Lễ hội cúng Phước Biển còn được biết đến với tên gọi khác là Chrôium Check. Đây là lễ hội dân gian của đồng bào Khmer sinh sống tại thị xã Vĩnh Châu. Lễ hội mang ý nghĩa tạ ơn biển cả đã cho con người nguồn hải sản dồi dào, bên cạnh đó cầu nguyện ngư dân đi biển được bình an, may mắn, thu hoạch được nhiều cá tôm.

Lễ hội cúng Phước Biển được tổ chức vào ngày 14 và 15/2 âm lịch hàng năm. Trong xuyên suốt hai ngày hai đêm, lễ hội ở Sóc Trăng này sẽ được thực hiện với rất nhiều nghi lễ trang trọng. Đầu tiên sẽ là lễ rước tượng Phật từ chùa Cà Săng tới điểm làm lễ. Sau đó đến lễ cầu siêu được thực hiện theo nghi thức Phật giáo. Các vị sư sãi sẽ cúng tụng kinh để cầu quốc thái dân an, thỉnh pháp sư thuyết giáo cho bà con. Còn ở đêm thứ hai thì sẽ có thêm lễ an vị Phật.

Sau phần lễ sẽ là phần hội với các trò chơi dân gian đặc sắc như đua ghe Ngo trên cạn, đẩy xiệp, thi lượm củ hành, múa gà, múa khỉ cổ truyền, thi văn nghệ, đấu bóng đá, bóng chuyền, kéo co, thả diều v.v. Vì vậy, trải nghiệm lễ hội ở Sóc Trăng này sẽ mang đến cho bạn rất nhiều kỉ niệm đáng nhớ. 

Top 7 lễ hội ở Sóc Trăng cùng những nghi lễ ấn tượng, độc đáo 2

Phước Biển lễ hội ở Sóc Trăng rất tưng bừng, náo nhiệt

Tết Chôl-Chnăm-Thmây là một trong ba lễ hội quan trọng nhất trong đời sống tinh thần của người Khmer Nam Bộ. Đây là lễ hội mừng năm mới, đồng thời cũng là dịp tưởng nhớ ông bà tổ tiên và tạ ơn đức Phật đã che chở để một năm trôi qua yên ấm, suôn sẻ. 

Thông thường, lễ hội Chôl Chnăm Thmây Sóc Trăng được tổ chức theo lịch riêng của người Khmer, vào khoảng tháng 4 dương lịch. Tuy nhiên, ngày tổ chức không cố định mà sẽ thay đổi hàng năm theo các thiên văn bói toán ấn định.

Ngày thứ nhất trong lễ hội ở Sóc Trăng này sẽ để đón năm mới. Mọi người cùng nhau tắm gội, mặc quần áo đẹp, mang theo nhang đèn, hoa quả để đến chùa làm lễ rước. Lễ hội mang ý nghĩa chào đón năm mới, tiễn hết những điều xấu xa của năm cũ. Ngày thứ hai là tới Wonboat, là lễ dâng cơm và đắp núi. Các gia đình sẽ tự làm cơm để dâng lên các vị sư sãi ở chùa vào buổi sáng và trưa. Còn buổi chiều, họ cùng nhau đắp núi để cầu duyên. Tục lệ này nhằm biểu lộ ước vọng cầu mưa gió thuận hòa cho hoạt động nông nghiệp. 

Ngày thứ ba là Lơng Săk, người dân sẽ là lễ tắm tượng Phật và tắm sư. Lễ hội mang ý nghĩa biết ơn đức Phật, chuẩn bị bước sang một năm mới với thật nhiều điều may mắn

Top 7 lễ hội ở Sóc Trăng cùng những nghi lễ ấn tượng, độc đáo 3

Lễ hội Chôl Chnăm Thmây được tổ chức trong các chùa cổ của người Khmer

Tiếp theo trong danh sách lễ hội ở Sóc Trăng của người Khmer sẽ là Thác Côn. Lễ hội này còn có tên gọi khác là lễ Cúng Dừa vì họ sẽ dùng bình bông bằng trái dừa để dâng cúng lên thần linh. Lễ hội diễn ra tại ấp An Trạch, xã An Hiệp, huyện Châu Thành vào ngày 15/3 âm lịch hàng năm.

Lễ hội này mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đồng thời thể hiện nét độc đáo riêng của văn hóa người Khmer tại Sóc Trăng. Lễ vật dùng loại trái cây bản địa, tượng trưng cho tấm lòng của người dân nơi đây. Lễ hội nhắc nhở con cháu tưởng nhớ về cội nguồn, ông bà tổ tiên để sống chan hòa, luôn luôn nỗ lực làm việc để có cuộc sống ấm no. Đến nay, lễ hội Thác Côn có tuổi đời gần trăm năm nhưng vẫn được giữ gìn và bảo tồn nguyên vẹn.

Top 7 lễ hội ở Sóc Trăng cùng những nghi lễ ấn tượng, độc đáo 4

Người dân đến dâng hương kính lễ trong lễ hội Thác Côn

Lễ Dâng Bông còn gọi là Lễ dâng y Kathina Sóc Trăng hay Lễ Dâng y cà sa. Lễ hội được tổ chức vào ngày 15/9 đến ngày 15/10 âm lịch. Đây là lễ hội mang đậm nét văn hóa truyền thống của người dân Khmer tại Nam Bộ nói chung và Sóc Trăng nói riêng. Lễ hội này có ý nghĩa cầu nguyện cho làng bản yên ấm, gia đình bình an, công việc thuận lợi xuôi chèo mát mái.

Ngày lễ thứ nhất, người dân sẽ mang theo nhang đèn, tiền bạc, trái cây, hoa và áo cà sa đến chùa để dâng lên Đức Phật. Sau đó, họ dâng áo cà sa để các vị sư sãi thuyết pháp, hồi hướng công đức cho mình và gia đình. Tới tối, người dân sẽ cùng nhau tổ chức vui chơi, múa lâm thol, ròm vong v.v. Đến ngày thứ hai là thời gian tiến hành lễ dâng bông, dâng y cà sa, lắng nghe các vị sư trì tụng kinh để thanh lọc tâm hồn.

Top 7 lễ hội ở Sóc Trăng cùng những nghi lễ ấn tượng, độc đáo 5

Người Khmer chuẩn bị trang phục thật đẹp để đón Lễ dâng y Kathina

Lễ Ooc-om-boc còn có tên gọi khác là Lễ Cúng Trăng hay Lễ Bon sâm peah preah khe. Lễ hội này được đồng bào Khmer tổ chức vào ngày Rằm Khe Ka-đâk (tức 15 tháng 10 âm lịch). Đây là dịp để họ tạ ơn Thần Mặt Trăng đã giúp quản lý mùa màng, giúp cây lúa tốt tươi, thóc về đầy bồ. Theo tương truyền, lễ hội ở Sóc Trăng này đã có từ rất lâu rồi, kể từ khi người Khmer biết trồng lúa nước.

Lễ vật dâng lên trong Lễ hội Ok Om Bok Sóc Trăng là những nông sản vừa được thu hoạch được trong mùa vụ, đặc biệt không thể thiếu cốm dẹp. Mâm cúng được bày giữa trời đất khi trăng vừa lên. Sau khi khấn cầu, những đứa trẻ sẽ được gọi lên để ăn cốm dẹp và gửi lời ước muốn đến mặt trăng. Sau khi nghi lễ kết thúc, mọi người sẽ cùng nhau quây quần ăn bánh, ăn cốm dẹp và vui vẻ chuyện trò.

Top 7 lễ hội ở Sóc Trăng cùng những nghi lễ ấn tượng, độc đáo 6

Các gia đình chuẩn bị đồ lễ để mang lên chùa

Ngày hội Sông nước Miệt vườn được tổ chức vào ngày mùng 4 và 5/5 âm lịch tại cồn Mỹ Phước, huyện Kế Sách. Lễ hội này nhằm tôn vinh các loại trái cây đặc sản của vùng đất sông nước, tôn vinh sức lao động của người nông dân.

Tại lễ hội, người dân sẽ cũng bày ra những loại trái cây đặc sản ngon nức tiếng để giới thiệu đến bạn bè gần xa như cam sành Ba Trinh, mít nghệ An Mỹ, bưởi da xanh Kế An, bưởi năm roi Kế Thành, măng cụt An Lạc Tây v.v. Bên cạnh đó, lễ hội còn tổ chức nhiều hoạt động để chào đón thương nhân, nhà vườn đến từ những địa phương khác, cùng nhau học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm. Trong khuôn khổ lễ hội ở Sóc Trăng này sẽ tổ chức hội thi ẩm thực sông, đua thuyền rồng, liên hoan đờn ca tài tử, các trò chơi dân gian v.v.

Top 7 lễ hội ở Sóc Trăng cùng những nghi lễ ấn tượng, độc đáo 7

Những loại sản vật của Sóc Trăng được bày bán trong ngày hội Sông nước Miệt vườn

Xem thêm: Lễ hội Thác Côn, nét đẹp văn hóa của đồng bào Khmer Sóc Trăng

Cuối cùng trong danh sách lễ hội ở Sóc Trăng là Nghinh Ông. Lễ hội diễn ra vào ngày 21/3 âm lịch tại vùng biển Kinh Ba thuộc địa phận huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Theo quan niệm của người dân tại đây, Cá Ông là vị thần luôn che chở và giúp ngư dân bình an để đánh bắt trên biển. Nếu ra khơi gặp gió bão thì chỉ cần thành tâm cầu khấn Cá Ông, ngư dân sẽ được phù hộ để về bờ an toàn. Vì vậy, khi Cá Ông trôi dạt vào bờ, ngư dân tại đây đã vớt lên chôn cất, lập đền thờ phụng. Hiện nay, Lăng Ông Kinh Ba đang lưu giữ và trưng bày hai bộ hài cốt của hai Cá Ông lớn và nhỏ. Vì thế, lễ hội Nghinh Ông được tổ chức hàng năm để thể hiện lòng thành kính của ngư dân tại đây, hi vọng sẽ được Cá Ông che chở, bảo vệ.

Top 7 lễ hội ở Sóc Trăng cùng những nghi lễ ấn tượng, độc đáo 8

Không khí lễ hội rất tưng bừng với nhiều tiết mục biểu diễn ấn tượng

Trên đây là danh sách những lễ hội ở Sóc Trăng mà cẩm nang du lịch MIA.vn muốn giới thiệu đến bạn. Nếu có dịp tham quan mảnh đất Tây Nam Bộ này, hi vọng bạn sẽ được trải nghiệm những nghi lễ độc đáo trong các lễ hội truyền thống này nhé.