1Giới thiệu về Tòa Thánh Tây Ninh
1.1 Tòa Thánh Tây Ninh ở đâu?
Địa chỉ: Đường Phạm Hộ Pháp, thị trấn Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh
Tòa Thánh Tây Ninh còn được người dân địa phương gọi với cái tên thân thuộc khác là Đền Thánh. Công trình này nằm ở khu vực trung tâm thị trấn Hòa Thành, gần Khu du lịch Long Trung, cách thành phố Tây Ninh khoảng 6km. Nhờ xây dựng với quy mô lớn và lối kiến trúc nổi bật nên đến với miền đất này, chỉ cần bạn nhắc đến Tòa Thánh thì không ai không biết.
1.2 Tòa Thánh Tây Ninh - Công trình tiêu biểu của đạo Cao Đài
Đạo Cao Đài có tên gọi đầy đủ là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ độ. Đạo ra đời năm 1926 tại Tây Ninh, do một số công chức, tư sản, địa chủ, trí thức sáng lập, chủ yếu phổ biến ở khu vực miền Nam. Điểm đặc trưng của tín ngưỡng này là chọn lọc và kết hợp giáo lý của những tôn giáo khác, hướng con người tu dưỡng bản thân, tu luyện thiện tính trong đời sống hàng ngày. Và điều này cũng thể hiện qua kiến trúc của Tòa Thánh Tây Ninh khi kết hợp phong cách của nhiều tôn giáo trên thế giới.
Cụ thể, Tòa Thánh gây ấn tượng với chúng ta bởi hai lầu Chuông Trống cao chót vót. Thiết kế lầu Chuông có nét tương đồng với tháp chuông tại những nhà thờ Thiên Chúa Giáo. Phần giữa của Tòa Thánh Tây Ninh được thiết kế với biểu tượng Đức phật Di Lặc đang an tĩnh ngự trị. Bên cạnh đó, kiến trúc Tòa Thánh cũng gợi chúng ta liên tưởng đến hình tròn của bầu trời và hình vuông của mặt đất như trong lý thuyết vũ trụ của Nho Giáo.
Ngoài ra, Bát Quái Đài của Tòa Thánh Tây Ninh cũng có hình dạng tương đồng với Bát Quái đồ trong Đạo Tiên. Trên nóc của Bát Quái còn chạm khắc hình ba pho tượng phật. Còn kiến trúc bên trong Tòa Thánh thì được xây dựng có nhiều nét tương đồng với Cửu Trùng Đài và 9 cấp bậc từ dưới thấp đi lên cao.
Vì vậy, về cơ bản thì Tòa Thánh Tây Ninh được tạo nên từ sự kết hợp nhiều nét kiến trúc độc đáo đến từ những công trình đặc trưng của các tôn giáo phổ biến trên thế giới. Đây đồng thời cũng là tôn chỉ của Đạo Cao Đài, chính là: Qui nguyên Tam Giáo, Phục Nhứt Ngũ Chi. Có thể hiểu là hành trình tìm về nguồn cội của ba tôn giáo: Khổng Giáo, Đạo Giáo và Phật giáo. Đồng thời cũng thống nhất năm chi nhánh của Đại Đạo là Nhơn Đạo, Thần Đạo, Thánh Đạo, Tiên Đạo và Phật Đạo.
2Kiến trúc độc đáo của Tòa Thánh Tây Ninh
2.1 Kiến trúc mang nét đặc trưng triết học Đông – Tây
Tòa Thánh Tây Ninh là công trình tôn giáo được thiết kế với kiến trúc rất đặc trưng. Hiện nay, tại Tây Ninh có Trí Huệ Cung là có một vài nét tương đồng vì đều là công trình của đạo Cao Đài. Thông thường, các công trình kiến trúc tôn giáo sẽ do kiến trúc sư thiết kế, xây dựng với bản vẽ chỉn chu. Còn Tòa Thánh Tây Ninh thì lại được Đức Phạm Hộ Pháp xây dựng mà không dựa trên bất kỳ thiết kế nào, chỉ hoàn toàn dựa vào bàn tay của các tín đồ đạo Cao Đài.
Quá trình xây dựng Tòa Thánh Tây Ninh không hề tốn chi phí nhân công, tất cả đều được người dân tự nguyện góp sức xây dựng. Thậm chí, họ còn không kết hôn trong thời gian thi công Tòa Thánh vì sợ ảnh hưởng đến sự cân bằng âm dương của công trình. Quá trình xây dựng được Đức Lý Giáo Tông Giáng Cơ theo sát và chỉ đạo người dân, ông cũng lắng nghe góp ý từ mọi người để tạo nên một công trình hoàn hảo nhất. Cứ như vậy, Tòa Thánh được hoàn thành sau 5 năm xây dựng.
Tòa Thánh Tây Ninh là công trình sở hữu lối kiến trúc độc đáo, phối hợp hài hòa giữa đất trời và con người. Tòa Thánh này vừa là biểu tượng cho văn hóa, tín ngưỡng của mảnh đất Tây Ninh, vừa là địa điểm sinh hoạt tôn giáo, cúng bái của người dân đạo Cao Đài. Vì vậy, khi du lịch Tây Ninh thì bạn đừng bỏ lỡ cơ hội tham quan điểm đến Tây Ninh này nhé.
2.2 Khuôn viên bên ngoài Tòa Thánh Tây Ninh
Tổng diện tích của Tòa Thánh Tây Ninh lên đến 12km2. Khuôn viên bên ngoài được bao bọc bởi hệ thống hàng rào, đảm bảo sự uy nghiêm cho công trình tôn giáo này. Bên cạnh đó, trong khuôn viên Tòa Thánh còn có các công trình nhỏ với thiết kế ấn tượng như đền thờ Phật mẫu, bửu tháp. Hai phần tháp có độ cao 36m, đây cũng là biểu tượng nổi bật nhất của Tòa Thánh. Dù được xây dựng bằng chất liệu xi măng cốt tre những vẫn rất bền bỉ, chắc chắn.
Chiều dài của Tòa Thánh khoảng 100m, thiết kế với 12 cửa. Phần cửa lớn nhất được gọi là cửa Chánh Môn. Mỗi cửa của công trình tôn giáo này đều được chạm khắc một cách tinh tế với những hình tứ linh và hoa sen. Cửa Chánh Môn thì được trang trí đặc biệt hơn với hình tượng long tranh châu.
Phong cách thiết kế độc đáo của Tòa Thánh Tây Ninh cũng thể hiện qua phần mái. Nét đan xen giữa lầu có mái và không có mái tạo nên sự đối lập nhưng cũng rất cân bằng. Vì thế, đa phần mọi người khi có dịp tham quan Tòa Thánh đều cảm thấy kì lạ khi công trình này ở miền Nam nhưng lại có nhiều nét tương đồng với chùa truyền thống của Bắc Bộ. Cổng vào tách thành 3 lối đi riêng biệt, rất giống với cửa Tam quan phổ biến ở đền chùa Phật giáo.
Xem thêm: Đình Hiệp Ninh, nơi lưu dấu tài hoa nghệ thuật của cha ông ta
2.3 Vẻ đẹp bên trong
Bước vào không gian bên trong Tòa Thánh Tây Ninh, bạn sẽ cảm thấy ngỡ ngàng trước thiết kế kiến trúc độc đáo tại đây. Ở trần nhà và những bức tường là các họa tiết chạm khắc vô cùng tinh tế, thể hiện sự tận tâm và tài hoa của những tín đồ đạo Cao đài đã góp phần xây nên công trình này.
Hai hàng cột phía trong Tòa Thánh được chạm trổ những hình rồng, phượng, sử dụng màu sơn rực rỡ, nổi bật. Còn phần nền của công trình thì chia làm 9 cấp, còn được gọi là “cửu phẩm thần tiên”. Mỗi bậc này là biểu tượng cho một cấp phẩm mà con người có thể đạt được.
Ở giữa Tòa Thánh là một quả cầu lớn. Đây là hình tượng đại diện cho vũ trụ bao la và thế giới quan của đạo Cao Đài. Đây cũng là background được rất nhiều bạn check-in khi có dịp đến tham quan Tòa Thánh Tây Ninh. Bên cạnh đó, hình Thiên Nhãn cũng là chi tiết rất đáng chú ý. Thiên Nhãn là một con mắt khổng lồ, chạm khắc tinh xảo, được xem là biểu tượng cho sự minh tuệ và hào quang của đạo Cao Đài.
Khuôn viên bên trong Tòa Thánh còn có Nghinh Phong Đài và Bát Quái Đài. Nghinh Phong Đài là phần nóc phía trước còn Bát Quái Đài là nóc phía sau. Đây là hai chi tiết rất độc đáo của công trình tâm linh nổi tiếng này.
2.4 Các lễ hội linh thiêng tại Tòa Thánh Tây Ninh
Bên cạnh tham quan kiến trúc, bạn có thể đến Tòa Thánh Tây Ninh vào các dịp lễ hội để tận hưởng không khí rộn ràng, tấp nập. Dưới đây là danh sách và thời gian tổ chức các lễ hội tại Tòa Thánh để bạn tham khảo:
- Lễ Vía Đức Chí Tôn: Thời gian tổ chức vào mùng 9 tháng Giêng hằng năm
- Đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung: Thời gian tổ chức vào rằm tháng Tám âm lịch
Trên đây là những thông tin về Tòa Thánh Tây Ninh mà cẩm nang du lịch MIA.vn muốn giới thiệu đến bạn. Nếu có dịp đến đây, đừng quên cho MIA.vn biết những cảm nhận của bạn về địa điểm tâm linh ấn tượng này nhé.