một trong số các lăng thuộc quần thể lăng tẩm tại Huế có vị thế tọa lạc đắc địa cũng chẳng sai tí nào. Ngọn núi được lựa chọn nằm gần ngã ba Bằng Lãng – cũng là hợp lưu của hai con sông Tả Trạch và Hữu Trạch tạo thành dòng sông Hương thơ mộng yên bình. Từ đó, núi Cẩm Khê được đổi tên thành Hiếu Sơn, và ông đã đặt cho lăng tẩm của mình cái tên Hiếu Lăng.
Khởi công xây dựng từ năm 1840, Lăng Minh Mạng trải qua 3 năm thi công và hoàn thiện. Toàn bộ không gian lăng tẩm được đánh giá là uy nghi, tráng lệ bậc nhất và cần đến 13.000 thợ và lính cùng nhau xây dựng. Thế nhưng, đáng tiếc là lăng chưa xây xong thì vua đã băng hà vào năm 1841. Khi vua Thiệu Trị – con của vua Minh Mạng – lên ngôi, ông đã tiếp tục thi công công trình lăng tẩm cuarr cha mình. Và năm 1841, hài cốt vua Minh Mạng được chôn tại Bửu Thành nhưng đến năm 1843, lăng tẩm của ông mới chính thức hoàn thiện.
4Lăng Minh Mạng với cấu trúc 3 trục song song đặc biệt
Là công trình lăng tẩm được xây dựng một cách quy mô, công phu với gần 40 công trình lớn, nhỏ, Lăng Minh Mạng hiện nay là một trong những điểm tham quan nổi bật xứ cố đô. Tọa lạc trên khu đồi có núi có sông cùng một hồ nước bao quanh, không gian Lăng Minh Mạng thoáng đãng và mát mẻ hơn hẳn với những địa điểm khác tại xứ Huế.
Được đánh giá là một trong bốn lăng tẩm uy nghi, chuẩn mực nhất theo lối kiến trúc cổ nhà Nguyễn, Lăng Minh Mạng mang dáng vẻ đường bệ, uy nghiêm đặc trưng của vị vua chúa. Tuy nhiên, các công trình kiến trúc trong lăng vẫn kết hợp hài hòa cùng cảnh sắc non nước hữu tình xung quanh, vẻ nên bức tranh vừa bệ thế, uy nghiêm nhưng cũng đầy chất thơ.
Lăng Minh Mạng có diện tích rộng rãi ấn tượng lên đến 1.750m2, được sắp xếp đối xứng với nhau tạo thành quần thể kiến trúc ấn tượng. Nhìn từ trên cao, hình dáng lăng như một người đang nhàn nhã, ung dung nghỉ ngơi giữa cảnh sắc thơ mộng với phần đầu hướng về núi Kim Phụng, hai bên hông là hai bên hồ Trừng Minh trong lăng, và hai chân đặt lên ngã ba sông.
40 công trình lớn, nhỏ trong lăng đều được xây dựng kiên cố, tỉ mỉ và bắt mắt, bố trí cân đối trên một trục dọc duy nhất, kéo dài từ khu vực Đại Hồng Môn đến chân tường La Thành phía sau nơi vua Minh Mạng an nghỉ. Bởi thế nên Lăng Minh Mạng được đánh giá là quần thể lăng tẩm có cấu trúc đối xứng nhất với 3 trục song song nhau.
5Những công trình nổi bật trong quần thể Lăng Minh Mạng
5.1 Đại Hồng Môn – cổng chính dẫn vào Lăng Minh Mạng
Đại Hồng Môn được thiết kế tương đối đơn giản với 3 lối đi gồm một lối chính và hai cổng phụ, cao 9m, rộng 12m và được thiết kế với những nét đặc trưng của kiến trúc nhà Nguyễn. Cổng được trang trí một cách tỉ mỉ, tinh tế với các họa tiết độc đáo và hàm chứa những ý nghĩa tốt lành, ví dụ như bức tượng cá chép hóa rồng. Tuy nhiên, cổng chính chỉ mở duy nhất một lần để đưa quan tài vua vào lăng mà thôi. Nếu muốn vào tham quan lăng, bạn sẽ phải đi qua hai cổng phụ là Tả Hồng Môn và Hữu Hồng Môn.
5.2 Bái Đình
Là công trình nằm ngay phía sau Đại Hồng Môn, Bái Đình được lát gạch Bát Tràng bàngw phẳng với hai bên là hàng tượng quan văn võ và voi ngựa bằng đá đứng chầu. Phía sau Bái Đình chính là Bi Đình tọa lạc tại Phụng Thần Sơn. Đây là nơi dựng tấm bia Thánh đức thần công do vua Thiệu Trị ngự bút, kể lại tiểu sử và công đức của vua cha.
5.3 Hiển Đức Môn
Nằm trong khu tẩm điện tại Lăng Minh Mạng, Hiển Đức Môn được xây dựng trên mảnh đất hình vuông, có ý nghĩa tượng trưng cho thần đất. Điện Sùng Ân là khu vực trung tâm của điện, đồng thời là nơi đặt bài vị của vua và hoàng hậu. Ngoài ra, trong khu tẩm điện còn có các công trình phụ khác gồm Hiếu Đức Môn, Điện Sùng Ân và Hoằng Trạch Môn với màu sắc uy nghiêm, cổ kính và linh thiêng đến lạ.
5.4 Cầu Thông Minh Chính Trực
Công trình này được lát hoàn toàn bằng đá với 17 bậc thêm, hai bên được dựng một cái lan can thưa bắc qua hồ Tân Nguyệt trên đường dẫn vào Bửu Thành – bức tường thành bao quanh mộ vua Minh Mạng. Hai bên đầu cầu là cổng tam quan, được chạm trổ họa tiết rồng phượng, tăng thêm nét uy nghiêm và trang trọng cho nơi yên nghỉ của vị vua tài hoa bậc nhất triều Nguyễn.
5.5 Hồ Tân Nguyệt
Điều làm nên sự đặc biệt của Lăng Minh Mạng chính là trong khuôn viên lăng được khéo léo kết hợp thêm các hồ nước trong xanh, tạo sự hài hòa và không quá khô khan cho toàn bộ công trình. Hồ Tân Nguyệt mang ý nghĩa mặt trăng ôm trọn mặt trời của Bửu Thành, cũng chính là vị vua Minh Mạng tài hoa.
Ngoài ra, trong quần thể Lăng Minh Mạng hiện nay vẫn còn vô số các công trình cung điện được thiết kế khéo léo, nằm yên bình giữa những hàng cây xanh mượt, có giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ cao trên tấm bản đồ lịch sử xứ Huế. Các công trình phụ đối xứng từng cặp như Tả Tùng Phòng trên Tịnh Sơn, Hữu Tùng Phòng trên Ý Sơn hoặc Tuần Lộc Hiên trên Đức Hóa Sơn, Linh Phượng Các trên Đạo Thống Sơn và Truy Tư Trai trên Phúc Ẩm Sơn, Hư Hoài Tạ trên đảo Trấn, v.v cũng góp phần mang lại vẻ đẹp ấn tượng bậc nhất nơi Lăng Minh Mạng.
Lăng Minh Mạng với vẻ đẹp kết hợp hài hòa giữa kiến trúc cổ điển cùng các gam màu truyền thống, đậm chất Nho giáo xưa với kết cấu trục đối xứng ấn tượng đã thật sự trở thành điểm tham quan lý tưởng nơi xứ Huế mộng mơ. Nếu có dịp về đây, nhất định phải một lần viếng thăm vị vua tài hoa bậc nhất triều Nguyễn đang yên nghỉ an yên nơi Lăng Minh Mạng bạn nhé.