Địa chỉ: đường Hoàng Sa, Thọ Quang, Sơn Trà, Đà Nẵng

Vé tham quan: miễn phí

Thời gian mở cửa: thứ Ba đến Chủ Nhật (kể cả ngày lễ)

Giờ tham quan:

- Buổi sáng: từ 8h00 đến 11h30

- Buổi chiều: từ 13h30 đến 17h00

Điện thoại liên hệ: 0236.368.9921 - 0236.369.0929

Email: ntbhs@danang.gov.vn; nhatrungbay.hoangsa@gmail.com

Website: nhatrungbayhoangsa.danang.gov.vn

Nhà trưng bày Hoàng Sa được thành lập ngày 28/08/2017 và được đưa vào hoạt động chính thức ngày 28/03/2018. Công trình nằm ở đường Hoàng Sa và là nơi trưng bày, giới thiệu cũng như tuyên truyền các tư liệu lịch sử và pháp lý chứng minh cho những năm tháng khai phá, xác lập và bảo vệ chủ quyền thực sự của nước ta đối với quần đảo Hoàng Sa, phù hợp với thực tiễn cũng như theo luật pháp quốc tế.

Công trình Nhà trưng bày Hoàng Sa được thi công dựa trên phương án kiến trúc “con dấu chủ quyền của đất nước Việt Nam”. Từ phía mặt tiền của nhà trưng bày khách du lịch Đà Nẵng có thể nhìn thấy hình ảnh quốc kỳ nước ta – cờ đỏ sao vàng vô cùng nổi bật và là biểu tượng cho chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa. Bên trong không gian trưng bày được chia thành 4 tầng với nhiều chủ đề, giới thiệu bằng hai ngôn ngữ là tiếng Anh và tiếng Việt.

Nhà trưng bày Hoàng Sa Đà Nẵng xác định chủ quyền biển đảo Việt Nam 2

Hình ảnh mặt tiền Nhà trưng bày Hoàng Sa với cờ tổ quốc ở Đà Nẵng. Ảnh: Vũ Hưởng

Nhà trưng bày Hoàng Sa Đà Nẵng xác định chủ quyền biển đảo Việt Nam 3

Sinh viên được nghe thuyết minh về các tài liệu lịch sử có trong nhà trưng bày. Ảnh: Hoàng Việt, Văn Khang

Để đến tham quan Nhà trưng bày Hoàng Sa, khách du lịch Đà Nẵng có thể lựa chọn di chuyển bằng phương tiện cá nhân, xe taxi hoặc xe buýt. Cụ thể từ sân bay Đà Nẵng chúng ta sẽ di chuyển ra đường Duy Tân và đi về hướng vòng xoay. Đến vòng xoay bạn rẽ phải vào đường Nguyễn Văn Linh, chạy thẳng lên Cầu Rồng và tiếp tục chạy thẳng đường Võ Văn Kiệt. Sau đó tới vòng xoay giao với đường Võ Nguyên Giáp bạn rẽ trái vào đường Võ Nguyên Giáp. Tiếp tục chạy thẳng bạn sẽ tới đường Hoàng Sa và Nhà trưng bày Hoàng Sa nằm bên phía tay trái, đối diện bãi tắm Hoàng Sa.

Nếu di chuyển bằng xe buýt thì từ ga quốc nội Đà Nẵng bạn sẽ bắt chuyến xe số 3 xuống ở gần cầu đi bộ Nguyễn Tri Phương. Sau khi đi bộ khoảng 16 phút bạn tiếp tục bắt chuyến xe buýt số 2 ở Đại học Việt Hàn và xuống tại trạm đối diện bãi tắm Mân Thái. Cách đó khoảng 500 m đi bộ chính là Nhà trưng bày Hoàng Sa.

Hiện Nhà trưng bày Hoàng Sa đang trưng bày hơn 300 tài liệu, các hiện vật, bản đồ và hình ảnh được phân chia thành 5 chủ đề trưng bày, bao gồm:

Chủ đề 1: Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của quần đảo Hoàng Sa.

Chủ đề 2: Hoàng Sa trong thư tịch cổ của Việt Nam trước thời nhà Nguyễn.

Chủ đề 3: Hoàng Sa trong thư tịch cổ của Việt Nam thời nhà Nguyễn (1802-1945).

Chủ đề 4: Bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa năm 1945 - 1974.

Chủ đề 5: Bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa từ năm 1974 đến nay.

Thông qua việc xem xét các hiện vật và tư liệu, cũng như nghe nhân viên Nhà trưng bày Hoàng Sa thuyết minh bạn sẽ có nhiều hiểu biết hơn về quần đảo Hoàng Sa cũng như quá trình xác lập chủ quyền khai thác, quản lý suốt chiều dài lịch sử từ thế kỷ 16 cho đến nay. Trên hết chính là hệ thống bản đồ cổ được vẽ trong thế kỷ 17-19.

Không chỉ có tư liệu từ phía Việt Nam mà Nhà trưng bày Hoàng Sa còn có một số tư liệu của Trung Quốc được phương Tây và Trung Quốc xuất bản, xác nhận rằng lãnh thổ nước này không có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Ngoài ra hệ thống châu bản (tức văn bản hành chính thời nhà Nguyễn) bao gồm tấu, chiếu, chỉ dụ… được đích thân hoàng đế ngự lãm và ngự phê trưng bày kèm bản dịch đều thể hiện việc thực thi chủ quyền tại Hoàng Sa.

Nhà trưng bày Hoàng Sa Đà Nẵng xác định chủ quyền biển đảo Việt Nam 4

Không gian bên trong Nhà trưng bày Hoàng Sa. Ảnh: baothuathienhue

Nhà trưng bày Hoàng Sa Đà Nẵng xác định chủ quyền biển đảo Việt Nam 5

Tư liệu bản đồ của phương Tây xác nhận không có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Ảnh: baothuathienhue

Nhà trưng bày Hoàng Sa Đà Nẵng xác định chủ quyền biển đảo Việt Nam 6

Tái hiện cột mốc chủ quyền Hoàng Sa ở khu vực trung tâm. Ảnh: baothuathienhue

Nhà trưng bày Hoàng Sa Đà Nẵng xác định chủ quyền biển đảo Việt Nam 7

Các tư liệu được trưng bày tại đây được chia thành 5 chủ đề. Ảnh: baothuathienhue

Trong đại sảnh Nhà trưng bày Hoàng Sa bạn sẽ thấy có cột bia chủ quyền Hoàng Sa cao vút lên. Đây là cột bia do người Pháp dựng vào năm 1938 nhằm khẳng định chủ quyền Hoàng Sa thuộc vương quốc An Nam liên tục từ năm 1916 (năm Gia Long thứ 14). Đại sảnh này cũng tái hiện ngọn đuốc Hoàng Sa với ý nghĩa luôn thắp sáng ý chí đấu tranh bảo vệ chủ quyền cùng ảnh của lãnh đạo khẳng định chủ quyền Việt Nam với Hoàng Sa.

Theo kinh nghiệm du lịch, bạn còn có thể chiêm ngưỡng lá cờ tổ quốc rộng hơn 100 m2 được cụ Phạm Thị Phán ở Hải Dương tặng cho Nhà trưng bày Hoàng Sa kèm với tâm thư, sách tư liệu lịch sử-địa lý liên quan tới chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của bác sĩ Nguyễn Tăng Tri, tư liệu quý của TS sử học Nguyễn Nhã, TS Trần Đức Anh…

Cụ thể thông tin về từng chủ đề được nêu lên ở phần trước như sau:

Chủ đề 1: nhằm giới thiệu các thông tin như vị trí, tọa độ, các thực thể địa lý được phân loại, tài nguyên thiên nhiên và sinh vật biển ở Hoàng Sa.

Chủ đề 2: kéo dài từ đầu thế kỷ 17 cho đến trước năm 1802, lúc này quần đảo Hoàng Sa được gọi bằng tên chữ Nôm là “Bãi Cát Vàng” và được mô tả rất cụ thể trên những bản đồ, thư tịch cổ từ thời vua Lê cho đến chúa Nguyễn.

Chủ đề 3: giới thiệu những thư tịch cổ, tài liệu cổ của Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Chẳng hạn như nhà Nguyễn đã thực hiện nhiều hoạt động của đội hùng binh và thủy quân triều đình trên đảo.

Chủ đề 4: thể hiện bằng chứng về chủ quyền Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa qua không gian trưng bày, hình ảnh và tư liệu hoạt động trên quần đảo từ thời chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Chẳng hạn như có đơn vị hành chính, lưu quân trấn giữ, có các hoạt động quan trắc khí tượng cũng như khai thác kinh tế biển đảo… Bên cạnh đó, MIA.vn khuyên bạn nên xem kỹ không gian trưng bày những tư liệu quý giá về sự kiện Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đoạt trái phép quần đảo Hoàng Sa năm 1974.

Chủ đề 5: cũng thể hiện những bằng chứng của chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Dù Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép trên đảo từ năm 1974 nhưng nhà nước Việt Nam vẫn tiếp tục thực hiện, quản lý và khẳng định chủ quyền của mình. Đặc biệt kể từ khi Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, UBND huyện Hoàng Sa đã thay mặt cho Đà Nẵng và cả nước quản lý quần đảo Hoàng Sa thuộc Việt Nam.

Nhà trưng bày Hoàng Sa Đà Nẵng xác định chủ quyền biển đảo Việt Nam 8

Tư liệu về Hoàng Sa xuất hiện trong thư tịch cổ của Việt Nam thời nhà Nguyễn (1802-1945). Ảnh: baothuathienhue

Nhà trưng bày Hoàng Sa Đà Nẵng xác định chủ quyền biển đảo Việt Nam 9

Đây là nơi thể hiện chủ quyền biển đảo chính đáng của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Ảnh: FB Nhà Trưng bày Hoàng Sa

Từ khi chính thức mở cửa cho đến nay, Nhà trưng bày Hoàng Sa đã đón tiếp hơn 60.000 lượt khách tham quan, tìm hiểu và học tập. Bên cạnh nhiều khách nội địa thì các trường học, cơ quan và một số đơn vị lữ hành cũng đã liên hệ nhà trưng bày đưa khách ghé thăm. Có thể nói, Nhà trưng bày Hoàng Sa là một địa điểm tìm hiểu lịch sử, văn hóa, du lịch hấp dẫn trong hành trình khám phá Đà Nẵng. Thành phố hiện vẫn đang đẩy mạnh việc sưu tầm tài liệu cũng như các hiện vật mới về Hoàng Sa để làm phong phú thêm trải nghiệm của khách tham quan.