1Giới thiệu về Lễ cúng Phước Biển Vĩnh Châu
Theo thông tin từ các tài liệu lưu lại, Lễ cúng Phước Biển Vĩnh Châu hay còn có tên gọi khác là Chrôi Rum Chếk đã có lịch sử hơn 300 năm. Đây là lễ hội dân gian lớn nhất tại vùng Vĩnh Châu, gắn liền với tôn giáo của đồng bào Khmer. Lễ hội là dịp để người dân ghi nhớ công ơn của các bậc tiền nhân đã có công khai hoang lập địa, tạo nên vùng đất mới cho con người sinh sống. Đồng thời, lễ hội còn là lời tạ ơn đến trời đất, thánh thần cho chúng ta có được cuộc sống ấm no, tạ ơn biển cả tạo ra nhiều tôm cá, tạ ơn những bãi bồi phù sa trù phú, vun đắp nên những cánh đồng xanh mướt, trĩu nặng thóc lúa.
Những ngày tổ chức Lễ cúng Phước Biển Vĩnh Châu, hằng đêm những vị chư tăng và Phật tử sẽ cùng nhau làm lễ cầu an, cầu siêu với mong cho Quốc thái dân an, mưa gió thuận hòa, nhà nhà ấm no. Bên cạnh đó, lễ hội còn tạo điều kiện để người dân quây quần bên nhau, cùng vui chơi, cá múa, tận hưởng không khí lễ hội để từ đó càng thêm tự hào về văn hóa truyền thống của dân tộc. Phước Biển có nhiều nét tương đồng với Lễ hội Chôl Chnăm Thmây Sóc Trăng, đều thể hiện văn hóa truyền thống của cộng đồng Khmer.
Theo nhiều tài liệu còn lưu lại, Lễ cúng Phước Biển Vĩnh Châu ban đầu chỉ là một lễ hội mang tính tự phát, tổ chức với quy mô nhỏ. Người đầu tiên định hình và khởi xướng nên lễ hội là một nhà sư người Khmer tên là Ta Hu (còn gọi là cụ Hu). Khi đó, ông cho dựng một ngôi tháp nhỏ trên giồng cát, đến nay ngôi tháp vẫn còn được bảo tồn nguyên vẹn, rồi tổ chức lễ cúng để đồng bào Phật tử trong vùng đến thắp hương, thành tâm cúng bái.
Kế bên ngôi tháp này có một cây bồ đề rất to, tán cây rộng, cành lá xum xuê. Trong đạo Phật, cây bồ đề tượng trưng cho sự linh thiêng, luôn chở che và mang đến con người những điều tốt lành. Chính vì vậy, ông chọn ngày 14/2 âm lịch hay còn gọi là ngày pinh-bôr khe-phol-kun để lập đàn dưới gốc cây bồ đề, ban phước và cầu an cho người dân nơi đây.
Thời điểm này là lúc trời yên, biển lặng, đồng thời cũng là mùa ngư dân bội thu tôm cá nên rất thích hợp để cầu may mắn, bình an. Chính từ đó, lễ hội Chrôi Rum Chếk được hình thành và duy trì, trở thành nét văn hóa truyền thống với ý nghĩa nhân văn cao đẹp. Dần dần, lễ hội ở Sóc Trăng này đã không chỉ còn của riêng người Khmer mà được cả người Kinh và người Hoa ở xứ biển Vĩnh Châu đón nhận, cùng nhau tổ chức mong cầu những điều may mắn, bình an.
2Thời gian và địa điểm tổ chức Lễ cúng Phước Biển Vĩnh Châu
Lễ cúng Phước Biển Vĩnh Châu được tổ chức định kỳ vào ngày 14 và 15/2 âm lịch. Lễ hội diễn ra tại khóm Cà Lăng A Biển, phường 2, thành phố Sóc Trăng, thu hút rất đông khách thập phương đổ về để tham quan, hành lễ và trải nghiệm không khí tưng bừng, náo nhiệt.
Xem thêm: Những lễ hội Đình Sóc Trăng có ý nghĩa to lớn trong văn hóa truyền thống
3Những nghi thức độc đáo trong Lễ cúng Phước Biển Vĩnh Châu
Vì đã trải qua gần ba thế kỷ cùng với sự biến đổi của thời đại, các phong tục, nghi lễ trong Lễ cúng Phước Biển Vĩnh Châu đã mai một đi ít nhiều. Bên cạnh đó, những năm gần đây do ảnh hưởng dịch Covid nên cũng khiến công tác lễ hội bị hạn chế. Tuy nhiên về cơ bản, Chrôi Rum Chếk vẫn bao gồm hai phần chính là Lễ và Hội.
Phần Lễ được bắt đầu bằng những nghi thức linh thiêng và trang trọng để rước tượng Phật từ chùa Sêrey Kro Săng (thuộc địa phận phường 2, thị xã Vĩnh Châu) đến địa điểm hành lễ. Tham gia lễ hội còn có các đoàn xe, đội sadăm, dàn nhạc quy mô lớn để tạo nên không khí rộn ràng, sôi động, thể hiện những nét đặc sắc trong văn hóa của cộng đồng dân tộc Khmer. Khi tượng Phật được rước đến địa điểm hành lễ, các vị chư tăng cùng Phật tử sẽ cung kính thực hiện nghi lễ chào Phật kỳ. Tiếp theo, lễ hội tiếp tục với nghi thức cầu siêu để tưởng nhớ công ơn tổ tiên, tạ ơn trời đất và cầu mong tất cả những điều tốt lành sẽ đến với bà con dân làng.
Tại đây cũng sẽ dựng nên một chiếc rạp lớn, dài đến gần 20m để phục vụ các hoạt động lễ hội. Sau khi hoàn thành những nghi lễ cúng bái trang trọng, Lễ cúng Phước Biển Vĩnh Châu sẽ tiếp tục với rất nhiều trò chơi dân gian độc đáo, giàu tính truyền thống của cộng đồng dân tộc Khmer. Một số trò chơi thường được tổ chức trong lễ hội như đua bò kéo xe, đua ghe ngo trên cạn, đẩy xiệp, thi đua tưới rẫy, thi lượm củ hành v.v. Ngoài ra, lễ hội còn có sự tham gia biểu diễn góp vui của các đoàn văn nghệ địa phương với những điệu Múa trống Sadăm vui nhộn, hóm hỉnh và đầy màu sắc.
Trên đây là đôi nét độc đáo về Lễ cúng Phước Biển Vĩnh Châu mà cẩm nang du lịch MIA.vn muốn giới thiệu đến bạn. Với những ý nghĩa to lớn trong gìn giữ văn hóa và giá trị truyền thống lâu đời, đây sẽ là lễ hội mà bạn không nên bỏ lỡ trong hành trình khám phá văn hóa độc đáo của mảnh đất Sóc Trăng.