1Đôi nét về Lễ giỗ chung Côn Đảo
Côn Đảo được biết đến là mảnh đất linh thiêng, là nơi hàng vạn đồng bào đã ngã xuống, là địa ngục trần gian đã giam giữ và đày ải hàng ngàn cán bộ cách mạng. Theo thống kê thì tại Côn Đảo đã có khoảng hơn 20.000 liệt sĩ hi sinh anh dũng trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Thế nhưng cho đến nay mới chỉ tìm được khoảng gần 2.000 phần mộ, trong đó có rất ít phần mộ có đầy đủ thông tin tên tuổi, quê quán, ngày sinh, ngày mất. Vì thế năm 2012, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đưa ra ý tưởng về một ngày giỗ chung, nhằm tưởng niệm tất cả những người đã ngã xuống trên mảnh đất Côn Đảo anh hùng, là dịp để các thân nhân những gia đình liệt sĩ vẫn chưa tìm được phần mộ có thể cùng nhau dành sự tiếc thương đến người thân sau những năm tháng dài đằng đẵng. Vì thế nên Lễ giỗ chung Côn Đảo đã ra đời, được tổ chức định kỳ hàng năm, cùng với Lễ giỗ liệt nữ Võ Thị Sáu, Lễ giỗ đồng chí Lê Hồng Phong, Lễ giỗ nhà cách mạng Nguyễn An Ninh và Lễ giỗ bà Phi Yến Côn Đảo trở thành 5 lễ hội lớn nhất tại hòn đảo này.
Lễ giỗ chung Côn Đảo được tổ chức vào ngày 20/6 âm lịch hàng năm. Từ năm 2012 đến nay, lễ hội đã được tổ chức 10 lần, thu hút sự tham gia đông đảo của đông đảo ban ngành, người dân Côn Đảo và khách thập phương từ khắp các địa phương trên mảnh đất hình chữ S. Đồng thời, lễ hội này cũng trở thành một phần của du lịch tâm linh Côn Đảo, gắn kết thế hệ trẻ với lịch sử dân tộc.
Đầu tiên, như đã giới thiệu, Lễ giỗ chung Côn Đảo là dịp để tất cả chúng ta, những thế hệ được sống trong độc lập tự do, dành sự tưởng niệm, biết ơn đến những người đã ngã xuống tại Côn Đảo. Họ là những anh hùng liệt sĩ, nhưng đồng bào máu thịt, đã ra đi trong cảnh loạn lạc, là những người đóng góp và ra đi thầm lặng cho sự nghiệp giành lại độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Chúng ta không thể thống kê có bao nhiêu tù nhân đã bỏ mạng trong 53 đời chúa đảo từng trị vì nơi đây, cũng không biết chính xác bao nhiêu người đã bị tử hình, đã chết vì đói, vì kiệt sức, vì bị đánh đập trong những trại giam Phú Hải, Phú Sơn, Phú Thọ, Phú Tường, trong Khu biệt lập Chuồng bò, Chuồng cọp thời Pháp, Chuồng cọp thời Mỹ, Cầu tàu 914 Côn Đảo v.v. Tất cả những sự ra đi ấy cần được nhớ đến, dù không biết tên biết tuổi từng người, nhưng một ngày giỗ chung là sự tưởng nhớ tốt nhất, để an ủi cả những người ra đi và thân nhân của họ, để nguôi ngoai nỗi đau chiến tranh mà đến nay vẫn khiến bao nhiêu gia đình đau đáu.
Lễ giỗ chung Côn Đảo cũng là dịp để các cựu chiến binh, cựu tù binh được quay trở lại đây, dâng nén hương lên những người đồng đội đã ngã xuống. Bởi vì những năm tháng chiến tranh gian khổ, những đày đọa ngục tù có dã man đến đâu cũng không thể đau đớn dai dẳng bằng việc nhìn thấy đồng đội mình hy sinh. Vì thế, Lễ giỗ chung Côn Đảo có ý nghĩa rất to lớn, giúp những người ở lại được thanh thản phần nào, biết rằng đồng đội của mình vẫn luôn được Đảng, Nhà nước và các thế hệ mai sau thành kính tưởng nhớ.
Việc duy trì Lễ giỗ chung Côn Đảo còn để giáo dục các thế hệ tương lai, để các bạn trẻ hiểu rằng đau thương của chiến tranh không chỉ nằm trên giấy, không chỉ là những bài học, mà có hàng triệu đồng bào đã thực sự ngã xuống mà chẳng ai biết mặt, biết tên. Những năm tháng đau thương ấy chính là tiền đề cho Việt Nam ngày hôm nay, cũng chính là lí do để thế hệ trẻ không ngừng tự hào về dòng máu anh hùng, không ngừng trau dồi bản thân và thể hiện lòng yêu nước một cách thiết thực nhất bằng cách cống hiến và góp phần xây dựng đất nước.
Xem thêm: Khám phá Hang Đức Mẹ Côn Đảo, địa điểm du lịch tâm linh huyền bí
2Những nghi thức trong Lễ giỗ chung Côn Đảo
Lễ giỗ chung Côn Đảo được tổ chức với rất nhiều các hoạt động. Tại đền thờ Côn Đảo, những nhóm dân cư sẽ cùng nhau tụ họp để tham gia hội thi nấu ăn. Các món ăn được trau chuốt từng chút một, nêm nếm đậm đà và trang trí thật đẹp mắt, không phải là để thi thố cùng nhau mà để dâng lên bàn thờ những chiến sĩ, đồng bào đã ngã xuống. Lễ hội còn có sự tham gia của rất đông các cựu chiến binh, các bác thường ngồi trên ghế đá, vây quanh là các nhóm thanh niên để được lắng nghe những câu chuyện xa xưa, những ngày tháng tù đày, những màn tra tấn dã man của thực dân và đế quốc.
Rồi từng người cựu tù binh đầu bạc trắng, dáng đi chống nạng liêu xiêu, dìu nhau lên bước vào nghĩa trang Hàng Dương, thắp từng nén nhang của những người đồng đội đã nằm lại nơi đây. Đền thờ Côn Đảo nghi ngút khói hương, những tiếng chuông vang lên lúc trầm lúc bổng, cùng lời văn tế hào hùng càng làm không khí thêm trang nghiêm:
“Ngút ngàn sóng bể, đảo quê hương cô quạnh lúc xế tà
Côn Lôn nhấp nhô, ngày hai bận theo hải triều lên xuống
Vạn oan hồn lẩn khuất…
Cái chết như lưỡi dao sắc cứa tim đồng đội, như lời nhắn gởi vững tin vào thắng lợi ngày mai
Vĩnh viễn ra đi đem cái sống còn cho người ở lại, quằn quại đớn đau, vẫn rực lên niềm tin tưởng diệu kỳ
Món nợ ân tình ngày càng lớn mãi, biết bao giờ đền đáp được ơn sâu
Bởi cái chết chưa phải là đã hết, chết vì non sông vẫn sống mãi muôn đời…”
Đây là những lời văn tế đầy hào hùng và bi tráng đã được Cựu tù chính trị - Thạc sĩ Sử học Bùi Văn Toản viết nên. Ông chính là người đã sống sót qua cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, đã sống sót qua những ngày tháng khổ ải tù đày, và dành hết phần đời còn lại của mình để cống hiến cho mảnh đất Côn Đảo, cho những người đồng đội đã mãi mãi không thể trở về.
Khi trời sụp tối, là lúc các nhóm múa của những cô cựu chiến binh biểu diễn những tiết mục phục vụ Lễ giỗ chung Côn Đảo. Lạ thay, dù các cô đều đã lớn tuổi nhưng vẫn giữ cho mình được sự duyên dáng, mềm mại trong từng điệu múa. Những bài nhạc hùng tráng cùng giọng hát tuổi 70 - 80 vẫn cao vút vang lên, mang theo biết bao kỉ niệm và hồi ức về một tuổi trẻ oanh liệt, lấy thân mình chiến đấu vì dân vì nước.
Càng về sau, có lẽ lễ hội sẽ không còn có sự tham gia của những cựu chiến binh, cựu tù binh, vì những người anh hùng ấy rồi cũng sẽ nằm xuống nghỉ ngơi. Nhưng cẩm nang du lịch MIA.vn hi vọng lễ hội này sẽ tiếp tục được duy trì mãi mãi về sau, để các thế hệ tương lai khắc ghi những đau thương mà cha ông ta đã trải qua, thêm tự hào dân tộc và không ngừng nỗ lực để xứng đáng với trang sử hào hùng ấy.