Kendama là gì? Tìm hiểu về trò chơi truyền thống của Nhật Bản 2

Kendama (けん玉) là món đồ chơi truyền thống làm từ gỗ, rất quen thuộc với người Nhật. Theo MIA.vn được biết, thiết kế của Kendama khá đặc biệt: một thân gậy có ba chén nhỏ để đỡ bóng và một thanh nhọn tượng trưng cho thanh kiếm, gọi là Ken. Gắn liền với cây gậy là quả cầu nhỏ có lỗ, gọi là Tama.

Cách chơi tưởng chừng đơn giản: người chơi tung quả cầu lên và khéo léo đưa nó rơi vào chén hoặc cắm vào mũi gậy. Nhưng thực tế, để thuần thục Kendama, bạn phải luyện tập hàng trăm, thậm chí hàng ngàn kỹ thuật. Bộ môn đòi hỏi sự kiên nhẫn và khả năng kiểm soát tuyệt đối của toàn bộ cơ thể.

Kendama là gì? Tìm hiểu về trò chơi truyền thống của Nhật Bản 3

Kendama là món đồ chơi bằng gỗ truyền thông tại Nhật Bản. Ảnh: Fun-japan

Kendama bắt đầu được công nhận như một môn thể thao chuyên nghiệp tại Nhật Bản từ những năm 1980. Khi đó, trò chơi này không còn dừng lại ở mức giải trí đơn thuần mà được xây dựng thành hệ thống thi đấu có quy chuẩn riêng. Bao gồm thiết kế dụng cụ cho đến thang đánh giá kỹ năng người chơi.

Dù được xem là biểu tượng văn hóa Nhật Bản, nguồn gốc thực sự của Kendama vẫn còn là dấu hỏi. Nhiều tài liệu cho rằng trò chơi này có thể xuất phát từ Pháp vào thế kỷ 16. Một số ý kiến khác lại cho rằng Kendama là sản phẩm của người Hy Lạp hoặc Trung Quốc từ xa xưa.

Theo một số tài liệu lịch sử, Kendama lần đầu xuất hiện tại Nhật Bản vào thời kỳ Edo (1603-1868). Đây là khoảng thời gian thành phố cảng Nagasaki trở thành điểm giao thương tự do duy nhất của đất nước. Lúc bấy giờ, Kendama vốn không dành cho trẻ em mà là trò tiêu khiển của người lớn, kèm theo những hình phạt thú vị cho ai thất bại trong lượt chơi.

Kendama là gì? Tìm hiểu về trò chơi truyền thống của Nhật Bản 4

Kendama có lịch sử ra đời từ nhiều thế kỷ trước. Ảnh: Kaizen

Mãi đến thời Minh Trị (1868-1912), Kendama mới bắt đầu được đưa vào trường học như một trò chơi rèn luyện sự khéo léo cho học sinh. Năm 1919, phiên bản Kendama thương mại đầu tiên mang tên "Nichigetsu Ball" chính thức được bày bán rộng rãi. Cái tên này có nghĩa là "mặt trăng và mặt trời". Trò chơi lấy cảm hứng từ hình dáng quả bóng tròn như mặt trời và chiếc cốc nhỏ cong cong giống lưỡi liềm.

Sau năm 1945, khi chiến tranh thế giới thứ II kết thúc, Kendama bắt đầu xuất hiện rộng rãi, bên cạnh những món đồ chơi quen thuộc như menko, bidama hay beigoma. Đến năm 1975, Hiệp hội Kendama Nhật Bản chính thức ra đời. Kể từ đó, bộ quy chuẩn chung để người chơi có thể thi đấu và trải nghiệm Kendama theo cách thống nhất cũng được khai sinh.

Nhật Bản vừa là cái nôi sản xuất Kendama lớn nhất thế giới, vừa là nơi hội tụ nhiều phiên bản Kendama độc đáo, mang đậm dấu ấn sáng tạo. Một vài biến thể nổi bật mà Cẩm nang du lịch tổng hợp và gửi đến các bạn:

Kendama bóng chày: Được chế tác hoàn toàn thủ công, cây Kendama này mô phỏng hình dáng của một chiếc gậy bóng chày.

Kendama kinh dị: Khác biệt với khuôn mặt ma quái được vẽ trên quả bóng, khiến trò chơi trở nên rùng rợn và kích thích thị giác.

Kendama nhựa kỹ thuật số: Vào năm 1998, phiên bản Digi-ken ra đời. Đây là Kendama làm từ nhựa trong suốt, tích hợp chip điện tử, mang lại trải nghiệm hiện đại cho người chơi.

Một bộ Kendama truyền thống thường được cấu tạo từ 5 phần chính: Quả bóng (Tama), Thanh kiếm (Ken), Thân chén, Sợi chỉ và Hạt chống xoắn.

Trong đó, hạt chống xoắn dây được gắn vào đầu sợi chỉ, cố định bên trong quả bóng nhằm ngăn sợi chỉ bị rối khi chơi. Ngày nay, văn hóa Nhật Bản Kendama không chỉ dừng lại ở phiên bản truyền thống mà còn được cải tiến hiện đại hơn với nhiều tính năng độc đáo. Điển hình như hiệu ứng âm thanh, đèn LED phát sáng… mang đến trải nghiệm mới mẻ cho người chơi.

Kendama là gì? Tìm hiểu về trò chơi truyền thống của Nhật Bản 5

Kendama truyền thống thường được cấu tạo từ 5 phần. Ảnh: Fun-japan

Khi được trải nghiệm du lịch Nhật Bản, nhất định mọi người không thể bỏ qua cơ hội thử chơi Kendama thông qua những cách phổ biến sau.

Một trong những kỹ thuật cơ bản nhưng quan trọng nhất khi chơi Kendama chính là làm chủ động tác đưa bóng vào chén. Bí quyết nhỏ để thành công nằm ở việc giữ nhịp và phối hợp nhịp nhàng từng bước theo đếm “một, hai, ba”.

- Bước 1: Giữ chắc thân Kendama tại vị trí chén lớn, hướng đầu nhọn xuống. Nhẹ nhàng thả quả bóng rơi tự do theo phương thẳng đứng.

- Bước 2: Khi bóng đã ngừng lắc, hãy khẽ hạ gối để đón quán tính từ quả bóng, đồng thời kéo thẳng cánh tay và đẩy bóng lên. (Nhịp hai)

- Bước 3: Khi bóng bay lên, tiếp tục hạ gối và giữ cánh tay cố định. Chờ bóng hạ xuống đúng tầm rồi đón lấy bằng chén lớn. (Nhịp ba)

Kỹ thuật tiếp theo trong Kendama là nâng bóng vào chén đáy, được gọi là "Rosoku". Tên gọi này có nghĩa là cây nến, vì dáng bóng khi hoàn thành giống như một ngọn nến đang cháy.

- Bước 1: Dùng đầu ngón tay giữ chắc phần đầu nhọn của Kendama.

- Bước 2: Nghiêng nhẹ thân kiếm để sợi chỉ không bị vướng vào tay, đồng thời khuỵu gối, giữ cho dây luôn căng và thẳng.

- Bước 3: Dùng lực gối bật nhẹ, nâng bóng lên theo phương thẳng đứng.

- Bước 4: Khi bóng bay lên, khéo léo đón lấy và giữ thăng bằng ngay trên chén đáy.

Kendama là gì? Tìm hiểu về trò chơi truyền thống của Nhật Bản 6

Kỹ thuật cơ bản nhưng quan trọng nhất khi chơi Kendama chính là làm chủ động tác đưa bóng vào chén. Ảnh: Chus

Thử thách lớn nhất của Kendama chính là thực hiện liên hoàn ba động tác: đưa bóng vào chén lớn, tiếp đến chén nhỏ và kết thúc bằng cách cắm bóng vào đầu nhọn.

- Bước 1: Người chơi nắm chắc thân kiếm, giữ cho đầu nhọn hướng lên, chén lớn quay về phía mình.

- Bước 2: Hạ thấp trọng tâm, khuỵu nhẹ gối, rồi đẩy nhẹ tay để quả bóng rơi đúng vào chén nhỏ.

- Bước 3: Ngay sau đó, duỗi thẳng chân, hất bóng lên và điều chỉnh để bóng đáp xuống chén lớn.

- Bước 4: Khi bóng ổn định, tiếp tục tung bóng lần nữa, khéo léo hạ thấp người và điều chỉnh để bóng rơi gọn vào đầu nhọn của thanh kiếm.

Bài tập này đòi hỏi người chơi phải có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa tay, mắt và nhịp chân. Phiên bản chơi này được xem là bước kiểm tra đỉnh cao kỹ năng làm chủ Kendama.

Kendama là gì? Tìm hiểu về trò chơi truyền thống của Nhật Bản 7

Người chơi Kendama phải có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa tay, mắt và nhịp chân. Ảnh: Fun-japan

Khác với cách chơi truyền thống tại Nhật Bản, kỹ thuật Kendama trên thế giới còn bổ sung thêm thử thách ở chén đáy. Cụ thể, người chơi vẫn bắt đầu bằng cách duỗi thẳng chân và tung bóng lên, tương tự như kỹ thuật khó nhất ở Nhật. Tuy nhiên, điểm khác nằm ở chuỗi động tác: bóng phải lần lượt được đưa vào chén nhỏ, sau đó chuyển lên chén lớn, rồi tiếp tục đặt vào chén đáy.

Khi bóng ổn định trên chén đáy, người chơi cần khéo léo hạ thấp trọng tâm, nương theo lực đầu gối và tung bóng lần nữa. Cách chơi này sẽ kết thúc bằng việc cắm chính xác vào đầu nhọn của thanh kiếm.

Đây được xem là một trong những kỹ thuật khó nhằn nhất, thử thách cả sự kiên nhẫn và độ chính xác của người chơi. Người chơi hãy nắm chắc quả bóng trong tay, thả thanh kiếm thẳng đứng xuống. Dùng tay còn lại điều chỉnh thân kiếm, đảm bảo chén nhỏ hướng ra phía trước rồi buông tay và để kiếm rơi tự do.

Ngay khi kiếm chạm đáy, nhẹ nhàng nâng kiếm lên. Đồng thời, di chuyển bóng sao cho thân kiếm áp sát vào bề mặt quả bóng. Nếu thực hiện chuẩn xác, cả bóng và kiếm sẽ "dính" vào nhau, người chơi cần giữ tư thế ổn định trong khoảng 3 giây để hoàn thành kỹ thuật này.

Kendama ngày càng được yêu thích không chỉ tại Nhật Bản mà còn lan rộng ra nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Lý do đầu tiên là Kendama giúp rèn luyện sự tập trung, kiên nhẫn và phản xạ thông qua việc phối hợp tay, mắt và nhịp điệu cơ thể.

- Thứ hai, trò chơi có hơn 1.000 kỹ thuật từ đơn giản đến nâng cao. Điều này có thể kích thích sự sáng tạo không giới hạn.

- Thứ ba, Kendama không phân biệt tuổi tác. Do đó, từ trẻ nhỏ đến người lớn đều có thể chơi và tìm thấy niềm vui riêng.

Bên cạnh đó, Kendama còn tạo nên cộng đồng gắn kết. Cộng đồng này giúp mọi người có thể luyện tập, thi đấu và chia sẻ đam mê.

Chính sự kết hợp giữa thể chất, tinh thần đã khiến Kendama trở thành một trò chơi đặc biệt đầy cuốn hút.

Kendama là gì? Tìm hiểu về trò chơi truyền thống của Nhật Bản 8

Kendama ngày càng được yêu thích tại Nhật Bản và nhiều quốc gia khác. Ảnh: Pinterest

Giống như nhiều bộ môn thể thao khác, Kendama không chỉ đơn thuần là một trò chơi mà còn là nhịp cầu nối văn hóa giữa Nhật Bản và thế giới. Những ai yêu thích Kendama đều tìm thấy điểm chung cơ bản. Bao gồm cùng tập luyện, cùng chia sẻ đam mê và lan tỏa niềm vui giản dị từ từng cú tung bóng.

Hơn cả việc giao lưu, Kendama còn kết nối những con người xa lạ thành bạn bè. Thầy Imada Hiromu, người đã gắn bó với Kendama hơn 30 năm từng chia sẻ rằng: Thầy là người con của vùng đất Hiroshima - nơi lãnh chịu hậu quả bom nguyên tử nặng nề, người cha của thầy cũng đã hy sinh trong thảm họa đó. Nhưng nhờ Kendama, thầy đã nhẹ nhàng gác lại quá khứ, đến Mỹ giới thiệu bộ môn này và trở thành bạn với người dân nơi đây.

Kendama là gì? Tìm hiểu về trò chơi truyền thống của Nhật Bản 9

Kendama à nhịp cầu nối văn hóa giữa Nhật Bản và thế giới. Ảnh: Timeout

Kendama sở hữu cả trăm kỹ thuật từ đơn giản đến phức tạp. Thế nhưng yếu tố quan trọng nhất để chinh phục trò chơi này không phải là tốc độ hay sức mạnh, mà là sự kiên nhẫn. Nhiều người chơi lâu năm thường nói vui rằng: "Kendama dễ chơi nhưng không dễ giỏi."

Sự kiên nhẫn không chỉ giúp người mới tập làm quen với nhịp điệu tung bắt ban đầu, mà còn là chìa khóa để rèn luyện độ chính xác, sự khéo léo và phản xạ linh hoạt. Mỗi lần thất bại là một bài học, mỗi lần thành công là một dấu mốc bạn vượt qua giới hạn bản thân.

Kendama không chỉ là một trò chơi giải trí đơn thuần, mà còn là một nét văn hóa đặc sắc của Nhật Bản. Dù bạn là người mới bắt đầu hay người yêu thích thử thách, hãy một lần xách balo đến ngay xứ sở Phù Tang để được khám phá trò chơi thú vị này nhé.