1Giới thiệu đôi nét về Lăng Ông Nam Hải Cà Mau
Địa chỉ: Khóm 2, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau
Lăng Ông Nam Hải Cà Mau là một trong những địa điểm tâm linh quen thuộc của cư dân miền biển. Nơi đây thu hút đông đảo người bản địa cùng ngư phủ từ khắp mọi miền Tổ quốc đến cúng bái thường xuyên. Tín ngưỡng thờ cá Ông hàng chục năm qua đã gắn liền với mảnh đất cuối trời cực Nam. Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc - hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần lớn nhất tỉnh thành này nhằm kết nối cộng đồng hướng về cuộc sống tốt đẹp, thịnh vượng cũng được long trọng tổ chức tại lăng.
Xem thêm: Thăm Chùa Phật Tổ (Quan Âm Cổ Tự) ngắm nhìn nét đẹp kiến trúc xưa
2Hướng dẫn cách di chuyển đến lăng
Lăng Ông Nam Hải nằm cách trung tâm Thành phố Cà Mau tầm 45km về hướng Tây. Kề bên Sông Ông Đốc, nơi đây có vị trí gần một số địa điểm tham quan nổi tiếng không kém như Đình Thần Hoàng, Nhà Út Bảo, Đầm Thị Tường... Sau khi hòa mình vào không khí nhộn nhịp của Lăng Ông dịp lễ hội, bạn có thể ghé thăm các điểm dừng chân xung quanh mà không cần phải lo lắng quá nhiều về lịch trình hay cung đường di chuyển.
Nếu xuất phát từ Thành phố Hồ Chí Minh đến khám phá lăng, MIA.vn mách bạn nên đón các chuyến bay đi Cà Mau để dừng chân ở thành phố trước. Hiện vé máy bay Sài Gòn - Cà Mau của hãng Vietnam Airlines có mức giá khoảng 859.000 VNĐ đến 1.137.000 VNĐ/chiều/người. Nhìn chung, đây là hình thức di chuyển giúp bạn tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho hành trình du lịch.
Xuống Sân bay Cà Mau, tiếp tục chuyến đi tới thăm Lăng Ông Nam Hải, bạn có thể thuê xe máy bàn giao tận nơi tại các đại lý lớn trong trung tâm hoặc bắt taxi di chuyển tới điểm. Về tuyến đường, dễ dàng nhất bạn lái xe chạy dọc theo Quốc lộ 1A qua đường Rạch Ráng và Sông Đốc - Tắc Thủ. Lăng sẽ tọa lạc sừng sững bên phía tay phải hướng di chuyển của bạn tại khóm 2, thị trấn Sông Đốc cách chợ cùng tên hơn 1km đi đường.
3Những nét đặc sắc chỉ có thể tìm thấy tại Lăng Ông
Theo lời Ban Quản trị Lăng Ông Nam Hải, vào một ngày mưa dông biển động dữ dội tháng 7/1925, cư dân địa phương phát hiện ra một xác cá rất lớn trôi dạt vào cửa biển Vàm Xoáy. Sau khi xác định cá có phần thân dài hơn 20m, da láng màu đen, mắt xuôi theo thân và cổ có lỗ to bằng miệng chén, một số vị cao niên ở Sông Đốc cho rằng đây chính là cá Ông bị lụy. Họ nhanh chóng tổ chức cúng, địa táng cho Ông rồi thỉnh xương cốt cá về thờ tại vàm Rạch Ruộng.
Một thời gian tiếp nối, người địa phương chung tay xây dựng Lăng Ông Nam Hải trên khu đất có diện tích khoảng 2000m2. Đến năm 1930, Ban Trị sự Lăng Ông quyết định dời công trình kiến trúc này ra gần cửa biển về phía bờ Bắc thể theo nguyện vọng của đông đảo ngư dân. Vị thế này không chỉ phù hợp với tính chất, ý nghĩa của lăng mà còn rất thuận tiện cho vị tổ chức Lễ hội Nghinh Ông lớn nhất tỉnh.
Vào giai đoạn kháng chiến chống Pháp, Sông Đốc là một trong số những địa điểm thường bị máy bay, tàu tuần biển của thực dân thả bom, bắn phá. Cư dân vùng này phải sơ tán vào rừng hoặc đi nơi khác làm ăn, sinh sống. Lăng Ông Nam Hải cũng bị gây tổn hại nhiều lần, nhất là vào năm 1949 khi địch bắn pháo làm cháy cả công trình. May mắn thay người dân đã kịp thời lưu giữ bộ cốt cá Ông và bảo quản tới thời điểm lăng được xây cất lại bằng bê tông cốt thép giai đoạn năm 1962. Đến 1990 thì lăng được tu bổ thêm hàng rào và tôn tạo phần mặt tiền, cổng chính mang đến ngoài như hiện tại.
Thiết kế theo kiến trúc đình miếu cổ xưa, Lăng Ông Nam Hải có chiều ngang 15m, chiều dài 24m được xây bằng bê tông cốt thép. Nơi đây sở hữu khu cửa chính hướng mặt ra dòng sông, tiền sảnh và chánh điện nối liền nhau với nhiều hạng mục kiến trúc như mái tôn xi măng lợp ngói, nền lót gạch bông, cột đúc... Ngoài ra công trình lăng còn xây miếu Thủy Long thần nữ nương nương ở phía Tây, nhà dành cho khách cất về hướng Nam. Hậu phía Đông có thêm khu nhà khói phục vụ cho cúng tế và hội họp.
Có dịp dừng chân nơi đây tham quan, bạn sẽ nhìn thấy bàn thờ cốt Ông được đặt ở vị trí trung tâm chánh điện, xung quanh là lư hương đồng lớn, bộ lư sư tử cùng đôi chân đèn làm bằng đồng thau bắt mắt. Ở trên bàn thờ treo tấm trấn lớn họa tiết rồng phượng hí châu, bông hoa, kim tuyến và tua ren màu sắc rất đẹp. Dưới thì có cặp lọng vàng vươn thẳng, tiếp nối thêm đôi bạch hạc đứng trên kim quy. Hai bên bàn thờ dựng hàng khí cụ thời xưa gồm siêu, đao, kính, giáo, đinh ba, song chùy, xà mâu, búa, giản... lướt qua cảm giác như hàng binh lính trang nghiêm đang đứng bảo vệ.
Hàng năm từ ngày 14 đến 16/2 âm lịch, người dân Sông Đốc sẽ nô nức tề tựu về công trình kiến trúc bề thế này thành kính tổ chức Lễ hội Nghinh Ông rất trang nghiêm. Không khí lăng lúc này tưng bừng, rộn rã và nhộn nhịp vô cùng. Nhằm gìn giữ nét đẹp văn hóa đặc trưng của địa phương miền biển, nhân dân trong và ngoài tỉnh Cà Mau thường đóng góp vật chất, công sức để cùng Ban Trị sự Lăng tổ chức các hoạt động văn hóa - tín ngưỡng thường niên theo thông lệ. Dưới sự quản lý chu toàn của Ban Trị sự, ngày 25/7/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã xếp hạng công trình Lăng Ông Nam Hải vào nhóm Di tích Lịch sử cấp tỉnh.
Lăng Ông Nam Hải là một trong những địa điểm tham quan tại Cà Mau mà bạn không thể bỏ lỡ trong hành trình khám phá miền đất Nam Bộ của mình. Nếu yêu thích các hoạt động lễ hội mang đậm nét đẹp văn hóa - truyền thống, bạn đừng quên ghi chú lại thời điểm tổ chức Lễ hội Nghinh Ông cũng như thêm ngay công trình lăng vào Cẩm nang du lịch cá nhân kẻo lỡ nhé. Đây hứa hẹn sẽ là chốn dừng chân vô cùng đặc sắc và thú vị đó.