Khách du lịch Quy Nhơn khi lắng nghe những câu ca dao mộc mạc của người dân phố biển sẽ không khỏi tò mò về một công trình đã đi vào lời hát tự bao giờ:

Cầu Đôi liền với Tháp Đôi

Quanh năm quấn quýt như tôi với nàng…

Tháp Đôi Quy Nhơn – hay còn gọi là Tháp Hưng Thạnh – là một trong những công trình kiến trúc Chăm cổ kính và ấn tượng bậc nhất còn lại trên đất Bình Định. Tọa lạc trên đường Trần Hưng Đạo, thuộc phường Đống Đa, ngay trung tâm thành phố Quy Nhơn, tháp xuất hiện sừng sững như một chứng nhân lịch sử, lưu giữ tinh hoa văn hóa của vương quốc Chăm Pa xưa.

Tháp Đôi Quy Nhơn huyền thoại kiến trúc của người Chăm Pa 2

Tháp Đôi Quy Nhơn tựa như nhân chứng lịch sử cho biết bao tinh hoa văn hóa của Chăm Pa xưa. Ảnh: HIỀN NGUYỄN

Với vị trí thuận lợi ngay tại trung tâm thành phố, du khách có thể dễ dàng đến Tháp Đôi theo tuyến đường sau:

Xuất phát từ vòng xoay Võ Nguyên Giáp – Đống Đa – Trần Hưng Đạo, đi thẳng và rẽ phải ở ngã ba theo biển chỉ dẫn.

Nếu đi từ bãi biển Quy Nhơn, chỉ mất khoảng 10 phút chạy xe.

Khách du lịch Quy Nhơn có thể di chuyển bằng xe máy, ô tô hoặc taxi, với bãi đỗ xe rộng rãi ngay cạnh di tích.

Tháp Đôi Quy Nhơn không giống những ngọn tháp Chăm truyền thống thường thấy. Công trình gồm hai ngôi tháp đứng song hành, tạo nên một bố cục đầy ấn tượng. Tháp lớn cao khoảng 25m, tháp nhỏ cao 23m, cả hai đều có cửa chính hướng về phía Nam – biểu tượng của sự kết nối giữa con người và thần linh theo quan niệm của người Chăm.

Điểm đặc biệt nhất của Tháp Đôi Quy Nhơn chính là kỹ thuật xây dựng bí ẩn: những viên gạch nung đỏ được xếp chồng lên nhau mà không hề thấy vết vữa, liên kết chặt chẽ bằng một loại chất kết dính mà cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa giải mã được.

Ba phần chính của tháp thể hiện rõ phong cách kiến trúc Chăm Pa:

Chân tháp: Kiên cố với khối đá lớn (tháp lớn) và gạch nung (tháp nhỏ).

Thân tháp: Kết cấu vuông vững chãi, trang trí những họa tiết sinh động như chim thần Garuda, tạp chủng đầu voi mình sư tử, và các hình người có 6 hoặc 8 tay.

Đỉnh tháp: Không thu nhỏ giật cấp như các tháp Chăm truyền thống mà có dạng vòm cong mềm mại, tượng trưng cho sự kết nối giữa đất và trời.

Tháp Đôi Quy Nhơn huyền thoại kiến trúc của người Chăm Pa 3

Tháp bao gồm 3 phần chính, được làm từ những viên gạch nung đỏ xếp chồng lên nhau mà không hề thấy vết vữa. Ảnh: Vinpearl

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chiến tranh và thời gian đã từng khiến Tháp Đôi Quy Nhơn hư hại nặng nề. Nhưng bằng sự nỗ lực không ngừng, từ năm 1990 – 1997, các chuyên gia Ba Lan và Việt Nam đã phối hợp trùng tu, giúp công trình hồi sinh gần như nguyên vẹn. Đây được xem là một điểm đến mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc.

Ngày nay, Tháp Đôi Quy Nhơn nằm giữa một khuôn viên xanh rộng hơn 6.000m2, thấp thoáng dưới những tán dừa, cau và hoa đại – những loài cây gắn liền với văn hóa Chăm, tạo nên một không gian trầm mặc và huyền bí.

Điểm độc đáo của Tháp Đôi là sự kết hợp giữa gạch nung đỏ và những mảng đá sa thạch được chạm khắc công phu. Những hình ảnh linga - yoni, thần Shiva, voi, rắn thần Naga, hay các vũ nữ Apsara nhảy múa đều thể hiện dấu ấn nghệ thuật đặc sắc của người Chăm. Không chỉ mang giá trị thẩm mỹ, các họa tiết này còn ẩn chứa ý nghĩa tâm linh, thể hiện tín ngưỡng về sự phồn thịnh, sinh sôi và sức mạnh thần linh bảo hộ.

Tháp Đôi Quy Nhơn huyền thoại kiến trúc của người Chăm Pa 4

Bản giao hưởng giữa gạch và đá tạo nên một công trình vô cùng ấn tượng. Ảnh: FB Huan Nguyen

Hãy thong thả dạo bước xung quanh hai ngọn tháp, cảm nhận không gian trầm mặc, chiêm ngưỡng từng đường nét kiến trúc tinh tế và tưởng tượng về một thời kỳ hưng thịnh của vương quốc Chăm Pa.

Khám phá biểu tượng Linga – Yoni bằng sa thạch bên trong tháp lớn, thể hiện tín ngưỡng phồn thực của người Chăm.

Lắng nghe câu chuyện về một vương triều đã mất, cảm nhận sự khắc nghiệt của thời gian và dấu tích vàng son một thuở.

Sống chậm giữa không gian cổ kính, chụp ảnh cùng những bức tường rêu phong, nơi giao thoa giữa quá khứ và hiện tại.

Vào những dịp lễ hội, bạn có thể may mắn bắt gặp các vũ công trong trang phục truyền thống Chăm Pa biểu diễn điệu múa Apsara huyền bí – một vũ điệu tôn vinh vẻ đẹp và tâm hồn người phụ nữ.

Với nét cổ kính và sự đối xứng độc đáo, Tháp Đôi Quy Nhơn là phông nền lý tưởng để tạo ra những bức ảnh mang đậm hơi thở di sản.

Tháp Đôi Quy Nhơn huyền thoại kiến trúc của người Chăm Pa 5

Thưởng thức màn trình diễn nghệ thuật của các vũ công trong trang phục truyền thống Chăm Pa tại Tháp Đôi Quy Nhơn. Ảnh: Bảo tàng Bình Định

Dù phần lớn các hiện vật bên trong đã bị thất lạc theo thời gian, Tháp Đôi vẫn còn lưu giữ một số cổ vật quý giá, phản ánh sinh động đời sống văn hóa – tinh thần của người Chăm cổ. Trong số đó, nổi bật nhất là phù điêu vũ nữ đang múa, đầu bò Nandin và các bia ký khắc chữ cổ Chăm Pa. Một số hiện vật hiện được trưng bày tại Bảo tàng Bình Định, góp phần giúp du khách hiểu hơn về nền văn minh rực rỡ một thời.

Tháp Đôi Quy Nhơn huyền thoại kiến trúc của người Chăm Pa 6

Ngẫu tượng Linga, Yoni trong Tháp Đôi Bình Định. Ảnh: quynhontour

Không chỉ là di tích lịch sử, Tháp Đôi còn là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa thú vị. Vào các dịp lễ hội, du khách có thể thưởng thức những điệu múa Chăm truyền thống, chiêm ngưỡng các màn trình diễn nghệ thuật độc đáo. Hay thậm chí là có cơ hội khám phá những nét đặc sắc trong đời sống tín ngưỡng của cộng đồng Chăm Pa xưa.

Tháp Đôi Quy Nhơn huyền thoại kiến trúc của người Chăm Pa 7

Tháp Đôi còn lưu giữ nhiều cổ vật quý giá phản ánh đời sống của người Chăm Pa xưa. Ảnh: Nguyễn Thiện Nhân

Giờ mở cửa: 7h00 – 11h30 | 13h30 – 17h00 (tất cả các ngày trong tuần).

Giá vé: khoảng 20.000 đồng/người. Trẻ em dưới 6 tuổi và người khuyết tật được miễn phí, học sinh – sinh viên có giảm giá.

Không vẽ bậy, xả rác hay làm hư hại các di tích trong khu vực tháp.

Theo kinh nghiệm du lịch bạn nên đến vào sáng sớm hoặc chiều muộn để tránh nắng gắt và có những bức ảnh đẹp hơn.

Sau khi khám phá Tháp Đôi Quy Nhơn, bạn có thể kết hợp tham quan các điểm đến hấp dẫn gần đó để tận hưởng trọn vẹn chuyến đi:

Eo Gió: Cách trung tâm Quy Nhơn khoảng 20km về phía Bắc, Eo Gió là một trong những địa điểm check-in nổi tiếng nhất. Đúng như tên gọi, nơi đây có những cơn gió biển mạnh thổi qua các khe đá, tạo nên cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ. Những vách núi hùng vĩ ôm trọn lấy bãi biển xanh biếc, cùng con đường đi bộ ven biển tuyệt đẹp chắc chắn sẽ khiến bạn mê mẩn.

Đồi Cát Phương Mai: Nếu yêu thích khung cảnh hoang sơ, Đồi Cát Phương Mai sẽ là điểm dừng chân lý tưởng. Nằm gần khu vực bãi biển Nhơn Lý, nơi đây sở hữu những đồi cát vàng trải dài, cao từ 20 - 30m, thay đổi hình dáng theo từng cơn gió. Đây cũng là điểm lý tưởng để săn hoàng hôn và chụp ảnh sống ảo đầy nghệ thuật.

Làng chài Nhơn Hải: Muốn tìm hiểu về cuộc sống ngư dân miền biển? Làng chài Nhơn Hải sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm thú vị. Không chỉ được ngắm nhìn cảnh thuyền bè tấp nập trên bãi cát, du khách còn có thể tham gia các hoạt động như chèo thuyền thúng, kéo lưới cùng ngư dân hay thưởng thức những món hải sản tươi ngon ngay tại làng.

MIA.vn khuyên bạn nên ghé thăm Tháp Đôi để một lần chạm tay vào những viên gạch cổ, lắng nghe câu chuyện hàng trăm năm của người Chăm và cảm nhận hơi thở của quá khứ vẫn đang len lỏi trong từng ngõ ngách của thành phố biển Quy Nhơn nhé.