1 Wat Arun tráng lệ - Viên ngọc quý mà đất Thái may mắn sở hữu
Wat Arun tráng lệ còn được nhiều người biết đến một cái tên thơ mộng, lãng mạn hơn: chùa Bình Minh. Chùa nằm yên bình bên bờ Tây dòng Chao Phraya quanh năm nước chảy hiền hòa, biến không gian thủ đô thêm phần mềm mại, uyển chuyển.
Ngôi chùa Thái Lan này gây thương nhớ với vẻ đẹp tráng lệ, tái hiện rõ nét, chân thật kiến trúc Khmer cổ truyền, kết hợp cùng sành, sứ, thủy tinh Trung Hoa nên thêm phần lung linh khi ánh mặt trời soi chiếu. Sẽ chẳng quá lời khi nói rằng Wat Arun là minh chứng cho di sản văn hóa lâu đời, phong phú của đất Thái. Với tòa tháp được trang trí bằng sành, sứ, thủy tinh, những chi tiết này đã khắc họa rõ nét sự khéo léo, sáng tạo của người dân bản địa.
Wat Arun luôn đẹp, nhưng đẹp nhất vào thời điểm hoàng hôn dần buông xuống ôm trọn mảnh đất hiền hòa. Vào khoảnh khắc cuối ngày, khi những tia nắng vàng nỗ lực soi chiếu nhân gian, lúc này, ánh sáng phản chiếu lên sành, sứ thủy tinh vẽ nên màn chiêu đãi thị giác đầy ấn tượng.
Nằm giữa lòng thủ đô Bangkok sầm uất, Wat Arun là nơi các Phật tử lui tới chiêm bái, cầu nguyện, dâng hương, làm công đức. Là địa danh văn hóa có ý nghĩa về tâm linh, Wat Arun được xem là niềm tự hào của người Thái, kế thừa những tinh hoa trong kiến trúc, nghệ thuật bản địa.
2 Vị trí và những cách di chuyển đến Wat Arun
Nằm yên bình bên bờ Tây dòng Chao Phraya, Wat Arun tọa lạc giữa lòng thủ đô Bangkok, rất tiện cho mọi người ghé đến thưởng ngoạn, dâng hương, bái Phật.
Trong hành trình du lịch Thái Lan tự túc, nếu có ý định đến Wat Arun, bạn có thể lựa chọn đi bằng BTS, sau đó tiếp tục đi bằng tàu cao tốc và phà để đến chùa. Hoặc nếu không, bạn có thể đi taxi truyền thống hoặc đặt xe qua Grab để chủ động được giá cả.
Nếu muốn trải nghiệm song song hai phương tiện di chuyển tại Thái là BTS và phà, bạn có thể đi theo lộ trình như sau:
- Đi BTS tuyến Silom (Silom Line) để đến ga Saphan Taksin (Saphan Taksin Station, ký hiệu S6 trên bản đồ tuyến tàu)
- Xuống ga Saphan Taksin, sau đó đi ra hướng Exit 2
- Tại đây, bạn đi cầu thang bộ xuống và rẽ trái sẽ nhìn thấy bến tàu Sathorn (Sathorn Pier)
- Từ đây, bạn đi thẳng một đoạn sẽ nhìn thấy quầy bán vé tàu cao tốc Chao Phraya (Chao Phraya Express Boat)
- Bạn mua vé tàu cao tốc Chao Phraya (tàu cắm cờ màu cam). Giá vé mặc định của tàu là 15 bath/ người (~10.000 VND)
- Lộ trình từ bến Sathorn đến bến Tha Tien (Tha Tien Pier, ký hiệu N8 trên bản đồ) khoảng chừng 15 phút
- Đến bến Tha Tien, bạn đón phà qua sông là sẽ đến Wat Arun. Giá phà mặc định là 4 bath / người (~ 3.000 VND)
Địa chỉ: 158 Thanong Wang Doem, Wat Arun, Bangkok
Giờ mở cửa: 08:00 - 17:30
Giá vé vào cổng (cập nhật tháng 4.2023): 100 bath/ người
Lưu ý: Đây là mức giá cập nhật vào tháng 4.2023. Tùy vào dịp lễ, Tết hoặc cuối tuần sẽ có sự chênh lệch
3 Giai thoại xoay quanh quá trình xây dựng Wat Arun
Vào thời vương triều Ayutthaya của những năm đầu thế kỷ 17, vua Taksin trị vị Thonburi thời bấy giờ đã ra lệnh xây dựng một ngôi chùa trên mảnh đất này. Ban đầu, Wat Arun có tên Wat Makok, tức theo tên ngôi làng mà chùa được xây dựng.
Dưới thời vua Rama II, Wat Arun đã trải qua một lần đại trùng tu, đồng thời đổi tên thành Wat Chaeng theo tên của nhà vua. Thời ấy, Wat Arun không chỉ là một ngôi chùa linh thiêng mà còn trở thành điểm giao thương quan trọng, chứng kiến bao con thuyền tấp nập xuôi ngược dòng Chao Phraya mua bán, trao đổi hàng hóa.
Đến những năm đầu thế kỷ 19, vua Rama III đã cho xây dựng một tòa tháp trung tâm mới tại Wat Arun. Đây cũng là tòa tháp đại diện cho hình ảnh ngôi chùa đến tận ngày nay. Khác với những công trình khác, tòa tháp trung tâm được xây dựng theo kiến trúc Khmer nguyên thủy, trang trí với sành, sứ, thủy tinh nhiều màu sắc nhập từ Trung Quốc.
Trải qua bao thăng trầm, biến động, Wat Arun đã được nhiều lần trùng tu, cải tạo với điểm nhấn là một cuộc đại trùng tu quy mô vào thế kỷ 20. Đến năm 1980, Wat Arun vinh dự được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, biến nơi này trở thành địa danh quan trọng trong nền văn hóa và lịch sử Thái Lan.
Ngày nay, Wat Arun tiếp tục giữ vững danh hiệu là một trong những ngôi chùa Phật giáo quy mô lớn nhất Bangkok, thu hút nhiều người ghé đến chiêm bái, đặc biệt là vào khoảnh khắc hoàng hôn buông xuống mảnh đất hiền hòa này.
4 Wat Arun, biểu tượng của tinh hoa kiến trúc Thái Lan, Khmer và Trung Quốc
Wat Arun là sự tái hiện rõ nét, chân thật những tinh hoa chắt lọc từ ba nền văn hóa Thái Lan, Khmer và Trung Quốc, đặc biệt chú trọng vào kiến trúc Khmer cổ trong thời kỳ vương triều Ayutthaya.
Ngay từ khoảnh khắc đầu tiên đến đây, bạn chắc chắn sẽ ngỡ ngàng trước hình ảnh những ngọn tháp với đỉnh nhọn cao chót vót sừng sững đứng vững giữa nền trời xanh thẳm. Không dừng lại ở đó, Wat Arun còn sở hữu những bức tường đa sắc màu và hàng loạt bức tranh chạm khắc tinh xảo.
Điểm nổi bật nhất trong quần thể Wat Arun phải kể đến tòa tháp trung tâm, gọi là ‘Phra Prang’ cao 82 mét, được trang trí hoàn toàn bằng sứ, thủy tinh nhiều màu sắc. Khuôn viên chùa được chia làm hai sân chính với nhiều tượng thần canh gác, binh lính, tượng thần Indra cưỡi bạch tượng Erawan, còn gọi là thần Sấm sét, một vị thần tối cao theo tín ngưỡng Hindu giáo.
Tuy tên là chùa Bình Minh, thế nhưng Wat Arun lại đẹp nhất vào khoảnh khắc hoàng hôn buông xuống. Khi mặt trời lặn, nắng vàng cuối ngày chiếu tỏ lên những ngọn tháp, phản chiếu vào sành, sứ, thủy tinh thành đại tiệc màu sắc lung linh, ngoạn mục. Khi đêm về, chùa được thắp nến lung linh, biến bờ Tây dòng Chao Phraya thêm phần lãng mạn.
Có thể nói, Wat Arun là minh chứng chứng tỏ sự đặc sắc trong di sản văn hóa và nghệ thuật Thái Lan. Chính sự pha trộn hài hòa giữa nhiều nền văn hóa cùng nghệ thuật trang trí tài tình đã biến nơi đây trở thành điểm dừng chân hoàn hảo trong mắt mọi người tại đất Thái Lan.
5 Những công trình nổi bật trong quần thể Wat Arun
5.1 Tòa tháp trung tâm tại Wat Arun
Tòa tháp chính tại Wat Arun là một trong những địa danh mang tính biểu tượng của Thái Lan. Tháp cao 72 mét, được trang trí bằng phù điêu, đồ sứ và thủy tinh đa sắc màu. Tháp có đỉnh nhọn cao vút, lấy cảm hứng từ kiến trúc Khmer cũng như đền Angkor Wat tại Campuchia.
Phần chân tháp được trang trí với phù điêu, tái hiện những điển tích theo Phật giáo cũng như khắc họa rõ nét cuộc đời Đức Phật trong quá trình Ngài về cõi Niết Bàn. Trong khi đó, các tầng tháp được trang trí với gạch men và thủy tinh, sắp xếp theo phong cách Maverick không tuân theo bất kỳ nguyên tắc nào tạo cảm giác độc đáo.
5.2 Ubosot
Ubosot là công trình quan trọng nhất trong quần thể chùa, đây là nơi diễn ra các nghi thức trang trọng theo tín ngưỡng Phật giáo. Tòa Ubosot tại Wat Arun có thiết kế truyền thống với mái cong, trang trí bằng phù điêu chạm khắc gỗ và mạ vàng phức tạp. Dọc khắp không gian là những bức tranh tái hiện cuộc đời đức Phật.
Đây là nơi thờ tượng Phật Niramit với các món đồ có giá trị về mặt tâm linh, tín ngưỡng. Tượng Phật ngồi theo thế hàng phục Ma vương, tay phải đặt trên đầu gối phải, tay trái đặt trên đùi.
Từ khu vực Ubosot, bạn đi về phía sau thêm một đoạn sẽ nhìn thấy một bức tượng Phật dát vàng khác. Ngoài ra, trong khuôn viên Wat Arun còn có một khu vườn đầy ắp hoa thơm cỏ lạ giúp bạn có được phông nền chụp ảnh cực xinh.
6 Những điều cần lưu ý khi đến tham quan Wat Arun
- Nam giới nên mặc các trang phục lịch sự như sơ mi, quần dài
- Nữ giới nên mặc váy hoặc quần dài qua đầu gối, áo sơ mi. Không mặc váy, quần ngắn hoặc áo không tay, áo ba lỗ hoặc các trang phục xuyên thấu
- Sáng sớm hoặc 4h chiều là thời điểm lý tưởng để bạn ghé đến tham quan Wat Arun. Nếu đi vào buổi chiều, bạn sẽ được chiêm ngưỡng hoàng hôn buông xuống khi ngồi thuyền trên dòng Chao Phraya
- Không gây ồn ào, đùa giỡn, chạy nhảy trong khuôn viên chùa
- Không hút thuốc, vứt rác bừa bãi
Xem thêm: Chùa trắng Wat Rong Khun với dáng dấp đặc biệt giữa đất Thái
Wat Arun, ngôi chùa ngự bên bờ Tây dòng Chao Phraya là một trong điểm tham quan nổi tiếng tại Thái Lan mà MIA.vn tin rằng bạn không nên bỏ lỡ. Kiến trúc đa tầng thú vị cùng hệ thống tượng Phật quy mô cùng hàng ngàn mảnh sành, sứ, thủy tinh lung linh khi mặt trời soi chiếu là điều bạn có thể cảm nhận rõ nét nếu có dịp về với Wat Arun.