Nhắc đến ẩm thực tại vùng đất mũi Cà Mau, trong đầu các tín đồ du lịch sẽ nghĩ ngay đến mật ong rừng U Minh, cá khô khoai chấm nước mắm me, tôm khô Rạch Gốc… Không hề kém cạnh, bồn bồn Cà Mau cũng là một món đặc sản độc lạ mà bạn không nên bỏ lỡ trong chuyến food tour của mình. Dưa bồn bồn giòn thơm, chua ngọt đậm đà hương vị quê nhà là thứ quà biếu khách phương xa đặc trưng của người dân xứ Đất Mũi, Cà Mau.

Cà Mau nằm ở tận cùng của phía Nam Tổ Quốc, là nơi duy nhất ở Việt Nam có thể ngắm trọn vẹn khung cảnh mặt trời mọc trên biển Đông và lặn ở biển phía Tây. Ngoài những địa điểm tham quan tại Cà Mau, bạn cũng đừng nên bỏ lỡ cơ hội thưởng thức những món ăn đặc sắc, độc lạ ở nơi đây. Đất Mũi Cà Mau là vùng đất có diện tích rừng ngập mặn lớn nhất cả nước, sở hữu không ít những sản vật mang đậm nét đặc trưng của vùng sông nước miền Tây như cá thòi lòi, cua Cà Mau hay các loại rau đồng độc lạ. Điểm chung của hầu hết các loại đặc sản Cà Mau chính là sự mộc mạc, dân dã nhưng không kém phần hấp dẫn, cuốn hút. Từ những con tôm khô, khô cá sặc cho đến cỏ bồn bồn đều có nguồn gốc tự nhiên. Những cơn nắng nóng đốt người vừa qua đi cũng là lúc mùa mưa dai dẳng kéo đến và đây chính là tin vui báo hiệu vụ hoạch bồn bồn Cà Mau đối với những người dân huyện Cái Nước.

Bồn bồn thuộc loại cây cỏ, thường được người dân địa phương trong vùng gọi là cỏ nến. Ngày xưa, tại những vùng chiêm trũng nhiễm phèn nước ngập quanh năm, người ta đã nhìn thấy những khóm cỏ xanh tốt mọc lên ở ven các mé ao đìa, sông hồ. Vì thế, nhiều người dân địa phương ví von bồn bồn như một loại cỏ dại tiêu biểu của vùng sông nước miền Tây. Đặt chân đến vùng đất Cà Mau, hình ảnh quen thuộc nhất mà bạn sẽ có cơ hội bắt gặp đó chính là những chiếc chòi lá phơi đầy ắp bồn bồn tươi ngon, trắng nõn nà và những cánh đồng, ao nuôi tôm cá trồng bồn bồn xanh bát ngát. Thương hiệu đặc sản bồn bồn Cà Mau cũng hình thành và nổi danh với các tín đồ du lịch thập phương từ đó. 

Thưởng thức Bồn bồn Cà Mau, đặc sản dân dã của vùng đất mũi 2

Bồn bồn Cà Mau là một đặc sản dân dã của vùng sông nước

Thưởng thức Bồn bồn Cà Mau, đặc sản dân dã của vùng đất mũi 3

Đây là loại cỏ dại có hình dáng giống như cây lúa

Xem thêm: Rùa rang muối Cà Mau, đặc sản của vùng sông nước trù phú

Bồn bồn trước kia được xem là loài cỏ dại phổ biến ở miền Tây, có hình dạng hơi giống cây lúa và thường xuất hiện ở những vùng đồng nhiễm phèn. Bồn bồn có khả năng chịu mặn cao nên chúng sinh trưởng rất tốt ở nhiều nơi của khu vực Tây Nam Bộ. Mãi đến sau này, dân địa phương mới phát hiện ra bồn bồn có thể chế biến được thành nhiều món ăn ngon, từ đó, loài cỏ dại này bắt đầu được ưa chuộng, có những lúc cung không đủ đáp ứng cầu nên bồn bồn được nhân trồng rộng rãi tại các khu vực ở Cà Mau. Trong đó, huyện Cái Nước là khu vực sở hữu diện tích bồn bồn lớn nhất. Cũng vì thế mà bồn bồn Cà Mau đã xuất hiện và góp mặt vào danh sách những đặc sản dân dã của vùng đất này. 

Bồn bồn không kén chọn môi trường sống và cũng cực kỳ dễ trồng, chỉ cần có đất, có nước là chúng sẽ tự nảy mầm, quá trình sinh trưởng cũng không cần bàn tay người nông dân dày công chăm bẵm, bón phân hay xịt thuốc hóa học. Vì thế, nhiều hộ dân ở Cà Mau có đất ruộng rộng lớn đều chọn trồng cây bồn bồn vào những lúc đất trống, còn nhà nào có vuông tôm thì áp dụng phương pháp trồng xen canh để kiếm thêm nhu nhập. Bồn bồn Cà Mau cứ thế hút chất dinh dưỡng từ đất để phát triển cho đến khi mùa mưa xuất hiện. Nhìn thấy cây đã to, lá xanh tốt cũng là lúc người dân sẽ ra đồng thu hoạch bồn bồn mỗi ngày. Để tăng thêm giá trị kinh tế, người ta sẽ lấy những nhánh bồn bồn đủ độ lớn và chừa lại các nhánh nhỏ. Những nhánh bồn bồn đạt chuẩn sẽ được tách lá, lấy lõi còn các nhánh nhỏ vẫn tiếp tục sinh trưởng, chờ đến lần thu hoạch sau. Phương pháp này giúp cho người trồng có thể thu hoạch bồn bồn quanh năm, đem lại lợi ích kinh tế ổn định, lâu dài. 

Bồn bồn Cà Mau gây ấn tượng với thực khách gần xa bởi đặc sản này được chế biến thành nhiều món ăn giữ được độ tươi ngon, giòn ngọt đặc sắc. Có lẽ vì sinh sống bằng dưỡng chất tự nhiên từ nước, lớn lên với khí trời trong lành và không dính đến phân bón hoá học nên bồn bồn có hương vị thơm ngon, hấp dẫn mà ít loài cây nào có được. Cây bồn bồn sau khi sơ chế nhìn khá đơn giản, bình thường nhưng sau khi qua bàn tay khéo léo của người dân vùng đất mũi Cà Mau lại mang một hương vị cực kỳ đặc biệt và ngon miệng. Chính vì thế, đặc sản này được mệnh danh là món ăn đậm chất hương đồng gió nội của miền sông nước miệt vườn. 

Thưởng thức Bồn bồn Cà Mau, đặc sản dân dã của vùng đất mũi 4

Người nông dân thu hoạch bồn bồn

Thưởng thức Bồn bồn Cà Mau, đặc sản dân dã của vùng đất mũi 5

Bồn bồn Cà Mau sau khi được sơ chế

Thưởng thức Bồn bồn Cà Mau, đặc sản dân dã của vùng đất mũi 6

Bà con Cà Mau tụ họp cùng nhau chế biến món đặc sản nổi tiếng

Thưởng thức Bồn bồn Cà Mau, đặc sản dân dã của vùng đất mũi 7

Người dân Cái Nước buôn bán đặc sản bồn bồn Cà Mau dọc các con đường 

Hầu hết người dân Cà Mau đều quen thuộc với công việc chế biến bồn bồn, từ người già cho đến trẻ nhỏ, ai ai cũng thành thạo. Bồn bồn Cà Mau sau khi thu hoạch sẽ được mang về, chỉ giữ lại phần gốc dài khoảng 25 đến 30cm còn phần lá dài thì chặt bỏ. Sau đó, người ta rửa sạch phần gốc thân và thực hiện quá trình tách lớp lá bao quanh bồn bồn như kiểu tách lá sả. Thành quả thu được là những cọng bồn bồn trắng ngọc ngà được cột lại thành từng bó lớn và bày lên sạp bán. Người dân địa phương thường mua bồn bồn Cà Mau về để nhúng lẩu, xào tôm, làm gỏi, nấu canh chua… giúp tăng thêm độ ngon cho món ăn. Độ tươi ngon và giòn ngọt của cọng bồn bồn chắc chắn sẽ làm thay đổi cách nhìn của mọi tín đồ ẩm thực. 

Tuy chỉ là cỏ dại nhưng nếu biết cách chế biến thì bồn bồn hoàn toàn có thể trở thành một món ăn ngon hết sảy. Người dân nơi đây có nhiều công thức chế biến loài cỏ nến này nhưng phổ biến nhất là dưa bồn bồn Cà Mau, món ăn đặc sản ở vùng Cái Nước. Một món dưa muối rất quen thuộc, cách làm cũng không có gì đặc biệt nhưng lại tạo nên một hương vị ấn tượng không thể nào quên. Để chế biến đặc sản này, người ta thường chọn những cọng bồn bồn còn non, đem rửa sạch rồi ngâm với hỗn hợp nước vo gạo, muối trắng và đường được pha theo tỉ lệ chuẩn. Sau đó, chỉ cần xếp bồn bồn vào hũ đậy nắp cẩn thận và đợi trong thời gian khoảng một tuần sau là có thể thưởng thức món dưa bồn bồn hấp dẫn. Dưa có màu trắng nõn nà, giòn sần sật hoà cùng với một ít vị chua thanh khi lên men và vẫn đọng lại hậu ngọt đặc trưng của bồn bồn tươi nên cực kỳ ngon miệng, càng ăn càng mê mẩn không lối thoát. Dưa bồn bồn ngon nhất là khi ăn kèm với mắm ruốc Cà Mau hoặc các món dân dã của vùng sông nước như thịt kho tàu, cá kho tộ. Ngoài Khô cá đù Cà Mau, các tín đồ ẩm thực thập phương cũng đặc biệt yêu thích đặc sản dưa bồn bồn. Khi đặt chân đến vùng đất Mũi Cà Mau du lịch, bạn hãy tranh thủ thời gian tìm mua vài hũ bồn bồn mang về ăn dần để thưởng thức vị ngon tinh túy của ẩm thực vùng sông nước miền Tây Nam Bộ. 

Bồn bồn Cà Mau được mệnh danh là sản vật quý giá do thiên nhiên ban tặng cho người dân vùng đất này. Qua bàn tay khéo léo của con người nơi đây, chúng đã trở thành sản phẩm có tên tuổi, chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam chứng nhận mang nhãn hiệu tập thể “Sản phẩm bồn bồn Cái Nước – Cà Mau”, trở thành một trong những đặc sản nổi bật nhất vùng Đất Mũi.

Thưởng thức Bồn bồn Cà Mau, đặc sản dân dã của vùng đất mũi 8

Dưa bồn bồn Cà Mau là món ăn rất được ưa chuộng

Thưởng thức Bồn bồn Cà Mau, đặc sản dân dã của vùng đất mũi 9

Người dân địa phương thường dùng đặc sản này để trộn gỏi

Thưởng thức Bồn bồn Cà Mau, đặc sản dân dã của vùng đất mũi 10

Ăn cùng với cá kho tộ kiểu miền Tây cũng cực kỳ ngon

Thưởng thức đặc sản bồn bồn Cà Mau chắc chắn sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm ẩm thực không thể nào quên tại vùng đất sông nước miệt vườn. Hãy note lại món ăn dân dã này vào cẩm nang du lịch của mình để tìm mua khi có dịp đến thăm vùng Đất Mũi xinh đẹp bạn nhé.