1Đôi nét sơ lược về đền vua Đinh Tiên Hoàng
1.1 Đền vua Đinh Tiên Hoàng ở đâu?
Địa chỉ: nằm tọa lạc ở trung tâm thành Đông của kinh đô Hoa Lư xưa, nay thuộc địa phận xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, Việt Nam.
Giờ mở cửa: từ 7h00 đến 18h00
Giá vé tham quan: 20.000 đồng / người / lượt.
Đền vua Đinh Tiên Hoàng là một ngôi đền cổ với tuổi đời hơn 100 năm, nằm trong cụm di tích thuộc cố đô Hoa Lư. Đây là nơi duy nhất ở Việt Nam thờ Vua Đinh Tiên Hoàng, cha mẹ ông, các con trai và tưởng niệm các tướng triều đình nhà Đinh. Nơi này là một trong một trong những kỳ quan kiến trúc của đất nước thể hiện sự biết ơn đối với người anh hùng Đinh Bộ Lĩnh và được UNESCO công nhận là di sản thế giới trong quần thế di sản thế giới Tràng An năm 2014. Nếu có cơ hội trải nghiệm chuyến du lịch Quần thể danh thắng Tràng An thì hãy ghé đến đền vua Đinh Tiên Hoàng bạn nhé!
Xem thêm: Đền thờ Trương Hán Siêu - Nơi tự hào truyền thống dân tộc ở xứ Ninh Bình
1.2 Thời điểm thích hợp để tham quan đền vua Đinh Tiên Hoàng
Bạn có thể tham quan đền vua Đinh Tiên Hoàng vào bất cứ khoảng thời gian nào trong năm. Nhưng thời điểm lý tưởng nhất vẫn là lúc diễn ra lễ hội đền vua Đinh. Cứ vào ngày mùng 8 tháng 3 âm lịch hàng năm, du khách thập phương đều đổ về để tham quan và viếng đền. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 8 đến ngày 10 tháng 3. Vào khoảng thời gian này cũng là lúc thời tiết ôn hòa, mùa khô có nắng nhẹ nhưng tương đối dịu mát, thích hợp cho việc tham quan. Ngoài ra, bạn có thể kết hợp đi lễ hội chùa Bái Đính cũng được nhé.
2Hướng dẫn di chuyển đến đền vua Đinh Tiên Hoàng
Đền vua Đinh Tiên Hoàng nằm trong cụm di tích cố đô Hoa Lư, cách trung tâm Ninh Bình khoảng 15km. Bạn có thể đi Ninh Bình bằng tàu hỏa và thuê xe máy đi tham quan đền vua Đinh.
Từ Hà Nội, bạn có thể bắt xe khách tại bến Giáp Bát, Nước Ngầm với chi phí tầm 70.000 – 100.000 VND để đến được nơi này. Nếu đi xe máy, bạn có thể linh động hơn trong lịch trình của mình và dễ dàng di chuyển đến các điểm tham quan khác như khu du lịch Tràng An, chùa Bái Đính,… Các địa điểm này chỉ cách nhau tầm vài mươi km trở lại nên việc di chuyển khá thuận lợi.
Xem thêm: Kinh nghiệm đi du lịch Ninh Bình thăm Nam thiên đệ nhất quốc
3Đền vua Đinh Tiên Hoàng có gì đặc sắc?
3.1 Lịch sử hình thành đền vua Đinh Tiên Hoàng
Đền vua Đinh được xây dựng vào thế kỷ 17 nằm trong cụm các di tích lịch sử của cố đô Hoa Lư và được xếp hạng trong Top 100 công trình 100 tuổi nổi tiếng ở Việt Nam.
Tương truyền thời xưa, vua Đinh cùng con trai là Đinh Liễn bị Đỗ Thích sát hại vào năm 979, theo nghi lễ triều đình đã tấn phong thuỵ hiệu, mỹ tự và lập đền thờ cúng ngay tại quê nhà. Do đó, đền vua Đinh đã được khởi lập từ xa xưa. Đến nay, phần còn lại của đền mang phong cách kiến trúc triều nhà Nguyễn. Tại quê hương ông hiện nay vẫn còn rất nhiều địa danh và truyền thuyết gắn với thời thơ ấu của nhà vua cũng như Nguyễn Bặc, Đinh Điền, những vị danh tướng cùng quê Đại Hữu với vua Đinh Tiên Hoàng.
3.2 Đền vua Đinh Tiên Hoàng - Nét kiến trúc nghệ thuật độc đáo
Đền được xây dựng theo kiểu nội công ngoại quốc (là kiểu chùa có hai hành lang dài nối liền nhà tiền đường ở phía trước với nhà hậu đường ở phía sau), làm thành một khung hình chữ nhật bao quanh lấy nhà thiêu hương, nhà thượng điện và những công trình kiến trúc ở giữa. Đền được xây dựng theo hình chữ công (工) phía bên trong, phía ngoài có khung bao quanh như bộ Vi (口) bao bên ngoài như ở chữ Quốc (國).
Đền vua Đinh được xây dựng theo kiểu đăng đối trên trục thần đạo. Bắt đầu từ hồ bán nguyệt và kết thúc ở Chính điện. Đi từ bên ngoài vào, bạn sẽ bắt gặp cổng ngoài gọi là Ngọ Môn Quan. Ở đó bạn sẽ bắt gặp bốn chữ Hán “Bắc môn tỏa thược được” viết trên nền của cổng. Đi qua khỏi cổng, quay lại nhìn bạn sẽ thấy bốn chữ Hán khác là “Tiền Triều Phượng Các”. Phía trước đền là Hồ bán nguyệt được xây dựng theo kiểu kiến trúc cung đình xưa và được thả đầy hoa súng đẹp mắt.
Đến thờ vua Đinh Tiên Hoàng gồm có 3 tòa chính: Bái Đường, Thiêu Hương và Chính Cung. Trước gian giữa của bái đường ngay trên sân rồng là sập long sàng được làm từ đánh xanh nguyên khối kết hợp với nghệ thuật chạm khắc vô cùng tinh tế với những đường nét hoa văn đặc sắc, có giá trị. Đây được xem là món quà giá trị mà các danh nhân thời Đinh để lại đồng thời cho thấy tài năng và nghệ thuật tài hoa của họ. Từ Bái Đường đi vào, bạn sẽ thấy tòa Thiêu Hương, tiếp đến sẽ thấy được Chính Cung, có tất cả 5 gian, gian ở giữa là thờ tượng vua Đinh Tiên Hoàng. Tượng được sơn son thếp vàng, đội mũ Bình Thiên, ngồi trên sập đá với dáng vẻ rất uy nghi. Tiếp bên cạnh là tượng thờ những người con của vua.
4 Một số lưu ý bạn cần biết khi tham quan đền vua Đinh Tiên Hoàng
Khu di tích cố đô Hoa Lư Ninh Bình hay đền vua Đinh Tiên Hoàng đều là địa điểm du lịch tâm linh. Khi tham quan tại nơi này, MIA.vn mách bạn một vài điểm lưu ý dưới đây nhé.
- Bạn cần phải ăn mặc trang phục lịch sự và kín đáo, không hở hang.
- Giữ trật tự, đi nhẹ, nói khẽ để gìn giữ sự tôn nghiêm của nơi này cũng như thắp hương để tỏ lòng thành kính với các vị vua đã có công với đất nước.
- Không được gây mất vệ sinh, vứt rác đúng nơi quy định, làm mất cảnh quan của ngôi đền.
- Cần tuân thủ theo quy tắc và hướng dẫn của ban quản lý hoặc hướng dẫn viên nếu bạn đi theo đoàn.
- Bạn có thể trò chuyện trực tiếp với các cụ trong ban quản lý di tích để hiểu sâu hơn về giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc của nơi này.
Nếu tham quan một mình, bạn nên xem trước bản đồ để thuận tiện hơn cho hành trình khám phá của bạn nhé.
Đền vua Đinh Tiên Hoàng là công trình có giá trị lịch sử cũng như giá trị kiến trúc. Nơi này mang ý nghĩa hết sức lớn lao mà thế hệ cha ông ta đã bỏ công gìn giữ và bảo tồn đến tận bây giờ. Nhanh chóng bỏ túi bản đồ du lịch Ninh Bình và tham quan đền vua Đinh bạn nhé.