Cộng đồng Khmer có rất nhiều điệu múa mang đặc trưng dân tộc, gồm múa cung đình và múa dân gian. Các điệu múa cung đình đòi hỏi người thực hiện phải khổ luyện về hình thể, tay, chân cho đến từng nụ cười, ánh mắt. Đặc biệt, múa cung đình cần đảm bảo mực thước, thể hiện sự duyên dáng nhưng cũng không kém phần trang trọng. Còn múa dân gian thì ngược lại, các động tác sẽ rất thoải mái, vui tươi. Những vũ điệu dân gian phổ biến trong các lễ hội là múa Lâmthôn, Romvông, Saravan và Múa trống Sadăm (Chhayyăm).

Múa trống Sadăm (Chhayyăm) là vũ điệu quen thuộc nhất với người Khmer, có thể biểu diễn ở mọi nơi, từ sân khấu đến các lễ hội như Chôl Chnăm Thmây, Lễ hội Thác Côn, Lễ dâng y Kathina Sóc Trăng v.v. Đặc biệt, múa trống Sadăm không cần tập luyện trước, mọi người đều có thể cùng tham gia. Vì vậy, dù đã trải qua hàng trăm năm với rất nhiều biến động lịch sử, văn hóa, xã hội thì vũ điệu này vẫn gắn bó mật thiết với đời sống người Khmer tại Nam bộ.

Vũ điệu Múa trống Sadăm đặc sắc của đồng bào người Khmer Sóc Trăng 2

Múa trống Sadăm là nét văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer trong các lễ hội

Xem thêm: Trải nghiệm Lễ cúng Phước Biển Vĩnh Châu với những nghi lễ độc đáo

Để thể hiện những vũ điệu Sadăm thú vị, người Khmer thường dùng trống và chiêng để làm nhạc cụ đệm và đạo cụ múa. Trống Sadăm được bịt da một mặt, tang trống từ thân cây cau già đục rỗng ruột. Một màn biểu diễn Múa trống Sadăm thường dùng từ bốn đến sáu cái trống, hai cái cuôl (chiêng) cùng chul (chum chọe) và krap (gõ sênh). Để thể hiện được tinh thần của điệu múa, người biểu diễn phải có sức khỏe và sự dẻo dai, biết cách kết hợp khéo léo giữa hình thể và âm thanh.

Vũ điệu Múa trống Sadăm đặc sắc của đồng bào người Khmer Sóc Trăng 3

Những người tham gia biểu diễn sẽ đeo mặt nạ với nhiều hình thù độc đáo, vui nhộn

Do thể hiện tinh thần vui nhộn, hóm hỉnh nên Múa trống Sadăm thường được các bạn thanh thiếu niên Khmer yêu thích. Vào những dịp lễ hội ở Sóc Trăng, mọi người sẽ đeo mặt nạ gắn những chi tiết ngộ nghĩnh, nhiều màu sắc và lạ mắt. Nơi thích hợp để múa trồng là một cái sân rộng, mọi người đứng ở bốn góc. Khi bắt đầu tiết mục, tiếng trống và cồng đồng loạt vang lên dồn dập, liên hồi và rất nhịp nhàng, khiến mọi người không thể ngừng nhún nhảy.

Các động tác Múa trống Sadăm rất đa dạng, gồm cả đánh trống, múa trống, múa tay, múa đơn, múa đôi, múa ba, múa tư và cả vũ khúc múa tập thể. Động tác đánh trống khá đơn giản như dùng tay vỗ lên mặt trống hoặc dùng cùi chỏ, gót chân bất ngờ đánh vào trống của người khác. Những người chuyên nghiệp thì còn vừa đánh trống vừa pha trò như tung hứng, diễn xiếc, nằm trên mặt đất hay ấn tượng hơn là nâng trống Sadăm lên bằng miệng rất độc đáo. Theo kinh nghiệm khám phá Sóc Trăng, những động tác không bị gò bó bởi bất cứ quy chuẩn nào. Chính sự bất ngờ, vui nhộn còn cộng thêm mặt nạ hóa trang hài hước tạo nên một bầu không khí cực kỳ thoải mái. 

Ngoài ra, Múa trống Sadăm còn có thể kết hợp điêu luyện với màn biểu diễn của những chú khỉ Hanuman với các động tác vui nhộn như cười, lạy, gãi, nhảy, âu yếm. Vì thế, nếu có dịp được hưởng thức những vũ điệu Sadăm, bạn chắc chắn sẽ cảm thấy rất thích thú, hào hứng, sảng khoái, không thể ngừng cười trước các chiêu trò trêu chọc của những người biểu diễn.

Trên đây là đôi nét về những vũ điệu Múa trống Sadăm của người Khmer. Cẩm nang du lịch MIA.vn hi vọng bạn sẽ sớm có dịp trải nghiệm trực tiếp những vũ điệu độc đáo cùng không khí lễ hội tưng bừng của tộc người này nhé.