Ninh Thuận vốn là vùng đất ven biển nhiều nắng gió. Có lẽ vì tính chất đấy mà người dân nơi đây vốn rất bền bỉ và chịu thương chịu khó, đặc biệt là những đồng bào dân tộc Chăm. Dù có trải qua hàng ngàn năm đến thời hiện đại, dân tộc Chăm vẫn lưu giữ được những nét đặc trưng đó trong tính cách. Những tính cách này được thể hiện rất rõ nét trong đời sống sinh hoạt của các làng nghề. Và một trong những làng nghề mà Cẩm nang du lịch Ninh Thuận muốn giới thiệu đến bạn chính là làng gốm Bàu Trúc.

Ninh Thuận là vùng đất tập trung đông đúc đồng bào dân tộc Chăm. Các cộng đồng người Chăm thường sống tập trung thành làng và đôi khi sẽ cùng làm một nghề truyền thống để gìn giữ và tôn tạo văn hóa. Làng gốm Bàu Trúc là một địa phương như thế.

Cùng với Làng dệt Mỹ Nghiệp và Làng thuốc Phước Nhơn, Làng gốm Bàu Trúc là một trong ba làng nghề khá có tiếng ở Ninh Thuận có lưu giữ những nét truyền thống văn hóa độc đáo của dân tộc Chăm.

Men theo con đường Quốc lộ 1A từ Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm ngược về phương Nam, Làng gốm Bàu Trúc tọa lạc tại thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Bình Thuận (cách Bảo tàng Ninh Thuận khoảng 12 km). Làng gốm Bàu Trúc nằm đối diện Làng dệt Mỹ Nghiệp, đây là nơi tập trung sinh sống của cộng đồng người Chăm tại tỉnh Ninh Thuận.

Nhắc đến nghề gốm, ai ai cũng sẽ biết đến cái tên Bát Tràng ở Hà Nội, Minh Long ở Bình Dương hay Thanh Hà ở Quảng Nam. Đó là những làng gốm khá nổi tiếng về chất lượng của sản phẩm và cả mật độ lui tới của cộng đồng du lịch. Đi ngược lại với dòng chảy về xu hướng với những làng gốm khác, Làng gốm Bàu Trúc nằm nép mình yên bình trong lòng cộng đồng người Chăm. Dù không quá đông đúc, nhưng không có nghĩa là làng gốm này không có được những nét đặc trưng như những làng gốm khác. Làng gốm Bàu Trúc vẫn giữ những nét truyền thống của văn hóa Chăm trong phong cách làm gốm.

Xem thêm: 12 điểm du lịch Phan Rang đưa bạn về miền nắng gió

Về Làng gốm Bàu Trúc khám phá nghệ thuật làm gốm không cần bàn xoay 2

Sản phẩm của Làng gốm Bàu Trúc khá đơn giản và mộc mạc, mang đậm tính cách hiền hòa của người dân tộc Chăm

Về Làng gốm Bàu Trúc khám phá nghệ thuật làm gốm không cần bàn xoay 3

Từng sản phẩm gốm được những người nghệ nhân ở đây nâng niu và gìn giữ như cách họ bảo tồn nền văn hóa dân tộc. Ảnh: Vinpearl

Về Làng gốm Bàu Trúc khám phá nghệ thuật làm gốm không cần bàn xoay 4

Những chiếc chum của làng Bàu Trúc được phơi nắng kỹ lưỡng để tạo ra những thànnh phẩm có chất lượng tốt

Tên gọi “Bàu Trúc” xuất phát từ hình ảnh cảnh quan thiên nhiên của làng. “Bàu” là một vùng nước đọng hay ao có diện tích khá rộng. Những ao nước này thường được hình thành tự nhiên mà không có tác động của yếu tố con người. Trong làng vốn có một ao nước khá to. Vào mùa mưa, nước trong ao khá nhiều. Xung quanh ao cũng có những bụi trúc mọc um tùm. Do đó, người dân mới lấy tên “Bàu Trúc” để đặt cho làng gốm này.

Cũng khá giống với các loại gốm khác, gốm Bàu Trúc thường được cấu thành bởi đất sét và cát mịn, vốn được lấy từ những ruộng lúa nằm bên bờ sông Quao. Dòng sông Quao cách làng gốm Bàu Trúc không quá xa, chỉ cần men theo con đường tỉnh lộ 703, bạn sẽ bắt gặp được con sông nà. Để lấy được lớp đất sét, người dân trong làng gốm phải đào sâu 3 lớp đất thịt bên trên mới thấy được một lớp đất sét thích hợp để làm gốm.

Sau khi được đào xới, đất sét được mang về để phơi khô. Sau đó, đất sét khô được đập vỡ ra và nhồi cùng với nước để tạo độ dẻo và kết dính. Sau khi được nhào nặn, nghệ nhân gốm sẽ trộn đất sét với cát mịn để tạo thành phiên bản hoàn chỉnh của nguyên liệu làm gốm. Tỷ lệ trộn của đất sét và cát mịn phụ thuộc vào kích thước và công dụng của sản phẩm mà nghệ nhân gốm muốn nhào nặn.

Trải qua bao nhiêu năm tháng, nghề gốm vẫn tượng trưng cho đất mẹ vốn yêu thương và vỗ về, nuôi sống con người qua bao thế hệ. Dù có đào xới và khai thác bao nhiêu, đất mẹ vẫn tiếp tục hình thành, nảy nở, cung cấp nguyên liệu cấu thành nên những mảnh gốm dùng cho sinh hoạt.

Về Làng gốm Bàu Trúc khám phá nghệ thuật làm gốm không cần bàn xoay 5

Trải qua bao nhiêu năm tháng, nghề gốm nuôi sống bao thế hệ tại đây. Ảnh: Nguyễn Thị Thúy Hằng

Điều làm nên sự khác biệt của nghệ thuật làm gốm ở làng Bàu Trúc chính là phong cách làm gốm không sử dụng đến thiết bị bàn xoay. Với bàn xoay, người nghệ nhân làm gốm ít phải di chuyển mà vẫn có thể tạo nên những sản phẩm gốm khá đều và đẹp. Nếu không sử dụng bàn xoay, người nghệ nhân làm gốm sẽ gặp khó khăn nhiều hơn trong khâu tạo hình gốm. Họ phải di chuyển quanh bàn làm gốm để tạo hình vào nhào nặn gốm theo hình thù mà người nghệ nhân mong muốn. Vì thế, người dân làng gốm Bàu Trúc thường hay gọi vui rằng đây là phong cách làm gốm “Tay quay, mông xoay”.

Sở dĩ gốm ở làng Bàu Trúc không thể sử dụng bàn xoay để chế tác được là vì đất sét ở nơi đây có kết cấu khá đặc biệt. Đất sét được đặt lên bàn xoay sẽ bị dính chặt, khó có thể xoay để tạo hình gốm. Do đó, để chế tác gốm Bàu Trúc, người dân làng phải sử dụng cách truyền thống là nặn bằng tay.

Những sản phẩm làm bằng gốm được nặng bằng tay vốn chất chứa nhiều công sức và sự tỉ mỉ của người dân làng Bàu Trúc. Việc làm gốm không sử dụng bàn xoay là một thử thách lớn đối với cả những những nghệ nhân lành nghề. Điều này đòi hỏi, người làm gốm phải có sự khéo léo, kiên trì, bền bỉ trong cả khâu chế tác lẫn trong việc gìn giữ văn hóa nghề gốm của dân tộc.

Về Làng gốm Bàu Trúc khám phá nghệ thuật làm gốm không cần bàn xoay 6

Gốm ở làng Bàu Trúc được nặn một cách thủ công, không sử dụng bàn xoay

Về Làng gốm Bàu Trúc khám phá nghệ thuật làm gốm không cần bàn xoay 7

Điều này đòi hỏi, người làm gốm phải có sự khéo léo, kiên trì, bền bỉ trong cả khâu chế tác lẫn trong việc gìn giữ văn hóa nghề gốm của dân tộc. Ảnh: Hoang Nhung

Về Làng gốm Bàu Trúc khám phá nghệ thuật làm gốm không cần bàn xoay 8

Du khách đến với làng gốm Bàu Trúc sẽ được tự tay trải nghiệm quá trình làm gốm độc đáo này. Ảnh: Nguyễn Ngọc Sơn

Hoa văn trên sản phẩm của làng gốm Bàu Trúc vốn là những hình ảnh dân dã, mang đậm nét đời thường, gần gũi. Từng vật dụng đơn giản như vòng tre, vỏ sò… được người làng sử dụng để tạo hoa văn trên các sản phẩm gốm. Những hoa văn này phảng phất nên tinh thần đơn giản nhưng đậm tính dân tộc và truyền thống của gốm.

Sản phẩm gốm sau khi được khắc họa hoa văn sẽ được xếp trong khu vực thoáng mát để sản phẩm có độ bền cao. Bạn chỉ có thể nhìn thấy màu gốm khi sản phẩm bắt đầu khô nước. Sau khi màu gốm dần hiện ra, sản phẩm sẽ được phơi dưới ánh nắng để khô hẳn rồi mới đem đi nung.

Về Làng gốm Bàu Trúc khám phá nghệ thuật làm gốm không cần bàn xoay 9

Hoa văn được khắc trên gốm là những hình ảnh đơn giản, đời thường

Khi tham quan Làng gốm Bàu Trúc, bạn sẽ không thể tìm thấy được những chiếc lò nung gốm. Ở làng Bàu Trúc, nghệ nhân không chọn những cách nung gốm truyền thống mà lại có cách nung riêng. Người làng hay gọi cách nung ấy là nung lộ thiên.

Để nung gốm, người nghệ nhân sẽ chất 1 lớp vỏ trấu bên ngoài một mảnh sân rộng để làm nền. Bên trên lớp vỏ trấu là một lớp củi được chất lên trên. Sau đó là một lớp sản phẩm gốm lớn nhỏ đủ loại được xếp đan xen và cuối cùng là một lớp rơm khô được phủ lên toàn bộ.

Sau khi được phủ đầy đủ các lớp, người làng sẽ bắt đầu đốt các lớp trong khoảng thời gian kéo dài khoảng 12 đến 14 tiếng và thường là nung qua đêm. Sau khoảng thời gian đốt, gốm sẽ được nung chín. Một nghệ nhân lành nghề sẽ đánh giá được sản phẩm gốm nào đã đạt độ chín hay không.

Sau khi gốm đã chín, gốm Bàu Trúc sẽ được tạo độ bóng bằng tinh chất vỏ hạt điều. Để tạo ra được tinh chất này, người nghệ nhân sẽ ngâm vỏ hạt điều vào trong nước ấm cho ra tinh chất, sau đó cho vào bình xịt và phun lên gốm khi chưa nguội hẳn. Sau khi được hoàn thành, gốm sẽ có màu đỏ của đất pha lẫn màu đen của khói và có độ bóng khá đẹp mắt.

Về Làng gốm Bàu Trúc khám phá nghệ thuật làm gốm không cần bàn xoay 10

Gốm ở làng Bàu Trúc sẽ được nung bên ngoài một mảnh sân rộng. Ảnh: Ngo Tuan Kiet

Về Làng gốm Bàu Trúc khám phá nghệ thuật làm gốm không cần bàn xoay 11

Một chiếc bình gốm sau khi vừa được nung trong "lò nung lộ thiên". Ảnh: Vietnamnet

Về Làng gốm Bàu Trúc khám phá nghệ thuật làm gốm không cần bàn xoay 12

Giữa dòng chảy vội vã của thời gian, Làng gốm Bàu Trúc vẫn ở đó và lưu giữ hồn gốm Chăm qua biết bao thế hệ. Ảnh: Tran Tam My

Sau bao nhiêu năm đô thị phát triển ồn ã và vội vã, Làng gốm Bàu Trúc vẫn ở đó và giữ nguyên những nét truyền thống trong phong cách làm gốm giữa dòng chảy thời gian. Bạn có thể kết hợp đến với làng gốm trong chuyến đi đến Mũi Dinh hoặc các địa điểm khác. Nếu một ngày muốn trở về với những nét đẹp truyền thống đậm nét Chăm, hãy dừng lại nơi đây và tận hưởng những không gian yên bình nhất của những người dân thổi hồn cho đất.